Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là vinh dự của mọi công dân Việt Nam. Để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, công dân cần đáp ứng một số điều kiện nhất định. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về điều kiện kết nạp Đảng và quy trình để kết nạp Đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Căn cứ pháp lý:
– Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam;
– Hướng dẫn 01-HD/TW Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng;
– Quy định 29-QĐ/TW Quy định Thi hành Điều lệ Đảng.
– Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam là gì?
– Đảng cộng sản là lãnh tụ chính trị, là hình thức tổ chức cao nhất, bộ phận tiên tiến nhất của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đảng Cộng sản lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, lấy nguyên tắc tập trung dân chủ nghĩa làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.
– Ở nước ta, Đảng Cộng sản có tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.
– Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền tại Việt Nam hiện nay theo Hiến pháp, đồng thời là chính đảng duy nhất được phép hoạt động trên đất nước Việt Nam.
2. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là gì?
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, không bóc lột, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng
3. Điều kiện để được kết nạp vào Đảng, trở thành Đảng viên
3.1. Về tuổi đời
– Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tính theo tháng).
– Việc kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi do cấp uỷ trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định. Chỉ xem xét kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi khi đủ các điều kiện: Có sức khoẻ và uy tín; đang công tác, cư trú ở cơ sở chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên hoặc do yêu cầu đặc biệt; được ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định kết nạp.
3.2. Về trình độ học vấn
– Người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.
– Học vấn của người vào Đảng đang sinh sống ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và những trường hợp cụ thể khác do yêu cầu phát triển đảng mà không bảo đảm được quy định chung thì thực hiện theo hướng dẫn của Ban Bí thư.
+ Người vào Đảng đang sinh sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc ngư dân thường xuyên làm việc ngoài biển, đảo, nếu không bảo đảm theo Quy định thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII thì phải có trình độ học vấn tối thiểu hoàn thành chương trình bậc tiểu học.
+ Trình độ học vấn của người vào Đảng là già làng, trưởng bản, người có uy tín, đang sinh sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc ngư dân thường xuyên làm việc ngoài biển, đảo tối thiểu phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ và được ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định kết nạp.
3.3. Thừa nhận và tự nguyện:
Thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng
3.4. Qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm
Người được xét kết nạp Đảng phải chứng minh mình là người có những phẩm chất ưu tú như về đạo đức, lối sống, chính trị hay hoạt động công tác. Được quần chúng tín nhiệm giao nhiệm vụ qua các công việc được giao cũng như phong cách làm việc.
3.5. Có lý lịch trong sáng, rõ ràng
– Lý lịch của người xin vào Đảng đảm bảo trong sáng, rõ ràng. Ở đây không chỉ kê khai về bản thân của người xin vào Đảng mà còn cả của những người thân thích như ông bà nội ngoại, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột của mình.
– Việc thẩm tra lý lịch này bao gồm các nội dung như: lịch sử chính trị qua các thời kì đó là thời gian trước năm 1945 và từ năm 1945 đến nay. Việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuân thủ các nội quy, quy định tại địa phương cũng như đơn vị làm việc.
3.6. Về bồi dưỡng nhận thức Đảng
Có Giấy chứng nhận bồi dưỡng nhận thức về Đảng do trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện hoặc cấp tương đương cấp; đối với nơi không có trung tâm bồi dưỡng chính trị thì Giấy chứng nhận bồi dưỡng nhận thức về Đảng sẽ do cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên cấp.
3.7. Do hai Đảng viên chính thức giới thiệu
Đảng viên đứng ra giới thiệu người xin vào Đảng phải cùng công tác với nhau một khoảng thời gian ít nhất là 01 năm. Chịu trách nhiệm về những gì mình đã cam kết và giới thiệu trong phần lý lịch, phẩm chất, năng lực của người xin vào Đảng.
4. Thủ tục kết nạp Đảng
4.1. Chuẩn bị hồ sơ, nộp đơn xin vào Đảng
Người xin vào Đảng tiến hành chuẩn bị hồ sơ cá nhân và nộp đơn, hồ sơ xin vào Đảng cho cấp ủy có thẩm quyền.
4.2. Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng
a) Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm:
– Người vào Đảng.
– Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).
b) Nội dung thẩm tra, xác minh
– Đối với người vào Đảng: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
– Đối với người thân: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
4.3. Lấy ý kiến nhận xét của đoàn thể chính trị – xã hội nơi người vào Đảng sinh hoạt và chi ủy nơi người vào Đảng cư trú
Chi ủy hoặc bí thư chi bộ (nơi chưa có chi ủy) lấy ý kiến của đại diện các đoàn thể chính trị – xã hội mà người vào Đảng là thành viên; lấy ý kiến nhận xét của chỉ ủy hoặc chi bộ (nơi chưa có chi ủy) nơi cư trú của người vào Đảng; tổng hợp thành văn bản báo cáo chi bộ.
Trường hợp đặc biệt không phải lấy ý kiến nhận xét của chi ủy hoặc chi bộ nơi cư trú đối với người vào Đảng thực hiện theo quy định của Ban Bí thư.
4.4. Nghị quyết của chi bộ và cấp ủy cơ sở xét kết nạp người vào Đảng
– Chi bộ (kể cả chi bộ cơ sở) xem xét: Đơn xin vào Đảng; lý lịch của người vào Đảng; văn bản giới thiệu của đảng viên chính thức; nghị quyết giới thiệu đoàn viên của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cơ sở (hoặc tập thể chi đoàn cơ sở) hoặc nghị quyết giới thiệu đoàn viên công đoàn của ban chấp hành công đoàn cơ sở; bản tổng hợp ý kiến nhận xét của đoàn thể chính trị – xã hội nơi người vào Đảng sinh hoạt và chi ủy hoặc chi bộ nơi cư trú.
– Nếu được hai phần ba số đảng viên chính thức trở lên đồng ý kết nạp người vào Đảng thì chi bộ ra nghị quyết đề nghị cấp ủy cấp trên xem xét, quyết định.
Nghị quyết nêu rõ kết luận của chi bộ về lý lịch; ý thức giác ngộ chính trị; ưu, khuyết điểm về phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác; quan hệ quần chúng của người vào Đảng; số đảng viên chính thức tán thành, không tán thành.
Ở những nơi cỏ đảng ủy bộ phận thì đảng ủy bộ phận thẩm định nghị quyết của chi bộ về kết nạp đảng viên, báo cáo cấp ủy cơ sở.
– Tập thể đảng ủy cơ sở thảo luận, biểu quyết, nếu được hai phần ba số cấp ủy viên trở lên đồng ý thì ra nghị quyết đề nghị cấp ủy cấp trên xét kết nạp.
Nếu đảng ủy cơ sở được ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên thì do đảng ủy cơ sở đó ra nghị quyết và quyết định kết nạp.
4.5. Quyết định của cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên
– Sau khi nhận được nghị quyết đề nghị kết nạp đảng viên của cấp ủy cơ sở, ban tổ chức của cấp ủy có thẩm quyền tiến hành thẩm định lại, trích lục tài liệu gửi các đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy nghiên cứu.
Ban thường vụ cấp ủy họp xét, nếu được trên một nửa số thành viên ban thường vụ đồng ý thì ra quyết định kết nạp đảng viên. Đối với đảng ủy cơ sở được ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên thì phải được ít nhất hai phần ba cấp ủy viên đồng ý mới được ra quyết định kết nạp đảng viên.
– Đối với tổ chức cơ sở đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương không được ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên thì cấp ủy cơ sở gửi văn bản kèm hồ sơ đề nghị lên ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương để thẩm định, báo cáo thường trực cấp ủy; thường trực cấp ủy chủ trì cùng với các đồng chí ủy viên ban thường vụ là trưởng các ban đảng xem xét, nếu được trên một nửa số thành viên đồng ý thì ra quyết định kết nạp đảng viên.
Đối với các cấp ủy cơ sở trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương không được ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên thì gửi văn bản kèm hồ sơ đề nghị để Cục Công tác đảng và công tác chính trị thẩm định, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương xét, nếu được trên một nửa số thành viên đồng ý thì ra quyết định kết nạp đảng viên.
– Trường hợp người vào Đảng có vấn đề liên quan đến lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay, nếu thuộc thẩm quyền quyết định của cấp ủy thì cấp ủy chỉ đạo xem xét, kết luận trước khi xét kết nạp; nếu không thuộc thẩm quyền quyết định của cấp ủy (theo quy định của Bộ Chính trị) thì báo cáo ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hoặc đảng ủy trực thuộc Trung ương xem xét, nếu được sự đồng ý bằng văn bản thì cấp ủy có thẩm quyền mới ra quyết định kết nạp.
4.6. Tổ chức lễ kết nạp đảng viên
– Lễ kết nạp đảng viên phải được tổ chức trang nghiêm; tiến hành kết nạp từng người một (nếu kết nạp từ hai người trở lên trong cùng một buổi lễ).
– Trang trí lễ kết nạp (nhìn từ dưới lên): Trên cùng là khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”; cờ Đảng, cờ Tổ quốc, tượng hoặc ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (bên trái), ảnh Mác – Lênin (bên phải), tiêu đề: “Lễ kết nạp đảng viên”.
– Chương trình buổi lễ kết nạp:
+ Chào cờ (hát Quốc ca, Quốc tế ca).
+ Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
+ Bí thư chi bộ hoặc đại diện chi ủy đọc quyết định kết nạp đảng viên của cấp ủy có thẩm quyền.
+ Đảng viên mới đọc lời tuyên thệ.
+ Đại diện chi ủy nói rõ nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên, nhiệm vụ của chi bộ và phân công đảng viên chính thức giúp đỡ đảng viên dự bị.
+ Đại diện cấp ủy cấp trên phát biểu ý kiến (nếu có).
+ Bế mạc (hát Quốc ca, Quốc tế ca).
Như vậy, bài viết trên đây đã phân tích cụ thể về các điều kiện để được kết nạp Đảng và quy trình kết nạp Đảng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.