Điều kiện bảo đảm thực hiện và nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý

dieu-kien-bao-dam-thuc-hien-va-nguyen-tac-hoat-dong-tro-giup-phap-ly

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những chính sách mang tính nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của  nhân dân. Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về Điều kiện bảo đảm thực hiện và nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý trong nội dung bài viết dưới đây.

1. Các điều kiện bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý

1.1. Về pháp lý

Pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật về TGPL nói riêng là cơ sở pháp lý, làm nền tảng cho việc triển khai và thực hiện công tác TGPL trong thực tế. Để hoạt động TGPL có hiệu quả, thực sự mang lại những giá trị tích cực cho người được thụ hưởng TGPL thì pháp luật phải đáp ứng đủ các điều kiện:

– Hệ thống pháp luật TGPL phải đầy đủ, đồng bộ và có sự tương thích với các quy phạm pháp luật của các ngành luật khác.

– Pháp luật TGPL phải có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, bởi trong thực tế cho thấy nhiều quy định trong luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành trong tổ chức hoạt động TGPL còn bất cập và hạn chế.

– Kỹ thuật xây dựng pháp luật chú ý đến nội dung và ngôn ngữ trình bày, cần ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu để mọi tầng lớp người dân có thể tiếp cận và sử dụng pháp luật, cũng như tạo sự thuận lợi trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Bởi đa phần đối tượng được TGPL là người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số… trình độ nhận nói chung và trình độ nhận thức về pháp luật còn hạn chế.

– Bên cạnh việc xây dựng và ban hành pháp luật của Nhà nước thì việc tuân thủ và chấp hành pháp luật của của các chủ thể trong xã hội cũng đóng một vai trò rất quan trọng, bởi pháp luật dù có tốt đến đâu nhưng nếu như người dân, các cơ quan, tổ chức không thực hiện đúng pháp luật thì công tác TGPL sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

1.2. Về tổ chức bộ máy

Hệ thống mạng lưới các Trung tâm TGPL nhà nước, các tổ chức đăng ký tham gia TGPL(văn phòng luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật), cùng với đội ngũ TVVPL, CTVTGPL là yếu tố đảm bảo để tổ chức và triển khai pháp luật TGPL vào cuộc sống. Các tổ chức này phải có sự phối hợp, liên kết với nhau tạo sự đồng bộ trong quá trình thực hiện TGPL.

Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cũng cố, kiện toàn bộ máy làm công tác TGPL cũng như quy hoạch mạng lưới tổ chức TGPL phù hợp với tình hình thực, đáp ứng nhu cầu TGPL của nhân dân.

1.3. Về nguồn nhân lực

Trong các yếu tố đảm bảo chất lượng, hiệu quả của công tác TGPL thì nguồn nhân lực (người thực hiện TGPL) đóng một vai trò vô cùng quan trọng, bởi người thực hiện TGPL là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống, hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, góp phần triển khai và thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Vì vậy, ngườithực hiện TGPL phải đáp ứng đủ về mặt số lượng và đảm bảo về mặt chất lượng. Ngoài các điều kiện,tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, kinh nghiệm theo quy định đối với từng nhóm người thực hiện TGPL (trợ giúp viên pháp lý, luật sư, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên pháp lý) thì người thực hiện TGPL phải có đạo đức nghề nghiệp,  cótrách nhiệm và nhiệt huyết với công việcđể người được TGPL được bảo đảm về quyền lựa chọn người thực hiện TGPL cho mình (quyền đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp tại các cơ quan tiến hành tố tụng).

1.4. Về cơ sở vật chất

Cơ sở vật là điều kiện cơ bản và cần thiết để triển khai thực hiện TGPL, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về TGPL cho người dân được thuận lợi,Nhà nước cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (xây mới hoặc cải tạo trụ sở làm việc của Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm theo hướng tạo thuận lợi tiếp cận cho người dân, có chỗ tiếp riêng cho các trường hợp cần giữ bí mật riêng tư, các vụ việc nhạy cảm…), bố trí phương tiện làm việc, đi lại, phục vụ hoạt động TGPL. Có chính sách nâng cao chế độ đãi ngộ cho người thực hiện TGPL, để họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài, tâm huyết với nghề và thu hút đông đảo lực lượng xã hội tham gia.

1.5. Về các biện pháp thực hiện

Các điều kiện bảo đảm về về biện pháp thực hiện, đó chính là sự chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, khen thưởng, kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện pháp luật về TGPL, các biện pháp này nhằm nhằm bảo đảm tuân thủ nghiêm chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ, kỷ luật hành chính để đảm bảo cho quá trình chỉ đạo được thống nhất, thông suốt, liên tục, kịp thời áp dụng các biện pháp hành chính để xử lý vi phạm pháp luật[1].

2. Pháp luật về trợ giúp pháp lý

2.1. Khái niệm về pháp luật trợ giúp pháp lý

2.1.1. Khái niệm về pháp luật

Hiện nay trong các tài liệu nghiên cứu về khoa học pháp lý,đang tồn tại nhiều cách hiểu, quan điểmkhác nhau về pháp luật, có quan điểm cho rằng pháp luật là công lý đại diện cho sự công bằng xã hội; pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị được đề lên thành luật hoặc cũng có một số cách hiểu khác như:

“Theo nghĩa rộng, pháp luật gồm các quy định mà phần lớn là các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội vì lợi ích chung của xã hội và vì lợi ích của giai cấp thống trị[2]”.

“Theo nghĩa rộng, pháp luật không chỉ gồm các quy tắc xử sự chung mà còn bao hàm cả các nguyên tắc xử sự, các tư tưởng, học thuyết pháp lý, khung pháp luật, chính sách pháp luật… được thể hiện ở các loại nguồn pháp luật khác nhau”[3].

Theo quan niệm phổ biến hiện nay pháp luật được hiểu như sau: “Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo mục đích, định hướng của nhà nước”[4]

2.1.2. Khái niệm về pháp luật trợ giúp pháp lý

Từ khái niệm về pháp luật nói chung trên, có thể đưa ra khái niệm về pháp luật TGPL như sau: Pháp luật về pháp luật TGPL là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và được đảm bảo thực hiện (bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế) nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực TGPL theo mục đích, định hướng của nhà nước.

2.2. Nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý

Nguyên tắc hoạt động TGPL là những tư tưởng chỉ đạo nội dung trong quá trình triển khai hoạt động TGPL, nguyên tắc hoạt động TGPL được quy định tại Điều 3 Luật TGPL năm 2017, trên cơ sở kế thừa Điều 4[5],Luật TGPL năm 2006, gồm có 04 nguyên tắc cơ bản:

Thứ nhất, nguyên tắc tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

Mục đích của TGPL là sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo, đối tượng chính sách và các nhóm yếu thế khác trong xã hội, nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng của các chủ thể trước pháp luật. Tuy nhiên nếu trong quá trình thực hiện hoạt động TGPL, người thực hiện TGPL không tuân thủ pháp luật và đạo đức, quy tắc nghề nghiệp thì giá trị pháp lý của vụ việc TGPL sẽ không được đảm bảo.

Vì vậy, để đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc nàyngười thực hiện TGPL phải có trách nhiệm: Thực hiện vụ việc được phân công theo đúng quy định của pháp luật về TGPL và các văn bản pháp luật khác có liên quan, bảo đảm nội dung TGPL phải đúng và phù hợp với pháp luật.Giải thích, hướng dẫn và cung cấp thông tin pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL nắm rõ về tình trạng pháp lý của vụ việc và thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật.

Thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định khi giải quyết vụ việc và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước tổ chức thực hiện TGPL về tính đúng đắn của nội dung TGPL do mình thực hiện.Trong trường hợp phải từ chối hoặc không được tiếp tục thực hiệnTGPL, người thực hiện TGPL phải báo cáo kịp thời và có trách nhiệm bàn giao đầy đủ các tài liệu có liên quan đến vụ việc TGPL cho tổ chức thực hiện TGPL;

Trong trường hợp thực hiện vụ việc mà phát hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể gây thiệt hại đến lợi ích củanhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định[6].

Đối với Tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm:Thụ lý và phân công người thực hiện TGPL kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật. Sử dụng các biện pháp cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho người đượcTGPL, người thực hiện TGPL thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.Kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật vềTGL; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về TGPL[7].

Thứ hai, nguyên tắc kịp thời, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan. Đây là nguyên tắc nhằm đảm bảo cho hoạt động TGPL đạt được hiệu quả tốt nhất, nguyên tắc này yêu cầu người thực hiện TGPL cần đưa ra ý kiến một cách kịp thời trong thời hạn luật định, nhất là đối với vụ việc có quy định thời hiệu khởi kiện hoặc khiếu nại để người được TGPL lựa chọncách xử sự phù hợp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh trong quá trình TGPL, người thực hiện TGPL phải có sự độc lập, không bị tổ chức, cá nhânnào chi phối, phải trung thực và tôn trọng sự thật khách quan khi thực hiện nhiệm vụ.

Để thực hiện nguyên tắc này, người thực hiện TGPL có trách nhiệm trung thực, tôn trọng sự thật khách quan trong quá trình thực hiện các hoạt động TGPL. Thu thập đầy đủ, toàn diện các thông tin cần thiết về vụ việc TGPL và các tài liệu khác có liên quan. Trong các trường hợp cần thiết phải tiến hành xác minh tính chính xác, khách quan của thông tin do người được TGPL cung cấp. Kịp thời báo cáo tổ chức thực hiện TGPL về nhữngvấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện TGPL để áp dụng các biện pháp cần thiết[8].

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm: Sử dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời hỗ trợ người thực hiện TGPL trong việc thu thập đầy đủ các thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc TGPL. Không can thiệp trái pháp luật vào quá trình thực hiện vụ việc của người thực hiện TGPL hoặc có hành vi khác làm ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ việc TGPL[9].

Thứ ba, nguyên tắc bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý

Để đảm bảo nguyên tắc này, người thực hiện TGPL lý có trách nhiệm: Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL, đặt lợi ích của người được TGPL làm mục đích hoạt động của tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL. Sử dụng các biện pháp hợp pháp, kiến thức xã hội, hiểu biết pháp luật và kinh nghiệm nghề nghiệp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL Bảo đảm thời gian, tiến độ thực hiện vụ việc;

Chủ động thực hiện vụ việc hoặc phối hợp với đồng nghiệp thực hiện vụ việc khi cần thiết. Bảo đảm vụ việc do mình thực hiện đạt chất lượng theo quy định về tiêu chuẩn chất lượng vụ việc TGPL. Trong trường hợp phải từ chối hoặc không được tiếp tục thực hiện vụ việc, nếu phát hiện có mâu thuẫn về quyền lợi hoặc có lý do khách quan thì phải thông báo cho người được TGPL và phải báo cáo kịp thời cho tổ chức thực hiện TGPL để phân công người khác thực hiện[10].Đối với tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm:

Phân công người thực hiện TGPL có đủ năng lực, trình độ phù hợp với tính chất của vụ việc để thực hiện TGPL. Trong trường hợp phải thay thế người thực hiện TGPL thì phải bảo đảm người thay thế có đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu của vụ việc và người được TGPL chấp nhận. Trong trường hợp phải chuyển vụ việc cho tổ chức thực hiện TGPL khác thì phải thông báo ngay cho người được TGPL và chỉ chuyển khi có khả năng bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL[11].

Thứ tư, nguyên tắc không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý.

Hoạt động TGPL được coi là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, là một bộ phận trong tổng thể các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chính sách dân tộc và an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy nếu như thu tiền và các lợi ích khác của người được TGPL sẽ không thể hiện được mục đích, ý nghĩa của công tác TGPL.

Để thực hiện nguyên tắc này, tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL không được nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được TGPL; sách nhiễu người được TGPL[12].

[1] Lường Đức Thắng, luận văn thạc sỹ Luật học, pháp luật về trọ giúp pháp lý và thực tiễn thi hành tại tỉnh Bắc Kạn, 2017, trang 18, 19.

[2] PGS.TS Nguyễn Minh Đoan, hướng dẫn môn học Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb Tư pháp, trang 265.

[3] PGS.TS Nguyễn Minh Đoan, hướng dẫn môn học Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb Tư pháp, trang 265.

[4] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lý luận chung về nhà nướ và pháp luật (2018), Nxb Tư pháp, trang 212.

[5] Không thu phí, lệ phí, thù lao từ người được TGPL; Trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; Sử dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL; Tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp TGPL; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung TGPL.

[6] Khoản 1, Điều 6 Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP ngày 08/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

[7] Khoản 2, Điều 6 Quyết địn số 09/2008/QĐ-BTP ngày 08/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

[8] Khoản 1, Điều 5 Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP ngày 08/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

[9] Khoản 2, Điều 5 Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP ngày 08/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

[10] Khoản 1, Điều 7 Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP ngày 08/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

[11] Khoản 2, Điều 7 Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP ngày 08/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

[12] Điểm b, khoản 1, Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý 2017.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon