Các biện pháp đảm bảo và cưỡng chế thi hành án dân sự

cac-bien-phap-dam-bao-va-cuong-che-thi-hanh-an-dan-su

Pháp luật nước ta đưa ra các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án dân sự nhằm đảm bảo cho việc thi hành án dân sự cũng như buộc người phải thi hành án dân sự thực hiện những hành vi hoặc nghĩa vụ về tài sản theo bản án, quyết định của tòa án. Vậy, theo quy định theo pháp luật gồm có những biện pháp bảo đảm và cưỡng chế nào?

1. Các biện pháp đảm bảo thi hành án dân sự

1.1. Khái niệm

Biện pháp bảo đảm thi hành án là các biện pháp nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án dân sự

Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự.

1.2 Các biện pháp đảm bảo thi hành án

1.2.1 Biện pháp phong toả tài khoản

Điều 67 Luật Thi hành án dân sự quy định:

“1. Việc phong tỏa tài khoản được thực hiện trong trường hợp cần ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản của người phải thi hành án.

2. Khi tiến hành phong tỏa tài khoản, Chấp hành viên phải giao quyết định phong tỏa tài khoản cho cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án.

Cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải thực hiện ngay quyết định của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản…”.

Đây là biện pháp bảo đảm có thể được thực hiện trong trường hợp cần ngăn chặn việc tẩu tán… như quy định tại khoản 1 điều này.

1.2.2 Biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự

Điều 68 Luật Thi hành án dân sự quy định:

“1. Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ để tạm giữ tài sản, giấy tờ mà đương sự đang quản lý, sử dụng.

2.Việc tạm giữ tài sản, giấy tờ phải lập biên bản có chữ ký của Chấp hành viên và đương sự. Trường hợp đương sự không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng. Biên bản tạm giết tài sản, giấy tờ phải giao cho đương sự…”.

Đây cũng là biện pháp bảo đảm nhằm ngăn chặn việc đương sự tàu tán, hủy hoại tài sản, giấy tờ gây ảnh hưởng đến việc thi hành án.

1.2.3. Biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản

Được quy định tại Điều 68 Luật Thi hành án dân sự, biện pháp này sẽ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tải sản

Trong trường hợp xét thấy cần thiết Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án và gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định, Chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo đảm.

2. Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự

2.1 Khái niệm

Cưỡng chế là một trong hai biện pháp thi hành án dân sự được quy định tại Điều 9 của Luật Thi hành án dân sự. Điều luật này quy định: “Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này”.

Cưỡng chế thi hành án chỉ được đặt ra khi có một trong hai căn cứ sau:

– Hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án tuy có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành;

– Có căn cứ cho rằng người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án.

2.2 Thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành án

Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án là trách nhiệm của Chấp hành viên theo luật định. Ngược lại nếu Chấp hành viên không ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc chậm trễ trong việc ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành dẫn đến tình trạng người phải thi hành án đã tẩu tán, hủy hoại tài sản thì Chấp hành viên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu do lỗi của mình gây ra.

2.3 Căn cứ cưỡng chế thi hành án

Điều 70 Luật Thi hành án dân sự quy định: để áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự cần có đủ các căn cứ sau đây:

“1. Bản án, quyết định;

2. Quyết định thi hành án;

3. Quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án”.

2.4 Các biện pháp cưỡng chế thi hành án

Điều 71 Luật Thi hành án dân sự quy định sáu biện pháp cưỡng chế thi hành án sau đây:

“1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định”.

Chấp hành viên chỉ được áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong điều luật này, việc lựa chọn một hoặc một số điều phù hợp là thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Chấp hành viên.

Việc luật quy định sáu biện pháp cưỡng chế thi hành án được áp dụng trong hoạt động thi hành án dân sự là nhằm xác định cơ sở cho việc áp dụng của Chấp hành viên trong hoạt động tác nghiệp thi hành án, đồng thời là căn cứ pháp lý để các chủ thể có liên quan tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi cho rằng đã bị thiệt hại từ việc áp dụng biện pháp cưỡng chế không đúng của Chấp hành viên gây ra.

Ba biện pháp đầu trong số sáu biện pháp được nêu trên đây là những biện pháp cưỡng chế được áp dụng nhằm đảm bảo thi hành đối với những nghĩa vụ thanh toản bằng tiền, vàng hay ngoại tệ…. của người phải thi hành án, do đó chỉ được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Các nghĩa vụ thanh toán có thể phát sinh từ các quan hệ khác nhau như quan hệ hợp đồng hoặc quan hệ ngoài hợp đồng như bồi dưỡng thiệt hại, cấp dưỡng… Tất cả đều nhằm mục đích buộc người phải thi hành án dân sự thực hiện nghĩa vụ thanh toán, tuy nhiên việc quy định nhiều biện pháp cưỡng chế trong điều luật này được thực hiện một cách độc lập đã thể hiện sự phát triển trong việc lập pháp, thể hiện sự bao quát, đa dạng về mặt vật chất phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội.

Quy định tại khoản 4 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự có nội dung khai thác tài sản của người phải thi hành án cũng nhằm mục đích bảo đảm thi hành án đối với những nghĩa vụ thanh toán, nhưng biện pháp này có ý nghĩa tương đối đặc biệt hơn, là một trong những quy định mới phù hợp với thực trạng của điều kiện kinh tế và sở hữu mới diễn ra dưới các dạng của giao lưu dân sự trong thị trường.

Như vậy, bốn biện pháp đã nêu được quy định trong luật để Chấp hành viên có thể áp dụng trong cưỡng chế nhằm thu hồi tiền theo nghĩa vụ trả tiền của người phải thi hành án. Còn hai biện pháp về buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ; buộc người thi hành án thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định là nhằm dể cưỡng chế nghĩa vụ không phải trả tiền. Biện pháp cưỡng chế buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ là biện pháp được áp dụng để cưỡng chế buộc người phải thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ đã được nêu cụ thể trong bản án, quyết định đưa ra thi hành để giao cho người được thi hành án.

2.5 Về kế hoạch cưỡng chế thi hành án

Việc lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án là nhằm đảm bảo việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành án được thực hiện một cách chính xác, chặt chẽ, có giám sát thi hành án của cơ quan Viện kiểm sát và các cơ quan có thẩm quyền khác.

Điều 72 Luật Thi hành án quy định về kế hoạch cưỡng chế thi hành án gồm các nội dung sau:

“1. Trước khi tiến hành cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên phải lập kế hoạch cưỡng chế, trực trường hợp phải cưỡng chế ngay.

2. Kế hoạch cưỡng chế thi hành án bao gồm các nội dung sau:

a) Biện pháp cưỡng chế cần áp dụng;

b) Thời gian, địa điểm cưỡng chế;

c) Phương án tiến hành cưỡng chế;

d) Yêu cầu về lực lượng tham gia và bảo vệ cưỡng chế;

e) Dự trù chi phí cưỡng chế”

Theo nội dung của kế hoạch thi hành án quy định tại Luật Thi hành án dân sự, trước khi tiến hành cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên phải lập kế hoạch cưỡng chế cụ thể theo nội dung quy định tại khoản 2 của điều luật, trừ trường hợp phải cưỡng chế ngay để tránh tẩu tán hoặc hủy hoại tài sản có thể xảy ra.

2.6 Về chi phí cưỡng chế thi hành án

Là khoản kinh phí phải sử dụng để chỉ cho những công việc có liên quan được tiến hành do phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để buộc người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ của họ theo bản án, quyết định.

Điều 73 Luật Thi hành án dân sự quy định về chi phí cưỡng chế thi hành án như sau:

“1. Người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:

a) Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án;

b) Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án;

c) Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;

d) Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án;

đ) Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ;

e) Tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án.

2. Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:

a)Chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá;

b) Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.

3. Ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá;

b) Chi phí xác minh điều kiện thi hành án;

c) Chi phí cần thiết khác theo quy định của Chính phủ;

d) Trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.”

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon