Tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng

tuyen-bo-khong-cong-nhan-quan-he-vo-chong

Quan hệ hôn nhân là quan hệ giữa nam, nữ sau khi kết hôn. Quan hệ hôn nhân giữa hai bên nam, nữ được xác lập khi tuân thủ các quyền của pháp luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và phải được đăng kí tại cơ quan đăng kí kết hôn có thẩm quyền. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, nam, nữ không được pháp luật công nhận quan hệ vợ chồng do vi phạm quy định pháp luật về hôn nhân gia đình hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện Luật định. Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về các trường hợp không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định pháp luật thông qua bài viết sau.

Căn cứ pháp lý

1. Các trường hợp bị tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng

– Nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và pháp luật về hộ tịch thì việc kết hôn phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, trong thực tế, tình trạng nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn xảy ra vô cùng phổ biển. Việc chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ đã và đang tồn tại như một hiện thực khách quan trong xã hội.

Theo quan điểm lập pháp của Nhà nước ta, nam, nữ khi xác lập quan hệ vợ chồng mà có đăng ký kết hôn thì quan hệ hôn nhân của họ được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ. Trong trường hợp, nam, nữ chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận là vợ chồng.

Tuy nhiên, căn cứ theo khoản 2 Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, hiện nay pháp luật vẫn công nhận các trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987, có đủ điều kiện kết hôn mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng.

Theo khoản 1 Điều 131 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết.

Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01/01/2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 để giải quyết. Từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.

– Không đủ điều kiện kết hôn

Căn cứ theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn, theo đó nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này, bao gồm:

  • Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
  • Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
  • Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
  • Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Việc không công nhận quan hệ vợ chồng đối với trường hợp nam nữ có đủ điều kiện kết hôn mà không đăng ký kết hôn là thể hiện quan điểm lập pháp của Nhà nước ta chỉ công nhận vợ chồng khi nam nữ có yêu cầu đăng ký kết hôn với nhau. Nam nữ không đăng ký kết hôn tức là không mong muốn quan hệ giữa họ được pháp luật công nhận là vợ chồng. Việc đăng ký kết hôn là quyền và lợi ích hợp pháp của nam, nữ và việc chung sống với nhau như vợ chồng của họ không trái pháp luật. Do đó, pháp luật không có quyền ép buộc nam, nữ kết hôn cũng như sẽ không thừa nhận quan hệ vợ chồng khi nam nữ sống chung, không đăng ký kết hôn và không thuộc các trường hợp ngoại trừ ở trên.

Ngoài ra, hiện nay, tình trạng nam, nữ không đủ điều kiện kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng cũng đang khá phổ biến. Như trường hợp nam, nữ chưa đủ tuổi kết hôn chung sống với nhau như vợ chồng; người bị cấm kết hôn cố tình chung sống như vợ chồng với người khác; người bị cấm kết hôn với nhau nhưng cố tình chung sống như vợ chồng với nhau. Đối vớ các trường hợp này thì việc chung sống là vi phạm pháp luật, cần phải có biện pháp xử lý và buộc các bên phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái pháp luật. Đồng thời, tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Người cùng giới tính chung sống với nhau

Hiện nay, có rất nhiều trường hợp người cùng giới tính, có quan hệ tình cảm, chung sống với nhau như vợ chồng. Nhiều cặp đôi còn tổ chức lễ cưới công khai và công khai chung sống. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật nước ta không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Do đó, một số trường hợp, khi hai bên xảy ra mâu thuẫn và muốn “chia tay” thì họ cũng không thể yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn. Khi đó, việc giải quyết hậu quả của việc chung sống gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Nếu các bên không thể thoả thuận được với nhau về chấm dứt việc chung sống hoặc chia tài sản mà yêu cầu Toà án giải quyết thì Toà án tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng, tài sản được chia theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 như đối với trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng.

– Đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền

Pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch đã quy định thẩm quyền đăng ký kết hôn. Các bên kết hôn phải nộp đầy đủ các giấy tờ cần thiết tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn. Khi đăng ký kết hôn, cả hai bên nam, nữ phải cùng có mặt, cùng ký vào sổ hộ tịch và giấy chứng nhận kết hôn. Về nguyên tắc, việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền thì không có giá trị pháp lý. Nếu việc kết hôn có vi phạm điều kiện kết hôn nên có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật hoặc hai bên kết hôn có yêu cầu ly hôn, thì Toà án không ra quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật hoặc không giải quyết ly hôn mà tuyên bố không công nhận các bên kết hôn là vợ chồng.

2. Hậu quả pháp lý của việc không công nhận quan hệ vợ chồng

– Quan hệ nhân thân giữa các bên chung sống

Trên nguyên tắc, nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn (dù có đủ điều kiện kết hôn) thì giữa họ không phát sinh quan hệ hôn nhân. Mặc dù vậy, thực tế xuất hiện tình trạng nam nữ chung sống với nhau một thời gian thì phát sinh mâu thuẫn và yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn. Hoặc nhiều trường hợp sau một thời gian chung sống, do mâu thuẫn nên các bên thoả thuận chấm dứt cuộc sống chung nhưng lại không thoả thuận được về con chung, tài sản chung nên yêu cầu Toà án giải quyết. Để có cơ sở pháp lý giải quyết tình trạng này, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về giải quyết hậu quả của việc nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Trong trường hợp các bên có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết và tuyên bố không công nhận các bên chung sống là vợ chồng. Do đó, giữa các bên không có quyền và nghĩa vụ vợ chồng theo quy định của pháp luật. Kể từ ngày Toà án tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng, các bên có quyền kết hôn với người khác.

– Quan hệ tài sản

Trong thời gian chung sống, nếu các bên đã đóng góp tiền bạc, tài sản để mua sắm tài sản chung hoặc các bên có văn bản thoả thuận xác định tài sản chung thì đó là tài sản chung theo phần mà không phải là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng. Khi Toà án tuyên bố không công nhận là vợ chồng, tài sản chung của các bên được chia theo sự thoả thuận của các bên. Nếu các bên không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Về nguyên tắc, việc chia tài sản áp dụng các quy định về chia tài sản chung theo phần, căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên vào việc phát triển, duy trì tài sản. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 16 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.

Đối với tài sản riêng, nếu các bên chung sống có tài sản riêng thì tài sản của bên nào vẫn thuộc quyền sở hữu của bên đó.

Đối với nghĩa vụ và hợp đồng của các bên chung sống như vợ chồng được giải quyết theo sự thoả thuận của các bên, nếu không thoả thuận được thì Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật có liên quan.

– Quan hệ đối với con chung

Trong trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng, khi Toà án tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng, nếu các bên có con chung thì quyền và nghĩa vụ giữa các bên đối với con chung giải quyết như khi ly hôn. Con chung được một bên trực tiếp nuôi, bên không trực tiếp nuôi có nghĩa vụ cấp dưỡng. Con dưới 36 tháng tuổi giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thoả thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Trên đây là nội dung của bài viết về “Tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng”. Để được tư vấn pháp luật qua điện thoại, hãy gọi ngay cho Luật sư theo số điện thoại 1900.6568. Mọi nhu cầu tư vấn pháp luật qua điện thoại sẽ được chúng tôi giải đáp!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon