Quyền sống, quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể

quyen-song-quyen-duoc-dam-bao-an-toan-ve-tinh-mang-suc-khoe-than-the

Tất cả chúng ta, từ khi sinh ra cho đến lúc mất đi. Bất kể bạn thuộc chủng tộc nào, mang màu da gì, bất kể bạn là nam hay nữ, ở địa vị nào trong xã hội thì đều có quyền được sống, quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ và thân thể. Vậy, bạn đã biết như thế nào là quyền sống, quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ và thân thể chưa? Và nếu có hành vi xâm phạm đến quyền này thì bị xử lý như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

1. Khái quát chung về quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể

Quyền được sống là quyền cơ bản nhất đối với mỗi con người trên thế giới. Ngay trong các văn kiện quốc tế từ lâu đã ghi nhận quyền được sống như một quyền lợi quan trọng nhất của loài người. Điều này được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948) của Liên Hợp Quốc, Tuyên ngôn độc lập (1776) của Mỹ, Tuyên ngôn độc lập về nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp (1791),….

Bên cạnh đó, pháp luật của các quốc gia và quốc tế còn quy định thêm các quyền đảm bảo an toàn về sức khoẻ, tính mạng, thân thể nhằm đảm bảo và nâng cao quyền được sống. Trong Bộ luật Dân sự 2015 của nước ta có quy định rõ: “Cá nhân có quyền sống, quyền được bảo đẩm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.” Điều luật này khẳng định quyền của mỗi cá nhân đối với tính mạng, sức khoẻ và thân thể của họ.

2. Nội dung quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể

2.1. Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng

Trong Hiến pháp hiện hành của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định như sau:

“Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.”

Ngoài ra, tại Điều 14 Hiến pháp cũng quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Có thể thấy, ngay trong Hiến pháp – luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của nước ta đã công nhận tầm quan trọng của quyền sống, quyền được đảm bảo an toàn tính mạng cho con người nói chung và công dân nước ta nói riêng. Trừ những trường hợp ngoại lệ do luật định như vì lý do quốc phòng an ninh, an toàn quốc gia, sức khoẻ cộng đồng,… thì không một ai được phép xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng của người khác.

 Đồng thời, theo khoản 2 Điều 33 Bộ luật Dân sự 2015 thì:

“2. Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm hoặc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có điều kiện cần thiết đưa ngay đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi gần nhất; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.”

Qua quy định này có thể thấy, trách nhiệm của các cơ sở y tế trong việc bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân đã được đề cao. Trong thực tế có rất nhiều trường hợp rơi vào tình thế nguy cấp cần được giúp đỡ, cứu chữa kịp thời mới có thể đảm bảo tính mạng. Chính vì vậy, điều khoản này như một quy định bắt buộc những người phát hiện và cơ sở y tế phải giúp đỡ cho người bệnh, không được từ chối hoặc bỏ mặt bệnh nhân nếu không có lý do chính đáng. Những hành vi có lỗi dù là cố ý hay vô ý mà gây ảnh hưởng đến tính mạng của con người đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2.2. Quyền được bảo đảm an toàn về sức khoẻ

Quyền được bảo đảm an toàn về sức khoẻ là quyền cơ bản mà cá nhân được hưởng. Quyền này được thể hiện qua nhiều khía cạnh như quyền của cá nhân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên và được quyền khám, chữa bệnh khi mắc bệnh.

2.3. Quyền được bảo đảm an toàn về thân thể

Quyền được bảo đảm an toàn về thân thể là việc được duy trì trạng thái bình thường của thể chất, được đảm bảo sự tự do và toàn vẹn thân thể.

Pháp luật Việt Nam quy định về vấn đề này tại khoản 3 Điều 33 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“3. Việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người; thực hiện kỹ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới trên cơ thể người; thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất cứ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải được sự đồng ý của người đó và phải được tổ chức có thẩm quyền thực hiện.

Trường hợp người được thử nghiệm là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ý; trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người nêu trên thì phải có quyết định của người có thẩm quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.”

Như vậy, việc can thiệp đến thân thể của một cá nhân nào đó bằng các biện pháp như gây mê, mổ, cắt bỏ, khám chữa bệnh, thử nghiệm y học,… đều phải có sự đồng ý từ người đó. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với ý chí, quyết định của mỗi cá nhân. Đồng thời cũng là bảo đảm sự an toàn cho thân thể của cá nhân, vì nếu không có sự đồng ý từ bản thân họ sẽ không ai có quyền can thiệp vào cơ thể của họ.

Tuy nhiên, trong trường hợp những người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, hạn chế nhận thức hoặc bất tỉnh mà rơi vào tình trạng cấp bách, nguy kịch thì ý kiến của họ sẽ được thay thế bằng ý kiến của người thân hoặc người giám hộ của họ. Nếu trong tình huống nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân mà không thể lấy ý kiến của bệnh nhân và chờ ý kiến những người nêu trên thì người có thẩm quyền của cơ sở khám chữa bệnh sẽ là người đưa ra quyết định.

Nhìn chung, thân thể của một con người là điều vô cùng quý giá. Bất kể sự can thiệp nào cũng cần có sự đồng ý từ chính người đó hoặc người thân, người giám hộ của họ hoặc ít nhất là quyết định từ người có thẩm quyền của cơ sở khám, chữa bệnh. Ngoài ra không một chủ thể nào có quyền tự ý quyết định thay cho người khác trong vấn đề này.

Việc bảo đảm an toàn cho thân thể không chỉ được áp dụng cho người còn sống mà còn đối với cả tử thi. Quyền này đã được thừa nhận trong Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:

“4. Việc khám nghiệm tử thi được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có sự đồng ý của người đó trước khi chết;

b) Có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ nếu không có ý kiến của người đó trước khi chết;

c) Theo quyết định của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp luật quy định.”

Tử thi, hay còn gọi là cơ thể của con người sau khi chết.

Đối với trường hợp đầu tiên là người chết đồng ý cho khám nghiệm tử thi của mình sau khi chết là trường hợp rất khó xảy ra. Bởi, trong thực tế một cá nhân khó có thể hoặc hầu như là không thể dự liệu trước được cái chết của chính mình.

Ở trường hợp thứ hai và thứ ba thì mức độ phổ biến hơn. Vì trong trường hợp người nào đó chết đi, nhưng cần khám nghiệm tử thi để xác định thời điểm người đó chết, nguyên nhân chết, chứng cứ,…. thì việc khám nghiệm tử thi là vô cùng cần thiết, giúp cơ quan điều tra có thêm những manh mối quan trọng để làm sáng tỏ vụ việc. Điều này giúp cá nhân bị thiệt mạng đòi lại được quyền lợi của mình mà khi còn sống họ đã bị tước đoạt một cách trái pháp luật.

3. Trách nhiệm hình sự

Tất cả những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của con người đều bị truy cứu trách nhiệm và bị pháp luật trừng trị thích đáng bằng những hình phạt cụ thể. Ví dụ:

– Khi thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Đối với tội này người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trường hợp, người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp thì bị phạt tù từ 01 đến 05 năm.

Nếu hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

– Khi một người có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và nhận hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến chung thân tuỳ thuộc vào từng trường hợp cũng như mức độ tổn hại sức khoẻ mà người đó gây ra cho bị hại.

Ngoài ra, việc xâm phạm đến quyền sống, quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể của người khác còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội khác được quy định cụ thể ở Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Trên đây là những thông tin về quyền sống, quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể. Hy vọng rằng, qua bài viết này của chúng tôi quý bạn đọc đã hiểu hơn về quyền lợi cơ bản này. Đồng thời, giúp bạn đọc có thêm những thông tin, hiểu biết để có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình tốt hơn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào xung quanh vấn đề quyền sống, quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể nói riêng và các vấn đề pháp luật nói chung, hãy liên hệ với chúng tôi qua Hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon