Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm là một khía cạnh quan trọng trong pháp luật về giao dịch bảo đảm. Khi một tài sản được dùng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ, việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giúp đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan và duy trì sự công bằng trong giải quyết tranh chấp.
Thứ tự ưu tiên này thường được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật nhằm tránh xung đột và đảm bảo tính minh bạch. Hiểu rõ về thứ tự ưu tiên thanh toán là cần thiết để các bên có thể dự liệu và bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả trong các giao dịch tài sản bảo đảm.
Căn cứ pháp lý
1. Giao dịch bảo đảm là gì?
Giao dịch bảo đảm được hiểu là Giao dịch được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp bảo đảm mang tính tài sản do các bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật.
Có những loại giao dịch bảo đảm nào?
Căn cứ theo Điều 292 BLDS 2015 quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:
(1) Cầm cố tài sản
Cầm cố tài sản là việc một bên (bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. (Điều 309 BLDS 2015)
(2) Thế chấp tài sản;
Thế chấp tài sản là việc một bên (bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (bên nhận thế chấp). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp. (Điều 317 BLDS 2015)
(3) Đặt cọc
Theo Điều 328 BLDS 2015, Đặt cọc được hiểu là việc một bên (bên đặt cọc) giao cho bên kia (bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
(4) Ký cược;
Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê. (Điều 329 BLDS 2015)
(5) Ký quỹ;
Theo Điều 330 BLDS 2015, Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.
(6) Bảo lưu quyền sở hữu;
Điều 331, 332 BLDS 2015 quy định: Trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ.
(7) Bảo lãnh;
Bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (Điều 335 BLDS 2015)
(8) Tín chấp;
Theo quy định của BLDS 2015, Tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn. Thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp (Điều 344, 345 BLDS 2015)
(9) Cầm giữ tài sản
Cầm giữ tài sản theo quy định tại Điều 346 BLDS 2015 được hiểu là việc bên có quyền (bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ
Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 296 BLDS 2015, cụ thể:
Tài sản dung để đảm bảo có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.
Trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác.
Trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.
3. Thứ tự ưu tiên thanh toán trong giao dịch bảo đảm
Căn cứ theo khoản 1 Điều 308 BLDS 2015, khi một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định như sau:
Thứ nhất, trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng;
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, hiệu lực đối kháng phát sinh đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm (Điều 297). Trường hợp này, quy tắc đăng ký và quy tắc chiếm hữu, kiểm soát tài sản bảo đảm là căn cứ xác định thứ tự ưu tiên thanh toán.
Đối với những giao dịch bảo đảm nào đăng ký trước sẽ được quyền ưu tiên thanh toán trước, ngay cả những giao dịch không bắt buộc phải đăng ký vẫn phát sinh hiệu lực pháp lý nhưng để được hưởng quyền ưu tiên, giao dịch bảo đảm phải được đăng ký.
Ví dụ như ngoài quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (có đăng ký quyền sở hữu), tàu bay, tàu biển khi thế chấp bắt buộc phải đăng ký mới phát sinh hiệu lực pháp lý. Nếu như thế chấp các loại tài sản còn lại thì không bắt buộc phải đăng ký vẫn có hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên, nếu không đăng ký, giao dịch này sẽ không được hưởng quyền ưu tiên thanh toán khi các giao dịch khác có đăng ký (Điều 4 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm).
Theo quy tắc chiếm hữu và kiểm soát tài sản bảo đảm, khi bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm thì giao dịch bảo đảm sẽ phát sinh hiệu lực đối kháng mà không cần phải đăng ký. Có nghĩa là không cần phải đăng ký giao dịch bảo đảm, bên nhận bảo đảm được xác lập quyền ưu tiên thanh toán khi trên thực tế chiếm hữu và kiểm soát tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, quy tắc này không áp dụng đối với biện pháp cầm giữ tài sản. Mặc dù đang thực tế chiếm giữ tài sản nhưng bên cầm giữ không được quyền xử lý tài sản bảo đảm và cũng không được quyền ưu tiên thanh toán từ tài sản bảo đảm. Bên cầm giữ được quyền tiếp tục cầm giữ tài sản cho đến khi nào nghĩa vụ được hoàn thành.
Đối với trường hợp cầm cố tàu bay, mặc dù đã chiếm giữ tài sản nhưng vẫn chưa phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, bên nhận cầm cố chưa được ưu tiên thanh toán bởi cầm cố tàu bay bắt buộc phải đăng ký mới phát sinh hiệu lực pháp lý.
Thứ hai, trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước;
Đối với những giao dịch bảo đảm không có hiệu lực đối kháng với người thứ ba, các giao dịch này sẽ không được hưởng quyền ưu tiên thanh toán. Theo quy tắc, các giao dịch bảo đảm được đăng ký hoặc có sự chiếm hữu, kiểm soát tài sản bảo đảm sẽ được ưu tiên thanh toán hơn so với các giao dịch không được đăng ký hoặc không có sự chiếm hữu tài sản bảo đảm.
Trong trường hợp tài sản bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ khác nhau, nếu có giao dịch bảo đảm đăng ký (hoặc chiếm giữ, cầm giữ) và giao dịch bảo đảm không đăng ký (hoặc không chiếm giữ, cầm giữ), thì giao dịch bảo đảm có đăng ký (hoặc chiếm giữ, cầm giữ) sẽ được ưu tiên thanh toán trước. Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế, vì việc đăng ký hoặc thực tế chiếm giữ tài sản là cách rõ ràng nhất để bên thứ ba nhận biết được quyền lợi của bên nhận bảo đảm trên tài sản đó.
Thứ ba, trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm.
Căn cứ theo thời điểm xác lập biện pháp bảo đảm, biện pháp nào được xác lập trước sẽ được ưu tiên thanh toán trước. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Điều này có nghĩa là thời điểm giao dịch được xác lập và thời điểm giao dịch có hiệu lực không hoàn toàn trùng khớp nhau. Nếu luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận thì giao dịch sẽ có hiệu lực sau thời điểm xác lập giao dịch.
Thứ tự ưu tiên được xác định dựa vào thời điểm xác lập giao dịch, không phải thời điểm có hiệu lực. Do đó, giao dịch được xác lập trước, dù chưa có hiệu lực pháp lý, vẫn được ưu tiên thanh toán trước so với giao dịch có hiệu lực nhưng được xác lập sau. Điều này cho thấy nhà làm luật đã đồng nhất thời điểm xác lập và thời điểm có hiệu lực của giao dịch.
Ví dụ, ngày 30/3/2018, A ký kết với B hợp đồng vay tiền có thế chấp nhà ở nhưng không công chứng (Tạm gọi là hợp đồng thứ nhất). Sau đó, ngày 30/5/2018, A ký kết với C hợp đồng vay tiền và cũng thế chấp chính căn nhà đã thế chấp trước đó với B (Tạm gọi là hợp đồng thứ hai). Cho đến thời điểm hiện tại, hợp đồng thứ hai đã thực hiện hơn 2/3 nghĩa vụ, trong khi đó hợp đồng thứ nhất mặc dù xác lập trước nhưng tiến độ thực hiện chưa được 2/3 nghĩa vụ. Hiện tại, do A không thực hiện đúng nghĩa vụ nên tài sản thế chấp được đem ra xử lý để thanh toán nợ. Khi đó, B sẽ được ưu tiên thanh toán trước A mặc dù hợp đồng phát sinh hiệu lực sau.
Theo quy định chung về hợp đồng, kể từ thời điểm có hiệu lực, hợp đồng bắt đầu phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Kể từ thời điểm hợp đồng phát sinh hiệu lực mới được coi là đủ căn cứ pháp lý buộc các bên phải tôn trọng thực hiện. Vì vậy, căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên trong trường hợp này nên dựa vào thời điểm có hiệu lực của giao dịch thay vì dựa vào thời điểm xác lập sẽ hợp lý hơn, đồng thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch bảo đảm.
Lưu ý: Thứ tự ưu tiên thanh toán nêu trên có thể thay đổi, nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.