Đấu thầu là gì? Những trường hợp được phép chỉ định thầu

dau-thau-la-gi-nhung-truong-hop-duoc-phep-chi-dinh-thau

Hoạt động đấu thầu tuy mới được dụng rộng rãi trong thời gian qua nhưng đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế của nước nhà. Có thể nói, hoạt động đấu thầu đóng vai trò khá quan trọng trong toàn bộ quá trình mua sắm của Chính phủ nói riêng và trong các hoạt động thương mại nói chung.

Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của bên mời thầu để thực hiện gói thầu thuộc các dự án theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Theo quy định của pháp luật, có nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu như: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh trong mua bán hàng hóa, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

Trong số đó, chỉ định thầu được xem là một hình thức lựa chọn nhà thầu đặc biệt, đang được áp dụng khá phổ biến. Bài viết dưới đây đã đi vào phân tích về đấu thầu, các trường hợp được phép chỉ định thầu.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015.

1. Đấu thầu là gì?

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 99 Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư năm 2020 thì đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Đấu thầu có một số đặc điểm sau:

– Thứ nhất, đấu thầu là một quá trình đa chủ thể. Trong quá trình đấu thấu luôn có hai bên là bên mời thầu và bên dự thầu. Bên mời thầu thông thường là chủ sở hữu của nguồn vốn được dùng để mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Trong một số trường hợp, bên mời thầu chỉ là người được giao quyền sử dụng vốn để mua sắm hàng hóa, dịch vụ.

– Bên dự thầu là bên có khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ nhưng không phải bất kỳ chủ thể nào cũng có thể trở thành bên dự thầu mà chỉ những chủ thể có năng lực thực hiện và không ở trong diện bị loại trừ theo các tiêu chuẩn do bên mời thầu đặt ra mới có quyền trở thành bên tham dự thầu. Trong quan hệ đấu thấu, chủ thể thứ ba cũng thường xuất hiện, đó là các nhà tư vấn. Họ hiện diện như một nhân tố đảm bảo cho quá trình đấu thầu được thực hiện nghiêm túc.

– Thứ hai, đấu thầu là một quy trình gồm nhiều giai đoạn, giữa các giai đoạn có sự liên hệ mật thiết với nhau, giai đoạn trước là nền móng để thực hiện giai đoạn sau. Mỗi giai đoạn thực hiện các mục tiêu khác nhau nhưng chung quy lại, các giai đoạn này đều nằm trong một thể thống nhất. Khi tham gia vào các giai đoạn, các chủ thể đều phải tuân theo các quy tắc chung.

– Thứ ba, đấu thầu là một giai đoạn tiền hợp đồng, luôn gắn với quan hệ mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Mục đích cuối cùng của đấu thầu là giúp bên mời thầu tìm ra được đối tác có khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt với giá cả hợp lý nhất. Sau khi quá trình đấu thầu hoàn tất, bên trúng thầu và bên mời thầu sẽ đi đến thương thảo và ký kết hợp đồng. Khi đó, đấu thầu hoàn tất sứ mệnh của nó.

– Thứ tư, đấu thầu là quá trình cạnh tranh bình đẳng, công khai và minh bạch. Khi tham gia vào hoạt động đấu thầu, bên mời thầu đưa ra trước các yếu cầu của mình để các bên dự thầu căn cứ vào đó để đưa ra các mức giá cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Vì thế, đấu thầu sự cạnh tranh giữa các bên dự thầu. Bên mời thầu sẽ chỉ chọn bên dự thầu nào đưa ra sản phẩm chất lượng và giá cả hợp lý nhất.

– Thứ năm, đấu thầu có thể được thực hiện trên cơ sở từng gói thầu. Gói thầu ở đây có thể là toàn bộ dự án hoặc dự án được chia ra thành từng phần, có quy mô hợp lý, đảm bảo được tính đồng bộ. Việc phân chia này đảm bảo cho bên mời thầu lựa chọn được từng nhà thầu phù hợp với từng gói thầu và tạo cơ hội thuận lợi cho sự tham gia của các nhà thầu.

– Thứ sáu, khi tham gia đấu thầu, nhà thầu phải có sự bảo lãnh dự thầu. Bảo lãnh dự thầu là việc nhà thầu đặt một khoản tiền mặt, séc hoặc bảo lãnh của ngân hàng hoặc các hình thức tương đương… để đảm bảo trách nhiệm của mình với hồ sơ dự thầu. Mục đích của bảo lãnh dự thầu là nhằm đảm bảo nhà thầu không thay đổi ý định và hủy bỏ việc tham gia đấu thầu. Đây cũng là biện pháp bảo vệ quyền lợi bên mời thầu và loại bỏ những nhà thầu không nghiêm túc.

2. Các trường hợp được phép chỉ định thầu

Chỉ định thầu được hiểu là hình thức lựa chọn nhà thầu trực tiếp đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng các yêu cầu của bên mời thầu để thực hiện gói thầu thuộc các dự án theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Pháp luật đấu thầu hiện hành quy định các trường hợp chỉ định thầu gồm chỉ định thầu đối với nhà thầu và chỉ định thầu đối với nhà đầu tư.

– Việc chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp:

+ Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;

+ Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo;

+ Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền sở hữu trí tuệ;

+ Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng được chỉ định cho tác giả của thiết kế kiến trúc công trình trúng tuyển khi tác giả có đủ điều kiện năng lực theo quy định; gói thầu thi công xây dựng tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến thi công công trình;

+ Gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; gói thầu rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình;

+ Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.

– Việc chỉ định thầu đối với nhà đầu tư được áp dụng trong các trường hợp:

+ Chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện;

+ Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn;

+ Nhà đầu tư đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất theo quy định của Chính phủ.

Luật Đấu thầu 2013 đã quy định khá rõ ràng, cụ thể các trường hợp được chỉ định thầu. Điều này xuất phát từ thực tiễn nhằm ngăn chặn tình trạng thực hiện chỉ định thầu tràn lan, không hợp lý đã và đang xảy ra hiện nay.

3. Điều kiện áp dụng chỉ định thầu

– Trong trường hợp gói thầu cần thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 22 Luật đấu thầu năm 2013,  trừ gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước thì chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu xác định và giao cho nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày giao thầu, các bên phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu bao gồm: Chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu trong đó xác định yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được và giá trị tương ứng để thương thảo, hoàn thiện hợp đồng. Trên cơ sở kết quả thương thảo hợp đồng, chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu phê duyệt kết quả chỉ định thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu được chỉ định thầu.

– Đối với việc thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu còn lại quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu năm 2013 phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

+ Có quyết định đầu tư được phê duyệt, trừ gói thầu tư vấn chuẩn bị dự án;

+ Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;

+ Đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu;

+ Có dự toán được phê duyệt theo quy định, trừ trường hợp đối với gói thầu EP, EC, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay;

+ Có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày;

+ Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.

Luật Đấu thầu 2013 đã cụ thể hóa nội dung các văn bản quy định về các điều kiện chỉ định thầu, tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản giúp cho quá trình chỉ định thầu diễn ra thuận lợi hơn.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về đấu thầu là gì và các trường hợp được phép chỉ định thầu. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon