Phân tích trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự

phan-tich-trach-nhiem-ve-nghia-vu-dan-su

Trong xã hội phát triển và phức tạp hiện nay, trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự và công bằng. Đây không chỉ là một khía cạnh quan trọng của luật pháp mà còn là nền tảng cho một xã hội hoạt động trơn tru và bền vững. Trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự ám chỉ sự cam kết của cá nhân và tổ chức đối với các quy định và nguyên tắc xã hội mà họ phải tuân thủ. Trong bài viết này, Luật Dương Gia sẽ tập trung vào việc phân tích và hiểu rõ hơn về trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ Luật Dân sự năm 2015.

1. Trách nhiệm dân sự là gì?

Đầu tiên để hiểu được trách nhiệm dân sự là gì, ta sẽ đi tìm hiểu trách nhiệm pháp lý là gì.

Theo Từ điển Tiếng Việt, trách nhiệm có thể được hiểu theo hai nghĩa:

– Một là phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả.

– Hai là sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh chịu phần hậu quả.

1.1. Trách nhiệm pháp lý

Và với trách nhiệm pháp lý, khi đó trách nhiệm đã được điều chỉnh và bảo vệ bởi các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành và “hậu quả” này sẽ là “ hậu quả bất lợi” được áp dụng đối với những người phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm pháp lý phát sinh khi có vi phạm pháp luật và đó là hậu quả của hành vi vi phạm đồng thời trách nhiệm pháp lý thể hiện được sự răn đe đối với những hành vi vi phạm và thể hiện sự răn đe của Nhà nước đối với những hành vi vi phạm.

Trách nhiệm pháp lý là hậu quả bất lợi đối với chủ thể vi phạm pháp luật, được các quy phạm pháp luật xác lập và điều chỉnh, trong đó chủ thể vi phạm pháp luật phải chịu những hậu quả bất lợi, những biện pháp cưỡng chế được quy định ở chế tài các quy phạm pháp luật.

1.2. Đặc điểm của trách nhiệm pháp lý

– Từ định nghĩa có thể hiểu đặc điểm đầu tiên và quan trọng của trách nhiệm pháp lý là “hậu quả bất lợi” (là sự trừng phạt) hay có thể hiểu đó là những chế tài mà pháp luật đặt ra nhằm thể hiện thái độ không chỉ là sự trừng phạt, răn đe mà còn giáo dục đối với những hành vi vi phạm pháp luật.

– Mục đích của trách nhiệm pháp lý không chỉ là trừng trị hành vi vi phạm mà bên cạnh đó còn là sự khôi phục lại tình trạng tương ứng với phần hậu quả mà người vi phạm đã gây ra do không thực hiện nghĩa vụ của mình. Vì vậy, có thể rút ra kết luận: Trách nhiệm pháp lý có tính đền bù.

1.3. Khái niệm trách nhiệm dân sự

Qua những phân tích trên thì trách nhiệm dân sự được hiểu là trách nhiệm pháp lí mang tính tài sản được áp dụng đối với người vi phạm pháp luật dân sự nhằm bù đắp về tổn thất vật chất, tinh thần cho người bị hại. Trách nhiệm dân sự bao gồm buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự, buộc bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm.

Trong số chuyên đề đề về bộ luật dân sự. Tạp chí Dân chủ và pháp luật của Bộ Tư pháp lại đưa ra cách tiếp cận trách nhiệm dân sự khác so với cách tiếp cận của Từ điển giải thích thuật ngữ luật học. Trách nhiệm dân sự (theo nghĩa rộng) là các biện pháp có tính cưỡng chế được áp dụng nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu của một quyền dân sự bị vi phạm. Trách nhiệm dân sự (theo nghĩa hẹp) là các biện pháp có tính cưỡng chế áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật gây ra thiệt hại cho người khác, người gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm khắc phục những hậu quả xấu xảy ra bằng tài sản của mình (trong đó có bồi thường thiệt hại trong hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng).

Nhận xét: Từ hai cách tiếp cận trên, nhận thấy rằng dù tiếp cận theo khía cạnh nào thì trách nhiệm dân sự vẫn được coi đó là một trách nhiệm pháp lý. Như vậy, có thể khẳng định cho câu hỏi trên: Trách nhiệm dân sự là một loại trách nhiệm pháp lý.

2. Đặc điểm của trách nhiệm dân sự

Như trên đã phân tích, trách nhiệm dân sự được hiểu là một trách nhiệm pháp lý cho nên nó sẽ mang những đặc tính nói chung của trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, vì đây là trách nhiệm dân sự nói riêng nên sẽ có những đặc điểm riêng biệt thuộc về trách nhiệm dân sự.

Thứ nhất: Căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự phải là hành vi vi phạm pháp luật dân sự: Đó là việc không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của người có nghĩa vụ dân sự.

Thứ hai: Trách nhiệm dân sự là biện pháp cưỡng chế mang tính tài sản. Trong quan hệ nghĩa vụ dân sự mục đích mà các bên hướng đến là lợi ích. Chính vì vậy, lợi ích mà các bên hướng tới sẽ mang tính tài sản và đó là trách nhiệm bù đắp cho bên bị vi phạm một lợi ích nhất định từ bên vi phạm.

Thứ ba: Trách nhiệm dân sự là trách nhiệm của bên vi phạm trước bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm.

Thứ tư: Chủ thể chịu trách nhiệm dân sự ngoài người vi phạm nghĩa vụ còn có thể là những chủ thể khác như: Pháp nhân, cơ quan, tổ chức, người đại diện theo pháp luật cho người chưa thành niên…

Thứ năm: Hậu quả bất lợi mà người vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu có thể là việc phải thực hiện nghĩa vụ, thực hiện đúng và thực hiện đủ nghĩa vụ và nếu có thiệt hại thực tế từ vi phạm đó thì sẽ phát sinh thêm trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Thứ sáu: Trách nhiệm dân sự nhằm đền bù hoặc khôi phục lại quyền và lợi ích bị xâm phạm.

3. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ

Theo Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ như sau:

Trong quan hệ nghĩa vụ dân sự, khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thì trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ đối với người có quyền sẽ phát sinh. Tuy nhiên, nếu sự vi phạm nghĩa vụ này chưa gây ra thiệt hại thì người vi phạm chỉ có trách nhiệm thực hiện đúng nghĩa vụ.

Mặt khác, nếu việc vi phạm nghĩa vụ đã gây ra một thiệt hại nào đó cho người có quyền thì người vi phạm nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vì vậy, tùy thuộc vào tính chất, hậu quả của sự vi phạm nghĩa vụ mà trách nhiệm dân sự được phân thành hai loại trách nhiệm sau:

3.1. Trách nhiệm buộc phải thực hiện nghĩa vụ

Về trách nhiệm buộc phải thực hiện nghĩa vụ, thì khi một bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ của giao dịch dân sự, loại trách nhiệm dân sự đầu tiên mà các bên thường lựa chọn để áp dụng đó là buộc thực hiện nghĩa vụ. Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thì buộc thực hiện nghĩa vụ có thể được thực hiện thông qua hành vi như buộc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, buộc thực hiện đúng nghĩa vụ giao vật; buộc thực hiện một công việc hoặc không được thực hiện một công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng, …

Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ

Quy định tại Điều 352: Khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.

Về trách nhiệm do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ giao vật.

Thứ nhất, không thực hiện nghĩa vụ giao vật được hiểu là bên có nghĩa vụ chuyển giao vật là đối tượng của giao dịch dân sự đã không chuyển giao vật cho bên có quyền khi thời hạn chuyển giao trong hợp đồng đã hết. Lúc này đặt ra trách nhiệm đối với chủ thể vi phạm theo quy định tại Điều 356 Bộ luật dân sự năm 2015.

Thứ hai, thực hiện không đúng nghĩa vụ chuyển giao vật được hiểu là việc bên có nghĩa vụ chuyển giao vật đã thực hiện việc giao vật không đúng chất lượng; giao vật không đúng thời hạn; giao vật sai địa điểm thực hiện nghĩa vụ; giao vật không đúng phương thức; giao vật không đúng số lượng; không giao đúng vật đồng bộ; giao vật không đúng chủng loại theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng,… Thực hiện không đúng nghĩa vụ cũng được coi là vi phạm nghĩa vụ và phải chịu trách nhiệm dân sự trước bên có quyền.

Về trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ phải thực hiện một cộng việc hoặc không được thực hiện một công việc.

Đối tượng nghĩa vụ dân sự gồm ba loại: tài sản; công việc phải thực hiện và công việc không được thực hiện.

Quy định tại Khoản 1 Điều 358 : “1. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý, bồi thường thiệt hại.”

Trường hợp các bên đã thỏa thuận đối tượng của hợp đồng là công việc không được thực hiện mà bên có nghĩa vụ lại thực hiện công việc đó thì cũng chính là sự vi phạm nghĩa vụ. Trách nhiệm dân sự được quy định tại Khoản 2 Điều 358 Bộ luật dân sự năm 2015.

Chậm thực hiện nghĩa vụ

Trong trường hợp nghĩa vụ dân sự bị chậm thực hiện, bên chậm thực hiện có nghĩa vụ phải thông báo cho bên có quyền biết về việc không thực hiện đúng nghĩa vụ theo thời hạn quy định trước đó (Khoản 2 Điều 353). Việc thông báo phải nhanh chóng và kịp thời để đảm bảo cho bên có quyền có các biện pháp xử lý nhằm giảm thiểu những rủi ro do việc chậm thực hiện nghĩa vụ gây ra. Lúc này bên có quyền có thể gia hạn để bên có nghĩa vụ thực hiện tiếp nghĩa vụ đã cam kết trước đó.

Trong quan hệ dân sự, khi bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì cũng bị coi là hành vi vi phạm nghĩa vụ và phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 355 Bộ luật dân sự năm 2015. Khi bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nhưng được pháp luật bảo đảm một số quyền lợi. Nếu việc chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ của bên có quyền dấn đến bên có nghĩa vụ bị thiệt hại thì bên có quyền có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

3.2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Khi một bên trong quan hệ hợp đồng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trong hợp đồng và gây thiệt hại cho bên kia là căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ là loại trách nhiệm pháp lý áp dụng đối với chủ thể có hành vi vi phạm nghĩa vụ giao dịch dân sự và gây thiệt hại cho bên bị vi phạm nhằm bù đắp những tổn thất cả về vật chất và tinh thần cho bên bị vi phạm.

Tại Điều 360 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường như sau:

– Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng dẫn đến thiệt hại cho bên kia, dù các bên không có thỏa thuận thì trách nhiệm bồi thường vẫn đặt ra. Thiệt hại được xác định ở đây bao gồm cả thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần được xác định theo quy định tại Điều 361 Bộ luật dân sự năm 2015.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon