Hoàn thiện quy định về các quyền khác đối với tài sản

hoan-thien-quy-dinh-ve-cac-quyen-khac-doi-voi-tai-san

Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của các chủ thể khác. Bao gồm: quyền đối với bất động sản liền kề; quyền hưởng dụng; quyền bề mặt. Theo đó các quyền này được quy định cụ thể trong Bộ luật dân sự 2015, tuy nhiên thực tiễn cho thấy các quy định này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Vậy đâu là giải pháp hoàn thiện quy định về các quyền khác đối với tài sản trong bối cảnh thực thi BLDS năm 2015. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Vật quyền hưởng dụng và việc góp vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ

1.1 Đối tượng của quyền hưởng dụng là tài sản mang giá trị thanh toán và có thể chuyển giao

Theo quy định tại các Điều 261 và 264 BLDS, người hưởng dụng có quyền tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng.

Quyền hưởng dụng cho dù được xác lập từ các căn cứ nào, thì đối tượng của quyền hưởng dụng là bất động sản và những động sản buộc phải đăng ký quyền sở hữu, theo đó đối tượng của quyền hưởng dụng buộc phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Với nguyên tắc này, chủ thể của quyền hưởng dụng có quyền cho phép người thứ ba khai thác, sử dụng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng để thu hoa lợi, lợi tức. Hoa lợi, lợi tức thu được từ việc khai thác, sử dụng tài sản hưởng dụng và có thể dùng để góp vốn, đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ.

Khi người thứ ba cản trở, chiếm hữu, sử dụng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không đúng thỏa thuận, thì người hưởng dụng có quyền tự bảo vệ, yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, trả lại tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

1.2 Địa vị pháp lý của người có quyền hưởng dụng

Quyền của người hưởng dụng là quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác trong một thời hạn nhất định.

Người hưởng dụng là chủ sở hữu của phần hoa lợi, lợi tức thu được từ việc khai thác công dụng của tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng. Khi có tranh chấp liên quan đến tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng và hoa lợi, lợi tức do có việc khai thác công dụng của tài sản, thì người hưởng dụng có quyền yêu cầu ngăn chặn các hành vi xâm phạm và yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải bồi thường.

Người có quyền hưởng dụng còn có quyền kiện vật quyền trong trường hợp tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng đang bị người khác chiếm hữu trái pháp luật. Ngoài ra, đối tượng của quyền hưởng dụng là đất đai và các bất động sản khác, thì các đối tượng này còn chịu quyền địa dịch trong trường hợp cụ thể và chủ thể của quyền hưởng dụng phải thực hiện các quy định về quyền địa dịch và quyền bề mặt.

1.3 Quyền hưởng dụng có vai trò bảo toàn vốn và duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ

Căn cứ vào Điều 257 BLDS: “Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định”. 

Căn cứ vào quy định tại Điều 257 BLDS, quyền hưởng dụng được xác lập theo di chúc theo đó người được chỉ định hưởng dụng tài sản của người chết để lại được quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc khai thác tài sản. Vì vậy, người được chỉ định là người hưởng dụng chỉ có quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc khai thác tài sản, mà không có quyền sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng do người lập di chúc xác định.

Quyền hưởng dụng theo di chúc được pháp luật quy định và được bảo đảm thực hiện, tạo ra những khả năng khai thác công dụng tài sản của người khác mà người này không phải là chủ sở hữu của tài sản. Quyền hưởng dụng theo di chúc được thực hiện trong những trường hợp cụ thể không những bảo đảm duy trì, phát triển được khối di sản của người chết để lại, mà còn giữ được việc sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ thông qua việc khai thác công dụng của tài sản, đồng thời ngăn chặn được nguy cơ phá vỡ một cơ sở sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ.

Thứ nhất, tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng được chuyển giao cho cá nhân hoặc pháp nhân khai thác công dụng để hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản có thời hạn cho nên khối di sản của người chết để lại chưa được chia thừa kế.

Thứ hai, do không có việc chia tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng theo di chúc, cho nên năng lực sản xuất của cơ sở vẫn được duy trì và tránh được những rủi ro liên quan đến người thừa kế không có năng lực quản lý, khai thác công dụng của phần tài sản được chia thừa kế, tránh được lãng phí tài sản, ngăn chặn nguy cơ phá vỡ sản xuất, ảnh hưởng đến các hợp đồng dân sự, thương mại, lao động và các hợp đồng khác đã được xác lập.

Thứ ba, tạo điều kiện cho cá nhân có tài sản khi lập di chúc có quyền lựa chọn cá nhân hoặc pháp nhân có năng lực về trí tuệ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ, có uy tín trong sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ được khai thác công dụng của tài sản để duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ được uy tín trên thương trường.

Thứ tư, đối tượng của quyền hưởng dụng là tài sản, theo đó mọi tài sản đều có thể là đối tượng của quyền hưởng dụng nếu tài sản này được khai thác công dụng phát sinh hoa lợi, lợi tức. Các loại trái phiếu, ngân phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác là đối tượng của quyền hưởng dụng phải tuân theo những quy định của pháp luật tài chính, ngân hàng và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Quyền về lối đi qua

Hiện nay ở Việt Nam quyền về lối đi qua, được quy định tại Điều 254 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015. Căn cứ vào quy định quyền về lối đi qua tại Điều 254 BLDS năm 2015, cần xác định rõ nội hàm của quy định để áp dụng vào việc giải quyết những tranh chấp về lối đi giữa các bên chủ thể trong cộng đồng dân cư.

Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Quyền mở lối đi qua là một quyền địa dịch có căn cứ xác lập theo luật định hoặc do địa thế tự nhiên hoặc theo thỏa thuận hoặc theo di chúc.

Nếu không có thỏa thuận, không theo địa thế tự nhiên hoặc không có di chúc thì chủ sở hữu bất động sản bị các bất động sản của người khác vây bọc có quyền yêu cầu chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu của nhiều bất động sản cho mình được mở lối đi qua bất động sản của họ.

Quyền của chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bới các bất động sản của các chủ sở hữu khác không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, sông, suối công cộng thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi hợp lý cần được xác định dựa trên các yếu tố thực tế có liên quan, nơi mở lối đi. Cụ thể:

– Thứ nhất cần căn cứ vào vị trí các bất động sản vây bọc bất động sản được hưởng quyền địa dịch, mở lối đi;

– Thứ hai, cần căn cứ vào trường hợp có nhiều bất động sản vây bọc cùng chịu địa dịch cho việc mở lối đi cho chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền địa dịch hay không;

– Thứ ba, cần căn cứ vào vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên;

– Thứ tư, cần căn cứ vào trường hợp bất dộng sản có bị chia thành nhiều phần không.

3. Thực trạng pháp luật quy định về quyền bề mặt

Quyền bề mặt theo quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015 từ Điều 267 đến Điều 273. Quyền bề mặt được quy định là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó không thuộc về chủ thể khác.

Tuy nhiên, căn cứ vào những quy định về quyền bề mặt trong Bộ luật dân sự năm 2015, còn nhiều vấn đề được đặt ra cần được giải quyết và khi đó áp dụng những quy định nào để giải quyết tranh chấp?

Thứ nhất, trường hợp một chủ sở hữu nhà ở, cho người khác xây dựng tầng  nhà ở trên mặt trần ngôi nhà của mình theo thỏa thuận, đây có phải là quyền bề mặt được xác lập theo thỏa thuận không? Nếu coi là bề mặt, thì đối tượng của quyền bề mặt là mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà không phải bề mặt của môt bất động sản khác. Thực tế đã phát sinh nhiều trường hợp tương tự, pháp luật chưa điều chỉnh và khi có tranh chấp phát sinh, việc áp dụng pháp luật nào để giải quyết là một vấn đề không dễ dàng.

Thứ hai, bề mặt của bất động sản ngoài đất đai, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất như nhà cửa, các công trình xây dựng khác mà mặt ngoài của bức tường nhà, được sử dụng treo bảng quảng cáo, treo các tấm áp phích, logo của một công ty, một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ khác nhau mà chủ sở hữu nhà cửa, vật kiến trúc khác thỏa thuận với chủ thể sử dụng bề mặt đứng của bức tường ngôi nhà, vật kiến trúc để treo các bảng hiệu này, thì đây có được xem như quyền bề mặt được xác lập theo thỏa thuận không?

Thư ba, chủ sở hữu thỏa thuận cho người khác sử dụng bề  mặt trần nhà để dựng cột enten thu phát sóng trong lĩnh vực thông tin liên lạc, thu phát hình có được xem là quyền bề mặt xác lập theo thỏa thuận không? Hay trường hợp này thuộc quyền sử dụng, quyền địa dịch?

Những vấn đề dặt ra cần phải được xác định chúng thuộc quan hệ nào, để có căn cứ áp dụng các quy phạm pháp luật giải quyết tranh chấp phát sinh.

Thư tư, nghiên cứu mở rộng phạm vi đối tượng của quyền bề mặt 

Theo quy định của pháp luật hiện hành về quyền bề mặt, đối tượng của quyền bề mặt gồm:

  • Mặt đất;
  • Mặt nước;
  • Khoảng không gian trên mặt đất;
  • Mặt đất và lòng đất.

Như vậy, theo quy định của pháp luật về đối tượng của quyền bề mặt liên quan đến đất đai, không có bề mặt của các bất động sản khác như nhà cửa, các vật kiến trúc.

Bề mặt của của công trình xây dựng như nhà cửa, vật kiến trúc khác có thể hai thác, sử dụng tương tự như khai thác bề mặt của đất đai, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất. Vì vậy, nên chăng quy định bề mặt của các công trình xây dựng như nhà ở, vật kiến trúc khác là đối tượng của quyền bề mặt, nếu có thỏa thuận.

Quy định mở rộng đối tượng của quyền bề mặt còn bao gồm bề mặt bất động sản là nhà cửa, các công trình xây dựng khác sẽ mở ra những khả năng, điều kiện sử dụng bề mặt của bất động sản khác ngoài bề mặt đất, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước, lòng đất nhằm khuyến khích các quan hệ dân sự liên quan đến quyền bề mặt phát triển linh hoạt trong điều kiện phát triển công nghệ như hiện nay và trong tương lai.

Trên đây là những phân tích về “Hoàn thiện quy định về các quyền khác đối với tài sản”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon