Kính thưa quý vị đại biểu!
Lời đầu tiên cho phép tôi được thay mặt đội thi gửi tới các đồng chí Lãnh đạo, các vị khách quý, Ban Giám khảo cùng toàn thể quý vị đại biểu lời chào trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất. Để bày tỏ những suy nghĩ, tình cảm, lòng kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi xin phép được trình bày nội dung: “Xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên, công chức trong ngành Kiểm sát tận tụy, làm gương, gần dân, liêm khiết”.
Kính thưa các đồng chí!
Trong hương sen thơm dịu mát của tháng 5, trong những ngày, tháng lịch sử này trong lòng mỗi chúng ta lại dâng lên niềm thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu – vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại.
Chúng tôi những người trẻ tuổi được sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc, lớn lên trong thời kỳ hòa bình. Mọi khó khăn, gian khổ của thời chiến chỉ được biết qua sách, báo, tài liệu và câu chuyện của những chứng nhân lịch sử. Dù vậy, chúng tôi vẫn luôn luôn trân trọng, tưởng nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã qua 127 mùa xuân nhưng cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp cách mạng vĩ đại, tấm gương đạo đức sáng ngời của Người đối với đất nước, nhân dân mãi mãi là nguồn động lực tinh thần vô cùng to lớn cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng phát triển tươi đẹp, vững mạnh.
Là cán bộ, kiểm sát viên ngành kiểm sát nhân dân, hẳn ai trong chúng ta cũng thuộc lòng mười chữ vàng mà Bác Hồ dành tặng Ngành kiểm sát, đó là: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đây là “kim chỉ nam”, là mục đích mà người cán bộ kiểm sát phải tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu suốt cuộc đời. Để xây dựng được hình ảnh cán bộ, Kiểm sát viên tận tụy, làm gương, gần dân và liêm khiết thì không thể không thực hiện theo lời dạy này của Bác.
Trước hết Bác đòi hỏi cán bộ kiểm sát phải công minh, chính trực nghĩa là phải luôn công bằng ngay thẳng và sáng suốt trong công việc. Cái tâm của người cán bộ Kiểm sát có trong sáng thì xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp phải luôn theo theo đúng quy định pháp luật, theo lẽ phải, không thiên vị.. Trong công việc của mình phải có bản lĩnh, không mờ ám, hết lòng tận tụy, tôn trọng công việc của bản thân.
Đức tính “công minh, chính trực” là hai nội dung Bác đặt lên hàng đầu, gắn liền với nhau thể hiện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và lương tâm trách nhiệm của người cán bộ Kiểm sát.
Dẫu biết rằng cuộc sống và đôi khi là công việc còn có khó khăn, thử thách nhưng mỗi cán bộ Kiểm sát cần có ý chí rèn luyện, cầu tiến, luôn luôn phấn đấu trong công việc, không ngại khó, ngại khổ. Bác Hồ là tấm gương tiêu biểu nhất cho tinh thần tự rèn luyện, học tập không ngừng. Càng khó khăn, thử thách bao nhiêu càng nêu cao ý chí tự luyện rèn, vượt khó bấy nhiêu, quyết giữ vững sự công minh, chính trực, liêm khiết bởi như Bác nói:
“Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện, tinh thần thêm hăng”.
Về tác phong và phương pháp làm việc, Bác yêu cầu người cán bộ Kiểm sát cần phải khách quan, thận trọng.
Biểu hiện của tính khách quan là khi giải quyết công việc phải luôn xuất phát từ thực tế, dựa theo nguyên tắc suy đoán vô tội, không suy diễn, xuyên tạc, không nhận định đánh giá sự việc một cách chủ quan, phiến diện.
Tính thận trọng là khi xem xét một sự việc, một con người phải nhìn nhận toàn diện, không tùy tiện, vội vàng mà phải suy tính, cân nhắc thật cẩn thận, kỹ lưỡng để tránh sai sót. Tính thận trọng cũng chính là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật của người cán bộ Kiểm sát.
Như chúng ta đã biết, thời gian gần đây, một số vụ án oan sai lớn được phát hiện, trả lại tự do, công bằng cho những người vô tội. Tuy nhiên, điều này cũng gây nhiều bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của ngành tư pháp nói chung và ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng.
Năm 1942, trong tập Nhật ký trong tù Bác viết:
“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại,
Cổ nhân chi thoại bất sai ngoa!”
Thực vậy, việc bị ngồi tù (oan sai) không chỉ là vấn đề về thời gian, về những con số mà lớn hơn là danh dự, nhân phẩm, tương lai, số phận của không chỉ một con người mà còn rất nhiều người thân của họ. Bởi vậy, mỗi cán bộ, kiểm sát viên của ngành Kiểm sát phải cố gắng, phấn đấu thực hiện thật tốt 10 chữ vàng Bác dành tặng ngành tránh tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm… Với mỗi hồ sơ vụ án hình sự, đó không chỉ đơn thuần là những tờ giấy vô tri, những trình tự thủ tục cứng nhắc mà đó là số phận (ít nhất là) của một con người. Đặc biệt, khi đã mắc phải sai lầm do thiếu thận trọng thì nỗi lo ở đây không phải lo sợ bị khiển trách, kỷ luật…mà đầu tiên phải lo lắng, trăn trở với chính bản thân, tự nhận thấy lỗi lầm của mình với những số phận ấy, nhận ra và khắc phục được những khuyết điểm, thiếu sót, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hai chữ “Khiêm tốn” mặc dù được đặt cuối cùng nhưng theo tôi đây phải là hai chữ được viết hoa, in đậm (rất quan trọng). Bởi lẽ, khiêm tốn là thể hiện đúng mức, không tự cao, tự đại, không quan liêu, cửa quyền. Hơn nữa, một người biết khiêm tốn chắc chắn sẽ là người luôn có ý thức, thái độ đúng mực, luôn biết tự phấn đấu, học tập để hoàn thiện bản thân, phát huy khả năng của mình.
Những đức tính của người cán bộ Kiểm sát mà Bác Hồ dạy chúng ta có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo thành một thể thống nhất, đó cũng chính là “đạo đức cách mạng” của người cán bộ Kiểm sát.
Hiện nay, trước thực trạng và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Đảng ta đã triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Ban chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Thành ủy Đà Nẵng cũng ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU “5 xây, 3 chống” và Đề án Thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.
Ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc này, Chi bộ đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương Chỉ thị của Thành ủy Đà Nẵng. Qua đó, xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên và lâu dài. Chi bộ yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải là những người tiên phong, gương mẫu, gần dân, liêm khiết và tận tụy với công việc.
Ngoài ra, Chi bộ còn cụ thể hóa bằng những việc làm, hành động cụ thể như: Mỗi cán bộ, đảng viên phải đăng ký những việc làm gắn với nhiệm vụ được giao và đề ra các giải pháp để từ đó quyết tâm thực hiện; Thường xuyên tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm để toàn thể cán bộ, đảng viên trong đơn vị tham dự nhằm nâng cao trình độ chuyên môn; Hàng tháng, trong các cuộc họp, Chi bộ đều đưa nội dung việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào sinh hoạt.
Kính thưa các đồng chí!
Thực hiện lời Bác dạy, gần 60 năm qua, các thế hệ cán bộ kiểm sát đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành trọng trách mà Ðảng và nhân dân giao phó. Nhiều tập thể và cá nhân được nêu gương điển hình tiên tiến, vinh dự được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Bằng khen và Huân chương cao quý. Nhiều cán bộ, kiểm sát viên đã trở thành tấm gương sáng cả về chuyên môn nghiệp vụ cũng như đạo đức, tác phong cho các thế hệ sau học tập, noi theo.
Trước khi kết thúc phần thi của mình, xin được phép trích dẫn một nhận định về chủ tịch Hồ Chí Minh của bạn bè quốc tế (Giám đốc UNESCO): Chỉ có rất ít nhân vật trong lịch sử trở thành một huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một huyền thoại. Người được ghi nhớ không chỉ là người phải phóng cho tổ quốc và nhân dân đô hộ mà còn là một nhà hiền triết mang lại viễn cảnh, hi vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bình đẳng khỏi châu lục này, thế giới này.
Xin chân thành cảm ơn các đồng chí đã lắng nghe. Xin cảm ơn ban tổ chức đã phát động cuộc thi bổ ích và ý nghĩa này.
Chúc hội thi thành công tốt đẹp, chúc các đội thi hoàn thành tốt phần thi của mình. Xin cảm ơn!