Quyền được xác định, xác định lại dân tộc. Thủ tục xác định lại dân tộc

quyen-duoc-xac-dinh-xac-dinh-lai-dan-toc-thu-tuc-xac-dinh-lai-dan-toc

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, vấn đề xác định dân tộc, xác định tại dân tộc là một vấn đề quan trọng, được pháp luật dân sự ghi nhận và bảo vệ. Đây là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân đồng thời nó còn có ý nghĩa trong việc nghiêm cấm các hành vi lợi dụng quyền xác định, xác định lại dân tộc để trục lợi, gây chia rẽ khối đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ phân tích cụ thể về quyền được xác định dân tộc, xác định lại dân tộc và thủ tục xác định lại dân tộc. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

1. Khái niệm, đặc điểm quyền được xác định, xác định lại dân tộc

1.1. Khái niệm quyền được xác định, xác định lại dân tộc

Xác định, xác định lại dân tộc là một quyền nhân thân của cá nhân được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015. Tuy nhiên Bộ luật dân sự năm 2015 không có quy định thế nào là quyền xác định, xác định lại dân tộc.

Theo từ điển Việt – Việt, dân tộc là cộng đồng người có chung một lãnh thổ, ngôn ngữ, đặc trưng văn hóa. Dân tộc cũng có nghĩa là các cộng đồng người có chung một ngôn ngữ, một lãnh thổ, một nền kinh tế và một truyền thống văn hóa; hay dân tộc cũng có nghĩa là tên gọi các cộng đồng người hình thành trong lịch sử ở những giai đoạn phát triển khác nhau.

Có thể hiểu, quyền xác định, xác định lại dân tộc là quyền nhân thân của cá nhân, là khả năng pháp luật cho phép cá nhân được xác định, xác định lại dân tộc theo trình tự, thủ tục hợp pháp để đảm bảo quyền, lợi ích của mình.

Thuật ngữ dân tộc trong tiếng Anh là “Ethnic”.

1.2. Đặc điểm của quyền được xác định, xác định lại dân tộc

– Quyền được xác định, xác định lại dân tộc là quyền nhân thân không gắn với tài sản.

Đặc tính không gắn với tài sản là một trong những đặc tính cơ bản để phân biệt quyền nhân thân gắn với tài sản và quyền nhân thân không gắn với tài sản. Có thể hiểu quyền nhân thân không gắn với tài sản là những quyền nhân thân mà chủ thể của quyền đó chỉ được hưởng các lợi ích về tinh thần, luôn gắn liền với đời sống tinh thần của chủ thể, mang tính bình đẳng, không phân biệt hoàn cảnh kinh tế, địa vị của chủ thể và không thể chuyển giao cho chủ thể khác.

Quyền xác định, xác định lại dân tộc luôn gắn liền với mỗi chủ thể nhất định. Căn cứ vào quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng, chủ thể có thể xác định, hoặc xác định lại dân tộc của mình theo quy định của pháp luật mà không thể chuyển giao quyền này cho chủ thể khác thông qua một giao dịch dân sự nào đó.

– Quyền xác định, xác định dân tộc là nhóm quyền được bảo hộ có thời hạn Việc xác định thời hạn bảo hộ này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền nhân thân khỏi sự xâm phạm bất hợp pháp của chủ thể khác. Quyền xác định, xác định lại dân tộc chỉ được bảo hộ trong một thời hạn nhất định. Đó là trong quá trình sống của cá nhân và chấm dứt khi cá nhân đó chết.

Sau khi một người chết đi thì đương nhiên các quyền thay đổi họ tên, quyền xác định lại dân tộc, quyền xác định lại giới tính, quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe danh dự của họ sẽ chấm dứt.

– Hành vi xâm phạm đến quyền xác định, xác định lại dân tộc là hành vi xâm phạm tác động vào chính chủ thể quyền.

Đối với hành vi xâm phạm này chủ thể quyền là người bị hành vi xâm phạm tác động tới. Hậu quả những hành vi này mang lại là những tổn thất trực tiếp (như tính mạng, sức khỏe, thân thể,…) hoặc gián tiếp như những khó khăn ngăn cản các chủ thể thực quyền thực hiện hành vi liên quan đến nhân thân của mình.

Đối với quyền xác định, xác định lại dân tộc thì hậu quả của hành vi xâm phạm quyền này là các hậu quả gián tiếp, làm cho chủ thể không không được hưởng tối đa các quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của mình. Ví dụ: việc xác định dân tộc không đúng theo các nguyên tắc xác định dẫn tới việc không được hưởng những chính sách, ưu đãi về nhà nước,…

– Phương thức nhà nước bảo vệ quyền xác định, xác định lại dân tộc là bảo vệ khi có yêu cầu của chủ thể.

Quyền xác định, xác định lại dân tộc chỉ được bảo vệ khi chính chủ thể bị xâm phạm hoặc chủ thể có quyền yêu cầu bảo vệ trong trường hợp người bị xâm phạm chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi,…

Họ sẽ là người tự đánh giá xem quyền nhân thân của mình có bị xâm phạm hay không, và có quyền tự quyết định có yêu cầu chấm dứt và khắc phục hậu quả do có hành vi xâm phạm hay không. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ bảo vệ khi có yêu cầu của chủ thể quyền mà không tự can thiệp khi không có yêu cầu.

Khi có yêu cầu bảo vệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người có hành vi vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai hoặc bồi thường thiệt hại nếu có cho người bị thiệt hại hoặc áp dụng các biện pháp khác.

2. Nguyên tắc xác định dân tộc của cá nhân

Khoản 2 Điều 29 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“2. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em.”

Với quy định trên có thể thấy nguyên tắc xác định dân tộc của cá nhân được xác định như sau:

– Nguyên tắc thứ nhất, cá nhân sinh ra được xác định theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ.

+ Trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có cùng dân tộc thì con khi sinh ra được xác định theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Điều này thể hiện tính kế thừa cũng như truyền thống gia đình, đạo đức của con người Việt Nam, khi con được sinh ra, có quan hệ thuyết thống với cha đẻ, mẹ đẻ thì đương nhiên dân tộc của con phải được xác định theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ.

+ Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ. Quy định này thể hiện pháp luật dân sự tôn trọng sự thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ, là nguyên tắc đặc trưng của luật dân sự. Cha đẻ, mẹ đẻ có quyền thỏa thuận với nhau để thống nhất xác định dân tộc cho con theo dân tộc của cha đẻ hay mẹ đẻ.

+ Ngoài ra, pháp luật cũng quy định trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ không có thỏa thuận hoặc không thể thỏa thuận được với nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán. Khoản 1 Điều 15 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự”.

+ Trong trường hợp dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau và có tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn. Theo quy định này có thể thấy pháp luật có sự ưu tiên đối với người dân tộc ít người hơn bởi theo quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm bảo vệ và phát triển số lượng người thuộc dân tộc ít người hơn.

– Nguyên tắc thứ hai, xác định dân tộc trong trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ.

Vấn đề xác định dân tộc cho trẻ em bị bỏ rơi chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ được quy định tại Khoản 2 Điều 29 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

+ Trường hợp thứ nhất, xác định dân tộc cho trẻ em bị bỏ rơi chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi. Trong trường hợp này trẻ em bị bỏ rơi được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ được xác định theo dân tộc của người đó.

+ Trường hợp thứ hai, xác định dân tộc cho trẻ em bị bỏ rơi trong trường hợp chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi. Trường hợp này dân tộc của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Quy định xác định dân tộc cho trẻ em bị bỏ rơi là nội dung rất tiến bộ, đảm bảo hơn về quyền cho trẻ em bị bỏ rơi, bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ như những trẻ em khác, hướng tới việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ngày càng toàn diện hơn.

3. Các trường hợp xác định lại dân tộc

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 Bộ luật dân sự năm 2015 thì có hai trường hợp xác định lại dân tộc:

– Thứ nhất, xác định lại dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau. Theo quy định này, có thể thấy việc xác định lại dân tộc cho con chỉ được thực hiện trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau. Con đang mang dân tộc của cha đẻ có yêu cầu xác định lại theo dân tộc của mẹ đẻ và ngược lại.

– Thứ hai, xác định lại dân tộc theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình. Đây là trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi. Theo đó, con nuôi đã được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi hoặc của cha nuôi hoặc của mẹ nuôi mà đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc của mình theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ.

4. Thủ tục xác định lại dân tộc

4.1. Về thẩm quyền xác định lại dân tộc

Về thẩm quyền xác định lại dân tộc được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật Hộ tịch năm 2014: Cơ quan có thẩm quyền xác định lại dân tộc là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có yêu cầu xác định lại dân tộc.

4.2. Thủ tục xác định lại dân tộc

Thủ tục xác định lại dân tộc được quy định tại Khoản 1 Điều 47 và Điều 28 của Luật Hộ tịch năm 2014. Cụ thể, người yêu cầu xác định lại dân tộc phải nộp 01 bộ hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Ủy ban nhân dân cấp huyện. Hồ sơ gồm có:

– Tờ khai đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc; 

– Giấy tờ liên quan làm căn cứ chứng minh yêu cầu xác định lại dân tộc; 

– Người yêu cầu xác định lại dân tộc cần xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân để chứng minh về nhân thân và giấy tờ chứng minh nơi cư trú.

Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, nếu thấy yêu cầu xác định lại dân tộc là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trích lục cho người yêu cầu, nếu trường hợp cần xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về quyền được xác định, xác định lại dân tộc và thủ tục xác định lại dân tộc. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon