Quyền và nghĩa vụ của người hưởng dụng

quyen-va-nghia-vu-cua-nguoi-huong-dung

Bên sung cạnh việc kế thừa có sửa đổi quy định về quyền sở hữu, Bộ luật dân sự năm 2015 đã bổ sung chế định quyền khác đối với tài sản, bao gồm 3 quyền: Quyền đối với bất động sản liền kề; Quyền hưởng dụng; Quyền bề mặt. Việc ghi nhận về quyền hưởng dụng là một trong những ghi nhận quan trọng tạo cơ sở pháp lý để các chủ thể không phải là chủ sở hữu có thể được tiếp cận và sử dụng một cách hiệu quả tài sản, tránh việc để tài sản trở nên lãng phí, trong khi người có nhu cầu cần dùng thì lại không được sử dụng. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về quyền và nghĩa vụ của người hưởng dụng.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015.

1. Quyền hưởng dụng là gì?

Khái niệm quyền hưởng dụng được ghi nhận tại Điều 257 Bộ luật dân sự như sau:

Điều 257. Quyền hưởng dụng

“Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định”. 

Quy định theo hướng quyền hưởng dụng là một quyền mà chủ thể có quyền đó được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ vật thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác, với điều kiện việc thực hiện quyền này không được làm thay đổi tính chất, tính năng sử dụng của vật đó.

Theo pháp luật dân sự Việt Nam, hoa lợi là sản vật mà tự bản thân tài sản sinh ra không phụ thuộc vào tác động từ phía con người. Lợi tức là các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản. Tự bản thân tài sản không thể sinh ra lợi tức nếu không có hành vi khai thác, sử dụng của chủ sở hữu. Việc phân loại tài sản thành tài sản gốc, hoa lợi, lợi tức có ý nghĩa trong việc xác định quyền của người sử dụng, chiếm hữu tài sản nhưng không phải là chủ sở hữu.

2. Quyền của người hưởng dụng

Theo Điều 261 BLDS năm 2015 thì người hưởng dụng có các quyền sau:

– Thứ nhất, người hưởng dụng có quyền tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng.

+ Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại (ví dụ: Hoa quả của cây, gia súc nhỏ do gia súc mẹ sinh ra.

+ Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản (ví dụ: Khoản tiền thu được từ việc cho thuê nhà, tiền lãi thu được từ việc cho vay tài sản).

Người hưởng dụng có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng trong thời gian quyền này có hiệu lực. Quy định này phù hợp với quy định của pháp luật thì việc thu hoa lợi, lợi tức là một trong những căn cứ xác lập quyền sở hữu.

Quyền hưởng dụng mặc dù bị hạn chế phải sử dụng đối tượng đúng mục đích trong một thời hạn nhất định và phải hoàn trả sau khi hết thời hạn hưởng dụng, nhưng đối với hoa lợi, lợi tức người hưởng dụng lại được xác lập quyền sở hữu với tài sản này.

Trong trường hợp quyền hưởng dụng chấm dứt mà chưa đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa lợi, lợi tức thu được tương ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng. Như vậy người hưởng dụng có quyền sở hữu đối với hoa lợi tự nhiên trong khoảng thời gian có quyền hưởng dụng.

– Thứ hai, yêu cầu chủ sở hữu tài sản thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đổi với tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 263 của BLDS 2015.

Người hưởng dụng có quyền nhận tài sản trong tình trạng thực tế tại thời điểm phát sinh quyền hưởng dụng. Bởi quyền hưởng dụng cho phép người hưởng dụng được giao tài sản để sử dụng và hưởng hoa lợi trong một khoảng thời gian nhất định và trao trả lại tài sản sau khoảng thời gian đó, nên việc quy định quyền này không chỉ để xác định quyền chiếm hữu thực tế đối với tài sản, mà còn để xác định thời điểm thu hưởng các quyền liên quan.

Hơn nữa việc trao trả tài sản trong tình trạng nào phụ thuộc vào tình trạng của tài sản khi nhận. Do đó, người hưởng dụng có quyền yêu cầu chủ tài sản thực hiện nghĩa vụ sửa chữa tài sản để đảm bảo được chức năng, công dụng, giá trị của tài sản khi chuyển giao. Trường hợp thực hiện nghĩa vụ thay cho chủ sở hữu tài sản thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản hoàn trả chi phí.

– Thứ ba, cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản.

Người hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu, còn người sử dụng trong hợp đồng thuê, hợp đồng mượn chỉ được được cho thuê lại tài sản, hoặc cho mượn lại tài sản mà mình đã thuê/mượn khi được sự đồng ý của bên cho thuê. Người hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng, tuy nhiên, các quyền này cùng chấm dứt theo quyền hưởng dụng, khi quyền hưởng dụng bị chấm dứt.

3. Nghĩa vụ của người hưởng dụng

Theo Điều 262 BLDS năm 2015, người hướng dụng bên cạnh việc được hưởng các quyền lợi thì phải thực hiện các nghĩa vụ sau:

– Thứ nhất, tiếp nhận tài sản theo hiện trạng và thực hiện đăng ký nếu luật có quy định.

Xuất phát từ bản chất của quyền hưởng dụng là quyền tạm thời để sử dụng và hưởng lợi từ tài sản của người khác, mà không thay đổi đặc tính của tài sản. Vì yếu tố không làm thay đổi đặc tính của tài sản do đó việc tiếp nhận tài sản theo hiện trạng là cơ sở để người hưởng dụng sử dụng, khai thác hoa lợi, lợi tức trên tài sản đó, và sau khi hết thời hạn hưởng dụng thì sẽ hoàn trả đúng hiện trạng tài sản cho chủ sở hữu. Đăng ký quyền hưởng dụng được hiểu là việc ghi nhận chính thức bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền những thông tin cần thiết liên quan đến quyền hưởng dụng nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người hưởng dụng và chủ sở hữu tài sản.

Việc đăng ký tài sản có ý nghĩa quan trọng trong công khai, minh bạch thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản, gắn liền với quyền dân sự của mỗi cá nhân, tổ chức khi xác lập, thực hiện quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản. Theo Điều 106 BLDS 2015 quy định về đăng ký tài sản như sau:

“1. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký tài sản.

2. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải dăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác.

3. Việc đăng ký tài sản phải được công khai.”

Như vậy, đối với đối tượng của quyền hưởng dụng là bất động sản thì phải được đăng ký theo quy định của pháp luật dân sự. Còn đối với đối tượng của quyền hưởng dụng là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác.

– Thứ hai, khai thác tài sản phù hợp với công dụng, mục đích sử dụng của tài sản.

Người hưởng dụng phải sử dụng tài sản đúng với mục đích, bảo đảm tài sản đó không làm xấu đi tình trạng của tài sản (người được hưởng hương hỏa chỉ được thu hoa lợi từ ruộng đất hương hỏa; nếu là vườn cây lâu năm được hưởng hoa lợi từ vườn cây đó; nếu là gia súc thì được hưởng hoa lợi từ gia súc sinh ra với điều kiện bảo tồn đàn gia súc). Quyền hưởng dụng giới hạn người hưởng dụng về mục đích sử dụng phải trong phạm vi phù hợp với công dụng, mục đích sử dụng của tài sản. Một tài sản có thể có thể có nhiều công dụng và mục đích sử dụng như một chiếc xe máy, ngoài công dụng để chở người thì có thể chở hàng hóa…

Do đó, người hưởng dụng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật cũng như sự thỏa thuận với chủ sở hữu của tài sản. Việc sử dụng không đúng công dụng, mục đích sử dụng của tài sản có thể khiến tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng bị sụt giảm giá trị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu. Người hưởng dụng phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu nếu không sử dụng tài sản đúng mục đích hoặc làm quyền trong việc sử dụng tài sản.

– Thứ ba, giữ gìn, bảo quản tài sản như tài sản của mình.

Người hưởng dụng có nghĩa vụ quản trị tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng như một người quản lý tận tâm và thực hiện trung thực nghĩa vụ của mình. Theo pháp luật dân sự Việt Nam, người hưởng dụng phải giữ gìn, bảo quản tài sản như tài sản của mình, bởi sau khi hết thời hạn hưởng dụng, người hưởng dụng phải hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu, do đó, việc giữ gìn, bảo quản tài sản như tài sản của mình là yếu tố đảm bảo giảm thiểu sự sa sút, giảm giá trị sử dụng của tài sản của chủ sở hữu.

– Thứ tư, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo định kỳ để bảo đảm cho việc sử dụng bình thưởng; khôi phục tình trạng của tài sản và khắc phục các hậu quả xấu đối với tài sản do việc không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phủ hợp với yêu cầu kỹ thuật hoặc theo tập quán về bảo quản tài sản.

Về mặt lý thuyết, người hưởng dụng khi sử dụng tài sản là đối tượng quyền hưởng dụng trong thời hạn được hưởng quyền không được làm giảm sút giá trị của tài sản, nhưng trên thực tế đối với một tài sản theo thời gian và sự hao mòn do quá trình sử dụng thì việc có thể giữ được nguyên vẹn giá trị ban đầu của tài sản đòi hỏi người hưởng dụng phải có các biện pháp bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo định kì để đảm bảo tài sản được sử dụng một cách bình thường.

Nếu việc sửa chữa nhằm hạn chế thiệt hại hoặc làm tăng giá trị của tài sản thì người hưởng dụng có quyền yêu cầu chủ sở hữu phải thanh toán các chi phí sửa chữa này. Nếu trong quá trình sử dụng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng, nếu việc không tuân thủ nghĩa vụ về sửa chữa, bảo dưỡng… dẫn đến tài sản bị hư hỏng, bị giảm sút giá trị sử dụng… thì người hưởng dụng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu.

– Thứ năm, hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu khi hết thời hạn hưởng dụng.

Người hưởng dụng cũng phải giữ tài sản còn nguyên vẹn và trả lại nguyên trạng khi quyền hưởng dụng được cấp.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về quyền và nghĩa vụ của người hưởng dụng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon