Phân biệt chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt

phan-biet-chuan-bi-pham-toi-va-pham-toi-chua-dat

Các giai đoạn thực hiện tội phạm là các bước trong quá trình thực hiện tội phạm cố ý, phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Luật Hình sự nước ta quy định trách nhiệm hình sự không chỉ đối với những tội phạm hoàn thành, mà còn đối với những tội phạm bị dừng lại ở các giai đoạn chưa hoàn thành. Bởi, thực tế chỉ ra rằng, có không ít trường hợp người phạm tội không thể thực hiện được đầy đủ mong muốn phạm tội của mình hay không thể thực hiện tội phạm đến cùng do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người đó. Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ giúp các bạn phân biệt Chuẩn bị phạm tội và Phạm tội chưa đạt.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

1. Chuẩn bị phạm tội

Căn cứ theo khoản 1 Điều 14 Bộ luật hình sự năm 2015 định nghĩa về thuật ngữ chuẩn bị phạm tội như sau:

Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.”

Theo đó, chuẩn bị phạm tội có thể được nhận biết dưới các dấu hiệu sau:

1.1. Dấu hiệu của chuẩn bị phạm tội

Dấu hiệu 1: Người chuẩn bị đã bắt đầu thực hiện ý định phạm tội bằng hành vi tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm (tức hành vi tạo tiền đề cần thiết để thực hiện hành vi phạm tội).

– Tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện phạm tội.

– Tạo ra những điều kiện cần thiết khác để thực hiện tội phạm: nhóm hành vi này bao gồm tất cả các hành vi tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần giúp cho việc thực hiện hành vi phạm tội có thể xảy ra hoặc xảy ra được thuận lợi, dễ dàng hơn.

– Thành lập, tham gia nhóm tội phạm: Nhóm hành vi này bao gồm những hành vi cần thiết cho sự hình thành nhóm tội phạm có mục đích thực hiện tội phạm cụ thể.

Trừ trường hợp quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong ba trường hợp này, trong cấu thành tội phạm cơ bản của những điều khoản trên đã mô tả hành vi khách quan là chính hành vi “thành lập, tham gia…” tức tội phạm đã hoàn thành.

Dấu hiệu 2: Người chuẩn bị chưa bắt tay vào thực hiện hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm: Có thể nói giai đoạn chuẩn bị phạm tội là giai đoạn trung gian giữa ý định phạm tội với việc thực hiện các hành vi khách quan.

Dấu hiệu 3: Bị dừng lại do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn: Người phạm tội vẫn mong muốn thực hiện tội phạm nhưng họ không thể thực hiện được mặc dù đã chuẩn bị xong vì gặp những trở ngại khách quan.

1.2. Trách nhiệm hình sự của chuẩn bị phạm tội

Căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015:

Điều 14. Chuẩn bị phạm tội

“2. Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Theo đó, người chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại một trong 25 điều nêu tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội được quy định về Tội Giết người (Điều 123) và Tội Cướp tài sản (Điều 168) thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, việc quyết định hình phạt về hành vi chuẩn bị phạm tôi còn được quyết định dựa trên từng tính chất, mức độ nguy hiểm mà hành vi đó gây ra. Điều này được quy định cụ thể tại Điều 57 Bộ luật hình sự năm 2015, như sau: 

“1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể.”

2. Phạm tội chưa đạt

Điều 15 Bộ luật hình sự năm 2015 định nghĩa về thuật ngữ “phạm tội chưa đạt” như sau:

“Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.”

Theo đó, việc cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội được coi là phạm tội chưa đạt.

Ở giai đoạn này người phạm tội sử dụng những điều kiện thuận lợi cần thiết đã chuẩn bị để thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm nhưng họ không thực hiện được đến cùng do những nguyên nhân khách quan của họ ngăn cản.

2.1. Dấu hiệu phạm tội chưa đạt

Dấu hiệu 1: Người phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm: người phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm, thể hiện ở việc người phạm tội đã thực hiện những hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm của một tội được quy định tại điều luật cụ thể Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự năm 2015.

Dấu hiệu 2: Người phạm tội không thực hiện được tội phạm đến cùng: hành vi phạm tội mà người phạm tội thực hiện đã không thỏa mãn hết các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Dấu hiệu “chưa thực hiện được tội phạm đến cùng”  là dấu hiệu giúp phân biệt giữa tội phạm chưa đạt với tội phạm hoàn thành.

Dấu hiệu 3: Người phạm tội không thực hiện được đến cùng do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn người phạm tội. Chẳng hạn, do người khác kịp thời can thiệp, do sai lầm của người phạm tội trong việc đánh giá đối tượng tác động, công cụ, phương tiện,… nên hành vi không gây ra được kết quả như chủ thể mong muốn.

2.2. Trách nhiệm hình sự của phạm tội chưa đạt

“Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt” theo Điều 15 Bộ luật hình sự năm 2015 khi có đủ những dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Bên cạnh đó, Điều 57 Bộ luật hình sự năm 2015 thể hiện rõ ràng và cụ thể mức độ chịu trách nhiệm hình sự của trường hợp phạm tội chưa đạt. 

Điều 57. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt

“1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”.

2.3. Phân loại phạm tội chưa đạt

Phạm tội chưa đạt được phân loại dựa trên hai căn cứ sau:

Thứ nhất, Căn cứ vào thái độ tâm lý của người phạm tội chưa đạt đối với hành vi mà người đó thực hiện, phạm tội chưa đạt bao gồm: Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.

Thứ hai, Căn cứ vào nguyên nhân khách quan đặc biệt ngoài ý muốn của người phạm tội dẫn đến việc chưa đạt, phạm tội chưa đạt bao gồm: phạm tội chưa đạt vô hiệu và phạm tội chưa đạt thông thường.

3. Phân biệt chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt

3.1. Giống nhau
  • Đều là các bước trong quá trình thực hiện tội phạm cố ý phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội;
  • Đều được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý trực tiếp;
  • Hành vi của chủ thể chưa thỏa mãn các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn, không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể thực hiện hành vi.
3.2. Khác nhau
Tiêu chí Chuẩn bị phạm tội Phạm tội chưa đạt

Căn cứ pháp lý

Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015 Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 2015

Khái niệm

Là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm.

Trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), điểm a khoản 2 Điều 113 (Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân) hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 (Tội khủng bố) của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

 

 

 

 

 

 

 

Hành vi

Người phạm tội chưa bắt tay vào việc thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm (tức chưa xâm phạm đến các quan hệ xã hội được Luật hình sự xác lập và bảo vệ), mà mới chỉ thực hiện những hành vi tạo ra các điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm về sau được nhanh chóng.

 

Người phạm tội đã bắt tay vào việc thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong cấu thành tội phạm tương ứng (các quan hệ xã hội được Luật Hình sự xác lập và bảo vệ đã bắt đầu bị xâm hại hoặc đã bị trực tiếp xâm hại).

 

 

 

Hậu quả của tội phạm

Hậu quả chưa xảy ra Hậu quả có thể đã hoặc chưa xảy ra

Trách nhiệm hình sự

Người chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội sau:

Điều 108 (Tội phản bội Tổ quốc), 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), 110 ( Tội gián điệp), 111 (Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ), 112 (Tội bạo loạn), 113 (Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân), 114 (Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), 115 (Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội), 116 ( Tội phá hoại chính sách đoàn kết), 117 (Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), 118 (Tội phá rối an ninh), 119 (Tội chống phá cơ sở giam giữ), 120 (Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân), 121 (Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân), 123 (Tội giết người), 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác ), 168 (Tội cướp tài sản), 169 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 207 (Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả), 299 (Tội khủng bố), 300 (Tội tài trợ khủng bố), 301 (Tội bắt cóc con tin), 302 ( Tội cướp biển), 303 (Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia) và 324 (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự) của Bộ luật Hình sự thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ví dụ

Vì có mâu thuẫn, A có ý định đầu độc giết B. A đã lên các kế hoạch đi mua độc, bỏ thuốc vào nước cho B uống ra sao, tạo bằng chứng ngoại phạm thế nào… Sau đó A hẹn đến nhà B để nói chuyện. Tuy nhiên trên đường đi, A bị tai nạn giao thông nên không thể thực hiện được hành vi của mình. Người phạm tội hiếp dâm mới thực hiện được hành vi dùng vũ lực nhưng chưa thực hiện được hành vi giao cấu thì bị bố mẹ nạn nhân phát hiện và bắt giữ

 

 

Như vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, đặt ra yêu cầu phải bảo vệ các quan hệ xã hội mà Luật hình sự bảo vệ trong tất cả các thời điểm khác nhau. Việc xác định từng giai đoạn phạm tội để có đường lối xử lý, giải quyết nhanh chóng, chính xác; thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự có căn cứ, đúng pháp luật.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến phân biệt chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 1900 6568 để được hỗ trợ và tư vấn. 

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon