Luật Quốc tế và các quy định chung

luat-quoc-te-va-cac-quy-dinh-chung-cua-phap-luat

Luật quốc tế ra đời và phát triển cùng với nhu cầu thiết lập và mở rộng các mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia. Các nước khác nhau có hệ thống luật pháp khác nhau, do đó Luật quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp làm rõ những điểm khác biệt ấy để tăng cường sự gắn kết, hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế và chính trị. Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu kĩ hơn về Luật Quốc tế thông qua bài viết sau.

1. Quy phạm pháp luật Quốc tế

1.1. Khái niệm

1.1.1. Định nghĩa

Trong khoa học Luật Quốc tế, quy phạm Luật Quốc tế là quy tắc xử sự, được tạo ra bởi sự thỏa thuận của các chủ thể Luật Quốc tế và có giá trị ràng buộc các chủ thể đó đối với các quyền, nghĩa vụ hay trách nhiệm pháp lý Quốc tế khi tham gia quan hệ pháp Luật Quốc tế.

1.1.2. Phân loại

Có nhiều cách phân loại quy phạm pháp luật Quốc tế khác nhau, nhưng chủ yếu dựa trên các căn cứ sau:

a. Căn cứ vào giá trị hiệu lực

Quy phạm pháp Luật Quốc tế được chia thành:

– Quy phạm mệnh lệnh chung (Jus Cogens): Đây là loại quy phạm tối cao của Luật Quốc tế, có hiệu lực đối với mọi chủ thể, mọi mối quan hệ pháp Luật Quốc tế. Các Quốc gia có nghĩa vụ phải tuân thủ tuyệt đối và không được thay đổi nội dung của các quy phạm này và hành vi nhằm tự ý thay đổi chúng bị coi là vô hiệu ngay từ đầu.

  • VD: Trong Luật Quốc tế cổ đại “Quyền tiến hành chiến tranh” là một quy phạm Jus Cogens. Tuy nhiên, quy phạm này đã bị thay thế bằng một quy phạm Jus Cogens mới đó là nguyên tắc “Cấm đe dọa dùng vũ lực và dùng vũ lực trong quan hệ Quốc tế”.

– Quy phạm tùy nghi: Vẫn là quy phạm pháp Luật Quốc tế nhưng cho phép mỗi Quốc gia trong khả năng của mình được phép xác định phạm vi quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý Quốc tế trong một khung nhất định.

  • VD: Trong vùng lãnh hải, Luật biển Quốc tế cho phép Quốc gia ven biển tự mình xác định chiều rộng lãnh hải, nhưng không phải xác định tùy ý mà phải trong giới hạn xác định không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở.

Quy phạm Jus Cogens hay quy phạm tùy nghi đều có thể thay đổi dựa trên cơ sở sự thỏa thuận.

b. Căn cứ vào hình thức thể hiện

  • Quy phạm điều ước Quốc tế (quy phạm thành văn): là những quy phạm được ghi nhận chính thức trong các điều ước Quốc tế.
  • Quy phạm tập quán Quốc tế (quy phạm bất thành văn): là những quy phạm được chứa đựng trong tập quán Quốc tế, chiếm số lượng nhỏ hơn và thường được áp dụng trong các lĩnh vực hợp tác truyền thống vì nó được áp dụng trong thời gian dài, và được lặp đi lặp lại nhiều lần và trở thành tập quán.

Ngoài ra, trong quan hệ Quốc tế còn tồn tại một số quy phạm hỗn hợp, là loại quy phạm có thể tồn tại dưới cả hai hình thức thành văn và bất thành văn.

  • VD: Nguyên tắc “Tự do biển cả” trong Luật Biển Quốc tế 1982. Đây là nguyên tắc được ghi nhận trong công ước Luật biển với tư cách là điều ước Quốc tế, nhưng nó cũng tồn tại với tư cách là tập quán Quốc tế.

c. Căn cứ vào đối tượng điều chỉnh

  • Quy phạm điều chỉnh quan hệ chính trị
  • Quy phạm điều chỉnh quan hệ kinh tế
  • Quy phạm điều chỉnh quan hệ văn hóa…
  • Căn cứ vào chủ thể của các quy phạm
  • Quy phạm song phương: được 2 chủ thể Luật Quốc tế thỏa thuận xây dựng nên hoặc thừa nhận và chỉ được áp dụng trong quan hệ của 2 chủ thể này.
  • Quy phạm đa phương: là những quy phạm được xây dựng từ 3 chủ thể trở lên. Gồm quy phạm khu vực và quy phạm phổ cập.

1.2. Phân biệt quy phạm pháp Luật Quốc tế và các loại quy phạm khác

  • Quy phạm chính trị: Là những quy phạm được ghi nhận trong các văn kiện Quốc tế, chúng không có hiệu lực pháp lý Quốc tế, cũng không có giá trị ràng buộc các Quốc gia nhưng chúng là cơ sở để hình thành nên quy phạm Luật Quốc tế.
  • Quy phạm đạo đức Quốc tế: Là những quy tắc xử sự, những chuẩn mực Quốc tế được cộng đồng Quốc tế xây dựng nên, thể hiện cách xử sự công bằng hợp lý mà các Quốc gia cần phải thực hiện trong quan hệ Quốc tế. Nhìn chung, trong quan hệ Quốc tế, quy phạm đạo đức Quốc tế cũng không có hiệu lực pháp lý Quốc tế, nhưng lại được các Quốc gia thực thi và tuân thủ rất nghiêm chỉnh trong thực tiễn quan hệ Quốc tế.

2. Nguồn của Luật Quốc tế

a. Định nghĩa

Nguồn của pháp Luật là hình thức biểu hiện của các quy phạm pháp Luật nguồn của pháp Luật biểu hiện dưới hai dạng thành văn và bất thành văn. Liên quan đến nguồn của Luật Quốc tế có nhiều cách hiểu khác nhau.

  • Theo nghĩa hẹp: nguồn là hình thức chứa đựng, ghi nhận các nguyên tắc, các quy phạm pháp lý Quốc tế nhằm xác định quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp lý Quốc tế. Theo đó, Luật Quốc tế gồm 2 loại nguồn cơ bản là điều ước Quốc tế và tập quán Quốc tế.
  • Theo nghĩa rộng: nguồn của Luật Quốc tế là tất cả những cái mà cơ quan có thẩm quyền có thể dựa vào đó để đưa ra các quyết định pháp Luật.

b. Cơ sở pháp lý xác định nguồn

  • Khoản 1 điều 38 Quy chế Tòa án công lý Quốc tế của LHQ quy định “Tòa án có trách nhiệm giải quyết các vụ tranh chấp được chuyển đến Tòa án trên cơ sở công pháp Quốc tế theo:
  • Các công ước Quốc tế chung hoặc riêng đã thiết lập ra những nguyên tắc được các bên đang tranh chấp thừa nhận.
  • Các tập quán Quốc tế như là một chứng cứ thực tiễn chung được thừa nhận là một tiêu chuẩn pháp lý.
  • Những nguyên tắc pháp lý được các dân tộc văn minh thừa nhận: “…các Nghị quyết xét xử và các luận thuyết của các chuyên gia có chuyên môn cao nhất về Luật pháp công khai của nhiều dân tộc khác nhau được coi là các phương tiện bổ trợ để xác định các tiêu chuẩn pháp lý.”

Nhận xét: Như vậy, Điều 38 Quy chế Tòa án công lý Quốc tế đã đưa ra danh sách các nguồn truyền thống của Luật Quốc tế như: các công ước Quốc tế chung hoặc cụ thể, tập quán Quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế, các quyết định của Tòa án và các bài giảng của các học giả có chuyên môn cao. Tuy vậy, Điều 38 chưa đề cập một cách đầy đủ các loại nguồn bổ trợ của Luật Quốc tế. Trong thực tiễn quan hệ Quốc tế, ngoài các loại nguồn đã nêu trong Điều 38 các chủ thể Luật Quốc tế còn thừa nhận một số các nguồn khác, có tính chất là nguồn bổ trợ cho nguồn cơ bản của Luật Quốc tế như: Nghị quyết của các tổ chức Quốc tế liên chính phủ, hành vi pháp lý đơn phương của các Quốc gia…Do đó, ngoài điều 38, thực tiễn áp dụng nguồn của các chủ thể Luật Quốc tế cũng là cơ sở để hình thành các loại nguồn của Luật Quốc tế.

3. Phân loại nguồn của Luật Quốc tế

Nguồn Luật Quốc tế bao gồm hai loại nguồn:

  • Nguồn cơ bản: chủ yếu bao gồm điều ước Quốc tế (nguồn thành văn) và tập quán Quốc tế (nguồn bất thành văn).
  • Nguồn bổ trợ: đây là các phương tiện bổ trợ nguồn của Luật Quốc tế, chúng bao gồm các phán quyết của tòa án công lý Quốc tế, các nguyên tắc pháp Luật chung, nghị quyết của tổ chức Quốc tế liên chính phủ, hành vi pháp lý đơn phương của các Quốc gia, các học thuyết của các học giả danh tiếng về Luật Quốc tế.

3.1. Nguồn cơ bản

a. Điều ước Quốc tế

  • Khái niệm: Theo Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước Quốc tế ký kết giữa các Quốc gia thì điều ước Quốc tế được xác định là “Một thỏa thuận Quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các Quốc gia và được pháp Luật Quốc tế điều chỉnh, dù được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với nhau và với bất kể tên gọi riêng của nó là gì”.

Điều kiện để một điều ước Quốc tế trở thành nguồn của Luật Quốc tế:

Không phải tất cả các điều ước Quốc tế được ký kết đều là nguồn của Luật Quốc tế. Một điều ước muốn trở thành nguồn của Luật Quốc tế phải thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Điều ước đó phải được ký kết dựa trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng;
  • Nội dung của điều ước phải phù hợp với những nguyên tắc cơ bản và các quy phạm Jus Cogens của Luật Quốc tế;
  • Điều ước đó phải được ký kết phù hợp và tuân theo các quy định có liên quan của pháp Luật của các bên ký kết về thẩm quyền và thủ tục ký kết.

b. Tập quán Quốc tế

So với điều ước Quốc tế, tập quán Quốc tế ra đời sớm hơn. Đó là những quy tắc xử sự chung ban đầu do một hay một số Quốc gia đưa ra và áp dụng trong quan hệ với nhau. Sau một quá trình áp dụng lâu dài, rộng rãi và được nhiều Quốc gia thừa nhận như những qui phạm pháp lý nên những quy tắc xử sự đó đã trở thành tập quán Quốc tế. Vậy, tập quán Quốc tế là những quy tắc xử sự chung, hình thành trong thực tiễn quan hệ Quốc tế và được các chủ thể của Luật Quốc tế thừa nhận rộng rãi là những quy tắc có tính chất pháp lý bắt buộc.

  • VD: Hành vi phóng tàu vũ trụ qua không phận của các nước láng giềng được cộng đồng Quốc tế thừa nhận là hành vi được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần và trở thành tập quán không cần xin phép Quốc tế.

Điều kiện để một tập quán trở thành nguồn của Luật Quốc tế:

Không phải quy tắc xử sự nào hình thành trong thực tiễn quan hệ Quốc tế cũng trở thành nguồn của Luật Quốc tế. Những tập quán là nguồn của Luật Quốc tế phải thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Quy tắc xử sự được coi là tập quán Quốc tế phải lặp đi lặp lại nhiều lần, trong một thời gian dài liên tục và được các Quốc gia thỏa thuận thừa nhận hiệu lực pháp lý bắt buộc đối với mình.
  • Phải là quy tắc xử sự chung, hình thành trong quan hệ giữa các Quốc gia, được các Quốc gia tuân thủ và áp dụng một cách tự nguyện.
  • Quy tắc xử sự đó phải có nội dung phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế.

3.2. Các phương tiện hỗ trợ nguồn của Luật Quốc tế

a. Nguyên tắc pháp luật chung

Đây là các nguyên tắc pháp lý được cả pháp Luật Quốc gia và pháp Luật Quốc tế thừa nhận và được áp dụng để giải quyết tranh chấp giữa các Quốc gia (theo Điều 38 Quy chế Tòa án công lý Quốc tế).

b. Phán quyết của Tòa án công lý Quốc tế

  • Bản thân các phán quyết là kết quả của quá trình áp dụng pháp Luật của Tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp Quốc tế, và các quyết định tài phán này chỉ có giá trị ràng buộc đối với các bên tranh chấp. Điều 59 Quy chế Tòa án quy định “Quyết định của Tòa án có giá trị bắt buộc chỉ đối với các bên tham gia vụ án và chỉ đối với các vụ án cụ thể đó”. Sở dĩ các phán quyết này không thể trở thành nguồn cơ bản của Luật Quốc tế vì các nguồn cơ bản phải được hình thành trên cơ sở của sự thỏa thuận giữa các chủ thể Luật Quốc tế.
  • Vai trò của các phán quyết: Từ một quy tắc, quy phạm chưa được giải thích, còn chung chung, mơ hồ, khó hiểu, sau khi được các thẩm phán có trình độ và uy tín cao giải thích, các quy tắc, quy phạm Luật Quốc tế sẽ trở lên rõ ràng, sáng tỏ hơn. Đây là đóng góp quan trọng của các phán quyết của Tòa án Quốc tế đối với quá trình giải thích Luật Quốc tế và tạo tiền đề cho sự hình thành các quy phạm mới.

Bao gồm:

  • Nghị quyết của các tổ chức Quốc tế
  • Hành vi pháp lý đơn phương của Quốc gia
  • Các học thuyết của các học giả danh tiếng về Luật Quốc tế

Trên đây là nội dung liên quan đến Luật Quốc tế. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon