Thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn? Hồ sơ thủ tục và các vấn đề liên quan

thay-doi-nguoi-nuoi-con-sau-khi-ly-hon-ho-so-thu-tuc-va-cac-van-de-lien-quan

Sau khi ly hôn, việc giao cho cha hay mẹ trực tiếp nuôi con đều cần dựa trên nguyên tắc vì quyền lợi mọi mặt của con. Quyền lợi cho con và nghĩa vụ của cha, mẹ được xác định không chỉ tại thời điểm các bên ly hôn mà cả quá trình cho đến khi trẻ thành niên, đủ 18 tuổi, có thể tự lao động, làm việc nuôi sống bản thân. Do đó, khi quyền lợi của con không được đảm bảo thì sẽ đặt ra vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu một hoặc các bên có yêu cầu. Để nắm rõ hơn quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

Thuê luật sư giành quyền nuôi con khi ly hôn

1. Điều kiện để Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục con

Khoản 2, 3 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình quy định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

– Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

– Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

– Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

Có thể thấy, điều kiện đầu tiên để có thể yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con là khi: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con và khi người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Sau một thời gian chung sống, sự thay đổi cuộc sống, môi trường, điều kiện có thể ảnh hưởng tới sự phát triển hoặc ảnh hưởng tới con thì người trực tiếp nuôi con và người không trực tiếp nuôi con có thể thỏa thuận với nhau để thay đổi người trực tiếp nuôi con. Những thỏa thuận này phải phù hợp và đảm bảo các lợi ích của con, không được gây ảnh hướng xấu tới con thì yêu cầu thay đổi này sẽ được Tòa án xem xét và tôn trọng.

Tòa án quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con cần phải căn cứ vào lợi ích của con. Tòa án cần xem xét cẩn thận khi có yêu cầu, tránh xảy ra tình trạng cha, mẹ tranh giành quyền nuôi con hoặc có mục đích khác mà không phải vì đặt lợi ích của con lên hàng đầu.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con chỉ được thực hiện khi người đang trực tiếp nuôi con không đảm bảo quyền lợi về mọi mặt, không còn đáp ứng được quyền lợi mà trẻ đáng được hưởng nhưng người không trực tiếp nuôi con cũng không thể viện lý do bản thân có điều kiện tốt hơn, thu nhập cao hơn để yêu cầu người đang trực tiếp nuôi con giao con cho mình nuôi. Tuy nhiên, chỉ khi xét thấy thật cần thiết, Tòa mới chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống của con.

Cũng giống như việc giao con cho người nào trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục con thì đối với yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, Tòa án cũng cần xem xét nguyện vọng của trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên. Bởi, sau một khoản thời gian sống chung cùng người trực tiếp nuôi dưỡng mình, trẻ đã phần nào nhận thức được cuộc sống hiện tại của mình có được đảm bảo không, có đầy đủ không, cha hoặc mẹ có quan tâm, chăm sóc tốt không, có thường xuyên dành thời gian cho minh không….Tuy nhiên, ý kiến của trẻ không được coi là yếu tố quyết định, chỉ giúp Tòa án cần nhắc, suy xét cho phù hợp mà thôi.

Điều kiện thứ hai để Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con là phải có yêu cầu của một hoặc các chủ thể trên, mà sâu sát nhất là cha hoặc mẹ. Vì cha, mẹ là người hiểu nhất nhu cầu của con cái và quan tâm nhất tới cuộc sống của con, luôn mong muốn một cuộc sống tốt nhất có thể cho con mình.

Nếu Điều 92 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 chỉ quy định cho cha, mẹ có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con thì tới Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định này được mở rộng hơn cho một số cá nhân, tổ chức khác có thể can thiệp, thực hiện quyền yêu cầu này. Cụ thể, các chủ thể có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm: Cha, mẹ; người thân thích; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ. Đây là một điểm mới, thể hiện sự tiến bộ của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 trong việc đảm bảo quyền lợi chính đáng cho con sau khi cha, mẹ ly hôn.

2. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ sau khi thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục con

Sau khi thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục con thì vị trí của các bên có sự thay đổi, quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên cũng theo đó mà hoán đổi. Tòa án sẽ có quyết định và xác định lại quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Đồng thời, khi xác định lại người trực tiếp nuôi con, Tòa án có thể thay đổi một số nội dung trong quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con: mức cấp dưỡng, phương thức cấp dưỡng, quyền thăm nom con cho phù hợp với điều kiện thực tế của các bên. Lúc này, quyền thăm nom con có thể bị thay đổi theo hướng hạn chế hơn quyền này đối với người không trực tiếp nuôi con.

Trường hợp có yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là do người đó có những hành vi hoặc đe dọa gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, tinh thần của trẻ, gây ảnh hưởng không tốt đến sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ thì Toà án có thể hạn chế quyền này của người đã từng trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con.

Sau khi thay đổi người trực tiếp nuôi con, các bên có trách nhiệm thực hiện đúng nghĩa vụ và quyền của mình. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con có thể sẽ tiếp tục thực hiện nếu như lần thay đổi hiện tại không còn phù hợp, dù một trong hai bên có muốn hay không. Tuy nhiên, bất kì trong trường hợp nào đi chăng nữa thì Tòa án cũng cần cân nhắc, suy xét một cách cẩn thận, kỹ càng, thấu đáo để cuộc sống của trẻ không bị xáo trộn, thay đổi quá nhiều và đáp ứng được mục tiêu là bảo vệ quyền lợi mọi mặt của con.

3. Thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

3.1. Thẩm quyền giải quyết

Theo quy định tại Điều 27, Điều 29, Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi người có quyền trực tiếp nuôi con.

Trong trường hợp không biết rõ địa chỉ cụ thể của bị đơn đang ở đâu hoặc bị đơn và gia đình bị đơn cố tình không cung cấp địa chỉ thì nguyên đơn có thể nộp hồ sơ lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của bị đơn mà nguyên đơn biết.

3.2. Thành phần hồ sơ

Hồ sơ bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:

– Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con

– Bản án ly hôn;

– Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao, có chứng thực);

Giấy khai sinh của con (bản sao, có chứng thực);

– Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

3.3. Trình tự giải quyết

Bước 1: Nộp hồ sơ

– Nộp đầy đủ hồ sơ khởi kiện hợp lệ nêu trên tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc.

Bước 2: Tòa án xem xét hồ sơ và thụ lý đơn ly hôn

Sau khi nhận được đơn yêu cầu thay đổi người nuôi con, tòa án sẽ xem xét đơn và thụ lý vụ án khi có đầy đủ hồ sơ và giấy tờ hợp lệ.

Sau đó, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án sẽ ra quyết định thụ lý vụ án và gửi cho nguyên đơn, bị đơn.

Bước 3: Giải quyết vụ án

Tòa án sẽ tiến hành giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và ra bản án quyết định.

Thời hạn chuẩn bị xét xử: Từ 4 đến 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án;

Thời hạn mở phiên tòa: Từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

4. Thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn

Mức cấp dưỡng cho con đã thỏa thuận khi ly hôn hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án có thể thay đổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Như vậy, việc thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn sẽ do các bên tự thỏa thuận. Trường hợp không thể thỏa thuận được thì làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo đó, để có thể yêu cầu việc thay đổi mức cấp dưỡng, người cấp dưỡng phải chứng minh được trong thời gian cấp dưỡng xảy ra các khó khăn về: Mặt kinh tế; Các vấn đề khác liên quan như sụt giảm về mặt thu nhập; Là lao động chính trong gia đình cần nuôi dưỡng các thành viên khác; Các khoản nợ nần hoặc gặp vấn đề về sức khỏe, bệnh tật,… mà không thể cấp dưỡng cho con như thỏa thuận ban đầu thì làm đơn yêu cầu Tòa án xem xét và giải quyết.

Để thực hiện việc yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn, cần chuẩn bị hồ sơ, tài liệu bao gồm các giấy tờ sau và nộp tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án giải quyết:

– Đơn yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con;

– Bản sao bản án hoặc quyết định của Tòa án đã giải quyết cho vợ chồng ly hôn và vấn đề nuôi con chung;

– Bản sao sổ hộ khẩu hoặc Chứng minh nhân dân

– Giấy tờ chứng minh các điều kiện: thu nhập

– Các giấy tờ chứng minh khác có liên quan (Giấy tờ vay nợ, viện phí khám sức khỏe,…)

Như vậy, bài viết trên đây đã phân tích rõ về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon