Khái niệm về tài sản của một số quốc gia trên thế giới

khai-niem-ve-tai-san-cua-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi

Tài sản, chế độ sở hữu và quyền sở hữu tài sản luôn là một trong những vấn đề trọng yếu được hiến pháp và pháp luật của các quốc gia ghi nhận, bảo vệ. Trong khoa học pháp lý, vấn đề tài sản lại càng quan trọng bởi nó được xem là khách thể của quyền sở hữu và đồng thời còn là đối tượng phổ biến của các quan hệ trao đổi, giao lưu dân sự. Từ khi pháp luật ra đời cho đến ngày nay, việc định danh tài sản luôn là vấn đề pháp lý được các luật gia quan tâm. Vậy một số quốc gia trên thế giới đã đưa ra khái niệm về tài sản như thế nào? Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Nghiên cứu về khái niệm tài sản, không thể không tìm hiểu về khái niệm này từ các học giả thời La Mã cổ đại. Cách phân loại đầu tiên được người La Mã sử dụng để phân biệt tài sản là vật hữu hình và vật vô hình (hay nói đúng hơn, tài sản vô hình chính là các “quyền tài sản” theo cách hiểu của chúng ta ngày nay). Vật hữu hình là vật có thể sờ được; vật vô hình là vật không thể sờ được.

Sự phân loại này được xây dựng dựa trên cơ sở phân biệt quyền sở hữu, được đồng hóa với chính đối tượng của nó (là một vật cụ thể), và các quyền khác. Cũng theo luật La Mã, tài sản bao gồm các vật và quyền tài sản. Vật là những đối tượng hữu hình đơn lẻ, phân biệt được, có tính độc lập mà con người có thể cầm nắm, khai thác lợi ích kinh tế và có giá trị vật chất.

1. Khái niệm tài sản theo hệ thống luật Civil Law

Các nước theo hệ thống luật Civil Law như Pháp, Québec (Canada), Hà Lan, Thái Lan, Nhật Bản… đều không có định nghĩa về tài sản trong các BLDS mà chỉ quy định về tài sản thông qua việc phân loại chúng. Tài sản được nhận diện thông qua các khái niệm như vật (mang tính hữu hình) và quyền (mang tính vô hình), động sản và bất động sản. Phân loại tài sản cũng là một kỹ thuật pháp lý để làm rõ các khía cạnh của tài sản và để xây dựng các quy chế pháp lý điều chỉnh chúng cho phù hợp.

1.1. Khái niệm về tài sản theo Bộ luật Dân sự Pháp

Bộ luật Dân sự 1804 của Pháp đã không đưa ra một định nghĩa cụ thể nào về tài sản mà chỉ quy định tài sản được phân loại thành động sản và bất động sản. Việc phân loại này dựa trên đặc tính di dời hay không di dời được của tài sản. Có thể xem đây là cách phân loại kinh điển, bởi lẽ đây là cách phân loại quan trọng nhất mà hầu hết pháp luật các nước đều ghi nhận, điển hình phải kể đến BLDS Pháp.

Điều 516 đã khái quát: “Tài sản bao gồm động sản và bất động sản”. Kế đến, BLDS Pháp đưa ra 3 tiêu chí để xác định một tài sản là bất động sản, bao gồm: bất động sản do bản chất, bất động sản do mục đích sử dụng và bất động sản do gắn liền với đất. Điều 518 đã khẳng định: “Đất đai và các công trình xây dựng là bất động sản do bản chất”.

Tiếp theo, các điều từ Điều 519 đến Điều 521 là các quy phạm liên quan đến “cối xay gió, cối xay nước được gắn cố định trên cột trụ và là một bộ phận của công trình xây dựng”, các loại mùa màng chưa hái, cây cối chưa đốn hạ cũng đều được xem là các bất động sản do bản chất.

Từ Điều 522 đến Điều 525, BLDS Pháp tiếp tục quy định về các tài sản được xem là bất động sản do mục đích sử dụng như: các loại gia súc phục vụ trong trang trại, các loại đường ống dẫn nước cho một công trình xây dựng, các loại nông cụ, đồ đạc trong nhà gắn vĩnh viễn vào tài sản cố định… Đây là những loại tài sản về bản chất là động sản, song lại là một “phần phụ” gắn liền với bất động sản do những mục đích sử dụng riêng, vì thế mà pháp luật xem chúng như những bất động sản.

Điều 526 quy định về các tài sản là bất động sản do gắn liền với đất, bao gồm: hoa lợi từ bất động sản, các quyền địa dịch hay các dịch quyền, các tố quyền nhằm đòi lại một bất động sản.

Điều 527 quy định tài sản có thể là động sản do tính chất hoặc do pháp luật quy định. Cách phân loại này đem lại rất nhiều ý nghĩa pháp lý quan trọng.

Trước hết, từ sự phân loại này mà các nhà làm luật thiết kế nên những quy chế pháp lý riêng cho động sản và bất động sản. Cách phân loại này cũng cho thấy sự khác biệt về tầm quan trọng của bất động sản so với động sản. Tuy nhiên, trong Bộ luật này cũng toát lên ý nghĩa rằng, tài sản bao gồm vật hoặc các vật quyền và các tố quyền nhằm đòi lại tài sản. Vật quyền là một khái niệm của luật La Mã, được dùng để chỉ quyền có thể được thực hiện trực tiếp và ngay tức khắc trên một vật mà không cần vai trò của người khác.

1.2. Khái niệm về tài tài sản theo Bộ luật Dân sự Québec (Canada)

Dựa vào hình mẫu của BLDS Pháp 1804, BLDS Québec (Canada) phân loại tài sản tại Điều 899: “Tài sản, dù hữu hình hay vô hình, được phân chia thành bất động sản và động sản”. Căn cứ vào các quy định này tài sản bao gồm bốn phân loại chính là bất động sản hữu hình, bất động sản vô hình, động sản vô hình, động sản hữu hình.

Như vậy, chung quy lại BLDS Québec (Canada) cũng không có định nghĩa về tài sản mà cũng chỉ phân loại tài sản gồm bất động sản và động sản.

1.3. Khái niệm về tài tài sản theo Bộ luật Dân sự Đức

Bộ luật Dân sự Đức 1900 (BGB) không sử dụng thuật ngữ “tài sản” mà dùng thuật ngữ “vật”. Những vấn đề pháp lý chung nhất của luật dân sự được tập hợp trong Quyển I của Bộ luật này mang tên Phần chung, trong đó có một chương nói về vật. “Luật về vật” hay “vật quyền” là tiêu đề của Quyển III Bộ luật Dân sự Đức.

“Vật quyền” gồm các quy định liên quan đến chiếm hữu (Điều 854 đến 872), mua và sở hữu các động sản và bất động sản (Điều 873 đến 984), các quyền giới hạn ở vật như thế chấp, nợ ruộng và quyền sử dụng vật không thuộc sở hữu (Điều 1018 đến 1203) cũng như quyền cầm cố đối với quyền và vật (Điều 1204 và 1296)27. Tuy không có định nghĩa cụ thể về tài sản trong Bộ luật này, nhưng người ta có thể hiểu rằng, tài sản theo nghĩa pháp lý không chỉ là vật chất liệu, mà chủ yếu là các quyền.

1.4. Khái niệm về tài tài sản theo Bộ luật Dân sự Hà Lan

BLDS Hà Lan định nghĩa: “Tài sản là tất cả mọi vật hoặc mọi quyền tài sản”, sau đó xác định (1) vật là tất cả các đối tượng hữu hình có thể chịu sự kiểm soát của con người hoặc (2) quyền tài sản là các quyền hoặc riêng rẽ hoặc cùng với các quyền khác, có thể chuyển giao các quyền được dự định để thu được một lợi ích vật chất cho chủ sở hữu của chúng hoặc các quyền đã có được để đổi lấy lợi ích vật chất thực tế hoặc dự kiến. Khái niệm “tài sản” trong luật dân sự Hà Lan là khái niệm mang tính khái quát nhất và cũng là khái niệm mở rộng nhất.

Tại châu Á, khoa học pháp lý phát triển chậm hơn nhưng cũng kế thừa và tiếp thu những tinh hoa của pháp luật La Mã và châu Âu.

1.5. Khái niệm về tài tài sản theo Bộ luật Dân sự Nhật Bản

Tại châu Á, khoa học pháp lý phát triển chậm hơn nhưng cũng kế thừa và tiếp thu những tinh hoa của pháp luật La Mã và châu Âu.

Theo pháp luật dân sự Nhật Bản, quan niệm về tài sản đã đi theo hướng tiếp cận dưới góc độ quyền. Trong BLDS Nhật Bản không có khái niệm cụ thể về tài sản mà khái niệm tài sản được ẩn chứa trong các quy định về vật (chương 3, quyển 1), vật quyền (quyển 2) và trái vụ (quyển 3).

1.6. Khái niệm về tài tài sản theo Bộ luật Dân sự Thái Lan

BLDS và Thương mại Thái Lan tại Điều 99 quy định: “Tài sản bao gồm những vật cũng như các đối tượng không cụ thể, có thể có một giá trị và có thể chiếm dụng được” và phân biệt tài sản thành động sản và bất động sản tại Điều 100 và Điều 101: Bất động sản là đất đai và những vật gắn liền với đất đai hoặc hợp thành một thể thống nhất với đất đai. Nó bao gồm cả những quyền gắn với việc sở hữu đất đai. Động sản là những vật có thể chuyển từ chỗ này qua chỗ khác bất chấp do tự chúng hoặc do ngoại lực. Nó bao gồm cả sức mạnh tự nhiên có thể chiếm dụng được cũng như những quyền gắn với động sản.

1.7. Khái niệm về tài tài sản theo Bộ luật Dân sự Trung Quốc

Bộ luật Dân sự Trung Quốc 2020 cũng không có quy định cụ thể tài sản là gì nhưng chúng ta có thể tìm thấy những quy định liên quan đến tài sản trong Quyển thứ hai “Vật quyền” (cả trong Phần I Quy tắc chung, Phần II Quyền sở hữu và các Phần khác).

Theo đó, chúng ta có thể rút ra tài sản được tiếp cận trong một khung pháp lý lớn là “vật quyền” và gián tiếp qua cách phân loại theo tính chất di dời hay không di dời được là bất động sản và động sản, theo phạm vi như tài sản thuộc sở hữu nhà nước, tài sản thuộc sở hữu tập thể, tài sản thuộc sở hữu tư nhân… (Các quy định về đăng ký bất động sản, bàn giao động sản, quyền sở hữu nhà nước, quyền sở hữu tập thể, quyền sở hữu tư nhân, quyền sở hữu công trình kiến trúc của nghiệp chủ…). Theo một tài liệu khác thì vật quyền, quyền tài sản phi vật chất, trái quyền, trái vụ đều thuộc nội hàm tài sản.

2. Khái niệm tài sản theo hệ thống luật Common Law

Các học giả Common Law lại thể hiện quan niệm tài sản là các mối quan hệ giữa người với người liên quan đến vật, hơn là nhấn mạnh đến các đặc tính vật lý hay chất liệu như các học giả Civil Law, theo đó tài sản được hiểu là một mớ quyền (abundle of rights): tài sản bao gồm bất kể những gì có khả năng sở hữu hoặc bởi cá nhân, tập thể hoặc cho lợi ích của người khác.

Các luật gia Hoa Kỳ cho rằng, tài sản là các quyền giữa mọi người có liên quan tới vật hay nói cách khác, bao gồm một hệ thống các quyền được thừa nhận về mặt pháp lý do ai đó thủ đắc trong mối liên hệ với những người khác có liên quan tới vật, có nghĩa là tài sản là tập hợp các quyền trên vật có hiệu lực chống lại người khác, ngăn không cho người khác sử dụng hay chiếm hữu. Luật Tài sản Hoa Kỳ cũng quan niệm tài sản gồm động sản và bất động sản. Bất động sản thường bao gồm đất đai, nhà cửa, cao ốc và còn bao gồm cả hoa màu trên đất.

Điều 448 BLDS của Tiểu bang Louisiana Hoa Kỳ quy định: “Tài sản được phân chia thành tài sản chung, tài sản công, tài sản tư; tài sản hữu hình và tài sản vô hình; động sản và bất động sản”. Định nghĩa này đã xác định tài sản dựa trên phương thức sở hữu, trạng thái vật lý cũng như tính chất di dời hay bất động của tài sản. Phân biệt tài sản thành tài sản vô hình và tài sản hữu hình là một trong các cách phân loại tài sản truyền thống dựa vào trạng thái tồn tại của tài sản được áp dụng ở pháp luật nhiều quốc gia.

Nếu như cách tiếp cận tài sản và phân loại tài sản của hệ thống Civil law tập trung vào việc trừu tượng hóa, khái quát hóa và từ đó định danh các loại tài sản, đặc biệt là sự chú trọng vào việc phân loại các quyền tài sản thành vật quyền và trái quyền thì các nước thuộc hệ thống Common Law, đặc biệt là Hoa Kỳ, tiếp cận khái niệm tài sản và phân loại tài sản theo hướng thực dụng, chú trọng vào giá trị kinh tế của tài sản, không mấy quan tâm liệu một quyền hay lợi ích về tài sản là vật quyền hay trái quyền, chỉ cần quyền hay lợi ích đó có giá trị kinh tế và có thị trường cho việc chuyển giao quyền, lợi ích đó.

3. Tài sản tiếp cận dưới góc độ vật hay dưới góc độ quyền

Các quan niệm về tài sản trong BLDS ở một số nước tiêu biểu cho hệ thống pháp luật trên thế giới đều đi theo hai cách tiếp cận cơ bản, đó là tài sản được tiếp cận dưới góc độ vật hay dưới góc độ quyền.

3.1. Dưới góc độ vật

Theo tiêu chí vật lý thì những vật mà con người có thể nhận biết được bằng các giác quan tiếp xúc là vật hữu hình, còn ngược lại là vật vô hình. Vật vô hình chính là các quyền tài sản. Như vậy, tài sản gồm có vật và quyền (quyền tài sản), có tính hữu hình và vô hình. Tài sản là sự đồng hóa giữa hai khái niệm “vật” với khái niệm “quyền”. Quyền là vật và ngược lại vật là quyền. Vật và quyền là hai mặt không thể tách rời của tài sản.

3.2. Dưới góc độ quyền

Cơ sở xuất phát điểm của cách tiếp cận này là sự thừa nhận vật có tính chất hữu hình, độc lập, có thể cầm nắm được, từ đó xác định các quyền lợi của các chủ thể xoay quanh vật hữu hình đó. Nếu các quyền được thực hiện một cách trực tiếp trên vật hữu hình mà không cần có sự hỗ trợ của bất kỳ chủ thể nào khác thì được gọi là quyền đối vật hay còn gọi là vật quyền. Trong quyền đối vật có quyền đối vật tuyệt đối là quyền sở hữu và quyền đối vật phụ thuộc là các quyền hưởng dụng, quyền địa dịch, quyền bề mặt, quyền của bên nhận cầm cố, thế chấp đối với vật.

Ngược lại với quyền đối vật là quyền đối nhân.Quyền đối nhân là quyền được thực hiện trên vật một cách gián tiếp thông qua hành vi của chủ thể mang nghĩa vụ hay còn được gọi là trái quyền. Đó có thể là quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán phát sinh từ hợp đồng, các nguồn thu. Bên cạnh đó còn một loại quyền đặc biệt, phát sinh dựa trên sự bảo đảm của pháp luật với những điều kiện đặc thù. Nó không phải là quyền đối vật và cũng không phải là quyền đối nhân mà là quyền vô hình tuyệt đối, đó là quyền sở hữu trí tuệ.

Trên đây là bài viết về ” Khái niệm về tài sản của một số quốc gia trên thế giới”. Trường hợp bạn đang có thắc mắc hoặc muốn sử dụng dịch vụ liên hệ ngay hotline số: 097.497.8999 – 093.154.8999 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon