Mọi cá nhân đều có quyền con người, cần được tôn trọng và được đối xử bình đẳng mà không có sự phân biệt đối xử. Từ thời các vua Hùng dựng nước, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chú ý kết hợp giữa “nhân trị” với “pháp trị”, giữa “trị quốc” và “an dân”.
Tư tưởng “lấy dân làm gốc” đã được Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đề cập một cách trực tiếp và gián tiếp từ những thế kỷ XIV, XV… Vậy lịch sử phát triển và quan điểm chính sách cơ bản của Đảng, Nhà nước Việt nam về quyền con người được thể hiện như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Khái lược sự phát triển tư tưởng về quyền con người trong lịch sử Việt Nam
1.1 Tư tưởng và sự phát triển về quyền con người ở Viêtk Nam trong thời kỳ phong kiến
Vào thời kỳ nhà Lý, theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Ngày mùng 1, tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1042) ban hành Hình thư. Hình thư do triều Lý ban hành là bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử dân tộc, là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử pháp quyền Việt Nam. Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, bộ luật này gồm 3 quyển.
Mặc dù đã bị thất truyền, tuy nhiên những ghi chép từ một số nguồn sử liệu khác, có thể thấy nội dung của bộ luật này thể hiện tính nhân đạo rất cao. Trước hết, tuy được ban hành để bảo vệ quyền lợi của nhà nước phong kiến tập quyền, song bộ luật này đã bao gồm những quy định nhằm hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền áp bức dân lành của giới quan liêu quý tộc. Quan trọng hơn, bộ luật này chứa đựng nhiều quy định giàu tính nhân văn, nhân đạo, chẳng hạn như cấm mua bán và bắt hoàng nam (trẻ em trai) làm nô lệ và không quy định án tử hình (điều mà sau này bị các sử gia như Ngô Sĩ Liên, Phan Huy Chú phê phán).
Triều Trần với ba lần chặn đứng vó ngựa hung tàn của quân Nguyên Mông đã ghi dấu những chiến công hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử dân tộc, đồng thời còn nổi tiếng với Hội nghị Diên Hồng (1284) thể hiện một cách đặc biệt sinh động tinh thần lấy dân làm gốc. Tư tưởng này sau đó cũng được khắc họa bởi vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, người trước khi qua đời còn khuyên vua cần quan tâm đến dân, “khoan thư sức dân” để làm kế “sâu rễ bền gốc”.
Nếu như tinh thần khoan dung, nhân đạo ở các triều đại Lý, Trần chủ yếu thể hiện trong thời gian chính thức trị vì, thì ở thời Lê, nó được thể hiện ngay trong giai đoạn xây dựng vương triều. Nhà Lê, với cuộc kháng chiến trường kỳ 10 năm chống quân xâm lược nhà Minh đã không chỉ để lại trong lịch sử dân tộc Việt Nam một tấm gương về tinh thần kháng chiến kiên cường, bất khuất mà còn để lại một ví dụ điển hình về lòng khoan dung, nhân đạo với kẻ thù.
Song, xét về tinh thần nhân đạo, có lẽ đặc biệt và nổi tiếng hơn ở thời Lê chính là nội dung của bộ “Quốc triều Hình luật” (thế kỷ XV), hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức. Bộ luật Hồng Đức đã kế thừa những giá trị tinh hoa truyền thống về kỹ thuật lập pháp và đặc biệt là tư tưởng nhân đạo của dân tộc, được nhiều nhà luật học trong và ngoài nước coi là một trong những bộ luật chặt chẽ, đầy đủ, tiến bộ nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam, có thể xếp ngang hàng với những bộ luật nổi tiếng trên thế giới.
1.2 Tư tưởng và sự phát triển về quyền con người ở Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc
Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, nhìn chung các quyền cơ bản của cả dân tộc và của mỗi người dân Việt Nam bị tước bỏ hoặc hạn chế nghiêm ngặt. Tuy nhiên, cũng trong thời kỳ này, những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của Cách mạng tư sản Pháp, và sau này là tư tưởng “tam dân” về độc lập, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp của Cách mạng tháng Mười Nga đã được truyền bá mạnh mẽ vào nước ta, tạo ra những ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của tư tưởng, pháp luật và thực tiễn về quyền con người ở Việt Nam.
1.3 Tư tưởng và sự phát triển về quyền con người ở Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay
1.3.1 Khái quát
Cách mạng tháng tám năm 1945 đã mang lại quyền độc lập, tự quyết cho cả dân tộc, quyền công dân của một nước độc lập và những quyền con người cơ bản cho mọi người dân Việt Nam. Cuộc Cách mạng này mở ra một kỷ nguyên phát triển mới cả về tư tưởng, pháp luật và thực tiễn bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc ập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn và đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 đã trích dẫn những luận điểm bất hủ về quyền con người và quyền độc lập dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ.
Ngay sau khi giành được độc lập một thời gian ngắn, toàn dân tộc phải bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Do điều kiện chiến tranh, trong chín năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), mặc dù những tư tưởng và quy phạm pháp lý tiến bộ về quyền con người trong Hiến pháp năm 1946 vẫn được kế thừa những sự phát triển về mặt lập pháp về quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam không tránh khỏi những hạn chế nhất định.
Trong giai đoạn 1954-1975, đất nước bị chia cắt thành hai miền với hai chế độ xã hội khác nhau. Điều này dẫn tới thực tế là các hoạt động pháp lý và thực tiễn về quyền con người ít nhiều mang dấu ấn của hai cách tiếp cận khác nhau.
Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc năm 1977 và bắt đầu tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người từ đầu thập kỷ 1980.
Từ khi bắt đầu công cuộc Đổi Mới (1986) đến nay, xuất phát từ chủ trương tôn trọng, bảo vệ và phát triển quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực để bảo đảm các quyền con người được tôn trọng và thực hiện.
1.3.2 Quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết nhắc tới quyền con người, rồi suy rộng ra quyền tự quyết dân tộc để từ đó khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Hiến pháp năm 1946 mặc dù được soạn thảo và thông qua ngay trong những năm đầu tiên của chính quyền nhân dân còn non trẻ mà đang phải tập trung lo toan, ứng phó với các công việc nội trị, ngoại giao ngổn ngang trăm mối, văn kiện này vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề quyền con người, quyền công dân. Bản Hiến pháp 1946 chỉ có 70 điều, nhưng đã có 18 điều quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân, được trình bày tập trung vào một chương về “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” (Chương II, chỉ sau Chương I là Chính thể).
Di sản hiến định mà Hiến pháp năm 1946 để lại cho ba Hiến pháp sau này (Hiến pháp 1959; Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp 1992 ) là rất lớn. Các bản Hiến pháp sau này đều kế thừa và phát triển các nguyên tắc và quy định của Hiến pháp năm 1946. Cả ba Hiến pháp sau này cũng đều dành hẳn một chương riêng để quy định về các quyền và nghĩa vụ của công dân. Số điều khoản của chương này trong các Hiến pháp về sau đều cao hơn so với Hiến pháp trước.
2. Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người
2.1 Quyền con người là giá trị chung của toàn nhân loại
Theo Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12-7-1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại”. Về vấn đề này, trong bài phát biểu tại Hội nghị Thế giới về Quyền con người lần thứ hai tổ chức tại Viên (Áo), tháng 6 năm 1993, Phái đoàn Việt Nam cũng khẳng định: Quyền con người là một phạm trù tổng hợp, vừa là “chuẩn mực tuyệt đối” mang tính phổ biến, vừa là “sản phẩm tổng hợp của một quá trình lịch sử lâu dài”.
Quan điểm coi quyền con người là giá trị chung của toàn nhân loại về cơ bản cũng là quan điểm chung của cộng đồng quốc tế. Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc B.Gali đã từng khẳng định: quyền con người là ngôn ngữ chung của nhân loại.
2.2 Trong xã hội có phân chia giai cấp, khái niệm quyền con người mang tính giai cấp
Theo Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12-7-1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “Trong xã hội có phân chia giai cấp đối kháng, khái niệm quyền con người mang tính giai cấp sâu sắc”. Cũng liên quan đến vấn đề này, Chỉ thị số 41/2004/CT-TTg ngày 02-12-2004 của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “…cuộc đấu tranh trên vấn đề quyền con người là cuộc đấu tranh mang tính giai cấp sâu sắc, sẽ diễn ra liên tục, lâu dài và quyết liệt”.
Các nước tư bản thường nhấn mạnh và đôi khi cực đoan hóa các quyền dân sự, chính trị của cá nhân, trong khi khối các nước xã hội chủ nghĩa trước đây thường đề cao các quyền tập thể và các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, trong khi có lúc coi nhẹ các quyền cá nhân và các quyền dân sự, chính trị.
2.3 Quyền con người vừa có tính phổ biến, vừa có tính đặc thù, phụ thuộc vào truyền thống, đặc điểm và trình độ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi quốc gia
Theo Chỉ thị số 12 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: Quyền con người luôn luôn gắn liền với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hoá của đất nước. Do vậy, không thể áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn, mô thức của nước này cho nước khác.
Sách trắng về thành tựu quyền con người của Việt Nam cũng khẳng định: “…quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng chung của nhân loại, được ghi trong Hiến chương của Liên hợp quốc, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng”,do đó: “…khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế – xã hội, các giá trị văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hoá của mình cho một quốc gia khác”
2.4 Quyền con người và quyền dân tộc cơ bản là thống nhất
Sách trắng về thành tựu quyền con người của Việt Nam khẳng định: “…quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình”.
Quan điểm kể trên xuất phát từ thực tế là trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, dân tộc Việt Nam đã nhiều lần bị các thế lực nước ngoài đô hộ và phải gánh chịu những hy sinh to lớn trong những cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường qua nhiều thế kỷ để giành độc lập dân tộc và tự do của Tổ quốc. Chính vì vậy, người dân Việt Nam tin rằng, nước mất độc lập thì không thể có cá nhân tự do, hay những “vong quốc nô” thì không thể có quyền con người.
2.5 Quyền con người có nguồn gốc tự nhiên song phải được pháp luật quy định
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội năm 1991 của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người…” Điều này có nghĩa là để được hiện thực hóa trên thực tế, quyền con người, quyền công dân phải được quy định trong pháp luật.
Trên thế giới, việc pháp điển hóa các quyền tự nhiên thành các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người diễn ra một cách có hệ thống kể từ khi Liên hợp quốc ra đời. Cho đến ngày nay, hệ thống các văn kiện pháp lý quốc tế về quyền con người đã bao gồm hàng trăm văn kiện, kể cả các văn kiện có hiệu lực toàn cầu và các văn kiện có hiệu lực ở các khu vực.
2.6 Quyền không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm
Theo Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12-7-1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, pháp luật. Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích Tổ quốc, của nhân dân”. Sách trắng về thành tựu về quyền con người của Việt Nam cũng khẳng định: “…các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ đối với xã hội”
2.7 Các quyền con người cần được tôn trọng và bảo đảm một cách bình đẳng
Sách trắng về thành tựu quyền con người của Việt Nam khẳng định: “…cần tiếp cận một cách toàn diện tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá trong một tổng thể hài hoà, không được xem nhẹ bất cứ quyền nào. Đồng thời, các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng… Việc chỉ ưu tiên hoặc tuyệt đối hóa các quyền dân sự, chính trị và một số quyền tự do cá nhân, không quan tâm thích đáng đến quyền phát triển, các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá của cả cộng đồng là cách đề cập phiến diện, không phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh về quyền con người”.
2.8 Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm của mỗi quốc gia
Sách trắng về thành tựu quyền con người của Việt Nam khẳng định: “… việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Các quốc gia có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc có tính đến hoàn cảnh của mỗi nước để bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất”
2.9 Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người gắn liền với việc bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, bình đẳng và cuộc sống phồn vinh ở mỗi quốc gia và trên thế giới
Sách trắng về thành tựu quyền con người của Việt Nam khẳng định: “Trong một thế giới tùy thuộc lẫn nhau, các quyền con người chỉ có thể được tôn trọng và bảo vệ trong một môi trường hòa bình, an ninh, bình đẳng và phát triển bền vững, trong đó các giá trị nhân bản được tôn trọng và bảo vệ. Cuộc đấu tranh vì các quyền con người cần tiến hành đồng thời với các biện pháp ngăn chặn các cuộc chiến tranh, xung đột, khủng bố, nghèo đói, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia…đang hàng ngày, hàng giờ đe doạ hòa bình, an ninh, độc lập và phồn vinh của mọi quốc gia, ngăn cản việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới”
2.10 Đối thoại và hợp tác quốc tế là yêu cầu cần thiết, khách quan để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Sách trắng về thành tựu quyền con người của Việt Nam khẳng định: “Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa… nên cách tiếp cận về quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau. Việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cần thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người. Việt Nam cũng cho rằng không nước nào có quyền sử dụng vấn đề quyền con người làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, gây đối đầu, gây sức ép chính trị, thậm chí sử dụng vũ lực hoặc làm điều kiện trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại… với nước khác”.
2.11 Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là mục tiêu của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là yêu cầu trong xây dựng Nhà nước pháp quyền và là động lực cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Về vấn đề này, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã từng nhấn mạnh: “Chúng ta phải nhận thức cho thật rõ quyền con người, nói một cách cụ thể hơn, việc bảo vệ và tăng cường sự hưởng thụ quyền con người ở nước ta, là sự nghiệp của Đảng ta, của Nhà nước và nhân dân ta. Chúng ta theo đuổi sự nghiệp này vì nó không thể tách rời với mục tiêu của sự nghiệp cách mạng của chúng ta là làm cho mỗi người và mọi người phát triển tự do và toàn diện. Sự nghiệp này phục vụ cho lợi ích của bản thân chúng ta, không phải vì sức ép của bên ngoài. Không nhận thức được điều này sẽ dễ có tư tưởng đối phó, cách làm chiếu lệ và thái độ bao biện”
Sách trắng về thành tựu quyền con người của Việt Nam khẳng định: “Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhà nước Việt Nam khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế – xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, tất cả vì con người và cho con người”.
3. Chính sách cơ bản của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người
Từ những quan điểm cơ bản về quyền con người đã nêu ở trên, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã và đang xây dựng và thực hiện những chính sách nhằm trực tiếp và gián tiếp bảo vệ thúc đẩy các quyền con người, có thể khái quát như sau:
3.1 Chính sách đối nội
- Tăng cường và mở rộng dân chủ: Ở đây, mọi tiến bộ đạt được trong việc mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa đều là những tiêu chí để đánh giá việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên thực tế và ngược lại.
- Phát huy nhân tố con người, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và ưu tiên, chăm lo các gia đình chính sách xã hội
- Bảo đảm sự bình đẳng giữa các dân tộc, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quyền con người, quyền công dân
- Ngăn ngừa và trừng trị những hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân, đồng thời, chống khuynh hướng dân chủ cực đoan, quá khích, lợi dụng vấn đề quyền con người để chống phá chế độ.
- Tăng cường hoạt động giáo dục, phổ biến về quyền con người, quyền công dân cho cán bộ, nhân viên nhà nước và nhân dân
3.2 Chính sách đối ngoại
Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đồng thời đề ra chính sách đối ngoại nhằm tăng cường sự bảo vệ các quyền con người ở Việt Nam và góp phần thúc đẩy các quyền con người trên thế giới. Nhìn chung, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong lĩnh vực này được dựa trên các nguyên tắc chỉ đạo là việc giải quyết các vấn đề quyền con người cần thông qua đối thoại hòa bình và trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không áp đặt và can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Phương châm hành động mà Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề ra trên lĩnh vực này là chủ động, tích cực trong các hoạt động hợp tác quốc tế và mở rộng đối thoại trong lĩnh vực quyền con người.
Trên đây là những phân tích về “Lịch sử phát triển và quan điểm của Việt Nam về quyền con người”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.