Các phương thức cấp dưỡng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

cac-phuong-thuc-cap-duong-theo-luat-hon-nhan-va-gia-dinh-nam-2014

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã tiếp tục ghi nhận chế định cấp dưỡng, trong đó có quy định về phương thức cấp dưỡng, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ cấp dưỡng. Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có thể hiểu là phương pháp, cách thức mà các bên trong quan hệ cấp dưỡng hoặc Tòa án dựa trên cơ sở quy định của pháp luật để chọn ra giải pháp thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một cách hợp lý. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích cụ thể về các phương thức cấp dưỡng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình hiện hành.

Căn cứ pháp lý:

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

1. Cấp dưỡng là gì?

Cấp dưỡng là việc một người phải đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Nghĩa vụ cấp dưỡng có những đặc điểm sau:

– Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ về tài sản mang tính chất đặc biệt là không thể được thay thế bằng nghĩa vụ khác.

Khi người chưa thành niên hoặc người đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình cần được cấp dưỡng thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chu cấp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu, nhằm đảm bảo cuộc sống của họ. Do vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng không thể được thay thế bằng nghĩa vụ khác.

– Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể chuyển giao cho người khác.

Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh giữa các chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình, là nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân mỗi chủ thể mà không thể chuyển giao cho người khác.

– Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ có đi có lại nhưng không mang tính chất đồng thời và tuyệt đối. Tính chất có đi, có lại thể hiện ở chỗ các chủ thể đều có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau nếu một bên chủ thể rơi vào tình trạng cần được cấp dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng không mang tính chất đồng thời có nghĩa là trong cùng một thời điểm thì chỉ có thể một bên cấp dưỡng cho bên kia, không thể ngược lại là bên kia lại cấp dương cho bên này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không mang tính tuyệt đối bởi nghĩa vụ này không phải luôn xảy ra với các chủ thể mà nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh khi có những điều kiện nhất định.

2. Các phương thức cấp dưỡng

Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có thể hiểu là phương pháp, cách thức mà các bên trong quan hệ cấp dưỡng hoặc Tòa án dựa trên cơ sở quy định của pháp luật để chọn ra giải pháp thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một cách hợp lý. Nghĩa vụ cấp dưỡng có thể được thực hiện bằng tiền hoặc bằng tài sản, tùy theo sự lựa chọn của các bên, nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định theo yêu cầu của các bên.

Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Luật quy định phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng rất mềm dẻo, linh hoạt với nhiều hình thức khác nhau, giúp các bên trong quan hệ có thể lựa chọn được cách thức phù hợp với hoàn cảnh riêng của mỗi người. Điều này giúp họ dễ dàng thực hiện nghĩa vụ trên thực tế và phù hợp với quy định của pháp luật.

– Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ:

Thông thường, nghĩa vụ cấp dưỡng được ưu tiên lựa chọn thực hiện theo phương thức định kỳ. Phương thức cấp dưỡng theo định kỳ là việc xác định mốc thời gian cố định để nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện đúng hạn nghĩa vụ của mình. Phương thức này được người có nghĩa vụ cấp dưỡng ưu tiên vì tương đối phù hợp với điều kiện kinh tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, hầu hết phần lớn họ không thể cấp dưỡng một lần vì giá trị của nó tương đối lớn.

Bên cạnh đó, cấp dưỡng định kỳ còn tạo điều kiện cho người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con có thể tiếp xúc, quan tâm nhiều hơn không chỉ là đời sống vật chất mà còn là đời sống tình cảm của con. Từ đó hiểu hơn về nhu cầu, sự phát triển của các con để có sự điều chỉnh mức cấp dưỡng cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi của con. Mặt khác, phương thức cấp dưỡng định kỳ giúp bảo vệ quyền lợi của người được cấp dưỡng trên cơ sở đảm bảo nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của họ tốt hơn, thường xuyên hơn và không bị gián đoạn.

Ngoài ra, hình thức cấp dưỡng định kỷ góp phần tạo sự kiểm soát của người cấp dưỡng đối với khoản cấp dưỡng, đảm bảo khoản cấp dưỡng được sử dụng đúng mục đích. Trong các phương thức định kỳ trên thị phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng được đa số các bên thỏa thuận lựa chọn hoặc do Tòa án quyết định.

Nếu phương thức cấp dưỡng này được thực hiện đầy đủ và đều đặn sẽ đảm bảo cho cuộc sống của người con tốt hơn vì người có nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng có thể kiểm soát được việc quản lý và chỉ dùng đối với khoản cấp dưỡng nuôi con, người con được cấp dưỡng hoặc người giám hộ có thể yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng một cách linh động khi không còn phù hợp.

– Phương thức thực hiện nghĩa vụ theo hình thức cấp dưỡng một lần:

Cấp dưỡng một lần là việc thực hiện cấp dưỡng cho toàn bộ khoảng thời gian mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện, là một hình thức đặc biệt của cấp dưỡng, chỉ được đặt ra khi đáp ứng những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật. Theo tinh thần của quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2001 thì việc cấp dưỡng một lần được thực hiện trong các trường hợp:

+ Có sự thoả thuận giữa người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó và người có nghĩa vụ cấp dưỡng.

+ Có yêu cầu của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và được Toà án chấp nhận.

+ Có yêu cầu của người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó và được Toà án chấp nhận trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng thường xuyên có các hành vi phá tán tài sản hoặc cổ tỉnh trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà hiện có tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần.

+ Theo yêu cầu của người trực tiếp nuôi con khi vợ chồng ly hôn mà có thể trích từ phần tài sản được chia của bên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Quy định này nhằm bảo đảm cho người được cấp dưỡng có thể có được cuộc sống vật chất ổn định trong những điều kiện tối thiểu suốt thời kỳ được cấp dưỡng mà không phải lo lắng về việc người có nghĩa vụ cấp dưỡng tìm cách trốn tránh, trì hoãn thực hiện nghĩa vụ, đồng thời bảo đảm việc thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng nhanh gọn, có hiệu quả. Số tiền cấp dưỡng một lần, trong chừng mực nào đó, mang ý nghĩa của việc cấp dưỡng trọn gói.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc cấp dưỡng một lần cũng tồn tại những mặt hạn chế. Khi một hoặc cả hai bên lựa chọn phương thức cấp dưỡng một lần thì phải ấn định được mức cấp dưỡng cũng như xác định thời gian, số năm kết thúc để tính tổng số tiền cấp dưỡng một lần. Trước tiên là phải xác định được nhu cầu thiết yếu của người con là lấy mức chi tiêu hàng tháng, hàng quý, nửa năm hoặc một năm nhân cho số năm cần cấp dưỡng để có được khoản tiền cấp dưỡng một lần.

Về nguyên tắc, đối với con chưa thành niên thì số năm cấp dưỡng là hiệu số giữa tuổi thành niên và tuổi ghi nhận lúc bắt đầu cấp dưỡng. Tuy nhiên, với người con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì việc xác định số năm phải cấp dưỡng là việc không dễ dàng bởi vì các bên cũng như Tòa án đều không thể đưa ra kết quả dự kiến chính xác về thời điểm kết thúc tình trạng cần được cấp dưỡng.

Mặt khác họ cũng không dự đoán chính xác được trong trường hợp giá cả thị trường tăng vọt, nhu cầu thiết của người con được cấp dưỡng thay đổi theo thời gian…cho nên khi đưa ra quyết định cuối cùng về khoản tiền cấp dưỡng một lần thì các bên hoặc Tòa án khó có thể đảm bảo quyết định này sẽ công bằng và hợp lý trong mọi hoàn cảnh. Đó cũng là một trong các lý do để giải thích cho việc phương thức cấp dưỡng một lần không phổ biến như phương thức cấp dưỡng định kỳ.

Bên cạnh đó, do cấp dưỡng trọn gói nên số tiền cấp dưỡng tương đối lớn nên rất cần quản lý thật chu đáo nhằm tránh sự mất mát, thất thoát dẫn đến quyền lợi của người con được cấp dưỡng không đảm bảo. Vì vậy, việc quản lý khoản cấp dưỡng này phải được thực hiện một cách chặt chẽ và cụ thể nhằm góp phần bảo vệ thiết thực quyền lợi của người được cấp dưỡng, ngăn chặn những hành vi phá tán tài sản, trốn tránh, trì hoãn…thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của người có nghĩa vụ, đồng thời đảm bảo việc thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng nhanh, gọn, có hiệu quả.

Do nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ tài sản gắn liền với nhân thân, việc thực hiện xong nghĩa vụ cấp dưỡng một lần không hoàn toàn đồng nghĩa với việc chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các bên với nhau. Trong những trường hợp nhất định, mặc dù đã thực hiện xong việc cấp dưỡng một lần, bên có nghĩa vụ cấp dưỡng vẫn có thể tiếp tục cấp dưỡng bổ sung cho người được cấp dưỡng.

Cụ thể là trường hợp người được cấp dưỡng một lần lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng do bị tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà người đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần có khả năng thực tế để cấp dưỡng bổ sung theo yêu cầu của người được cấp dưỡng. Quy định về cấp dưỡng bổ sung là quy định rất cần thiết để đảm bảo cuộc sống của người con được cấp dưỡng trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tóm lại, việc lựa chọn phương thức cấp dưỡng định kỳ hay phương thức cấp dưỡng một lần là tùy thuộc vào ý chí của các bên hoặc theo quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, để quyền lợi của người con được cấp dưỡng đảm bảo thì Tòa án cần phân tích rõ ràng các vụ và khuyết điểm của các phương thức này, từ đó lựa chọn phương thức hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh của họ.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về các phương thức cấp dưỡng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon