Mối quan hệ giữa quyền sở hữu với các quyền khác đối với tài sản

moi-quan-he-giua-quyen-so-huu-voi-cac-quyen-khac-doi-voi-tai-san

Quyền sở hữu là một chế định rất quan trọng. Theo đó, quyền sở hữu ghi nhận và bảo đảm thực hiện của pháp luật về các quyền năng của chủ thể đối với tài sản. Do đó, quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản có mối quan hệ chặt chẽ và gắn bó với nhau. Vậy mối quan hệ giữa quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản được thể hiện như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Quyền sở hữu là gì?

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với tài sản của chủ sở hữu trong phạm vi pháp luật cho phép. Với góc độ này thì quyền sở hữu chính là các quyền năng cụ thể của chủ sỡ hữu đối với các tài sản cụ thể của mình được xác định thông qua các quy định của pháp luật.

Mặt khác, quyền sở hữu còn được nhìn nhận ở góc độ là quan hệ pháp luật được hình thành bởi sự tác động của pháp luật tới các quan hệ sở hữu. Nói cách khác, quyền sở hữu là hệ quả của sự điều chỉnh bởi quy phạm pháp luật tới các quan hệ sở hữu.

Với các góc nhìn trên, quyền sở hữu có những yếu tố cơ bản sau đây:

  • Quyền sở hữu là một quan hệ pháp luật
  • Quyền sở hữu là một phạm trù pháp lý
  • Quyền sở hữu là một phạm trù lịch sử

2. Quyền sở hữu theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành

Theo Điều 158, BLDS 2015 thì “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.” Như vậy, quyền sở hữu theo nghĩa hẹp là sự quy định của pháp luật về ba quyền năng sau đây của chủ sở hữu đối với tài sản của họ:

2.1 Quyền chiếm hữu

Bộ luật dân sự 2015 không có điều luật nào định nghĩa trực tiếp về quyền chiếm hữu nhưng đã có quy định về chiếm hữu tài sản tại Điều 179: “Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.” và quy định về quyền chiếm hữu của chủ sở hữu tại Điều 186: “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”

Bên cạnh đó, bằng các điều luật khác, BLDS 2015 còn quy định về quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản:

“Người được chủ sở hữu uỷ quyền quản lý tài sản thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời hạn do chủ sở hữu xác định.” (Điều 187)

và của người được chủ sở hữu chuyển giao tài sản thông qua giao dịch dân sự:

“Khi chủ sở hữu giao tài sản cho người khác thông qua giao dịch dân sự mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch.”(Điều 188).

2.2 Quyền sử dụng

Đây là sự kế thừa định nghĩa về quyền sử dụng đã được BLDS 2005 quy định tại Điều 192 và bổ sung thêm về chuyển giao quyền sử dụng. Ngoài ra, Bộ luật dân sự 2015 còn quy định về quyền sử dụng của chủ sở hữu tại Điều 190: Chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.” và quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu tại Điều 191: “Người không phải là chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật.”

Với các quy định trên thì khái niệm về quyền sử dụng được xác định như sau:

Quyền sử dụng là quyền được thực hiện hành vi khai thác công dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ tài sản của chủ sở hữu tài sản hoặc người được chuyển giao quyền sử dụng. Trong đó, chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; người không phải là chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật.

2.3 Quyền định đoạt

Điều 192, BLDS 2015 đã định nghĩa như sau:

“Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.”

Theo định nghĩa này thì quyền định đoạt là quyền được thực hiện các hành vi mà hậu quả là chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản khi hành vi đó được thực hiện, bao gồm:

  • Chuyển giao quyền sở hữu tài sản: Quyền sở hữu tài sản được chuyển giao từ chủ sở hữu sang chủ thể khác có thể là từ sự thỏa thuận giữa chủ sở hữu với người được chuyển giao; có thể là theo quy định của pháp luật. Có thể là bán tài sản; cho vay tài sản; trao đổi tài sản; tặng cho tài sản hoặc để thừa kế.
  • Từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản: Bên cạnh việc chuyển giao quyền sở hữu thì từ bỏ quyền sở hữu cũng là hành vi định đoạt số phận pháp lý của tài sản, nghĩa là việc từ bỏ tài sản cũng không làm mất đi sự tồn tại thực tế hoặc biến đổi trạng thái tồn tại của tài sản. Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi này, chủ sở hữu không có mục đích chuyển giao cho chủ thể khác quyền sở hữu tài sản mà chỉ nhằm chấm dứt quyền sở hữu của mình đối với một tài sản nhất định khi không còn nhu cầu đối với tài sản đó.
  • Tiêu dùng tài sản: khái niệm tiêu dùng là thật ngữ được dùng để chỉ trường hợp sử dụng tài sản là vật tiêu hao. Tiêu dùng tài sản về bản chất  là hành vi sử dụng tài sản bởi nó chính là việc khai thác công dụng theo tính chất của tài sản để thỏa mãn nhu cầu nhất định.
  • Tiêu huỷ tài sản: Tiêu hủy tài sản là việc thực hiện các hành vi như đập bỏ, phá hủy, đốt, xé… làm cho tài sản tài sản không còn tồn tại thực tế hoặc thay đổi trạng thái tồn tại.

Kết hợp nội dung của ba điều luật  (Điều 192, 194, 195), có thể xác định khái niệm về quyền định đoạt như sau:

Quyền định đoạt là quyền của chủ thể được thực hiện các hành vi chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản. Trong đó, chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản; người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo uỷ quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật.

3. Quyền sở hữu theo quy định trong pháp luật của một số nước trên thế giới

3.1 Bộ luật dân sự và thương mại Thái Lan

Bộ luật này được kết cấu theo 06 quyển, trong đó Quyển IV quy định về Tài sản. Quyền sở hữu được thiết kế thành một phần trong quyền IV, tuy nhiên, việc xác định nội dung sở hữu, hình thức sở hữu được quy định rải rác trong toàn bộ quyển 4 mà không tập trung vào một phần cụ thể. Mặc dù không xác định rõ về các hình thức sở hữu nhưng theo tinh thần của các điều luật nằm rải rác trong phần này vẫn cho thấy Bộ luật dân sự và thương mại Thái Lan xác định hình thức sở hữu dựa theo chủ thể:

+ Sở hữu Nhà nước

Theo Bộ luật dân sự và thương mại Thái Lan thì tất cả các tài sản thuộc sở hữu Nhà nước là tài sản công được sử dụng vì lợi ích công cộng hoặc dự trữ cho lợi ích chung, bao gồm: Đất trống và đất không sử dụng, đất bỏ hoang hoặc bằng cách khác thuộc về Nhà nước theo quy định của Luật đất đai; tài sản dành cho việc sử dụng chung của nhân dân như bãi biển, sông ngòi, đường cao tốc, hồ nước; tài sản dành cho việc sử dụng đặc biệt của Nhà nước như lâu đài hoặc những công trình quân sự khác, cơ quan công cộng, tàu chiến, khí giới và đạn dược.

Để bảo đảm tính tuyệt đối của quyền sở hữu Nhà nước, Bộ luật này còn xác định: “Bất cứ tài sản nào tạo thành một phần tài sản công cộng của Nhà nước thì không thể bị chia cắt, trừ trường hợp do một luật đặc biệt quy định hoặc do một sắc lệnh của Nhà vua quy định” (Điều 1305), đồng thời “Không một thời hiệu nào có thể được thiết lập chống lại Nhà nước về bất cứ một tài sản nào tạo thành một phần tài sản sản công cộng của Nhà nước” (Điều 1306).

+ Sở hữu Chung

Khi quy định về sở hữu chung, Bộ luật dâ sự và thương mại Thái Lan dùng cụm từ “Đồng sở hữu”, theo đó, Bộ luật xác định: Nếu một tài sản cùng thuộc về nhiều người thì những quy định của chương này được áp dụng, trừ khi pháp luật có quy định khác”. Mặc dù không phân định cụ thể nhưng nội dung của các điều luật khi quy định về sở hữu chung (từ Điều 1357 đến Điều 1366) đã cho thấy Bộ luật dân sự và thương mại Thái Lan cũng đã xác định quyền của các đồng sở hữu theo các loại sở hữu chung: sở hữu chung hợp nhất, sở hưu chung theo phần với nguyên tắc nếu không xác định được phần quyền của mỗi người đối với khối tài sản chung thì “các đồng sở hữu được coi là có những phần bằng nhau” (Điều 1357).

+ Sở hữu riêng:

Có thể thấy rằng, Bộ luật dân sự và thương mại Thái Lan đã theo phương pháp loại trừ để xác định về sở hữu riêng. Bằng việc xác định sở hữu Nhả nước, sở hữu chung, trong đó quy định về các loại tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, xác định nhiều chủ thể trong sở hữu chung, Bộ luật này gián tiếp xác định sở hữu riêng là trường hợp không thuộc sở hữu Nhà nước và sở hữu của nhiều người.

3.2 Bộ luật dân sự Nhật Bản

Trên cơ sở hiến định: “Không được xâm phạm đến quyền sở hữu”“nội dung quyền sở hữu được pháp luật quy định để không đối lập với lợi ích của xã hội” (Điều 29, Hiến pháp Nhật Bản), Bộ luật dân sự Nhật Bản xác định quyền sở hữu vừa mang tính tuyệt đối về quyền (bất khả xâm phạm), vừa mang tính hạn chế. Điều này thể hiện rõ nét ngay trong Điều 206: “Nội dung quyền sở hữu bao gồm tự do sử dụng, thu lợi nhuận và định đoạt quyền đó với giới hạn do pháp luật quy định”.

Luật dân sự Nhật Bản quy định về các hình thức sở hữu cũng dựa theo tiêu chí chủ sở hữu nên được xác định: quyền sở hữu Nhà nước, quyền sở hữu riêng,  quyền sở hữu chung và đặc biệt xác định rõ đất nào thuộc sở hữu Nhà nước, đất nào thuộc sở hữu tư nhân. Quyền sở hữu đất bao gồm cả không gian theo chiều cao phía trên mặt đất và không gian theo chiều sâu phía dước mặt đất (Điều 207 – Bộ luật dân sự Nhật Bản). Không gian trên và dưới mặt đất chỉ bị hạn chế độ cao, độ sâu trong trường hợp pháp luật có quy định.

3.3 Bộ luật dân sự Cộng hoà Pháp

Bộ luật dân sự Pháp coi sở hữu tài sản là một chế định trung tâm, các chế định khác như là thừa kế; nghĩa vụ và hợp đồng; khế ước hôn nhân… là các phương thức xác lập quyền sở hữu.

Bộ luật dân sự Pháp cũng liệt kê các tài sản thuộc tài sản quốc gia; xác định sở hữu chung của vợ chồng; sở hữu riêng của vợ, của chồng và như vậy, tinh thần của bộ luật này cũng xác định ba hình thức sở hữu: Sở hữu Nhà nước;  sở hữu rêng và sở hữu chung.

Với sự thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai, pháp luật của Cộng hòa Pháp coi đất đai là một loại tài sản mà mọi chủ thể có thể sở hữu, không tách rời đất và quyền sử dụng đất là hai loại tài sản khác nhau. Theo đó, các quyền liên quan đến tài sản đất đai được Bộ luật này quy định hết sức cụ thể bằng một hệ thống các điều luật.

3.4 Bộ luật dân sự Cộng hoà liên bang Đức

Ở Cộng hòa liên bang Đức mỗi bang có một nghị viện riêng, có thẩm quyền lập pháp nên mỗi bang đều có hệ thống pháp luật riêng, Bộ luật dân sự Đức là bộ luật điển hình được áp dụng thống nhất trong toàn liên bang. Bộ luật dân sự Đức gồm 5 quyển, trong đó: Quyển 1 quy định về những vấn đề chung; Quyển 2  quy định về trái quyền; Quyển 3 quy định về vật quyền; Quyển 4 quy định về hôn nhân và gia đình; Quyển 5 quy định về thừa kế.

khi quy định về vật quyền, Bộ luật dân sự Đức thể hiện các nguyên tắc sau: tách biệt trái quyên và vật quyền trong các giao dịch; Nguyên tắc công khai; Nguyên tắc quyền tuyệt đối; Nguyên tắc luật định.

4. Mối liên hệ giữa quyền sở hữu với các quyền khác đối với tài sản

4.1 Mối liên hệ giữa quyền sở hữu với vật quyền bảo đảm

Thông qua bản chất, đặc điểm của vật quyền nói chung cũng như của các vật quyền nói riêng và và cơ sở hình thành các loại vật quyền, có thể thấy giữa vật quyền sở hữu với vật quyền bảo đảm có các mối liên hệ sau đây:

– Sự phái sinh sơ cấp mà vật quyền sở hữu là vật quyền gốc, vật quyền bảo đảm là vật quyền phái sinh.

Quan hệ nghĩa vụ là quan hệ trái quyền, như đã biết, quyền dân sự trong quan hệ này là quyền đối nhân nên việc hưởng quyền của chủ thể quyền phụ thuộc vào việc thực hiện nghĩa vụ của chủ thể nghĩa vụ, Trong khi, không phải chủ thể nghĩa vụ nào trong quan hệ nghĩa vụ đều thiện chí trong việc thực hiện nghĩa vụ.

Chẳng hạn, quyền thu nợ của bên cho vay chỉ là quyền yêu cầu bên vay thực hiện việc trả nợ, mà việc trả hay không lại do ý thức của bên vay chi phối. Nếu như bên vay không thiện chí trả nợ hoặc dù có thiện chí nhưng không còn tài sản để trả do làm ăn thua lỗ, bên cho vay phải nhờ đến sự can thiệp của Tòa án theo con đường tố tụng. Thậm chí, nhiều trường hợp bản án đã có hiệu lực nhưng không thể thi hành được bởi người phải thi hành án không còn khả năng tài sản.

Để khắc phục các rủi ro này, bên cho vay phải nghĩ đến một biện pháp nào đó để bảo đảm vốn cho vay của mình không bị thất thoát ngay cả khi người vay không trả nợ. Một trong những biện pháp đó, là bên vay phải bằng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm cho việc trả nợ trước bên cho vay. Các bên thỏa thuận với nhau rằng hợp đồng vay tài sản chỉ được xác lập nếu bên vay (hoặc thông qua một người khác) có tài sản có giá trị lớn hơn hoặc bằng khoản nợ vay dùng để bảo đảm cho việc trả nợ.

Theo đó, bên vay hoặc người thứ ba bằng tài sản thuộc sở hữu của mình để xác lập với bên cho vay một quan hệ bảo đảm. Trong quan hệ bảo đảm này, bên cho vay (cũng chính là bên nhận bảo đảm) được xác lập các quyền đối với tài sản bảo đảm.

Như vậy, vật quyền bảo đảm bao giờ cũng phái sinh sơ cấp từ vật quyền sở hữu bởi theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm, tài sản bảo đảm phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và vật quyền bảo đảm được chuyển dịch trực tiếp từ người bảo đảm sang bên nhận bảo đảm.

– Sự dịch chuyển quyền định đoạt đối với tài sản

Các chủ sở hữu đem tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ đều phải chấp nhận rằng nếu nghĩa vụ được bảo đảm không được thực hiện thì quyền định đoạt (xử lý) tài sản đó thuộc về bên nhận bảo đảm. Trong khi, quyền xử lý tài sản bảo đảm được xác định là một vật quyền nên thông qua giao dịch bảo đảm, một quyền đối vật được chuyển dịch.

Tuy nhiên, nếu chủ sở hữu định đoạt tài sản của mình chỉ cần phù hợp với quy định của pháp luật mà không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ ai thì người nhận tài sản bảo đảm định đoạt tài sản đó phải tuân theo phương thức xử lý tài sản mà các bên đã thỏa thuận.

Khi chưa có sự thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản thì tài sản bảo đảm chỉ được xử lý theo phương thức bán đấu giá. Bộ luật dân sự 2005 quy định về việc xử lý tài sản thế cầm cố, thế chấp giống nhau bằng 02 điều luật và được Bộ luật 2015 kế thừa hầu như toàn bộ nội dung, ngoài việc sắp xếp vào cùng một điều, (Điều 303): “1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:

a) Bán đấu giá tài sản;

b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

d) Phương thức khác.

2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.”

Bên cạnh đó, khoản 1, Điều 58, Nghị định 163/2006 ngày 29/12/2006 của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm còn quy định: “Trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản đó được thực hiện theo thoả thuận của các bên; nếu không có thoả thuận thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật.”

Chúng tôi cho rằng một khi quyền định đoạt tài sản đã được chủ sở hữu chuyển giao cho bên nhận bảo đảm thì quyền dịnh đoạt trở thành là quyền của người nhận bảo đảm đối với tài sản đó. Theo lý thuyết về vật quyền thì người nhận bảo đảm được thực hiện các hành vi một cách trực tiếp lên tài sản bảo đảm vì lợi ích của mình mà không phụ thuộc vào ý chí của ai, kể cả chủ sở hữu tài sản. Vì vậy, có thể nói quy định trên của pháp luật là sự vận dụng nửa vời về lý thuyết vật quyền nên đã gây ra nhiều bất cập trong thực tế, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản nếu không có sự hợp tác thiện chí của bên bảo đảm, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích của bên nhận bảo đảm.

– Vật quyền bảo đảm là một trong những nội dung của quan hệ luôn được hình thành theo thỏa thuận (quan hệ bảo đảm) giữa chủ sở hữu tài sản với người có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm.

Quan hệ bảo đảm luôn được hình thành từ các giao dịch (hợp đồng) bảo đảm nên yếu tố thỏa thuận là nét đặc trưng và duy nhất trong quan hệ này. Trong đó, chủ thể của thỏa thuận này thì một bên (bên nhận bảo đảm) bao giờ cũng là bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng giao dịch bảo đảm, còn bên kia (bên bảo đảm) có thể chính là người có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm hoặc có thể là người khác nhưng bao giờ cũng phải là chủ sở hữu của tài sản bảo đảm.

Sự liên hệ trên cho thấy, khác với các vật quyền phái sinh khác (có thể được xác lập theo quy định của pháp luật, theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu tài sản với chủ thể bất kỳ khác hoặc theo di chúc), vật quyền bảo đảm chỉ có thể được xác lập theo sự thỏa thuận giữa chủ sở hữu tài sản với bên nhận bảo đảm.

Tuy nhiên, nếu theo lý thuyết về vật quyền và trái quyền thì cần phải hiểu sự thỏa thuận này là thỏa thuận xác lập giao dịch bảo đảm và nội dung của giao dịch bảo đảm đó với bản chất là một quan hệ trái quyền nhưng trong đó có nội dung chuyển giao quyền định đoạt tài sản là chuyển giao một vật quyền. Khi giao dịch có hiệu lực thì quyền định đoạt tài sản đã thuộc về bên nhận bảo đảm.

Vì vậy, thuộc về các trường hợp được quyền xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật thì người nhận tài sản bảo đảm được quyền xử lý tài sản với góc độ là thực hiện một quyền đối vật. Có như vậy lý thuyết vật quyền mới thật sự có ý nghĩa trong vật quyền bảo đảm.

4.2. Mối liên hệ giữa vật quyền sở hữu với vật quyền khác

Do vật quyền khác và vật quyền bảo đảm đều là vật quyền phái sinh từ vật quyền sở hữu nên mối liên hệ giữa hai loại vật quyền này với vật quyền sở hữu gần như tương tự nhau. Tuy nhiên, do tính chất của hai loại vật quyền này khác nhau nên sự liên hệ giữa giữa chúng với vật quyền sở hữu cũng có nhiều nét khác nhau. Có thể thấy sự khác nhau này thông qua ba mối liên hệ sau:

 – Sự phái sinh sơ cấp hoặc thứ cấp mà vật quyền sở hữu là vật quyền gốc, vật quyền khác là vật quyền phái sinh.

Nếu như vật quyền bảo đảm chỉ phái sinh sơ cấp từ vật quyền sở hữu thì sự phái sinh của vật quyền khác còn bao gồm cả phái sinh thứ cấp. Phái sinh sơ cấp là phái sinh lần đầu tiên. Vật quyền bảo đảm phái sinh lần đầu và duy nhất từ vật quyền sở hữu bởi nó chỉ là hệ quả của sự thỏa thuận giữa chủ sở hữu tài sản là bên bảo đảm với bên nhận bảo đảm và bên nhận bảo đảm không có quyền dùng tài sản bảo đảm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trước bất kỳ một chủ thể nào khác.

Tính chất phái sinh một lần duy nhất trong vật quyền bảo đảm cho thấy rằng việc việc giao quyền xử lý tài sản từ chủ sở hữu sang bên nhận bảo đảm thoạt đầu là nhằm hạn chế quyền định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản đã dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Sự hạn chế này vốn dĩ là một trong các dung của quan hệ trái quyền, nghĩa là quan hệ giữa hai bên đã được xác định, không liên quan đến chủ thể khác. Vì vậy, chỉ bên nhận bảo đảm mới có quyền hạn chế quyền định đoạt tài sản của bên bảo đảm.

Vật quyền khác có thể là sự phái sinh sơ cấp từ vật quyền sở hữu, chẳng hạn như người có quyền hưởng dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác do chính chủ sở hữu tài sản đó trao quyền hưởng dụng; nhưng cũng có thể là sự phái sinh thứ cấp.

Phái sinh thứ cấp được hiểu là sự phái sinh tiếp nối sau phái sinh sơ cấp, và như vậy, vật quyền khác có thể là sự tiếp nối liên tục nhiều lần từ phái sinh sơ cấp. Chẳng hạn, người được chủ sở hữu trao quyền hưởng dụng cho người khác thuê quyền hưởng dụng đó. Pháp luật dân sự cho phép người hưởng dụng có quyền cho người khác thuê lại quyền hưởng dụng đó nếu thời hạn hưởng dụng vẫn còn:

“1. Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân.

2. Người hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.”

(Điều 260, Bộ luật dân sự 2015)

– Sự chuyển dịch quyền sử dụng đối với toàn bộ hoặc một phần tài sản

Trong mối liên hệ giữa vật quyền sở hữu với vật quyền bảo đảm thì vật quyền được chuyển dịch là quyền định đoạt đối với tài sản. Trừ trường hợp chủ sở hữu dùng nhiều tài sản khác nhau để bảo đảm cho cùng một nghĩa vụ mà tổng giá trị tài sản lớn hơn giá trị nghĩa vụ, còn lại, bên nhận bảo đảm luôn có quyền định đoạt toàn bộ tài sản bảo đảm.

Trong vật quyền khác, vật quyền được chuyển dịch luôn và chỉ có thể là quyền sử dụng đối với tài sản, việc chiếm hữu (nếu có) thì như là một trạng thái tự nhiên đi liền với quyền sử dụng. Sự khác biệt này cho thấy, nếu như việc chuyển quyền chiếm hữu tài sản trong quan hệ bảo đảm có mục đích là kiểm soát việc định đoạt tài sản của bên bảo đảm trong thời hạn bảo đảm và thông qua tài sản đó để bảo đảm lợi ích cho bên nhận bảo đảm nếu người có nghĩa vụ được bảo đảm không thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, quyền chiếm hữu trong vật quyền bảo đảm cũng là một vật quyền được chuyển giao.

Việc chiếm hữu trong trong vật quyền khác, nếu có, chỉ với mục đích là để người có vật quyền khác sử dụng, hưởng dụng tài sản là đối tượng của vật quyền nên nó không phải là vật quyền được chuyển giao. Mặt khác, quyền sử dụng trong vật quyền khác có thể là đối với toàn bộ tài sản, chẳng hạn, một người được chủ sở hữu trao quyền hưởng dụng đối với toàn bộ một bất động sản; nhưng cũng có thể chỉ đối với một phần tài sản là đối tượng của vật quyền. Chẳng hạn, người có quyền về lối đi qua bất động sản của người khác chỉ có quyền đối với phần diện tích của lối đi.

– Vật quyền khác có thể được xác lập không theo ý chí của chủ sở hữu tài sản

Như đã nói, vật quyền bảo đảm chỉ được xác lập ở người khác nếu đó là ý chí từ chủ sở hữu thể hiện qua sự thỏa thuận giữa họ với bên nhận bảo đảm. Nhưng với vật quyền khác, mặc dù cũng phái sinh từ vật quyền sở hữu nhưng ngoài việc được xác lập theo ý chí của chủ sở hữu tài sản, còn có thể được xác lập theo quy định của pháp luật mà không phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu tài sản. Chẳng hạn, các như quyền về cấp thoát nước, quyền mắc đường dây tải điên, thông tin liên lạc qua của chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền qua bất động sản chịu hưởng quyền là những ví dụ điển hình cho tính chất này của vật quyền khác.

Trên đây là những phân tích về “Mối quan hệ giữa quyền sở hữu với các quyền khác đối với tài sản”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon