Phân tích việc bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị xã hội

phan-tich-viec-bao-dam-bang-tin-chap-cua-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi

Trong nền kinh tế hiện nay, hoạt động bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có vai trò đặc biệt quan trọng, là công cụ để bảo đảm quyền lợi cho chủ thể quyền trong quan hệ dân sự. Trong quá trình thực hiện các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp, nông thôn nói riêng, việc quy định biện pháp bảo đảm đã mang tính linh hoạt. Trong đó, Bộ luật dân sự năm 2015 đã ghi nhận biện pháp bảo đảm bằng tín chấp để bảo đảm cho các cá nhân, hộ gia đình nghèo nhằm giúp đỡ những chủ thể này có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để xóa đói, giảm nghèo, cải thiện về chất lượng cuộc sống. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về biện pháp bảo đảm bằng tín chấp của tố chức chính trị xã hội.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015.

1. Tín chấp là gì?

Điều 344 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: 

Điều 344. Bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị – xã hội

“Tổ chức chính trị-xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, tín chấp là một hình thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó tổ chức chính trị – xã hội cơ sở cam kết với các tổ chức tín dụng bằng uy tín của mình nhằm bảo đảm cho cá nhân, hộ gia đình nghèo được vay một khoản tiền tại các tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh những đặc điểm chung của biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì tín chấp còn mang những đặc điểm riêng sau:

– Chủ thể cam kết bảo đảm thực hiện hợp đồng bằng hình thức tín chấp phải là các tổ chức chính trị – xã hội tại cơ sở. Các tổ chức chính trị – xã hội cơ sở có trách nhiệm cùng tổ chức tín dụng theo dõi, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết trong hợp đồng và đôn đốc trả nợ khi hết thời hạn vay.

– Chủ thể cam kết bảo đảm thực hiện hợp đồng bằng hình thức tín chấp không có trách nhiệm dùng tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ như việc bảo lãnh thông thường khác.

– Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ, thì tổ chức chính trị – xã hội cơ sở có trách nhiệm đề xuất, giải trình để giãn nợ, xin giảm lãi suất để hỗ trợ các chủ thể vay vốn. Trong trường hợp đặc biệt khó khăn như gặp thiên tai, bất khả kháng nghiêm trọng có thể đề nghị xóa nợ theo chủ trương của Chính phủ đối với những vùng khó khăn đặc biệt khi gặp thiên tại.

– Do tính chất đặc trưng của bảo đảm thực hiện hợp đồng bằng hình thức tín chấp nên không có việc bán tài sản hoặc xử lý tài sản bảo đảm trong quá trình thu hồi nợ vì đối tượng của tín chấp là uy tín – một giá trị nhân thân của tổ chức chính trị – xã hội.

– Chủ thể được bảo đảm nghĩa vụ bằng hình thức tín chấp được xác định là cá nhân, hộ gia đình nghèo. Đây là những chủ thể có thu nhập và mức sống dưới chuẩn trung bình của xã hội. Xuất phát từ mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà tín chấp được ghi nhận để tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

– Khoản tiền vay được bảo đảm bằng tín chấp được xác định rõ ràng về mục đích sử dụng (để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật).

– Chủ thể trong hoạt động cho vay có bảo đảm bằng tín chấp là tổ chức tín dụng nói chung, chủ yếu là các ngân hàng chính sách xã hội. Tín chấp của các tổ chức chính trị – xã hội được đặt ra, với mục đích thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

2. Các quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm bằng tính chấp

2.1. Đối tượng của tín chấp

Đối tượng của các biện pháp bảo đảm nói chung mang tính vật chất, điều này không chỉ thể hiện trong tên gọi của biện pháp bảo đảm mà còn thể hiện ở các quy định cụ thể trong BLDS như: Cầm cố tài sản; thế chấp tài sản…

Khác với các biện pháp bảo đảm khác, tín chấp là biện pháp duy nhất trong chín biện pháp bảo đảm đang được ghi nhận trong BLDS năm 2015 có đối tượng không phải là lợi ích vật chất. Đối tượng của biện pháp tín chấp là uy tín, cụ thể uy tín của các tổ chức chính trị – xã hội.

3.2. Phạm vi áp dụng biện pháp bảo đảm tín chấp

Phạm vi áp dụng biện pháp bảo đảm tín chấp là giới hạn các loại giao dịch mà được bảo đảm bằng biện pháp tín chấp.

Điều 344 BLDS năm 2015 quy định:

“Tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tin chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tin dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, tín chấp là biện pháp bảo đảm được áp dụng cho các hợp đồng vay tài sản. Tuy nhiên, không phải mọi hợp đồng vay tài sản đều có thể áp dụng biện pháp tín chấp, cụ thể biện pháp bảo đảm bằng tín chấp chỉ áp dụng đối với việc vay của cá nhân, hộ gia đình nghèo tại các tổ chức tín dụng theo chương trình, chính sách của Nhà nước nhằm mục đích xóa đói, giảm nghèo.

3.3. Chủ thể của tín chấp

– Bên bảo đảm: Tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở

Tổ chức chính trị-xã hội là các tổ chức được thành lập bởi những thành viên đại diện cho lực lượng xã hội nhất định, thực hiện các hoạt động xã hội rộng rãi và có ý nghĩa chính trị nhưng các hoạt động này không nhằm tới mục đích giành chính quyền. Các tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở có thể đứng ra đảm bảo vay cho các cá nhân, hộ gia đình nghèo như:

+ Hội Nông dân Việt Nam;

+ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

+ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

+ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

+ Hội Cựu chiến binh Việt Nam;

+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

– Bên nhận bảo đảm: các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

– Bên được bảo đảm: cá nhân, hộ gia đình nghèo. Sở dĩ, chỉ cá nhân, hộ gia đình nghèo mới được vay tín chấp bởi lẽ biện pháp tín chấp không đòi hỏi cá nhân, hộ gia đình phải dùng lợi ích vật chất để bảo đảm, phù hợp với điều kiện kinh tế của cá nhân, hộ gia đình nghèo. Hơn nữa, vay tín chấp tại các Ngân hàng chính sách xã hội là chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước nhằm thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân.

3.4. Hình thức, nội dung tín chấp

– Hình thức của tín chấp:

Điều 345 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về hình thức của tín chấp như sau:

Điều 345. Hình thức, nội dung của tín chấp

“Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn.”

Căn cứ vào quy định của Luật dân sự 2015 quy định như trên thì ta thấy vay tín chấp thuộc nhóm các biện pháp bảo đảm có tính chất đối nhân, là các biện pháp bảo đảm không cần tài sản đảm bảo. Tín chấp thuần túy là dùng uy tín để cam kết về khả năng trả nợ của bên có nghĩa vụ nên so với các biện pháp bảo đảm khác như: cầm cố, thế chấp, bảo lãnh,…tính chất đảm bảo của tín chấp rất thấp. Vì vậy, việc cho vay có đảm bảo bằng tín chấp phải được lập thành văn bản và có xác nhận của tổ chức chính trị -xã hội đảm bảo bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn.

– Nội dung của tín chấp:

Pháp luật cũng quy định rõ về nội dung của hình thức vay tín chấp cũng nhằm mục đích xác nhận đúng, đầy đủ thông tin về bên vay vốn. Vì chỉ cá nhân, hộ gia đình đáp ứng đủ điều kiện mới có thể vay vốn theo hình thức tín chấp, tránh việc cung cấp, tiếp nhận thông tin sai lệch đem lại rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Điều 345 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về nội dung của tín chấp như sau:

Điều 345. Hình thức, nội dung của tín chấp

“Thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp.”

Theo đó, nội dung tín chấp bao gồm: số tiền vay, mục đích vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay, và tổ chức chính trị – xã hội đảm bảo bằng tín chấp. cụ thể bao gồm các nội dung đó là:

– Số tiền vay: vì đối tượng bảo đảm là uy tín của tổ chức chính trị – xã hội nên vay tín chấp là giao dịch có nguy cơ không thu hồi được nợ khá cao; do đó, số tiền vay mà cá nhân, hộ gia đình nghèo vay thường không cao. Số tiền vay được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật về việc cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn và được áp dụng như nhau đối với các chủ thể vay.

– Mục đích vay tín chấp: Mục đích vay trong tín chấp nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các cá nhân, hộ gia đình nghèo; do đó, mục đích vay tín chấp thường hướng đến việc sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt…

– Thời hạn vay: Trong vay tín chấp, thời hạn vay được quy định cụ thể trong các văn bản pháp lý của Nhà nước. Thời hạn vay có thể 3 năm, 5 năm hoặc lâu hơn tùy thuộc vào giá trị của khoản tiền vay và mục đích vay hoặc được xác định theo một sự kiện nhất định.

– Lãi suất: Lãi suất trong vay tín chấp được quy định cụ thể trong các văn bản quy định về chương trình cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay tín chấp. Lãi suất trong vay tín chấp thường thấp hơn rất nhiều so với lãi suất thông thường.

– Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, bao gồm: người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp.

3. Phân biệt giữa biện pháp bảo đảm bằng tín chấp và bảo lãnh

Tín chấp Bảo lãnh
Phạm vi áp dụng Tín chấp chỉ bảo đảm nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng vay tiền Bảo lãnh có phạm vi bảo đảm rộng hơn, bảo đảm cho nhiều loại nghĩa vụ trong các hợp đồng khác nhau như hợp đồng mua bản, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng dịch vụ, vận chuyển…
Bên bảo đảm Bên bảo đảm phải là tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở như hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân… bên bảo đảm có thể là bất cứ chủ thể nào cam kết bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ cho chủ thể có nghĩa vụ trước bên có quyền
Bên được bảo đảm Chủ thể được bảo đảm bằng biện pháp tín chấp chỉ có thể là cá nhân, hộ gia đình nghèo Chủ thể được bảo lãnh có thể bất cứ cá nhân, pháp nhân nào với tư cách là chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự
Đối tượng bảo đảm Đối tượng được bảo đảm chính là uy tín của tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở đó. Đối tượng của biện pháp bảo lãnh là lợi ích vật chất nhất định (tài sản hoặc công việc theo sự thỏa thuận giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh).
Xử lý đối tượng bảo đảm Đối tượng của tín chấp là uy tín của tổ chức chính trị – xã hội; do đó, trong trường hợp cá nhân, hộ gia đình nghèo vi phạm nghĩa vụ trả nợ cho chức tín dụng thì cũng không thể xử lý (bán, chuyển giao sở hữu…) đối với uy tín Đối với biện pháp bảo lãnh, trong trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật, tài sản của bên bảo lãnh được xử lý để bảo đảm quyền lợi của bên nhận bảo lãnh.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về biện pháp bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị – xã hội. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon