Phân biệt ký cược và ký quỹ?

phan-biet-ky-cuoc-va-ky-quy

Ký cược và ký quỹ là hai biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cho hợp đồng được quy định trong BLDS 2015. Việc ký cược và ký quỹ đều có chung một đặc điểm là hai bên đều thoả thuận chuyển giao một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình từ bên nay sang bên kia thông qua hợp đồng. Hai biện pháp này đôi khi sẽ bị nhầm lẫn với nhau. Vậy thế nào là ký cược? Thế nào là ký quỹ? Quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia ký cược và ký quỹ sẽ như thế nào? Biện pháp ký cược khác gì so với biện pháp ký quỹ? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ giúp các bạn phân biệt ký cược và ký quỹ là như thế nào?

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật dân sự 2015;
  • Nghị định 21/2021/NĐ-CP;

1. Ký cược là gì? Quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia ký cược?

1.1. Ký cược là gì?

Căn cứ Khoản 1 điều 329 Bộ luật dận sự 2015 có quy định:

Điều 329. Ký cược

1. Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.”

Như vậy, ký cược được hình thành từ sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng thuê tài sản có đối tượng là động sản, theo đó bên thuê giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các vật có giá trị khác để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê. Ngoài ra, tài sản ký cược có thể được xử lý thanh toán cho tiền thuê tài sản hoặc tiền bồi thường thiệt hại nếu tài sản thuê bị hư hỏng, mất mát.

1.2. Quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia ký cược?

  • Đối với bên ký cược:

Căn cứ Khoản 1 Điều 38 Nghị định 21/2021/NĐ-CP bên ký cược có quyền và nghĩa vụ sau đây:

– Yêu cầu bên nhận ký cược ngừng việc khai thác, sử dụng hoặc xác lập giao dịch dân sự đối với tài sản ký cược; thực hiện việc bảo quản, giữ gìn để tài sản ký cược không bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;

– Trao đổi, thay thế tài sản ký cược hoặc đưa tài sản ký cược tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp được bên nhận ký cược đồng ý;

– Thanh toán cho bên nhận ký cược chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản ký cược.

– Chi phí hợp lý quy định tại điểm này là khoản chi thực tế cần thiết, hợp pháp tại thời điểm chi mà trong điều kiện bình thường bên nhận ký cược phải thanh toán để đảm bảo tài sản ký cược không bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;

– Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật để bên nhận ký cược được sở hữu tài sản ký cược quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 Nghị định 21/2021/NĐ-CP;

– Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự 2015, luật khác liên quan quy định.

  • Đối với bên nhận ký cược

Căn cứ Khoản 2 Điều 38 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định như sau:

“ a) Yêu cầu bên đặt cọc, bên ký cược chấm dứt việc trao đổi, thay thế hoặc xác lập giao dịch dân sự khác đối với tài sản đặt cọc, tài sản ký cược khi chưa có sự đồng ý của bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược;

b) Sở hữu tài sản đặt cọc trong trường hợp bên đặt cọc vi phạm cam kết về giao kết, thực hiện hợp đồng; sở hữu tài sản ký cược trong trường hợp tài sản thuê không còn để trả lại cho bên nhận ký cược;

…”

Theo đó, bên nhận ký cược có quyền, nghĩa vụ sau:

– Yêu cầu bên ký cược chấm dứt việc trao đổi, thay thế hoặc xác lập giao dịch dân sự khác đối với tài sản ký cược khi chưa có sự đồng ý của bên nhận ký cược;

– Sở hữu tài sản ký cược trong trường hợp tài sản thuê không còn để trả lại cho bên nhận ký cược;

– Bảo quản, giữ gìn tài sản ký cược;

– Không xác lập giao dịch dân sự, khai thác, sử dụng tài sản ký cược khi chưa có sự đồng ý của bên ký cược;

– Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự 2015, luật khác liên quan quy định.

2. Ký quỹ là gì? Quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia ký quỹ?

2.1. Ký quỹ là gì?

Căn cứ Khoản 1 điều 330 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

“Điều 330. Ký quỹ

1.Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.”

Như vậy, Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Việc ký quỹ là hình thức để bảo đảm quyền lợi của bên có quyền, và đề phòng những trường hợp rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện các giao dịch dân sự.

2.1. Quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia ký quỹ?

Căn cứ vào điều 40 Nghị định 21/2021/NĐ-CP có quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia vào ký quỹ như sau:

– Đối với Tổ chức tín dụng nơi ký quỹ:

  • Hưởng phí dịch vụ;
  • Yêu cầu bên có quyền thực hiện đúng thỏa thuận về ký quỹ để được thanh toán nghĩa vụ từ tiền ký quỹ;
  • Thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền trong phạm vi tiền ký quỹ;
  • Hoàn trả tiền ký quỹ còn lại cho bên ký quỹ sau khi thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền và khi chấm dứt ký quỹ.
  • Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

– Đối với Bên ký quỹ:

  • Thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ về điều kiện thanh toán theo đúng cam kết với bên có quyền;
  • Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, được trả lãi trong trường hợp có thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ.
  • Rút bớt, bổ sung tiền ký quỹ hoặc đưa tiền ký quỹ tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp bên có quyền đồng ý.
  • Nộp đủ tiền ký quỹ tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ
  • Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

– Đối với Bên có quyền trong ký quỹ:

  • Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán nghĩa vụ đầy đủ, đúng hạn trong phạm vi tiền ký quỹ
  • Thực hiện đúng thủ tục theo yêu cầu của tổ chức tín dụng nơi ký quỹ trong việc thực hiện quyền tại điểm a khoản này.
  • Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

3. Phân biệt ký cược và ký quỹ?

3.1. Giống nhau:

Ký cược và ký quỹ đều là những biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự.

3.2. Khác nhau:

Tiêu chí Ký cược Ký quỹ
Căn cứ pháp lý  Điều 329 Bộ luật dân sự 2015 Điều 330 Bộ luật dân sự 2015
Khái niệm Ký cược được hình thành từ sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng thuê tài sản có đối tượng là động sản, theo đó bên thuê giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các vật có giá trị khác để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê. Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.
Chủ thể Gồm 2 chủ thể:

Bên nhận ký cược

Bên ký cược

Gồm 3 chủ thể:

Tổ chức tín dụng nơi ký quỹ

Bên ký quỹ

Bên có quyền

Nội dung Biện pháp này được áp dụng để đảm bảo cho việc trả lại tài sản trong hợp đồng thuê tài sản. việc bên thuê tài sản là động sản có sự chuyển giao từ bên cho thêu sang bên thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác.

Ký cược có có đặc tính mang tính thanh khoảng cao bởi vì giá trị của vật được ký cược cũng tương đương với giá trị thật của tài sản thuê.

 

 

Với biện pháp ký quỹ 2 bên có thể mở một tài khoản tại ngân hàng nhưng không được dùng tài khoản khi chưa chấm dứt hợp đồng. Mặc dù vẫn là chủ của tài khoản đó nhưng bên có nghĩa vụ không được thực hiện bất kỳ một giao dịch rút tiền nào từ tài khoản đó bởi số tài khoản ký quỹ đó được xác định để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ trước bên có quyền
Mục đích Bảo đảm nghĩa vụ giao trả động sản, nghĩa vụ trả tiền thuê của bên có nghĩa vụ. Bảo đảm việc được thanh toán bồi thường thiệt hại khi bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình.
Tài sản đảm bảo Tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác Tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá.
  Hậu quả pháp lý Trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê, nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê. (Theo khoản 2 điều 329 BLDS 2015) Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ. (Theo khoản 2 điều 330 BLDS 2015)

Như vậy, Để phân biệt giữa ký cược và ký quỹ một cách chính xác nhất thì chúng ta nên dựa vào các tiêu chí khi tham gia vào hợp đồng như là: Muc đích ký hợp đồng, chủ thể tham gia , nội dung ký kết và tài sản đảm bảo trong hợp đồng, cần xác định rõ các tiêu chí trên trước khi tham gia ký kết hợp đồng liên quan đến ký cược và ký quỹ để tránh những sự nhầm lẫn không đáng có.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến phân biệt Ký quỹ và ký cược. Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 1900 6568 để được hỗ trợ và tư vấn.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon