Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) là những hiện tượng xã hội phát sinh trong đời sống của con người, phản ánh những nhu cầu mang tính tự nhiên của con người. Do gia đình là một thiết chế của xã hội nên việc thực hiện các quan hệ HN&GĐ như thế nào không chỉ liên quan đến quyền lợi của các cá nhân mà còn ảnh hưởng lớn đến lợi ích xã hội. Chính vì vậy, việc thực hiện các quan hệ này luôn chịu sự điều chỉnh của đạo đức, phong tục, tập quán và pháp luật.
1. Khái niệm nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn
1.1. Khái niệm nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn dưới góc độ sinh học tự nhiên
Có thể nói từ thời kì đầu tiên, thời kì nguyên thủy hành vi chung sống giữa nam, nữ mang tính bản năng của loài người, thuận theo tự nhiên và đương nhiên nhằm mục đích lớn nhất là tái tạo sức lao động và duy trì nòi giống. Khi nghiên cứu về nguồn gốc gia đình có thể nói, trong “di sản” lý luận của C. Mác và Ph. Ăngghen không chỉ lại dừng ở khái niệm “gia đình” thuần túy, mà còn vượt qua hình thức gia đình để khám phá nguồn gốc gia đình, tác động của gia đình tới xã hội và ảnh hưởng của những biến đổi xã hội tới gia đình. Trong Hệ tư tưởng Đức, khi nói về tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, C. Mác và Ph. Ăngghen đã xem xét ba mối quan hệ con người đã được hình thành trong lịch sử nhân loại.
Vai trò của HN&GĐ thể hiện tính giai cấp, đạo đức và tôn giáo vì thế, đối với hình thái gia đình tư sản hiện đại Ph.Ăngghen đã phê phán gay gắt mặc dù hình thái này được tán dương như là hiện thân cao của đạo đức, một gia đình lý tưởng bởi các nhà tư tưởng tư sản khi đó. Trên thực tế, Ph.Ăngghen chỉ rõ, cơ sở gia đình loại này thường là một cuộc “hôn nhân có tính toán” và do vậy, trong cuộc hôn nhân này, bên cạnh việc người chồng đang “tô điểm” cho cuộc sống riêng tư của anh ta bằng việc có nhiều vợ không chính thức và bằng việc lui tới các nhà chứa, lại có việc người vợ bị bỏ rơi đang cố làm cho người chồng hợp pháp của mình “bị mọc sừng” trong những trường hợp có thể. Tuy nhiên, trong xã hội tư sản, trong các giai cấp bị áp bức, trước hết là giai cấp vô sản, Ph.Ăngghen nhấn mạnh, đang hình thành những cuộc hôn nhân mà trong đó, tình cảm yêu thương và kính trọng lẫn nhau giữ vai trò quyết định. Đó là sự liên kết tự nguyện của những con người bình đẳng.
Bên cạnh đó, chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn là một nhu cầu cá nhân của mỗi người. Nhu cầu là một hiện tượng tâm lý của con người; là đòi hỏi, mong muốn, nguyện vọng của con người về vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển. Tùy theo trình độ nhận thức, môi trường sống, những đặc điểm tâm sinh lý, mỗi người có những nhu cầu khác nhau. Nhu cầu là cảm giác thiếu hụt một cái gì đó mà con người cảm nhận được. Nhu cầu của một cá nhân, đa dạng và vô tận.
Khi tiếp cận dưới gốc độ sinh học tự nhiên thì việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn là hành vi nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm, sinh lý của các bên khi chung sống.
1.2. Khái niệm nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn dưới góc độ xã hội
Nhận thấy rằng, gia đình có chức năng cơ bản đó là chức năng duy trì nòi giống và chức năng kinh tế. Chức năng duy trì nòi giống thể hiện bản năng sinh tồn, chức năng kinh tế sẽ phụ thuộc trực tiếp vào trình độ phát triển kinh tế và mục đích liên kết với gia đình.
Nếu theo nghĩa sinh vật, chỉ để sản sinh ra con người (quan hệ giới- mating) thì vẫn hoàn toàn thực hiện được mà không cần hôn nhân. Hôn nhân còn thể hiện khía cạnh ý nghĩa xã hội- văn hóa nên hôn nhân không đồng nghĩa với quan hệ giới tính. Hôn nhân đưa ra những giới hạn người phụ nữ, đàn ông nào được phép kết hôn với nhau để coi nhau là vợ là chồng. Sự giới hạn này do nhiều yếu tố chi phối như yếu tố về mặt văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức…không phụ thuộc nhiều vào yếu tố sinh lý tự nhiên. Vì thế, trong hôn nhân không phải với bất kì ai cũng có thể xích lại gần.
Trong giai đoạn này trong quan hệ sản xuất xét về mặt sở hữu thì dựa trên chế độ công hữu. Lúc này, con người không có bất kì ý niệm về tư hữu của cải vật chất dẫn đến con người cũng chưa có ý niệm về “tư hữu” về mặt tinh thần. Chính vì vậy, ở thời kì này chưa xuất hiện tình yêu vì bản chất của tình yêu là sự chiếm hữu tình cảm của một người khác. Vì vậy, tình yêu lúc này dựa trên bản năng thuần túy và mang tính chất quần hôn.
Như vậy, suy cho đến cùng yếu tố tình yêu và tình thương là quan trọng nhất trong cuộc sống chung dù có thể hai bên được pháp luật thừa nhận hôn nhân hay không được thừa nhận hôn nhân thì bản chất cuộc sống chung đó là như nhau. Hai bên chung sống coi nhau là vợ chồng, thực hiện quyền và nghĩa vụ với nhau vun đắp cuộc sống chung nhằm thỏa mãn được tình cảm hướng đến sự gắn kết lâu dài. Tình yêu là một cảm xúc rất bản năng của con người và quyền được yêu thương và yêu thương một người khác cũng là một quyền rất cơ bản của con người.
Bên cạnh đó, nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn cũng vẫn được coi là một hiện tượng tồn tại trong xã hội hiện đại ngày nay. Bởi vì, chính điều kiện về mặt xã hội đã tác động và chi phối tới việc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn.
Thứ nhất, chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn bị tác động từ sự thay đổi của giới trẻ trên thế giới hiện này về quan điểm về hôn nhân và tình yêu. Xã hội càng hiện đại quan niệm về hôn nhân của giới trẻ thay đổi đôi khi phá vỡ quan niệm hôn nhân truyền thống thay vào đó họ chọn chỉ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn. Độc thân và tuổi kết hôn tăng cao đang là hiện tượng trên toàn cầu. Ngày càng nhiều bạn trẻ chọn cuộc sống một mình; yêu đương nhưng không có ý định tiến tới hôn nhân, hoặc làm cha/mẹ đơn thân.
Đa số những người trẻ hiện nay sợ kết hôn vì sợ mất tự do và trách nhiệm, lo lắng về việc nuôi dạy con cái. Yêu và kết hôn là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Không phải cứ yêu là kết hôn thì sẽ có được hạnh phúc lâu bền. Hơn thế nữa, hôn nhân sẽ biến mối quan hệ trở nên phức tạp khi nó còn liên quan đến gia đình hai bên, là mối quan hệ giữa họ hàng, bố mẹ chồng, bố mẹ vợ, con dâu, con rể. Chưa kể đến việc khi có thêm con cái thì cuộc sống lúc đó sẽ là một thế giới hoàn toàn khác lúc còn độc thân rất nhiều: phức tạp hơn, bận rộn hơn, mệt mỏi hơn. Thế nên, người trẻ chọn cho mình con đường an toàn, sẽ không kết hôn cho đến khi nào sẵn sàng.
Thứ hai, chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn bị tác động từ điều kiện kinh tế- xã hội
Bên cạnh đó, trong xã hội hiện đại ngày nay, toàn cầu hóa mở ra những cơ hội mới nhưng cũng báo hiệu những mối nguy cơ mới. Một thách thức đáng chú ý do toàn cầu hóa tạo ra liên quan đến các giá trị gia đình là sự phát triển và lan rộng của lối sống được đánh dấu bằng chủ nghĩa cá nhân, tiêu dùng và coi trọng vật chất. Lối sống cá nhân thúc đẩy nhu cầu phát triển cá nhân, ưu tiên thực hiện các nhu cầu và mong muốn của cá nhân hơn là gia đình và cộng đồng. Sự quan tâm ngày càng tăng đối với bản thân qua lăng kính của chủ nghĩa cá nhân đã tác động trực tiếp đến việc hình thành gia đình và sự kết hợp trong hôn nhân. Sự chú trọng ngày càng nhiều vào bản thân làm tăng sự do dự khi bắt đầu một mối quan hệ lâu dài. Cùng với sự chú trọng vào vật chất, đã làm con người chệch hướng trong xây dựng gia đình hoặc mở rộng các mục tiêu, không chỉ dẫn đến các gia đình nhỏ hơn, mà còn ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con cái. Các giá trị được thúc đẩy bởi phong cách sống đô thị, toàn cầu hóa cạnh tranh mạnh mẽ với các giá trị và khuôn mẫu gia đình truyền thống, đặc biệt là về việc sinh con.
Sự trỗi dậy và lan rộng toàn cầu của chủ nghĩa cá nhân đã và đang thách thức, cạnh tranh với các giá trị gia đình tạo ra sự tách biệt giữa “gia đình với cá nhân”. Để giải quyết vấn đề này, các chính sách văn hóa cần tập trung vào việc thúc đẩy những câu chuyện và hình ảnh thay thế có thể chứng thực cuộc sống gia đình và sự kết hợp hôn nhân không mâu thuẫn với sự phát triển của cá nhân. Ngược lại, sẽ bổ sung và tạo điều kiện cho sự tiến bộ, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của cá nhân. Cùng với đó, cần có các chính sách an sinh xã hội và kinh tế nhằm khuyến khích sự kết hợp hôn nhân và hình thành gia đình thông qua nhiều kênh khác nhau như trợ cấp thuế, hỗ trợ chăm sóc trẻ em.
Khi tiếp cận dưới góc xã hội thì việc nam, nữ chung sống như vợ chồng là việc các bên thỏa thuận lựa chọn nhau, thiết lập một mối quan hệ nhằm thỏa mãn nhu cầu về tinh thần và vật chất của mình thông qua việc chung sống cùng nhau
1.3. Khái niệm nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn dưới góc độ pháp lý
Tình yêu là một cảm xúc rất bản năng của con người và quyền được yêu thương và yêu thương một người khác cũng là một quyền rất cơ bản của con người. Hơn nữa đây cũng thể hiện được quyền tự do mưu cầu hạnh phục của mỗi con người- nền tảng cơ bản của tính cá nhân. Về mặt pháp lý, tính cá nhân thực sự là nhận ra mỗi người có quyền có cuộc sống và hạnh phúc riêng. Vì vậy, chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn trước tiên phải được nhìn nhận là một quyền tự nhiên, cơ bản của con người và được quy định trong những văn bản pháp luật quốc tế.
Pháp luật HN&GĐ của Nhà nước ta từ năm 1945 đến nay quy định khá đầy đủ về việc đăng ký kết hôn. Sở dĩ, Nhà nước ta quy định đăng ký kết hôn là thủ tục pháp lý bắt buộc khi hai bên nam, nữ muốn xác lập quan hệ vợ chồng bởi những lí do sau:
- Thứ nhất, thông qua việc đăng ký kết hôn, Nhà nước sẽ kiểm soát việc tuân theo pháp luật của công dân, xét xem họ có tuân thủ các điều kiện kết hôn theo quy định hay không, do đó có thể hạn chế được các trường hợp kết hôn trái pháp luật như: tảo hôn; vi phạm chế độ Hôn nhân một vợ, một chồng; kết hôn do một bên bị ép buộc hoặc lừa dối,…
- Thứ hai, đăng ký kết hôn là một trong các hoạt động quản lý hành chính Nhà nước về công tác hộ tịch (khai sinh; khai tử; nhận cha, mẹ, con…) Bởi vậy thực hiện tốt việc đăng ký kết hôn sẽ góp phần giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý công tác hộ tịch ở địa phương.
- Thứ ba, việc cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật HN&GĐ giữa vợ và chồng, bao gồm các quan hệ về nhân thân và tài sản. Giấy chứng nhận kết hôn là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên vợ, chồng.
Mọi nghi thức kết hôn khác như tổ chức lễ cưới tại gia đình hoặc kết hôn theo phong tục tập quán, tiến hành theo nghi lễ tôn giáo tại nhà thờ mà không có Giấy chứng nhận kết hôn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì không được công nhận là hợp pháp. Như vậy, việc kết hôn phải được đăng ký tại cơ quan đăng ký kết hôn thì mới có giá trị pháp lý, hai bên nam nữ mới phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng với nhau.
“Chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn” là thuật ngữ pháp lý để chỉ quan hệ giữa hai bên nam nữ có hành vi chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Về nguyên tắc, nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì giữa họ không phát sinh quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, mặc dù không có Giấy chứng nhận kết hôn nhưng các bên nam nữ vẫn chung sống với nhau như vợ chồng và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau, với gia đình và với xã hội.
Trong xã hội hiện nay, tồn tại nhiều cách hiểu về “nam nữ chung sống như vợ chồng”. Theo cách hiểu chung nhất nam nữ chung sống như vợ chồng là hành vi của hai bên nam nữ, tuy không phải là vợ chồng nhưng đã ăn ở với nhau và coi nhau là vợ chồng. Họ liên kết với nhau trên cơ sở tự nguyện và không đăng ký kết hôn. Vậy, các bên chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn sẽ không được pháp luật công nhận là vợ chồng của nhau. Tuy vậy, các bên chung sống trên thực tế thực sự coi nhau là vợ chồng, họ thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ vợ chồng với nhau và hàng xóm, đồng nghiệp, họ hàng…xung quanh vẫn cho rằng họ là vợ chồng của nhau. Vì vậy, trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng và hôn nhân có đăng ký kết hôn về bản chất là giống nhau.
Nếu như sự kiện kết hôn hai bên nam, nữ phát sinh quan hệ vợ chồng kể từ thời điểm giấy chứng nhận đăng ký kết hôn có hiệu lực pháp luật thì chung sống như vợ chồng được pháp luật thừa nhận về quan hệ vợ chồng cũng được tính từ thời điểm hai bên có hành vi chung sống. Tức là, quyền và nghĩa vụ các bên sẽ phát sinh mang tính đương nhiên ngay sau khi phát sinh quan hệ hôn nhân- quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa cha mẹ và con. Bên cạnh nếu việc chung sống của các bên trái pháp luật thì sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên với nhau mà làm phát sinh trách nhiệm pháp lý có thể là hành chính có thể là hình sự hoặc các loại trách nhiệm pháp lý khác liên quan. Tuy nhiên, các bên chung sống không phải có trách nhiệm pháp lý với nhau mà các bên đang chịu trách nhiệm pháp lý trước Nhà nước.
Khi tiếp cận dưới góc độ pháp lý thì nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn là một quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh tương tự như quan hệ vợ chồng hợp pháp hoặc pháp luật giải quyết những vấn đề phát sinh từ việc chung sống đó.
Dựa trên những tiêu chí đã nhận định và phân tích, ta có khái niệm chung sống như vợ chồng như sau: Chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn là một hiện tượng tất yếu của xã hội được pháp luật điều chỉnh tương tự như quan hệ vợ chồng hợp pháp hoặc pháp luật giải quyết những vấn đề phát sinh từ quan hệ chung sống đó. Việc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn nhằm thỏa mãn nhu cầu về tinh thần và vật chất của các cá nhân bằng cách tự nguyện thỏa thuận xây dựng đời sống chung và cùng nhau gánh vác, chia sẻ mọi việc trong cuộc sống.
2. Đặc điểm của nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn
2.1. Chủ thể trong quan hệ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn khá đa dạng
Về chủ thể, nếu hiểu theo phạm vi hẹp thì chủ thể của quan hệ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn chỉ đề cập tới nam và nữ. Tuy nhiên cũng có cách hiểu chủ thể của quan hệ chung sống này theo phạm vi rộng hơn đó là chung sống như vợ chồng giữa hai người khác giới tính hoặc cùng giới tính tức bao gồm nam với nữ, nam với nam hoặc nữ với nữ. Nếu là trường hợp kết hôn, kết hôn trái pháp luật hay kết hôn không đúng thẩm quyền thì chủ thể có thể bị giới hạn bởi độ tuổi, giới tính nhưng chung sống như vợ chồng thì chủ thể chung sống rất đa dạng. Khi xã hội càng hiện đại thì chủ thể của chung sống như vợ chồng lại càng phong phú hơn.
2.2. Hai bên nam, nữ trong thời gian chung sống thực sự yêu thương, gánh vác và chia sẻ mọi việc trong cuộc sống
Nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng sinh hoạt cùng nhau, chia sẻ tình cảm, vật chất, tinh thần, kể cả tình dục một cách thường xuyên, công khai và được mọi người thừa nhận.
Chính vì tính khó xác định và mang tính chủ quan nên trên thực tế không tránh khỏi trường hợp sau một thời gian chung sống, một trong hai người bỏ nơi ở chung đi tới một nơi khác quen biết, yêu thương và đăng ký kết hôn với một người khác. Khi có yêu cầu giải quyết việc người đó kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người trước đó thì họ lại cho rằng chưa bao giờ coi người kia là vợ (hoặc chồng) của mình mà việc chung sống chỉ là qua đường, sống thử hoặc tạm bợ. Trong trường hợp này rất khó để căn cứ vào lời khai của họ mà có những căn cứ khác về thực tế như con chung, tài sản chung hoặc tổ chức đám cưới, cách họ cư xử với nhau qua nhìn nhận của bà con, họ hàng trong thời gian chung sống để đánh giá và quyết định.
2.3. Trong quan hệ chung sống như vợ chồng, các bên chung sống hướng tới nhiều mục đích khác nhau
Mục đích của kết hôn là xây dựng gia đình và cùng nhau chung sống lâu dài nên trong điều kiện kết hôn có điều kiện là sự tự nguyện. Sự tự nguyện trong kết hôn là hai bên nam nữ tự mình quyết định việc kết hôn thể hiện ý chí là mong muốn thành vợ chồng của nhau. Mỗi bên không bị tác động bởi bên kia hay của bất kì người nào khác khiến họ phải kết hôn trái với nguyện vọng của họ, sự thể hiện ý chí phải thống nhất với ý chí. Sự tự nguyện của các bên nam nữ trong kết hôn phải xuất phát từ tình yêu chân chính giữa họ, nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm giữa hai người. Tuy nhiên trên thực tế xác định tính tự nguyện rất khó, nên nam nữ tự nguyện kết hôn nhưng vì tình yêu hay vì tiền hay vì các mục đích khác cũng rất khó để xác định.
Điều này còn đúng cả trong trường hợp chung sống như vợ chồng, các chủ thể chung sống có tự nguyện sống với nhau vì tình yêu hay vì tiền hay vì mục đích khác hay không rất khó để xác định. Vì vậy, chúng ta thừa nhận rằng chủ thể trong chung sống như vợ chồng có nhiều mục đích.
2.4. Hai bên nam, nữ chung sống với nhau nhưng không ràng buộc về mặt pháp lý
Về bản chất, tại thời điểm thực hiện hành vi chung sống các bên đã không có ràng buộc nhau về mặt pháp lý vì không phát sinh quan hệ hôn nhân còn kết hôn, kết hôn trái pháp luật hay kết hôn không đúng thẩm quyền thì khi chưa phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật hay không đúng thẩm quyền thì trên thực tế hai bên vẫn thực hiện quyền và nghĩa vụ trong quan hệ vợ chồng.
Có thể coi đây là đặc điểm cơ bản và quan trọng nhất của việc chung sống như vợ chồng. Nam nữ có đủ điều kiện kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn tức là nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật nhưng không đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký kết hôn.
2.5. Hành vi chung sống như vợ chồng thể hiện dưới hình thức công khai
Có quan điểm cho rằng hành vi chung sống như vợ chồng có thể ở hai dạng công khai hoặc không công khai. Công khai như tổ chức chung sống công khai, có thể tổ chức lễ cưới hoặc không, có thể có đời sống tình dục hoặc không, cùng tiến hành chăm sóc, yêu thương lẫn nhau hoặc là việc chung sống lén lút, không công khai và vẫn coi nhau như vợ chồng mà chăm sóc nhau. Quan điểm của tác giả thì hành vi chung sống như vợ chồng phải thể hiện dưới hình thức công khai vì đây cũng là một tiêu chí đặc trưng của chung sống như vợ chồng để phân biệt các hành vi chung sống tạm bợ khác như ngoại tình, cặp bồ hoặc sống thử.