Vợ không đồng ý, chồng đòi quan hệ tình dục trái ý muốn

vo-khong-dong-y-chong-doi-quan-he-tinh-duc-trai-y-muon

Nghe thật là vô lý nhưng thực chất đây là một vấn đề pháp lý khá thú vị, chắc hẳn rất ít người nghĩ đến việc nếu như một ngày vì một lý do nào đó chồng ép buộc hoặc dùng vũ lực để ép vợ quan hệ tình dục rồi bị chính vợ mình đâm đơn khởi kiện. Tuy nhiên trên thực tế, đã có những vụ án người chồng bị chính vợ mình tố cáo về hành vi hiếp dâm. Trong nội dung bài viết, Luật Dương Gia sẽ phân tích cũng như làm rõ vấn đề “Vợ không đồng ý, chồng đòi quan hệ tình dục trái ý muốn” lại bị xử phạt hay là ngồi tù….

căn cứ pháp lý

1. Mối quan hệ vợ chồng theo pháp luật hiện hành

Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Trong đó, vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, có nghĩa vụ sống chung với nhau trừ khi có thỏa thuận khác.

Điều này dẫn tới nhiều người mắc nhiên trong hôn nhân, đối phương phải đáp ứng tình dục cho mình nên việc ép buộc là không vi phạm pháp luật.

Thủ tục ly hôn đơn phương tại Đà Nẵng

2. Vợ chồng có nghĩa vụ như thế nào với nhau?

Theo Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về tình nghĩa vợ chồng như sau:

Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng

1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.

Như vậy, vợ chồng có nghĩa vụ phải yêu thương, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình và có nghĩa vụ chung sống với nhau (trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc vì lý do đặc biệt).

3. Vợ không đồng ý, chồng đòi quan hệ tình dục trái ý muốn thì có vi phạm pháp luật không?

Chúng ta dễ dàng hiểu rằng việc quan hệ tình dục có thể coi là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì mối quan hệ vợ chồng. Ở trường hợp này chúng ta có thể hiểu ngụ ý của các vấn đề như sau:

3.1. Cưỡng ép quan hệ tình dục trong hôn nhân có phải là bạo lực gia đình hay không?

Mới nhất, căn cứ Điều 3 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có quy định về những hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

– Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

– Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

– Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

– Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;

– Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;

– Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

– Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

– Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

– Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;

– Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;

– Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;

– Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;

– Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;

– Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;

– Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;

– Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

Như vậy, hành vi cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng được xem là bạo lực gia đình

3.2. Cưỡng ép quan hệ tình dục trong hôn nhân có thể truy cứu với Tội hiếp dâm hay không?

Căn cứ Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội Hiếp dâm như sau:

Điều 141. Tội hiếp dâm

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Vậy có thể hiểu yếu tố cấu thành tội hiếp dâm là:

-Về mặt khách quan

Mặt khách quan của tội hiếp dâm được thể hiện qua dấu hiệu hành vi sau: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân.

-Về mặt chủ quan

Hành vi phạm tội với lỗi cố ý

-Về khách thể

Tội hiếp dâm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.

-Về chủ thể

Bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Chúng ta dễ dàng hiểu rằng việc quan hệ tình dục có thể coi là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì mối quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, đối với chủ thể tội hiếp dâm thì không ngoại trừ người thực hiện hành vi có mối quan hệ vợ chồng với nạn nhân. Do đó, nếu vợ hoặc chồng có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực,… để ép người còn lại phải giao cấu trái ý muốn của họ thì tùy vào tính chất, mức độ mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hiếp dâm.

– Việc chồng đòi quan hệ tình dục và vợ không cho phép thì có thể phải chịu hình phạt tù nếu phạm tội hiếp dâm nếu có đơn tố cáo của nạn nhân cụ thể ở đây là vợ của mình. Mặc dù tình trạng chồng ép vợ quan hệ tình dục diễn ra không phổ biến. Đồng thời, do suy nghĩ đây là việc cá nhân và tế nhị của hai vợ chồng nên việc tố cáo trên thực tế rất ít khi xảy ra hoặc thậm chí chính nạn nhân cũng không biết hành vi của vợ/chồng mình đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2021) như sau:

“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chế “

– Ngoài ra, bạn có thể đề nghị xử lý thì hành vi của chồng bạn về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo khoản 1 Điều 185 BLHS 2015.

Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình

1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Như vậy, nếu vợ hoặc chồng đòi hỏi nhưng đối tác không đáp ứng nhu cầu tình dục và sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để đạt được mục đích quan hệ, theo yêu cầu khởi tố của người bị hại thì người vợ hoặc chống đó có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hiếp dâm hoặc cưỡng dâm.

Tuy nhiên, chỉ được khởi tố vụ án hình sự nếu thuộc trường hợp nêu tại khoản 1, Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội hiếp dâm khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tam thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Do đó, nếu có yêu cầu của người vợ thì hoàn toàn có cơ sở để buộc người chồng phải chịu trách nhiệm hình sự.

4. Mức phạt đối với hành vi cưỡng ép vợ quan hệ tình dục trái ý muốn

4.1. Cưỡng ép quan hệ tình dục trong hôn nhân có thể bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Hiện nay Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống bạo lực gia đình chưa quy định cụ thể hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục trong hôn nhân có thể bị xử phạt bao nhiêu tiền. Tuy nhiên hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục trong hôn nhân có thể được xem là hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình, tùy vào tính chất và hành vi được thực hiện

Theo đó, mức phạt đối với hành vi này được quy định như sau:

Căn cứ Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình, bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền như sau:

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

+ Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

Căn cứ Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình, bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền như sau:

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

+ Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;

+ Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

4.2. Chồng cưỡng ép vợ quan hệ tình dục có phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đi tù hay không?

Như đã phân tích tại mục 3.1 thì hành vi chồng cưỡng ép vợ quan hệ tình dục trái ý muốn là có thể cấu thành tội hiếp dâm nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm hiếp dâm. Theo đó, nếu người vợ nộp đơn khởi kiện tai cơ quan có thẩm quyền thì khả năng người chồng dính vào vòng lao lý là rất cao.

Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định về mức phạt đối với tội hiếp dâm là từ 2 đến 7 năm tù đối với tội hiếp dâm. Hoặc có thể cấu thành tội Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo điều 185 BLHS 2015 có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm tù giam.

Vậy, nếu chồng cưỡng ép vợ mình quan hệ tình dục trái với ý muốn thì người vợ có thể làm đơn khởi kiện đến cơ quan có thẩm quyền tố cáo hành vi của người chồng và tuỳ vào mức độ phạm tội sẽ có những chế tài xử phạt tương ứng với hành vi.

Trên đây là toàn bộ tư vấn đối với việc “Vợ không đồng ý, chồng đòi quan hệ tình dục trái ý muốn”. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay tranh chấp phát sịnh cần sự tư vấn về pháp luật, hãy liên hệ đến chúng tôi theo số Hotline 19006568 để nhận được câu trả lời tốt nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon