Tòa tuyên bố mất tích và yêu cầu ly hôn

toa-tuyen-bo-mat-tich-va-yeu-cau-ly-hon

Mỗi quốc gia có quan điểm riêng về ly hôn, do vậy cũng có những quy định khác nhau về căn cứ ly hôn. Trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, các căn cứ ly hôn nói chung và căn cứ ly hôn khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 mang tính chất kế thừa nhưng có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với thời đại.

Hiện nay, cùng với xu thế phát triển của xã hội, số lượng các vụ án ly hôn do một bên vợ, chồng yêu cầu có xu hướng gia tăng với tính chất phức tạp trong việc xác định căn cứ ly hôn có thể gây nhiều khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc giải quyết. Một số trường hợp phức tạp, một bên vợ hoặc chồng đã bỏ đi khỏi địa phương, có căn cứ cho rằng người đó đã mất tích, tòa án sẽ yêu cầu đương sự làm thủ tục yêu cầu tuyên bố mất tích trước khi giải quyết việc ly hôn. Cùng luật Dương Gia tìm hiểu nội dung này trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;

1. Vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn

Tuyên bố một người mất tích là một sự kiện pháp lý nhằm xác định một người cụ thể “hoàn toàn không rõ tung tích, cũng không rõ còn sống hay đã chết”. Khi vợ hoặc chồng của người bị Toà án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn, Toà án không cần xem xét tình trạng mối quan hệ vợ chồng mà chỉ căn cứ vào tuyên bố này.

Theo đó, trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Cần xác định rõ, quyết định của Toà án tuyên bố một bên vợ, chồng mất tích không đương nhiên làm chấm dứt quan hệ hôn nhân nhưng là căn cứ để toà án giải quyết ly hôn.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

2. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”.

Theo đó, khi vợ hoặc chồng biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của những người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn 02 năm này được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng của người vợ, chồng của người đó.

Trước đây, theo hướng tẫn tại điểm b Mục 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ – HĐTP thì thực tiễn xét xử có thể xảy ra hai trường hợp:

  • Người vợ hoặc người chồng đồng thời yêu cầu Toà án tuyên bố người chồng hoặc người vợ của mình mất tích và yêu cầu Toà án giải quyết cho ly hôn. Trong trường hợp này nếu Toà án tuyên bố người đó mất tích thì giải quyết cho ly hôn; nếu Toà án thấy chưa đủ điều kiện tuyên bố người đó mất tích thì bác các yêu cầu của người vợ hoặc người chồng.
  • Người vợ hoặc người chồng đã bị Toà án tuyên bố mất tích theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan. Sau khi bản án của Toà án tuyên bố người vợ hoặc người chồng mất tích đã có hiệu lực pháp luật thì người chồng hoặc người vợ của người đó có yêu cầu xin ly hôn với người đó. Trong trường hợp này Toà án giải quyết cho ly hôn.

Việc quy định căn cứ ly hôn này là xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích của vợ, chồng đảm bảo cả lợi ích của người có quyền và lợi ích liên quan. Việc quy định này là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế khách quan trong quan hệ giữa vợ và chồng. Bởi khi một bên vợ, chồng bị Toà án tuyên bố mất tích đồng nghĩa với việc họ đã vắng mặt quá lâu trong cuộc sống của người chồng, vợ.

Việc vắng mặt này cho thấy họ không cùng gánh vác, xây dựng và chăm lo đời sống chung của vợ chồng cũng như thực hiện các quyền, nghĩa vụ của vợ chồng trong một khoảng thời gian quá dài. Quan hệ vợ chồng lúc này chỉ còn mang tính hình thức.

2. Thực tiễn về việc tuyên bố mất tích trước khi yêu cầu ly hôn

Trên thực tế, do tính chất rõ ràng của căn cứ này nên các Toà án áp dụng và giải quyết những trường hợp ly hôn do yêu cầu của vợ, chồng khi chồng, vợ của họ bị Toà án tuyên bố mất tích là khá dễ dàng. Có thể minh chứng qua ví dụ sau đây:

Anh Trịnh Văn V và chị Nguyễn Thị N kết hôn trên cơ sở tự nguyện, đủ các điều kiện kết hôn từ ngày 02/4/2003. Sau khi cưới, vợ chồng anh chị về sống với gia đình anh V tại tổ dân phố Tiền Giang, phường Thạch Quý, thành phố H. Hai vợ chồng anh chị làm nghề lao động tự do. Cuộc sống của họ bình thường được một thời gian ngắn thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân là do vợ chồng tính tình không hoà hợp, thường xuyên cãi cọ, xúc phạm nhau và đặc biệt là chị N sống  thiếu trách nhiệm với gia đình.

Từ khoảng tháng 8/2006, chị N đã bỏ nhà ra đi. Từ đó đến nay, chị N không liên lạc về với anh V, người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm. Không ai biết chị N đang ở đâu, làm gì. Anh V đã về quê của chị N, hỏi thăm gia đình vợ, bạn bè và thông báo tìm kiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không có kết quả. Anh V đã yêu cầu Toà án nhân dân thành phố HT tuyên bố chị N mất tích. Trên cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành, Toà án thành phố HT đã ra Quyết định số 02/2019/QĐST – DS ngày 19/8/2019 tuyên bố chị N mất tích.

Sau khi có quyết định tuyên bố mất tích của Toà án, gia đình anh V cũng không nhận được tin tức gì của chị N. Do cảm thấy tình cảm vợ chồng đã không còn, anh V yêu cầu Toà án được ly hôn với chị N và Toà án đã thụ lý theo Quyết định số 150/2019/TTST – HNGĐ ngày 02/10/2019.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ đã được thẩm tra và kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu ly hôn của anh V với chị N; giao cho anh V được trực tiếp chăm sóc, giáo dục con chung và chị N không cần cấp dưỡng cho con.

Việc Toà án nhân dân thành phố HT chấp nhận yêu cầu ly hôn của anh V sau khi đã có tuyên bố của Toà án về việc chị N mất tích là hoàn toàn hợp lý. Việc chị N biệt tích 14 năm liền không có tin tức gì làm cho cuộc sống hôn nhân trên thực tế đã không đạt được. Việc giải quyết ly hôn trong trường hợp này và những trường hợp khác tương tự nhằm bảo đảm quyền và lợi ích cho người chồng hoặc vợ của họ về các lợi ích nhân thân và tài sản mà họ xứng đáng được hưởng.

Tóm lại, với vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật về hôn nhân và gia đình đang ngày càng được hoàn thiện và đáp ứng tốt hơn yêu cầu khách quan, sự phát triển tất yếu của xã hội.

Tuy nhiên, do còn nhiều quy định chưa thực sự cụ thể, rõ ràng nên việc áp dụng pháp luật nói chung và áp dụng căn cứ ly hôn nói riêng vẫn phải phụ thuộc nhiều vào ý chí của Thẩm phán giải quyết vụ việc. Do đó, để các quy định về căn cứ ly hôn được hoàn thiện cũng như nâng cao hiệu quả áp dụng của pháp luật, các nhà làm luật cần đưa ra những quy định chi tiết hơn về vấn đề này ./.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon