Khái niệm về thoả thuận hạn chế cạnh tranh

thoa-thuan-han-che-canh-tranh

Trong quá trình tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp bên cạnh mối quan hệ ganh đua, kình địch thì cũng luôn có nhu cầu liên kết với nhau để cùng thực hiện các mục tiêu kinh doanh. Trong số các thoả thuận này, có những thoả thuận mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế như cùng nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, chia sẻ rủi ro, chia sẻ kinh nghiệm và cần được khuyến khích.

Tuy nhiên, cũng có những thoả thuận được thiết lập nhằm mục tiêu tác động tiêu cực đến cạnh tranh, gây nguy hại cho các doanh nghiệp khác trên thị trường, cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Những thoả thuận mang tính chất phản cạnh tranh hay chính là những thoả thuận hạn chế cạnh tranh như vậy cần được kiểm soát và xử lý bởi pháp luật về cạnh tranh.

Căn cứ pháp lý

  • Luật cạnh tranh năm 2018

1. Định nghĩa thoả thuận hạn chế cạnh tranh

Thoả thuận hạn chế cạnh tranh là một thuật ngữ phức tạp bởi đây không chỉ là một hiện tượng pháp lý mà còn là một hiện tượng kinh tế. Do đó, khi tiếp cận khái niệm thoả thuận hạn chế cạnh tranh cần thiết phải xuất phát từ góc độ kinh tế học. Theo đó, hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh được nhìn nhận là sự thống nhất cùng hành động của nhiều doanh nghiệp nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ sức ép của cạnh tranh hoặc hạn chế khả năng hành động một cách độc lập giữa các đối thủ cạnh tranh.

Dưới góc độ pháp lý, thoả thuận hạn chế cạnh tranh được xem là sự liên kết giữa các doanh nghiệp độc lập nhằm mục đích kiểm soát thị trường bằng cách loại bỏ, cản trở, làm biến dạng hoặc giảm sức ép cạnh tranh và xâm phạm đến các lợi ích của nền kinh tế, của thị trường, của các doanh nghiệp khác và của người tiêu dùng mà Nhà nước bảo vệ.

Chính từ sự phức tạp này mà tại Luật Cạnh tranh 2004, đạo luật hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực cạnh tranh, chưa thể đưa ra được định nghĩa khái niệm thoả thuận hạn chế cạnh tranh và do đó đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động thực thi. Luật Cạnh tranh 2018 lần đầu tiên đưa ra định nghĩa cho khái niệm thoả thuận hạn chế cạnh tranh tại khoản 4 Điều 3, cụ thể: “Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.” Khái niệm thoả thuận hạn chế cạnh tranh được Luật Cạnh tranh 2018 tiếp cận dưới góc độ nhấn mạnh một lần nữa đến phương diện hậu quả của nhóm hành vi hạn chế cạnh tranh nói chung mà không phải từ góc độ diễn giải bản chất và nội dung của thoả thuận hạn chế cạnh tranh.

2. Đặc điểm của thoả thuận hạn chế cạnh tranh

Từ định nghĩa tại khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018, chúng ta có thể khái quát được các đặc điểm quan trọng sau đây về thoả thuận hạn chế cạnh tranh:

2.1. Thứ nhất, về chủ thể

Chủ thể tham gia thoả thuận hạn chế cạnh tranh là các doanh nghiệp độc lập. Tính độc lập của doanh nghiệp đảm bảo rằng việc tham gia vào các thoả thuận hạn chế cạnh tranh xuất phát từ chính ý chí, từ sự lựa chọn và sự quyết định của doanh nghiệp mà không phải từ sự chi phối, điều khiển hay ép buộc của các chủ thể khác. Sự độc lập này thông thường là sự độc lập về mặt pháp lý hoặc tài chính.

Do đó, những thoả thuận giữa các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn, trong tổng công ty, trong mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con sẽ không bị xem là các thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Khác với chủ thể của thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị kiểm soát theo Luật Cạnh tranh 2004, chủ thể của thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị kiểm soát theo Luật Cạnh tranh 2018 có thể là những doanh nghiệp nằm trên cùng thị trường liên quan, tức thoả thuận giữa các doanh nghiệp đối thủ hoặc là những doanh nghiệp là đối tác của nhau mà không phải là đối thủ của nhau.

2.2. Thứ hai, về hình thức

Thoả thuận hạn chế cạnh tranh thuộc đối tượng kiểm soát của pháp luật cạnh tranh là những thoả thuận có thể được biểu hiện dưới mọi hình thức, minh thị hoặc không minh thị. Hay nói cách khác, hình thức của thoả thuận hạn chế cạnh tranh không phải là yếu tố được sử dụng để xác định và điều chỉnh thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Quy định này là hoàn toàn phù hợp bởi thực tế xử lý các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm tại Việt Nam và các quốc gia cho thấy các chủ thể khi tham gia thoả thuận hạn chế cạnh tranh luôn có rất nhiều cách để che giấu hành vi vi phạm của mình.

Do đó, nếu đặt ra yêu cầu về hình thức của thoả thuận hạn chế cạnh tranh thì sẽ đồng nghĩa với việc Luật Cạnh tranh 2018 tự hạn chế đi hiệu quả kiểm soát của mình và đặt ra những khó khăn nhất định cho cơ quan thực thi. Do đó, cơ quan cạnh tranh chỉ cần phải chứng minh các doanh nghiệp đã có sự thống nhất về ý chí trong việc cùng nhau thực hiện các hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

2.3. Thứ ba, về nội dung

Tương tự như khía cạnh hình thức, Luật Cạnh tranh 2018 không xác định cụ thể nội dung của thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị kiểm soát và do đó cần sử dụng Điều 11 để liệt kê các thoả thuận này.

Tuy nhiên, thực tế kiểm soát các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh cho thấy các bên thường thoả thuận với nhau về các yếu tố cơ bản của thị trường để có thể nhanh chóng tác động đến cạnh tranh, ví dụ như thoả thuận về giá, về phân chia thị trường, về nguồn cung, về hệ thống phân phối – đại lý, về khoa học công nghệ – đầu tư

2.4. Thứ tư, về hậu quả

Đây chính là yếu tố hạt nhân trong pháp luật về kiểm soát thoả thuận hạn chế cạnh tranh nói riêng và các hành vi hạn chế cạnh tranh nói chung theo Luật Cạnh tranh 2018. Theo đó, các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh luôn là những hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

Cần lưu ý rằng, một mặt, sự ảnh hưởng của các thoả thuận lên thị trường, lên cạnh tranh có thể đã xảy ra hoặc có thể sẽ xảy ra. Điều này có nghĩa rằng các thoả thuận hạn chế cạnh tranh là các thoả thuận đã khiến cạnh tranh bị tác động hoặc cạnh tranh chắc chắn sẽ bị tác động nếu như không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Mặt khác, bất cứ thoả thuận nào giữa các bên mà không gây tác động hoặc không thể gây tác động hạn chế cạnh tranh thì luôn luôn không phải là thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Quy định này cho phép cơ quan thực thi được linh hoạt và mạnh dạn hơn khi xác định các hành vi thoả thuận nào đó có phải là thoả thuận hạn chế hay không, đặc biệt là những thoả thuận sẽ phát sinh trong tương lai.

3. Phân loại thoả thuận hạn chế cạnh tranh

Luật Cạnh tranh 2018 hiện nay không tiến hành phân loại một cách chính thức các thoả thuận hạn chế cạnh tranh tuy nhiên trong nhiều quy định về xử lý các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trong Luật Cạnh tranh 2018 và các văn bản liên quan đều cho thấy xu hướng này.

Điều này do bởi việc phân loại có ý nghĩa to lớn trong việc tiếp cận và xử lý các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bởi như đã đề cập, nội dung của các thoả thuận hạn chế cạnh tranh thường rất đa dạng và do đó, hậu quả của chúng là không ngang bằng nhau, không đồng nhất với nhau.

Do đó, phân loại thoả thuận hạn chế cạnh tranh sẽ giúp pháp luật có thể kiểm soát các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm được chính xác hơn, phù hợp với thực tế khách quan hơn, công bằng hơn và do đó hiệu quả hơn so với cách xử lý cào bằng. Qua quá trình nghiên cứu và khái quát hoá kinh nghiệm về kiểm soát các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh từ các quốc gia phát triển, thoả thuận hạn chế cạnh tranh có thể được phân loại như sau:

Trong đó:

+ Thỏa thuận ngang: Là những thỏa thuận giữa các chủ thể kinh doanh trong cùng ngành hàng và cùng khâu của quá trình kinh doanh​. Thoả thuận ngang diễn ra giữa các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh với nhau​ và nội dung tập trung vào các yếu tố cơ bản của quan hệ thị trường​;

Thoả thuận ngang nghiêm trọng là những thoả thuận luôn có tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh của thị trường và thông thường luôn bị cấm triệt để. Các thoả thuận ngang ít nghiêm trọng thường có tác động tương đối hạn chế đến thị trường và trong một số trường hợp những thoả thuận ngang ít nghiêm trọng có tác động tích cực đến thị trường và nền kinh tế.

+ Thỏa thuận dọc: Là những thỏa thuận hợp tác giữa hai hoặc nhiều DN hoạt động ở những khâu khác nhau trong quá trình sản xuất hoặc phân phối trên thị trường​. Doanh nghiệp tham gia thoả thuận dọc không phải là đối thủ cạnh tranh với nhau​ và nội dung thoả thuận thường tập trung vào các điều kiện kinh doanh trên thị trường thứ cấp như giá bán lại, khu vực phân phối, sản lượng phân phối, khách hàng giao dịch​.

Bài viết trên đây bài viết về “Khái niệm về thoả thuận hạn chế cạnh tranh”. Hy vọng bài viết này có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon