Không giống như người trẻ, người cao tuổi có những nỗi lo riêng về tài chính, về sức khỏe, họ lo lắng bị con cháu thờ ơ và xã hội bỏ rơi. Vào những thời điểm đó, vai trò của chính sách an sinh xã hội được thể hiện và pháp huy giúp họ vượt qua tất cả những nỗi lo trong cuộc sống.
Sau đây, cùng với Luật Dương gia chúng ta sẽ tìm hiểu về Người cao tuổi là nhóm đối tượng nào? Có những chính sách an sinh xã hội nào cho người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay.
1. Người cao tuổi là ai?
Ở phạm vi Việt Nam, các lĩnh vực pháp luật khác nhau cũng có sự khác nhau khi xác định người cao tuổi. Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009 đưa ra định nghĩa “Người cao tuổi” là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 quy định độ tuổi nghỉ hưu của nam là đủ 60 tuổi và nữ là đủ 55 tuổi (Điều 169). Như vậy, nam từ 61 tuổi và nữ từ 56 tuổi được coi là người lao động cao tuổi.
Đến với Bộ luật Hình sự, thuật ngữ “Người cao tuổi” lại không được sử dụng. Nếu như Bộ luật Hình sự năm 1999 xuất hiện thuật ngữ “người già” tại Khoản 1 Điều 46, Khoản 1 Điều 43 thì đến Bộ luật Hình sự năm 2015 ngay cả từ “người già” cũng không còn sử dụng thay vào đó Bộ luật chỉ rõ “người từ đủ 70 tuổi trở lên” tại Khoản 1 Điều 51 và Điểm i Khoản 1 Điều 52.
Có thể thấy các văn bản pháp luật trong nước chưa thống nhất trong việc định lượng về “cao tuổi”. Tuy nhiên, Luật Người cao tuổi là đạo luật riêng về nên xuyên suốt bài viết, khái niệm “Người cao tuổi” sẽ được thống nhất hiểu theo quy định của Luật Người cao tuổi như sau: “Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên”.
2. Bảo hiểm hưu trí đối với người cao tuổi
2.1. Hưu trí từ BHXH bắt buộc
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật BHXH năm 2014, BHXH bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia Căn cứ vào khái niệm đó, người cao tuổi muốn được hưởng chế độ hưu trí từ BHXH bắt buộc thị trước đó họ phải là người lao động tham gia BHXH bắt buộc.
Khoản 1 Điều 2 và Điều 53 Luật BHXH năm 2014 xác định cụ thể các đối tượng được áp dụng chế độ hưu trí từ BHXH bắt buộc bao gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động, cán bộ công chức, viên chức, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, người công tác trong tổ chức cơ yếu, người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
2.2. Hưu trí từ BHXH tự nguyện
Chế độ hưu trí từ BHXH tự nguyện là chế độ mà người lao động được hưởng khi họ tham gia đóng BHXH tự nguyện Khoản 3 Điều 3 Luật BHXH, quy định BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Người lao động được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 54 Luật BHXH năm 2014. Trong trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về độ tuổi nhưng chưa đủ điều kiện về số năm đóng BHXH thì được đóng tiếp cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Mức lương hưu hàng tháng từ BHXH tự nguyện được tính tương tự như BHXH bắt buộc, tối đa bằng 75% mức bình quân thu nhập đóng BHXH.
2.3. Bảo hiểm hưu trí bổ sung
Theo Khoản 7 Điều 3 Luật BHXH năm 2014, bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.
Quỹ hưu trí bổ sung được tạo lập bởi đối tượng tham gia đóng góp, bao gồm: người sử dụng lao động đóng góp cho người lao động người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và cá nhân đủ 15 tuổi trở lên, không làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động (Điều 6 Nghị định số 88/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện).
Phương thức tham gia đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung có thể thông qua người sử dụng lao động hoặc người lao động cá nhân trực tiếp đóng góp.
3. Bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi
Với tư cách là người tham gia BHYT nói chung người cao tuổi được hưởng các quyền bao gồm: quyền được cấp thẻ BHYT khi đóng BHYT, có quyền lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, được khám bệnh chữa bệnh; được tổ chức BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo chế độ BHYT, hơn nữa người cao tuổi có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về BHYT.
Tuy nhiên xuất phát từ những đặc điểm đã phân tích thì người cao tuổi được xác định là một chủ thể đặc biệt. Do vậy, người cao tuổi khi tham gia BHYT, ngoài việc được hưởng những quyền lợi chung đối với bất kỳ cá nhân nào tham gia BHYT thì còn được hưởng những quyền lợi riêng biệt, mà chủ yếu liên quan đến mức hưởng khi khám chữa bệnh.
Đặc biệt theo Điều 12 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang được hưởng trợ cấp hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng khi khám chữa bệnh là 100%.
Điều 4 Nghị định 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT quy định thêm, người cao tuổi thuộc trường hợp là người có công với cách mạng hay thuộc diện nhận bảo trợ xã hội hàng tháng (cựu chiến binh, thân nhân của người có công với cách mạng) thuộc nhóm do ngân sách nhà nước đóng và đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của các Điều 26, 27, 28 Luật BHYT 2008, sửa đổi, bổ sung 2014 thì đều được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Người cao tuổi là hộ nghèo thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, thân nhân của người có công với cách mạng (không phải cha mẹ nuôi; cha, mẹ đẻ; anh, chị, em ruột) thuộc nhóm do ngân sách nhà nước đóng và người đang hưởng lương hưu thuộc nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng thì được hưởng 95% phí khám, chữa bệnh nếu đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của các Điều 26, 27, 28 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014.
4. Trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi
4.1. Trợ giúp xã hội thường xuyên
Chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên là sự giúp đỡ về vật chất và các điều kiện sinh sống khác của xã hội một cách thường xuyên cho các thành viên của mình khi gặp phải những rủi ro, bất hạnh rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn, cuộc sống thường nhật luôn bị đe doạ.
Tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã liệt kê đối tượng NGƯỜI CAO TUỔI cụ thể được hưởng trợ cấp hàng tháng. NGƯỜI CAO TUỔI thuộc từng trường hợp khác nhau sẽ được hưởng trợ cấp xã hội ở các mức khác nhau.
Số tiền trợ cấp xã hội cụ thể cho NGƯỜI CAO TUỔI được tính dựa trên mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng được áp dụng từ ngày 01/7/2021 (Khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP). Cách tính được xác định như sau số tiền trợ cấp xã hội hàng tháng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng tại các Điểm đ Khoản 1 Điều 6 Nghị định 20/2021/NĐ-CP.
4.2. Trợ giúp xã hội đột xuất
Chế độ trợ giúp xã hội đột xuất là sự giúp đỡ về vật chất và các điều kiện sinh sống khác của xã hội cho những thành viên của mình khi gặp phải những rủi ro hoặc khó khăn bất ngờ như: thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn,… làm cuộc sống tạm thời bị đe dọa về lương thực, nhà ở, chữa bệnh, chôn cất,… cần phải có sự cứu giúp khẩn cấp.
Đây là chế độ trợ cấp một lần, gắn liền với các sự cố về thiên tai, hỏa hoạn,… có ý nghĩa “cấp thiết, cấp của” vô cùng quan trọng đối với đối tượng hưởng. Việc xác định đối tượng của trợ giúp đột xuất là căn cứ vào những rủi ro hay khó khăn mà họ gặp phải.
Khác với trợ giúp xã hội thường xuyên, đối tượng của trợ giúp xã hội đột xuất có thể là bất kỳ ai trong xã hội, bao gồm người cao tuổi. Căn cứ nội dung chế định trợ giúp xã hội đột xuất của Nghị định 20/2021/NĐ-CP, Người cao tuổi có thể thuộc vào một trong các trường hợp hộ gia đình thiếu đại (Điều 12), người bị thương nặng (Điều 13), hộ gia đình có người chết, mất tích (Điều 14), hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn không còn nơi ở do các lý do tại Điều 15.
Bên cạnh đó, tùy vào khó khăn, rủi ro cụ thể mà Nhà nước có thể trợ cấp bằng tiền hoặc lương thực. Mức trợ cấp bằng tiền cao nhất là 40 triệu đồng đối với trường hợp hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở và mức trợ cấp bằng lương thực cao nhất là 15 kg gạo/1 người/1 tháng đối với trường hợp tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 20/2021/NĐ-CP.
4.3. Chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng
Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tại cộng đồng là sự tự nguyện của cá nhân về việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi. Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 18 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, người cao tuổi thuộc đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng không có điều kiện sống ở cộng đồng đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.
Người nhận nuôi dưỡng chăm sóc người cao tuổi tất yếu phải đảm bảo một số điều kiện theo luật định, bao gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước; có sức khỏe và kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi theo quy định; có điều kiện kinh tế, đang sống cùng chồng hoặc vợ thì chồng hoặc vợ phải đảm bảo điều kiện về năng lực hành vi dân sự và điều kiện về sức khỏe.
4.4. Chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội/ cơ sở trợ giúp xã hội
Nếu chủ thể nhận chăm sóc nuôi dưỡng người cao tuổi tại cộng đồng là cá nhân, hộ gia đình thì chủ thể nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi trong chế độ trợ giúp xã hội này là cơ sở bảo trợ xã hội. Cơ sở bảo trợ xã hội là đơn vị được thành lập với mục đích cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt không có điều kiện sống ở gia đình trong đó bao gồm cơ sở chăm sóc người già.
Căn cứ vào Điều 24 Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng người cao tuổi được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội bao gồm:
– Người cao tuổi thuộc điện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi. Trường hợp này, người cao tuổi phải đáp ứng các điều kiện thuộc hộ gia đình nghèo, không có người có quyền và nghĩa vụ phụng trống, không có điều kiện sống ở cộng đồng hoặc những người già, neo đơn, không nơi nương tựa.
– Người cao tuổi tự nguyện sống tại cơ sở bảo trợ xã hội. Trường hợp này, người cao tuổi có thể sống tại cơ sở bảo trợ xã hội theo hợp đồng ủy nhiệm chăm sóc giữa người có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi với cơ sở bảo trợ xã hội, hoặc người cao tuổi không có điều kiện sống tại gia đình, có nhu cầu vào sống tại cơ sở bảo trợ xã hội.
Cơ sở bảo trợ xã hội có thể do Nhà nước thành lập, xây dựng hoặc do tư nhân thành lập xây dựng đồng thời xuất phát từ ưu điểm của chế độ này mà Nhà nước luôn khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở bảo trợ xã hội cho người cao tuổi; đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho cơ sở bảo trợ xã hội công lập.
5. Các chế độ an sinh xã hội khác đối với người cao tuổi
* Chăm sóc y tế và việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngoài y tế đối với người cao tuổi
Như đã phân tích, đặc điểm nổi bật nhất của người cao tuổi là sự suy giảm về sức khỏe cũng như tâm lý. Do vậy, việc chăm sóc sức khỏe tâm sinh lý người cao tuổi cần được đặc biệt chú trọng Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình sức khỏe Việt Nam tiếp tục xác định bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó bao gồm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không chỉ dừng lại ở các dịch vụ chăm sóc y tế mà còn thông qua các dịch vụ ngoài y tế.
* Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội về vật chất đối với người cao tuổi
Người cao tuổi, với tư cách là người yếu thế trong xã hội, hơn ai hết họ là nhóm người cần sự hỗ trợ từ Nhà nước và cộng đồng xã hội nhất. Các bản Hiến pháp nước ta đều xuyên suốt thể hiện tư duy nhất quán người cao tuổi cần thiết phải được hỗ trợ, giúp đỡ trước hết về mặt vật chất. Bên cạnh những quy phạm điều chỉnh về BHXH, BHYT, trợ giúp xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, ngoài ra còn được Nhà nước hỗ trợ, đảm bảo về chỗ ở và nâng cao đời sống vật chất khác cho người cao tuổi.
* Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội về thông tin, văn hóa, giáo dục, giải trí, giao thông công cộng đối với người cao tuổi và tổ chức mừng thọ, thăm hỏi và tặng quà
Với phương châm để người cao tuổi “Sống vui, sống khỏe, sống có ích”, pháp luật không chỉ tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe thể chất mà còn chú trọng phát triển đời sống tinh thần cho người cao tuổi thông qua việc tiếp cận các dịch vụ xã hội về thông tin văn hóa, giáo dục, giải trí và giao thông công cộng cũng như tổ chức mừng thọ, thăm hỏi và tặng quà cho người cao tuổi.
Trên đây là trình bày chi tiết về những chính sách mà người cao tuổi nhận được theo pháp luật. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.