Được xác định là một trong những cách thức mà nhà nước sử dụng để tránh việc người có nghĩa vụ trả tiền ngoan cố, không chịu tuân theo hiệu lực của bản án, quyết định đã tuyên,([1]) biện pháp kê biên tài sản chung đã được cụ thể hoá bằng các quy định khác nhau trong pháp luật thi hành án Việt Nam.
Mặc dù hiện nay pháp luật Việt Nam đã có quy định về kê biên đối với tài sản chung của người phải thi hành án với người khác, đồng thời đã có quy định về quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung nhưng thực tiễn áp dụng các quy định này đang bộc lộ những khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết.
Các khó khăn, vướng mắc này thực sự là những thách thức cho công tác THADS, làm cho việc kê biên tài sản chung này chưa đạt hiệu quả như mong muốn, cụ thể là:
1. Thiếu quy định cụ thể, rõ ràng về tài sản chung và các loại tài sản chung trong THADS
Như đã phân tích ở trên, vì cho đến nay pháp luật THADS vẫn chưa có quy định cụ thể thế nào là tài sản chung trong THADS, tài sản chung bị kê biên xử lí bao gồm các loại tài sản gì nên trong thực tiễn áp dụng Điều 74 Luật THADS năm 2014, xác định về tài sản chung không thống nhất trong thực tiễn THADS.
Việc xác định tài sản chung trong THADS không thể chỉ dựa vào quy định khái quát của BLDS năm 2015 về tài sản chung, do đó, để việc áp dụng Điều 74 Luật THADS năm 2014 được đúng và thống nhất thì trong thời gian tới, Luật THADS cần có quy định bổ sung về vấn đề này theo hướng tài sản chung bị kê biên để THADS là những tài sản thuộc sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án với người khác mà “người khác” đó phải là người không liên quan đến bản án, quyết định đang được tổ chức thi hành, không phải là một đương sự trong bản án, quyết định được thi hành.
2. Thủ tục xác định, phân chia, xử lí phần tài sản khó thực hiện và không thống nhất
Thủ tục xác định, phân chia, xử lí phần tài sản của người phải THADS trong khối tài sản chung quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2014 khá lòng vòng, tốn thời gian, khó thực hiện và không thống nhất với hướng dẫn tại Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Cụ thể là:
+ Dù cơ quan thi hành án có làm đúng quy định: thông báo cho những người đồng sở hữu biết về việc kê biên tài sản để bảo đảm cho việc thi hành án nhưng với tâm lí ngại kiện tụng, không muốn mất thời gian, tiền bạc, công sức cho kiện tụng nên người đồng sở hữu thường không thực hiện việc khởi kiện để xác định phần sở hữu của mình trong khối tài sản chung. Đặc biệt, trong trường hợp do thân thiết, có tâm lí bảo vệ quyền, lợi ích của người phải THADS thì người có tài sản chung với người phải thi hành án càng không khởi kiện để yêu cầu toà án phân chia tài sản chung đó.
+ Mặc dù tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2014 có quy định các đồng sở hữu chung thoả thuận để xác định phần của người phải thi hành án trong khối tài sản chung nhưng với tâm lí không muốn thi hành án của người phải thi hành án thì quy định này ít khả thi vì nếu họ không muốn thoả thuận thì việc thoả thuận không thể thực hiện được.
+ Quy định hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thông báo mà không có thoả thuận hoặc không khởi kiện đến toà án thì người được thi hành án có quyền khởi kiện cũng khó mang lại hiệu quả như mong muốn bởi người được thi hành cũng có thể có tâm lí ngại kiện tụng hoặc có tâm lí ỷ lại vì cho rằng nếu mình không khởi kiện thì đã có chấp hành viên khởi kiện yêu cầu toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung.
+ Quy định nếu người phải thi hành án, người đồng sở hữu chung không khởi kiện để yêu cầu toà án phân chia tài sản chung thì người được thi hành án, chấp hành viên khởi kiện đến toà án yêu cầu toà án xác định phần tài sản của người phải thi hành án là bất hợp lí vì các chủ thể khởi kiện này không thể hoặc rất khó đưa ra được những chứng cứ chứng minh phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung do không phải là chủ sở hữu, sử dụng tài sản.
Đặc biệt, quy định chấp hành viên phải yêu cầu toà án xác định phần quyền sở hữu, sử dụng tài sản theo thủ tục tố tụng dân sự khi chủ sở hữu, sử dụng tài sản chung và người được thi hành án không khởi kiện bị phản đối khá nhiều([2]). Chúng tôi cho rằng sự phản đối này là có cơ sở bởi việc xác định phần tài sản là thẩm quyền, trách nhiệm của toà án, việc yêu cầu xác định phần tài sản là của người có quyền, lợi ích (là đương sự và những người có tài sản chung) chứ không phải là chấp hành viên. Quy định này cần phải lược bỏ thì các đương sự trong thi hành án và những người có tài sản chung mới không ỷ lại vào chấp hành viên, từ đó có thể giải quyết nhanh việc thi hành án.
Nếu vẫn giữ quy định chấp hành viên phải khởi kiện đến toà án để yêu cầu xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung thì cần thiết phải quy định bổ sung về các vấn đề liên quan như tư cách tố tụng của chấp hành viên, nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên trong quá trình tố tụng tại toà án, tạm ứng án phí và án phí… Hiện nay, Luật THADS năm 2014 và các văn bản hướng dẫn chưa có các quy định cụ thể về các nội dung này nên quy định chấp hành viên khởi kiện đến toà án đang gặp rất nhiều vướng mắc trên thực tiễn áp dụng.
+ Vì thủ tục xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2014 khá lòng vòng, ít tính khả thi nên đã dẫn đến hệ quả tất yếu là tốn thời gian cho việc thực hiện thủ tục đó. Các thời hạn được quy định như hết thời hạn “30 ngày”, hết thời hạn “15 ngày” để người được thi hành án, chấp hành viên khởi kiện yêu cầu phân chia tài sản chung là quá dài và không cần thiết. Các thời hạn này nên sửa lại theo hướng rút ngắn để việc xác định tài sản chung được nhanh chóng hơn.
+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2014, thủ tục xác định, phân chia tài sản phải được thực hiện theo đúng trình tự: Trước hết, người phải thi hành án và người có tài sản chung tự thoả thuận phân chia, nếu không tự thoả thuận phân chia được thì người phải thi hành án và người có tài sản chung yêu cầu toà án phân chia. Nếu người phải thi hành án và người có tài sản chung không yêu cầu toà án phân chia thì người được thi hành án sẽ yêu cầu toà án phân chia.
Nếu người được thi hành án cũng không yêu cầu toà án phân chia thì chấp hành viên sẽ yêu cầu toà án phân chia. Tuy nhiên, điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP lại có hướng dẫn Chấp hành viên sẽ phân chia trước, cụ thể là: “Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết”.
Hay “Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất”.
Nếu vợ, chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc phân chia của chấp hành viên thì mới có quyền yêu cầu toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lí tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ”.
Hướng dẫn này không chỉ thể hiện sự không thống nhất với quy định tại Điều 74 Luật THADS năm 2014 mà còn thể hiện sự không hợp lí, cần phải sửa đổi bởi nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên không giống như nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán, nếu quy định chấp hành viên tự phân chia tài sản để xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung thì quy định này sẽ gây khó khăn cho chấp hành viên và có thể nảy sinh việc khiếu nại, tố cáo về việc phân chia tài sản của chấp hành viên.
Như vậy, với những vướng mắc, khó khăn nêu trên khi áp dụng khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2014 cho thấy, trong thời gian tới quy định về thủ tục xác định, phân chia, xử lí tài sản chung cần sửa theo hướng đơn giản hơn, thời hạn ngắn gọn hơn, chỉ nên giao quyền yêu cầu toà án phân chia tài sản chung cho người được thi hành án, người phải thi hành án hoặc người có tài sản chung với người phải thi hành án, bỏ hướng dẫn trong Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về xác định, phân chia tài sản chung.
3. Vướng mắc trong việc xác định phần sở hữu của các chủ sở hữu chung
Việc xác định phần sở hữu của các chủ sở hữu chung theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật THSADS cũng bộc lộ những vướng mắc khó giải quyết.
+ Vướng mắc đầu tiên khi áp dụng điểm a khoản 2 Điều 74 Luật THADS năm 2014 là: Đối với tài sản chung đã xác định được phần của người phải thi hành án mà có thể chia được thì chấp hành viên kê biên phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án. Vậy dựa vào những tiêu chí nào để khẳng định tài sản chung đó là “tài sản chung có thể chia được” và “tài sản chung không thể chia được”.
Có ý kiến cho rằng, tài sản không chia được là tài sản không thể chia ra thành từng phần để thực hiện nghĩa vụ nên với tài sản không chia được thì ưu tiên thoả thuận của các bên.([3]) Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định về các tiêu chí chung nên việc xác định tài sản chung nào của người phải thi hành án là tài sản chia được, tài sản chung nào của người phải thi hành án là tài sản không chia được chưa thống nhất, khó minh bạch và dễ xảy ra tiêu cực.
+ Vấn đề chia như thế nào là hợp lí, ngay cả khi đã có những tiêu chí rõ ràng để xác định rằng tài sản chung đó là “chia được” nhưng thực tiễn của việc chia này cũng bộc lộ nhiều khó khăn không dễ giải quyết, chia như thế nào để kết quả phân chia đó không bị khiếu nại.
Ví dụ: Tài sản chung của người phải thi hành án với một người khác là một thửa đất, thửa đất này được xác định là chia được, việc phân chia không làm giảm giá trị thửa đất đó và do tiền bỏ ra là như nhau nên phần của người phải thi hành án được xác định là một nửa thửa đất. Tuy nhiên, khi chấp hành viên kê biên một nửa miếng đất đó để thi hành án thì sẽ kê biên nửa nào của thửa đất: nửa trong hay nửa ngoài, nửa phải hay nửa trái bởi rất có thể hai thửa đất có diện tích như nhau nhưng lợi thế của mỗi thửa sẽ khác nhau, dẫn đến giá trị khác nhau.
Để tránh bị khiếu nại, khi kê biên tài sản chung, chấp hành viên thường chỉ cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án khi tài sản rõ ràng, dễ phân chia, đã được phân chia theo bản án, quyết định hoặc do các đương sự thoả thuận. Còn đối với tài sản chung không thể chia hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì chấp hành viên sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 74 Luật THADS năm 2014.
Tuy nhiên, khi áp dụng điểm b khoản 2 Điều 74 Luật THADS 2014 người áp dụng cũng gặp khá nhiều lúng túng bởi rất khó thống nhất về “tài sản chung không chia được” và “tài sản phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản”. Để việc kê biên tài sản chung được thuận lợi cần phải có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Thứ tư, quy định về thời hạn ưu tiên mua tài sản chung tại khoản 3 Điều 74 Luật THADS năm 2014 chưa thật sự phù hợp.
Từ quyền tự định đoạt phần sở hữu của mình trong khối tài sản chung được ghi nhận tại khoản 3 Điều 218 BLDS năm 2015, khoản 3 Điều 74 Luật THADS năm 2014 quy định chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án là hợp lí nhưng thời hạn ưu tiên mua tài sản chung là 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động sản kể từ ngày được thông báo hợp lệ hay đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ là quá dài, làm mất nhiều thời gian và thủ tục.
Mặt khác, quy định “trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày hết thời hạn ưu tiên mà chủ sở hữu chung không mua tài sản thì tài sản được bán theo quy định tại Điều 101…” cũng là không cần thiết bởi chủ sở hữu chung đã có thời hạn tương đối dài để cân nhắc, quyết định.
Do vậy, khoản 3 Điều 74 Luật THADS năm 2014 cần sửa thời hạn này theo hướng rút ngắn lại và thủ tục bán tài sản cũng chỉ rút ngắn một lần để nâng cao hiệu quả của việc kê biên, xử lí tài sản chung của người phải thi hành án trên thực tế./.
([1]). Nhà pháp luật Việt – Pháp (1997), Tài liệu tham khảo về thừa phát lại và thi hành án, Hà Nội, tr. 32.
([2]). Nguyễn Minh, “Thi hành án tài sản chung như thế nào”, Báo điện tử đại biểu nhân dân, truy cập ngày 3/5/2019.
([3]) Nhà pháp luật Việt – Pháp, Hội thảo: “Pháp luật về thi hành án”, Hà Nội, ngày 24, 25/8/1998, tr. 10, 11.