Trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến hôn nhân và gia đình, một câu hỏi thường gặp là liệu việc không đăng ký kết hôn có đồng nghĩa với việc không cần thực hiện thủ tục ly hôn hay không. Nhiều người cho rằng việc chung sống và ly hôn mà không đăng ký kết hôn là đơn giản và không cần thủ tục pháp lý.
Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm, điều này tạo ra một tình huống pháp lý phức tạp và đòi hỏi sự hiểu biết, kiến thức về hôn nhân gia đình. Việc giải quyết mối quan hệ khi không đăng ký kết hôn có những quy định riêng biệt so với ly hôn thông thường. Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu và làm rõ về quy định pháp lý sẽ giúp đưa ra câu trả lời chính xác và minh bạch về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý
1. Định nghĩa và quyền yêu cầu giải quyết Ly hôn
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có định nghĩa về ly hôn tại khoản 14 Điều 3 Luật này:
“ 14. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”
Vậy ai có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn? Căn cứ Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
– Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
– Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
– Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, trong mối quan hệ hôn nhân chỉ có chủ thể của nó là vợ và chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Nhưng trong các trường hợp một bên vợ hoặc chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì cha mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ mang thai và trẻ em sơ sinh thì pháp luật cũng có quy định rằng người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
2. Không đăng ký kết hôn thì có được yêu cầu ly hôn không?
Trong trường hợp nam nữ không đăng ký kết hôn nhưng chung sống như vợ chồng thì có được yêu cầu ly hôn không? Pháp luật định nghĩa cụm từ Chung sống như vợ chồng tại khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.”
Theo khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
Điều 53. Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn
“Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.”
Theo đó, pháp luật quy định trường hợp không đăng ký kết hôn mà chung sống như vợ chồng thì trường hợp này pháp luật không công nhận là vợ chồng. Và khi có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định; Trường hợp nếu có yêu cầu về con cái và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
– Khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
– Điều 15 và Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
“Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Như vậy, trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định.”
3. Trường hợp không có giấy kết hôn vẫn được công nhận hôn nhân
Để hợp pháp hóa tình trạng hôn nhân, thủ tục đăng ký kết hôn là bước không thể thiếu. Theo quy định của Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, việc kết hôn mà không có sự đăng ký là không hợp lệ. Nguyên tắc này rõ ràng chỉ ra rằng mặc dù có quan hệ tình cảm và sống chung nhưng nếu thiếu giấy tờ xác nhận từ cơ quan chức năng, mối quan hệ đó không được coi là hôn nhân theo luật, trừ những trường hợp được pháp luật quy định.
Những trường hợp ngoại lệ mà pháp luật công nhận là quan hệ hôn nhân.
3.1. Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước 03/01/1987
Căn cứ Khoản 2 Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch 2014:
“. Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng. Thẩm quyền, thủ tục đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật Hộ tịch.”
Theo đó, trong tình huống này, mặc dù không có việc đăng ký kết hôn, mối quan hệ hôn nhân của họ vẫn được xem xét và công nhận bởi pháp luật, và họ cũng không bắt buộc đi thủ tục đăng ký kết hôn mà nhà nước chỉ được khuyến khích. Vì vậy, dù không có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, họ vẫn được xem là vợ chồng hợp pháp theo luật pháp.
3.2. Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ 03/01/1987 đến trước 01/01/2001
Theo quy định tại Điều 131 Luật Hôn nhân gia đình 2014: “Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết”.
Do đó, nếu một nam và một nữ sống chung như vợ chồng từ ngày 3/1/1987 đến trước ngày 1/1/2001, thì theo quy định của pháp luật, họ bắt buộc phải đăng ký kết hôn. Thời hạn tối đa cho việc đăng ký là đến ngày 1/1/2003. Nếu họ vẫn không thực hiện đăng ký sau ngày này, mối quan hệ hôn nhân của họ sẽ không được công nhận.
Như vậy, không có giấy kết hôn nhưng thuộc vào một trong hai trường hợp được công nhận hôn nhân thì vẫn có thể thực hiện thủ tục ly hôn.
Do quan hệ vợ chồng đã được công nhận nên dù không có giấy kết hôn, việc ly hôn vẫn sẽ thực hiện như đối với trường hợp có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Thủ tục thực hiện và hậu quả pháp lý sẽ theo quy định Luật hôn nhân và gia đình 2014 và Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
3.3.Trường hợp Ly hôn bị mất giấy đăng ký kết hôn
Có những tình huống mà giấy đăng ký kết hôn bị mất hoặc hỏng do các yêu tố khách quan không mong muốn, hoặc bị một bên cố ý giữ lại gây cản trở, khiến việc yêu cầu ly hôn trở nên khó khăn.
Vậy, trong trường hợp này, người có quyền có thể yêu cầu cấp bản sao trích lục giấy đăng ký kết hôn để thay thế. Bản sao trích lục có giá trị tương đương với bản chính và có thể được sử dụng như bản chính trong các thủ tục giao dịch. Do đó, bản trích lục giấy đăng ký kết hôn hoàn toàn có thể thay thế cho bản gốc khi nộp đơn xin ly hôn.
4. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn theo Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.