Mất năng lực hành vi dân sự. Các trường hợp mất năng lực hành vi dân sự?

mat-nang-luc-hanh-vi-dan-su-cac-truong-hop-mat-nang-luc-hanh-vi-dan-su

Trong cuộc sống, các giao dịch dân sự là điều tất yếu diễn ra hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Để một giao dịch dân sự có hiệu lực, năng lực hành vi dân sự là một trong các điều kiện tiên quyết làm cho hợp đồng dân sự thành công. Vậy khi một người bị mất năng lực hành vi dân sự có được tham gia giao dịch hay không? Các trường hợp mất năng lực hành vi dân sự được quy định như thế nào? 

Để có một cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề này, Luật Dương gia xin gửi đến các bạn đọc về những phân tích, các quy định có liên quan đến vấn đề mất năng lực hành vi dân sự này.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật dân sự năm 2015.

1. Giao dịch dân sự là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 116 Bộ luật dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Trong định nghĩa này, ta có thể hiểu rằng:

+ Hợp đồng là sự thỏa thuận ý chí giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

+ Hành vi pháp lý đơn phương là hành động thể hiện ý chí của một bên với mục đích làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.

2. Mất năng lực hành vi dân sự là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. Xét theo góc độ hiểu thông thường, động từ “mất” là một thuật ngữ dùng để diễn tả một sự vật, hiện tượng đang tồn tại nhưng sau đó sự vât, hiện tượng đó không còn hiện hữu nữa. Do đó, mất năng lực hành vi dân sự có nghĩa là một cá nhân không còn khả năng tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ.

3. Các trường hợp mất năng lực hành vi dân sự

Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người mất năng lực hành vi dân sự cũng như là các trường hợp mất năng lực hành vi dân sự như sau:

Thứ nhất, Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Thứ hai, Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện

Theo căn cứ quy định trên, để xác định một người bị mất năng lực hành vi dân sự phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chí như sau:

  • Người đó phải mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Điều này được xem như một điều kiện cần để chứng minh được người này hoàn toàn không thể khống chế được suy nghĩ và hành động của mình gây thiệt hại cho mọi người và xã hội.
  • Phải có sự yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan với người đó chẳng hạn như người thân, gia đình hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan yêu cầu Tòa án tuyên bố người bị mắc bệnh tâm thần là mất năng lực hành vi dân sự
  • Căn cứ để việc chứng minh người này có mất năng lực hành vi dân sự thật sự hay không phải có giám định pháp y tâm thần của tổ chức giám định pháp y tâm thần. Điều này là rất cần thiết, bởi lẽ, không phải bất cứ ai bị bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi cũng được xem là người bị mất năng lực hành vi dân sự. Do đó, Tòa án sẽ tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần sau khi đương sự nộp đơn yêu cầu và việc trưng cầu giám định này phải được thực hiện bởi tổ chức giám định pháp y tâm thần nhằm đảm bảo kết quả giám định là chính xác, và khách quan, việc này giúp tránh được tình trạng lợi dụng bệnh tật để trốn tránh việc phải chịu trách nhiệm dân sự.

Như vậy, một người chỉ bị coi là mất năng lực hành vi dân sự hoàn toàn nếu như được Tòa án tuyên bố. Do vậy, người này sẽ không còn tư cách tham gia hầu hết các giao dịch dân sự, ngoại trừ các giao dịch với mục đích phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, không thể xem là người mất năng lực hành vi dân sự không được hưởng các quyền khác như một người bình thường, các quyền như quyền được chăm sóc, quyền được đảm bảo chữa trị, quyền được quản lý tài sản, quyền được đại diện…của người giám hộ. Đối với một số quyền trong thủ tục tố tụng, quyền làm chứng đối với di chúc, các quyền giao dịch khác sẽ bị hạn chế bởi người mất năng lực hành vi dân sự.

4. Giao dịch của người mất năng lực hành vi dân sự

Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện được quy định rõ tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật dân sự 2015.

Theo Điều 136 Bộ luật dân sự 2015, người đại diện theo pháp luật của cá nhân được quy định như sau:

– Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

– Người giám hộ đối với người được giám hộ. Nếu người được giám hộ là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, thì người giám hộ là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định;

– Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện trong hai trường hợp trên;

– Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được quy định như thế nào?

Theo Điều 53 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các đối tượng được là người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự như sau:

– Vợ hoặc chồng là người giám hộ cho người còn lại nếu vợ/ chồng bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Cha mẹ đếu mất năng lực hành vi dân sự hoặc một trong hai mất năng lực hành vi dân sự mà người còn lại không đủ điều kiện để làm người giám hộ đương nhiên thì người con cả là giám hộ đương nhiên, nếu con cả không có đủ điều kiện thì người con tiếp theo là người giám hộ;

– Cha, mẹ là người giám hộ đương nhiên nếu người bị mất năng lực hành vi dân sự là người thành niên chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ.

Trong đó, lưu ý cá nhân là người giám hộ đương nhiên cần có đủ điều kiện sau:

– Là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ;

– Không phải là người đang bị truy cứu trach nhiệm hình sự hoặc là nguồi bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;

– Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

5. Khi người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại sẽ xử lý như thế nào?

Căn cứ theo Điều 586 Bộ luật dân sự 2015 đã quy định trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được phép sử dụng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Ngoài ra, khi người mất năng lực hành vi dân sự đi khám bệnh, chữa trị, trong thời gian này, nếu người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác thì bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Bệnh viện, pháp nhân khác sẽ không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong khâu quản lý; do vậy, trong trường hợp này, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường, được căn cứ theo điều 599 Bộ luật dân sự 2015.

6. Thủ tục tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự

Khi các đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Do vậy, hồ sơ chuẩn bị cần có như sau:

– Đơn yêu cầu tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự;

– Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu thường trú của người có yêu cầu (nếu có);

– Giấy tờ tùy thân của người giám hộ;

– Các tài liệu, chứng cứ liên quan chứng minh  cho việc yêu cầu tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự dựa trên cơ sở hợp pháp và có căn cứ.

Trình tự, thủ tục có thể tham khảo như sau:

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự

Đương sự, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan nộp hồ sơ yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết

Bước 2: Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu.

Bước 3: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu

Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án tiến hành công việc sau đây:

– Trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ chưa đủ căn cứ để Tòa án giải quyết thì Tòa án yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.

– Trường hợp đương sự có yêu cầu hoặc khi xét thấy cần thiết thì Thẩm phán ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ; triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản. Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa có kết quả giám định, định giá tài sản thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được kéo dài nhưng không quá 01 tháng.

– Quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu.

– Quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự.

Tòa án phải gửi ngay quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự và hồ sơ việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp để nghiên cứu. Viện kiểm sát phải nghiên cứu trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ; hết thời hạn này, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ cho Tòa án để mở phiên họp giải quyết việc dân sự.

Tòa án phải mở phiên họp để giải quyết việc dân sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp.

Bước 4: Quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự

Tòa án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu. Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.

Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn giải quyết là 45 ngày tính từ ngày nhận được đơn yêu cầu.

Trên đây là những thông tin cơ bản về các quy định về người mất năng lực hành vi dân sự mà Luật Dương Gia – Chi nhánh Đà Nẵng gửi đến quý khách hàng. Trường hợp cần được tư vấn về vấn đề khác quý khách hàng vui lòng liên hệ theo số hotline 1900.6568 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon