Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu từ góc độ dân sự đã được ghi nhận, triển khai từ trước đó rất lâu nhưng riêng quyền khác đối với tài sản như: Quyền đối với bất động sản liền kề, quyền bề mặt, quyền hưởng dụng thì vẫn còn khá mới mẻ nên hầu hết các quy định hiện hành chưa đảm bảo được sự đặc thù trong việc đưa ra cách thức bảo vệ các quyền năng của chủ thể.
Vậy, phương thức bảo vệ các quyền khác đối với tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 được thể hiện như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý:
1. Khái niệm phương thức bảo vệ vật quyền
Theo Từ điển Tiếng Việt, “bảo vệ” được hiểu là “giữ gìn, che chở cho khỏi hư hỏng”, hay “bênh vực bằng lí lẽ xác đáng”. Dưới góc độ khoa học pháp lý, bảo vệ quyền sở hữu chính là biện pháp tác động bằng pháp luật đối với hành vi xử sự của con người, ngăn ngừa những hành vi xâm hại đến chủ sở hữu khi người này hành xử quyền của mình.
Xét một cách tổng quát nhất, phương thức bảo vệ vật quyền có thể được hiểu là những cách thức, biện pháp không trái với quy định của pháp luật do chủ thể mang quyền, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác sử dụng nhằm ngăn chặn các nguy cơ xâm phạm đến quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Qua đó, khôi phục các lợi ích vật chất, những tổn thất đã xảy ra cho chủ thể quyền đối với tài do các hành vi xâm phạm và các yếu tố khác gây ra.
2. Đặc điểm phương thức bảo vệ vật quyền
Phương thức bảo vệ vật quyền ngoài việc mang tính chất của những phương thức bảo vệ quyền trong các quan hệ khác của chủ thể (trái quyền) như: Được luật định trên cơ sở tôn trọng sự thỏa thuận, thương lượng (tự bảo vệ), khởi kiện yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ bằng việc áp dụng các quy định của pháp luật … còn có những đặc điểm riêng sau đây:
Thứ nhất, đa dạng trong việc bảo vệ khi có hành vi xâm phạm.
Nếu như trong quan hệ trái quyền chỉ có thể kiện buộc người vi phạm phải thực hiện đúng nghĩa vụ hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thì kiện vật quyền có thể là: tự bảo vệ, ngăn chặn bất kì người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật; buộc người có hành vi xâm phạm trả lại tài sản; yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu; yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, không áp dụng thời hiệu trong quá trình khởi kiện.
Cơ sở của việc không quy định thời hiệu khởi kiện khi quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bị xâm phạm chính là vì các vật quyền luôn tồn tại ở trạng thái tĩnh, có tính lâu dài không bị giới hạn về mặt thời gian. Bên cạnh đó, việc xâm phạm loại quyền năng này lúc nào, ra sao và do ai cũng khó xác định hơn các loại quan hệ khác. Do đó, nếu áp dụng thời hiệu khởi kiện vô tình sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quyền này của chủ thể. Cho nên, đây là một đặc điểm của phương thức bảo vệ vật quyền.
Thứ ba, chủ thể bị khởi kiện khi thực hiện hành vi xâm phạm chỉ xác định được từ thời điểm thực hiện các hành vi xâm phạm.
Tính xác định chủ thể trong quan hệ vật quyền luôn mang yếu tố tuyệt đối, nên khi áp dụng các phương thức bảo vệ vật quyền, chủ thể quyền chỉ có thể thực hiện khi xác định được cụ thể người đang chiếm hữu tài sản mặc dù có thể trước đó có rất nhiều chủ thể xâm phạm; người đã tạo ra thiệt hại nếu không xác định được người đang chiếm hữu, hoặc tài sản không còn, hư hại…; người đang thực hiện hành vi cản trở trái pháp luật với việc thực hiện quyền năng của chủ sở hữu hoặc chủ thể khác đối với các loại vật quyền khác.
3. Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về phương thức bảo vệ quyền khác đối với tài sản
3.1 Chủ thể có quyền khác đối với tài sản tự bảo vệ quyền của minh
Khoản 1 Điều 164 BLDS năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kì người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật”.
Với quy định nêu trên của BLDS năm 2015, chúng tôi cho rằng “tự bảo vệ” chính là phương thức mà mỗi chủ thể quyền (sở hữu, khác đối với tài sản) có thể tự tư duy và áp dụng nhằm bảo vệ quyền của mình một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Khi nghiên cứu phương thức này, chúng tôi hiểu rằng “tự bảo vệ” có thể được xem xét ở hai quá trình khác nhau:
Một là, khi chưa có hành vi xâm phạm. Mọi cách thức, biện pháp sẽ được chủ thể quyền áp dụng để tránh hoặc loại bỏ khả năng bị người khác xâm phạm quyền của mình. Ví dụ: Tài sản được cất, giữ, trông coi, bảo quản cẩn thận bằng các phương tiện hỗ trợ như két sắt, tủ, khóa, trang bị hệ thống báo an ninh bảo mật, camera, còi hú, nuôi chó …
Hai là, đã xảy ra hành vi xâm phạm. Việc quyền bị xâm phạm có thể được thực hiện thông qua nhiều hành vi khác nhau. Do đó, khi đã xuất hiện hành vi xâm phạm, phương thức tự bảo vệ cũng có thể được áp dụng ở mức độ cho phép của pháp luật đối với từng tình huống thực tế. Ví dụ: Thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng, thỏa thuận, thương lượng, dõi theo, áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự can thiệp phi pháp vào tài sản đó…
Xét ở tính khả thi của biện pháp bảo vệ quyền, phương thức “tự bảo vệ” là phương thức giản tiện, phù hợp nhất mà mỗi chủ thể có thể áp dụng đối với từng loại tài sản của mình. Xét dưới góc độ kinh tế, có thể thấy “tự bảo vệ” là biện pháp mang tính kinh tế cao nhất do tiết kiệm được thời gian, đồng thời ít tốn kém chi phí cho việc giải quyết tranh chấp.
Tóm lại, trong việc bảo vệ vật quyền nói chung cũng như bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản nói riêng, vai trò tự bảo vệ của chủ thể mang quyền là rất quan trọng. Tuy nhiên, do đặc trưng là không mang tính cưỡng chế của nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyên của các bên nên tính triệt để và hiệu quả của việc áp dụng biện pháp này hoàn toàn phụ thuộc vào chủ thể mang quyền hoặc sự thiện chí và tự nguyện của người có hành vi xâm phạm.
3.2 Chủ thể có quyền khác đối với tài sản yêu cầu Toà án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác bảo vệ
Khoản 2 Điều 164 BLDS năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Sự cụ thể hóa phương thức bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bằng pháp luật dân sự là các phương thực kiện hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng nhằm bảo vệ quyền của mình đối với tài sản như sau:
3.2.1 Kiện đòi lại tài sản
Quyền đòi lại tài sản của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản được ghi nhận trong BLDS năm 2015 tại các Điều 166, Điều 167 và Điều 168. Kiện đòi tài sản (hay còn gọi là kiện vật quyền) là một trong những phương thức kiện phổ biến được áp dụng để bảo vệ quyền của chủ sở hữu đối với tài sản. Nội dung này cũng được ghi nhận tại khoản 1 Điều 166 BLDS năm 2015: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”.
Phương thức kiện đòi tài sản chỉ được áp dụng khi có yêu cầu chủ thể có quyền khác đối với tài sản, đồng thời chủ thể áp dụng trong trường hợp này không còn là chủ thể mang quyền nữa mà là Tòa án hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác. Chủ thể có quyền khác đối với tài sản trong trường hợp này có nghĩa vụ chứng minh vụ việc của mình đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để có thể kiện đòi tài sản. Những điều kiện để áp dụng phương thức kiện đòi tài sản có thể được liệt kê như sau: Chủ thể kiện đòi phải là chủ thể có quyền khác đối với tài sản; Chủ thể bị kiện đòi là người chiếm hữu, người sử dụng tài sản hoặc người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật; Tài sản kiện đòi phải còn có thể xác định được.
3.3.2 Kiện yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
Nội dung này được ghi nhận tại Điều 169 BLDS năm 2015, theo đó: “Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chủ thể có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó hoặc có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm”. Vấn đề này thường được áp dụng đối với tài sản là bất động sản.
Việc áp dụng phương thức kiện yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản cũng cần đáp ứng một số điều kiện nhất định:
- Chủ thể khởi kiện là chủ sở hữu hoặc chủ thể có quyền khác đối với tài sản mà sự chiếm hữu tài sản vẫn nằm trong tay của các chủ thể này, nhưng đang bị người khác gây khó khăn trong quá trình thực hiện những quyền năng nhất định;
- Chủ thể bị kiện là người đã thực hiện những hành vi gây cản trở việc thực hiện quyền của chủ thể mang quyền đối với tài sản, làm cho họ không thực thi được một cách tốt nhất quyền của mình.
- Hành vi xâm phạm phải đang diễn ra, chưa kết thúc.
3.3.3 Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là nội dung được ghi nhận tại Điều 170 BLDS năm 2015. Theo đó: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại”.
Để áp dụng phương thức kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại cần đáp ứng những điều kiện sau:
- Phải có thiệt hại xảy ra: Đây là điều kiện tiên quyết để có thể yêu cầu áp dụng phương thức kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. BLDS năm 2015 chưa quy định về những thiệt hại tinh thần do quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bị xâm phạm mà mới chỉ dừng lại ở những thiệt hại về mặt vật chất.
- Có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản của chủ thể có quyền.
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.
3.3.4 Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ
Ngoài các phương thức kiện dân sự (thực hiện tại Tòa), chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản cũng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền bảo vệ quyền của mình.
Đối với phương thức bảo vệ này, chúng tôi sẽ phân tích ở hai khía cạnh sau đây:
Thực hiện quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ vật quyền độc lập hoặc trước khi áp dụng các phương thức kiện dân sự. Hoạt động này có thể được các chủ thể lựa chọn thực hiện ngay khi phát hiện có hành vi xâm phạm và hướng đến hiệu quả trong khoảng thời gian ngắn, hiệu quả ở mức độ nhất định nếu cơ quan chuyên trách có can thiệp vào từng vụ việc.
Thực hiện quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ vật quyền với vai trò hỗ trợ sau khi thực hiện các phương thức kiện.
Vấn đề được đặt ra sau khi thực hiện các phương thức kiện, Tòa án tuyên án bảo vệ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, chủ thể khác đối với tài sản. Tuy nhiên, quyền và lợi ích của các chủ thể này lại không được bảo vệ triệt để nếu họ không lấy lại được tài sản khi kiện đòi, người xâm phạm vẫn ngang nhiên cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền của họ, người xâm phạm vẫn không thực hiện việc bồi thường… Sự việc này chỉ được giải quyết triệt để ở góc độ pháp lý khi chủ sở hữu, chủ thể quyền khác đối với tài sản yêu cầu cơ quan Thi hành án vào cuộc. Nhưng cơ quan này mới có thẩm quyền tương ứng để áp dụng các biện pháp cưỡng chế mà pháp luật quy định. Đây là một giai đoạn quan trọng trong việc bảo vệ tốt nhất quyền của chủ sở hữu, chủ thể khác đối với tài sản.
4. Đánh giá quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về các phương thức bảo vệ quyền khác đối với tài sản
Thứ nhất, thiếu phù hợp khi ghi nhận phương thức bảo vệ quyền của chủ sở hữu và quyền của chủ thể quyền khác đối với tài sản.
Chúng tôi nhận thấy các phương thức kiện được BLDS năm 2015 quy định đang tạo ra vị trí bình đẳng nhưng thiếu phù hợp cho chủ thể quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản. Cụ thể, hầu hết các quy định, các phương thức bảo vệ vật quyền đều xác định hai chủ thể là chủ sở hữu và chủ thể có quyền khác đối với tài sản. Rõ ràng, việc quy định như vậy lại không mang đến sự ưu tiên riêng cho việc bảo vệ loại quyền năng nào.
Về vấn đề này, chúng tôi hiểu rằng, quyền của các chủ thể hướng đến khai thác tài sản là khác nhau ở các thời điểm. Do đó, việc bảo vệ các loại quyền năng này là ngang hàng nhau. Thậm chí, BLDS năm 2015 còn quy định việc bảo vệ quyền của chủ thể khác đối với tài sản còn mạnh hơn rất nhiều.
Quyền sở hữu là loại quyền năng khẳng định địa vị pháp lý cao nhất của một chủ thể đối với tài sản. Cho nên, địa vị pháp lý của chủ thể quyền năng này cần được pháp luật ghi nhận rõ nét hơn vị trí ưu tiên khi bảo vệ. Có như vậy, tên gọi “Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản” mới có ý nghĩa về mặt pháp lý đồng thời lột tả được một cách rõ nét nhất quyền của các chủ thể. Đồng thời, đảm bảo sự rõ ràng khi thực thi, áp dụng của chế định vật quyền trong BLDS. Và với quy định như Khoản 2 Điều 166 BLDS năm 2015 như trên, chúng tôi cho rằng cần quy định thêm ngoại lệ như sau mới phù hợp: “Chủ sở hữu …tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Thứ hai, chúng ta đang né tránh hoặc thể hiện rõ sự thiếu sót quy định riêng về phương thức bảo vệ quyền khác đối với tài sản.
Xét về bản chất, quyền đối với tài sản là quyền của chủ thể đối với tài sản của chủ thể khác nên sẽ khác với quyền sở hữu. Việc đòi lại tài sản khi có sự xâm phạm từ các chủ thể đối với mỗi quyền năng cũng khác nhau. Cho nên, quy định của pháp luật khi xây dựng để bảo vệ cho hai quyền năng này cần thiết phải khác nhau. Quan điểm của chúng tôi cho rằng, Điều 166 BLDS năm 2015 nên được thiết kế thành 02 khoản trong đó Khoản 1 đề cập tới quyền của chủ sở hữu và khoản 2 đề cập tới quyền của người có quyền khác đối với tài sản sẽ đảm bảo không có sự trùng lặp và quét được hết các trường hợp phát sinh sự xâm phạm từ các chủ thể khác khi chủ thể quyền thực hiện quyền đòi lại tài sản của mình.
Thứ ba, quy định nhầm lẫn vị trí của các chủ thể trong quan hệ tranh chấp quyền khác đối với tài sản khi đồng hoá quyền đòi lại tài sản của chủ sở hữu, chủ thể quyền khác đối với tài sản.
Khoản 2 Điều 166 BLDS năm 2015 quy định: “ Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó”. Đây là quy định không sai nhưng không phù hợp. Vì thực tế, riêng các quyền khác đối với tài sản thường xảy ra trường hợp tranh chấp khi người chiếm hữu thực tế là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, có căn cứ pháp luật, thậm chí là chủ sở hữu và người cần được bảo vệ là người có quyền khác đối với tài sản.
Và về nguyên tắc, khi xây dựng quy định bảo vệ người có quyền khác đối với tài sản, chúng ta cần phải địa vị pháp lý của họ cao nhất. Vì lúc này, quyền năng đang được đề cập là quyền năng mạnh nhất, phát sinh quyền ưu tiên đối với chủ thể mang quyền. Do đó, cần phải quy định lại các vị trí các chủ thể khi đề cập tới việc bảo vệ chủ thể có quyền khác đối với tài sản.
Bên cạnh những lập luận trên, chúng tôi nhận thấy tên Điều luật 166 là “quyền đòi lại tài sản”. Như vậy, nội dung sẽ phải đề cập tới các trường hợp được thực hiện quyền đòi lại tài sản của chủ thể nào đó với chủ thể khác. Nhưng thiết kế tại Khoản 2 đã nêu lại phủ nhận điều này khi quy định “chủ sở hữu không có quyền đòi lại …”. Quy định này thực sự chưa phù hợp và nên được sửa đổi như sau: “Chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng không có căn cứ pháp luật, có căn cứ pháp luật hoặc chủ sở hữu”.
Thứ tư, quy định về cách thức bảo vệ quyền khác đối với tài sản chưa phải là tốt nhất.
Mặc dù ghi nhận trong phần trái quyền, nhưng các biện pháp bảo đảm vẫn mang đậm nét vật quyền cho chủ thể nhận bảo đảm như: Quyền theo đuổi, quyền ưu tiên, quyền đối kháng. Điều mà ai trong số chúng ta cũng phải thừa nhận, pháp luật Việt Nam ghi nhận tính chất của quan hệ vật quyền trong quan hệ bảo đảm nhưng lại né tránh việc quy định vấn đề này trong phần vật quyền. Rõ ràng, các biện pháp bảo đảm đã được quy định trong hầu hết các phiên bản BLDS qua các thời kì nhưng tính triệt để trong việc bảo vệ bên nhận bảo đảm là không có.
BLDS năm 2015 lần đầu ghi nhận mới hai loại quyền khác đối với tài sản là quyền hưởng dụng, quyền bề mặt. Đây được đánh giá là một bước đột phá trong công tác lập pháp. Với những ý nghĩa và phân tích trên, chúng tôi cho rằng, việc mở rộng các loại quyền khác đối với tài sản rất cần thiết đặc biệt là vật quyền bảo đảm.
Thứ năm, kiến nghị đồng bộ hoá quyền khác đối với tài sản trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Theo đó, pháp luật hình sự, hành chính, đất đai, nhà ở… cần thiết phải ghi nhận để đảm bảo tính tương thích phù hợp với đòi hỏi từ thực tế hơn thay vì chỉ có pháp luật dân sự đảm trách vấn đề này.
Trên đây là những phân tích về “Phương thức bảo vệ các quyền khác đối với tài sản”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.