Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận trên 125.000 đơn các loại (tăng 4,1% so với năm 2019), trong đó gần 77.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Cục đã xử lý được gần 114.000 đơn các loại, trong đó có gần 72.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2019). Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ cho 48.072 đối tượng sở hữu công nghiệp. Kết quả này thể hiện nỗ lực của Cục Sở hữu trí tuệ trong hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ, cơ bản đáp ứng nhu cầu bảo hộ tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, góp phần bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh tại Việt Nam.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay, công tác bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, các chủ thể Việt Nam chủ yếu là đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chưa có nhiều đơn đăng ký sáng chế. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mặc dù khá sôi động, nhưng chúng ta chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao. Đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn về quản trị tài sản trí tuệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ chưa được phát triển như kỳ vọng cả về số lượng và chất lượng…
1. Những vấn đề chung
Trước bối cảnh mới với nhiều chuyển biến mạnh mẽ tác động đến mọi mặt của kinh tế – xã hội như quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng của Việt Nam thông qua việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng cũng như mục tiêu hướng tới một chính phủ kiến tạo, việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hiện nay trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam; phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng.
Trong thập kỷ vừa qua, bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ không chỉ là nhiệm vụ được ngành khoa học và công nghệ quan tâm mà còn là một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được quy định, lồng ghép trong nhiều văn bản, Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm nói riêng, như: Đề án phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ), Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 (Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010), Chương trình phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (Quyết định số 2457/QĐ- TTg ngày 31/12/2010) và Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 (Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/8/2014), Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 (Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018) và rất nhiều các văn bản ban hành các nhiệm vụ, giải pháp triển kinh tế – xã hội của Chính phủ và các địa phương trên cả nước; ngày 10/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 106/2020/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), trong đó trọng tâm hướng đến việc thương mại hóa tài sản trí tuệ. Mới đây nhất, ngày 24 tháng 12 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Điểm nhấn của Quyết định số 2205/QĐ- TTg thể hiện ở mục tiêu chung của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (Chương trình) là đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Như vậy, có thể khẳng định bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, thương mại hoá tài sản trí tuệ nói riêng là vấn đề mang tính toàn cầu và được nước ta quan tâm đặc biệt, thể hiện ở hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này. Điều này sẽ góp phần đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho đến các nhiệm vụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Trên cơ sở đó, để khắc phục những hạn chế, tồn tại, tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt những mục tiêu cơ bản sau:
2. Sửa đổi bổ sung quy định pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ
Việc sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ được coi là vấn đề cấp thiết là nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, bổ sung, cụ thể hóa quy định hiện hành, hoặc đề xuất giải pháp, chính sách mới. Qua đó, giúp tổ chức, doanh nghiệp có cơ sở pháp lý để thảo thuận, ký kết với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan khi khai thác, sử dụng tác phẩm. Tổ chức, cá nhân được giao quyền đăng ký có động lực và cơ hội cho việc quản lý, khai thác có hiệu quả các sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước. Người dân thu được lợi ích từ việc tiếp cận và thụ hưởng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có giá trị nghệ thuật, tư tưởng cao cũng như có thêm cơ hội thụ hưởng thành quả công nghệ là kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Nhà nước đầu tư…
3. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hữu quan
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và với các cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; phối hợp nghiên cứu về việc tăng cường vai trò của tòa án trong giải quyết các vụ việc về sở hữu trí tuệ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kỹ thuật số. Tích cực và chủ động phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả công tác điều tra các vụ án hình sự về sở hữu trí tuệ. Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Mở rộng xã hội hóa đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp về sở hữu trí tuệ; phát triển đội ngũ giám định viên sở hữu trí tuệ; thúc đẩy sự phát triển dịch vụ giám định sở hữu trí tuệ và dịch vụ tư vấn pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
4. Tiếp tục đầu tư cho mạng lưới trung tâm chuyển giao công nghệ
Hình thành và phát triển mạng lưới trung tâm chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ. Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học. Hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học thành lập doanh nghiệp để khai thác quyền sở hữu trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao, tạo ra các sản phẩm có uy tín và chất lượng, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao. Phát triển thị trường tài sản trí tuệ lành mạnh theo hướng mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ trung gian để tăng cường kết nối cung cầu về tài sản trí tuệ; đẩy mạnh hoạt động đánh giá, định giá tài sản trí tuệ làm cơ sở thực hiện các giao dịch trên thị trường.
5. Phối hợp giữa cơ quan trung ương và địa phương
tiếp tục phối hợp với các cơ quan trung ương nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và Luật Sở hữu trí tuệ nói riêng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân tại điạ phương. Tăng cường hơn nữa tuyên truyền về tác dụng và hiệu quả của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như vai trò của tài sản trí tuệ đối với cả doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp trong phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, nâng cao trình độ nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ thông qua đổi mới và đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chuyên nghiệp và chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan nhà nước khác tại địa phương. Tổ chức định kỳ chương trình bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các cán bộ đầu mối theo hướng chuyên sâu từng bước. Chú trọng công tác đào tạo kiến thức chuyên môn về bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
6. Triển khai hệ thống quản lý
Chú trọng tới việc xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ; khai thác, phát triển các sản phẩm theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Đồng thời giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới hiện nay, tài sản trí tuệ đã và đang trở thành một tài sản hiện hữu và có vai trò rất quan trọng trong sự tồn tại, phát triển của bất cứ doanh nghiệp, quốc gia nào muốn tồn tại, vươn lên phát triển nhanh, bền vững. Một nhân tố quan trọng để định hướng chiến lược, tạo ra một cơ chế thuận lợi và khuyến khích sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ đem lại thành công cho doanh nghiệp và người dân đó chính là hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ nói chung và tài sản trí tuệ, thương mại hóa tài sản trí tuệ nói riêng. Qua nghiên cứu phân tích thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về thương mại hóa tài sản trí tuệ cho thấy trong những năm vừa qua, hoạt động này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhiều tín hiệu tích cực đã thể hiện, nhận thức và hành động của các địa phương đã cụ thể, thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã được triển khai cơ bản. Song bên cạnh đó, so sánh với tiềm năng của đất nước ta với nhiều giá trị bản địa đặc thù gắn với tri thức truyền thống đa dạng và nhiều sức hấp dẫn thì hoạt động này còn chưa thực sự có hiệu quả tương xứng. Các giải pháp được đưa ra trên cơ sở xem xét các khía cạnh khác nhau trong cả hai phía chủ thể quản lý và đối tượng quản lý. Hy vọng, với việc thực hiện tổng thể các phương án khác nhau cho cả hai phía chủ thể trong hoạt động quản lý tài sản trí tuệ này sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt, hiệu quả, bền vững sự phát triển tài sản trí tuệ và thương mại sở hữu trí tuệ trong tương lai./.