Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người

toi-mua-ban-chiem-doat-mo-hoac-bo-phan-co-the-nguoi

Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là một tội danh mới thuộc các loại tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, sự an toàn về thân thể của con người được quy định trong Bộ luật hình sự. Việc bổ sung vào Bộ luật hình sự tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm này trong tình hình hiện nay. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích nội dung về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

1. Cấu thành tội phạm của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người

 * Khách thể của tội phạm:

Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người xâm phạm đến các quan hệ xã hội về bảo đảm quyền được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng, an toàn thân thể của con người.

Đối tượng tác động của hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là mô và bộ phận cơ thể người.

* Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm là cá nhân phải đáp ứng được hai điều kiện đó là người đó phải đạt độ tuổi theo quy định của BLHS và có năng lực trách nhiệm hình sự. Căn cứ theo phân loại tội phạm của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người quy định tại Điều 154 và Điều 12 BLHS thì chủ thể của tội phạm này là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

* Mặt khách quan của tội phạm:

Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người được thể hiện bằng hành vi mua bán hoặc hành vi chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người khác, cụ thể:

– Hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người: Hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người là hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất để trao đổi bộ phận cơ thể người khác như hàng hóa. CTTP của tội này chỉ đòi hỏi người phạm tội có hành vi mua hoặc bán bộ phận cơ thể mà không cần phải có hành vi mua và bán.

Bản chất của hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người sống là hành vi trao đổi, thỏa thuận giữa bên bán, bên mua về việc lấy mô, bộ phận cơ thể của người khác từ bên bán chuyển cho bên mua, nhằm mục đích thỏa mãn các nhu cầu cấy ghép mô, bộ phận cơ thể cho chính mình hoặc cho người thân của mình, hoặc nhằm mục đích thu lợi bất chính. Tuy nhiên mục đích của hành vi mua bán không phải dấu hiệu bắt buộc của CTTP này nên không có ý nghĩa trong việc định tội.

– Hành vi chiếm đoạt mộ, bộ phận cơ thể người: Chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác nhằm lấy đi một cách trái pháp luật mô hoặc bộ phận cơ thể của người khác.

Thủ đoạn thực hiện tội phạm chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người: Người phạm tội lợi dụng nghề nghiệp, uy tín, chức vụ quyền hạn để thực hiện tội phạm… thông qua thực hiện các hành vi như cưỡng bức, bắt cóc, gây mê, dùng các công cụ, dụng cụ y tế, phẫu thuật, thuốc và cả tiền để ép buộc, gian dối hoặc lén lút, lừa đảo để lấy mô, bộ phận cơ thể của người khác. Người phạm tội lợi dụng sự thiếu hiểu biết về y học của nạn nhân thông qua hoạt động chữa bệnh từ thiện, giúp đỡ người nghèo… để thực hiện hành vi chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể nạn nhân, nạn nhân có thể biết hoặc không biết về việc tội phạm thực hiện hành vi lấy đi mô, bộ phận cơ thể của mình.

Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là tội phạm có cấu thành hình thức, tức là CTTP chỉ đòi hỏi người phạm tội có hành vi phạm tội mà không cần thiết phải gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Chính vì vậy, hậu quả của tội phạm này không phải yếu tố bắt buộc của CTTP.

* Mặt chủ quan của tội phạm:

Chủ thể thực hiện hành vi mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người với lỗi cố ý. Tức là, người phạm tội nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội do hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người của mình gây ra, thấy trước hậu quả của hành vi đó nhưng vẫn mong muốn hậu quả xảy ra. Động cơ phạm tội của tội mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người là vì lợi ích cá nhân (sức khỏe của bản thân, của người thân…), lợi ích kinh tế (tiền, lợi ích vật chất…). Tuy nhiên, động cơ không phải là yếu tố bắt buộc đối với trường hợp này.

Cũng như động cơ, mục đích phạm tội không phải là yếu tố bắt buộc đối với tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Về mục đích phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người có thể nhằm thu lợi nhuận hoặc sử dụng mô, bộ phận cơ thể người để phục vụ cho bản thân hoặc người khác, có thể chiếm đoạt để bán kiểm tiền…

2. Khung hình phạt của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người

– Khoản 1 của điều luật quy định hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm này theo khoản 1 Điều 154 BLHS. Tức là, chỉ cần hành vi có đủ dấu hiệu CTTP như hành vi trao đổi, thỏa thuận về sự chuyển dịch mô, bộ phận cơ thể người hoặc chiếm đoạt bộ phận cơ thể người và hành vi đó không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, 3 của Điều 154 BLHS thì người phạm tội phải chịu hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

– Khoản 2 của điều luật quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm được áp dụng trong các trường hợp:

+ Phạm tội có tổ chức: là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

+ Vì mục đích thương mại: là thực hiện hành vi này nhằm mục đích thu lợi nhuận, không phân biệt là người phạm tội đã thu được lợi nhuận hay chưa mà chỉ cần có mục đích lợi nhuận.

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp: là trường hợp người thực hiện tội phạm là chủ thể đặc biệt, có chức vụ quyền hạn, nghề nghiệp và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của mình để phạm tội. Ví dụ bác sĩ, nhân viên y tế trong quá trình chữa trị, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân đã cắt bỏ bộ phận cơ thể của bệnh nhân để bán hoặc để ghép cho người thân của mình,…

+ Đối với từ 02 người đến 05 người: là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội đối với từ 02 đến 05 người, có thể trong cùng một khoảng thời gian hoặc trong những khoảng thời gian khác nhau.

+ Phạm tội 02 lần trở lên: là trường hợp đã có tất cả từ hai lần phạm cùng một tội trở lên đối với cùng một nạn nhân được xác định, mà mỗi lần phạm tội đều có đầy đủ yếu tố CTTP, đồng thời trong các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%: đây là trường hợp hành vi phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người dẫn đến hậu quả gây thương tích, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Trường hợp này cần phải xác định rõ người phạm tội có lỗi vô ý với hậu quả thương tích, tổn hại cho sức khỏe xảy ra. Nếu cố ý gây thương tích thì xử lý về tội cố ý gây thương hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

– Khoản 3 của điều luật quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân được áp dụng trong các trường hợp:

+ Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp: là trường hợp người phạm tội phạm tội này 5 lần trở lên hoặc lấy kết quả việc phạm tội của mình để làm nguồn sống chính của mình.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên: hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả gây thương tích, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên. Trưởng hợp này cần phải xác định rõ người phạm tội vô ý với hậu quả thương tích, tổn hại cho sức khỏe xảy ra, nếu cố ý gây thương tích thì xử lý về tội cố ý gây thương hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Khi xác định được nạn nhân của tội phạm cần tiến hành kiểm tra xem xét, cần thiết phải tiến hành trưng cầu giám định ngay để xác định tỷ lệ thương tích, tổn hại cho sức khỏe để định khung hình phạt.

+ Đối với 06 người trở lên: là trường hợp phạm tội đối với 6 người trở lên, không phụ thuộc đã có hậu quả xảy ra hay mục đích đã đạt được hay chưa, chỉ cần có hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể của 6 người trở lên, có thể là một lần phạm tội đối với từ 6 người trở lên hoặc có thể phạm tội nhiều lần và tổng số người đã bị người phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người là từ 6 người trở lên.

+ Gây chết người: trường hợp này người thực hiện hành vi mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người dẫn tới hậu quả nạn nhân chết, lỗi của người phạm tội là cố ý đối với hành vi phạm tội nhưng vô ý với hậu quả chết người.

+ Tái phạm nguy hiểm: Người nào đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trước đó do lỗi cố ý nhưng chưa được xóa án tích nay lại phạm tội mới cũng là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với lỗi cố ý thì được coi là tái phạm nguy hiểm; Người nào đã bị kết án 02 lần về bất kỳ tội danh nào, trong lần kết án thứ 2 người này đã bị áp dụng tình tiết tái phạm mà hành vi phạm tội này chưa được xóa án tích nay lại phạm tội mới do lỗi cố ý sẽ được xác định là tái phạm nguy hiểm.

– Ngoài hình phạt chính như trên, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc công việc nhất định. Trong đó, phạt tiền là hình phạt gây bất lợi về mặt kinh tế đối với người phạm tội, tước đi một khoản tiền nhất định của người phạm tội sung công quỹ Nhà nước. Hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định chỉ áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về tội mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon