Thị trường liên quan trong pháp luật cạnh tranh

thi-truong-lien-quan-trong-phap-luat-canh-tranh

Trong phần lớn vụ việc cạnh tranh, việc xác định thị trường liên quan được các cơ quan cạnh tranh thực hiện nhằm xác định sức mạnh thị trường đáng kể, thị phần kết hợp của các doanh nghiệp trên thị trường liên quan, vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp trên thị trường liên quan. Xác định thị trường liên quan có một vai trò hết sức quan trọng các vụ việc về cạnh tranh. Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu cụ thể hơn về thị trường liên quan và ý nghĩa của thị trường liên quan đối với pháp luật cạnh tranh thông qua bài viết sau.

Căn cứ pháp lý

  • Luật cạnh tranh năm 2018

1. Định nghĩa và cách thức xác định thị trường liên quan

1.1. Định nghĩa thị trường liên quan

Dưới góc độ cạnh tranh và pháp luật cạnh tranh, thị trường được hiểu là công cụ để xác định một ranh giới cụ thể mà trong đó có các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau và thiết lập khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh mối quan hệ cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thị trường này, hay còn được gọi là thị trường liên quan.

Thị trường liên quan được Khoản 7 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 định nghĩa như sau “Thị trường liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả trong khu vực địa lý cụ thể có các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.”

1.2. Cách thức xác định thị trường liên quan

Điều 9 Luật Cạnh tranh 2018 quy định:

“Thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.

Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.

Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận”.

Có thể thấy rằng, khác với cách tiếp cận của Luật Cạnh tranh 2004, Luật Cạnh tranh 2018 không xem thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan như là hai “phần tử” thuộc “tập hợp” thị trường liên quan. Quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 cần được hiểu rằng thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan là hai bộ phận cấu thành không thể tách rời và là cơ sở để xác định thị trường liên quan. Tóm lại, để kết luận về thị trường liên quan cần phải xác định đồng thời thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.

Thứ nhất, xác định thị trường sản phẩm liên quan

Như đã đề cập, thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau đồng thời về cả đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Hay nói cách khác, khi xác định liệu các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ cụ thể nào đó có thuộc cùng một thị trường sản phẩm liên quan hay không, cơ quan có thẩm quyền cần phải trả lời cho câu hỏi các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ đó có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả hay không. Cách thức tiến hành phép thử này được quy định chi tiết tại Điều 4 Nghị định 35/2020/NĐ-CP.

– Tính thay thế cho nhau về đặc tính

 Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hóa, dịch vụ đó có sự giống nhau hoặc tương tự nhau về một hoặc một số yếu tố như sau:

  • Đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ;
  • Thành phần của hàng hóa, dịch vụ;
  • Tính chất vật lý, hóa học của hàng hóa;
  • Tính năng kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ;
  • Tác dụng phụ của hàng hóa, dịch vụ đối với người sử dụng;
  • Khả năng hấp thu của người sử dụng;
  • Tính chất riêng biệt khác của hàng hóa, dịch vụ.

– Tính thay thế cho nhau về mục đích sử dụng

Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về mục đích sử dụng nếu hàng hóa, dịch vụ đó có mục đích sử dụng chủ yếu giống nhau.

– Tính có thể thay thế cho nhau về giá cả

Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về giá cả khi giá của hàng hóa, dịch vụ chênh lệch nhau không quá 5% trong điều kiện giao dịch tương tự. Như vậy, giao dịch tương tự được xem như “mẫu số chung” và là điều kiện tiên quyết phải được bảo đảm khi so sánh sự chênh lệch về giá cả của các hàng hoá, dịch vụ. Nếu hàng hoá, dịch vụ có các điều kiện giao dịch khác nhau thì mọi kết quả so sánh chênh lệch giá cả sẽ không còn giá trị để kết luận tính có thể thay thế cho nhau về giá cả giữa chúng. Mức chênh lệch giá cả tối đa được phép để kết luận hàng hoá, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về giá cả là 5%. Tuy nhiên, nếu mức chênh lệch trên 5% thì cũng không đương nhiên có thể kết luận các hàng hoá, dịch vụ được xem xét không thể thay thế cho nhau về giá cả. Một phương pháp khác sẽ được sử dụng, cụ thể như sau:

Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về giá cả nếu có ít nhất 35% của một lượng mẫu ngẫu nhiên 1.000 người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan chuyển sang mua hoặc có ý định mua hàng hóa, dịch vụ khác có đặc tính, mục đích sử dụng giống với hàng hóa, dịch vụ mà họ đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng trong trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ đó tăng lên quá 10% và được duy trì trong 06 tháng liên tiếp.
Trường hợp số người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan quy định tại điểm này không đủ 1.000 người thì lượng mẫu ngẫu nhiên được xác định tối thiểu bằng 50% tổng số người tiêu dùng trong khu vực địa lý đó.

Trong trường hợp, tất cả các phép thử trên đều chưa đủ để kết luận về thị trường sản phẩm liên quan, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xem xét thêm một hoặc một số yếu tố như sau:

  • Tỷ lệ thay đổi về cầu của một loại hàng hóa, dịch vụ khi có sự thay đổi về giá của một loại hàng hóa, dịch vụ khác;
  • Chi phí và thời gian cần thiết để khách hàng chuyển sang mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ khác;
  • Thời gian sử dụng của hàng hóa, dịch vụ;
  • Tập quán tiêu dùng;
  • Các quy định pháp luật tác động đến khả năng thay thế của hàng hóa, dịch vụ;
  • Khả năng phân biệt về mức giá mua, bán đối với các nhóm khách hàng khác nhau;
  • Khả năng thay thế về cung của một loại hàng hóa, dịch vụ: Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 35/2020/NĐ-CP).

Thứ hai, xác định thị trường địa lý liên quan

Theo Điều 7 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.

Ranh giới của khu vực địa lý quy định tại khoản 1 Điều này được xác định căn cứ theo yếu tố sau đây:

  • Khu vực địa lý có cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp tham gia phân phối hàng hóa, dịch vụ liên quan;
  • Cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp khác đóng trên khu vực địa lý lân cận đủ gần với khu vực địa lý quy định tại điểm a khoản này để có thể tham gia cạnh tranh với các hàng hóa, dịch vụ liên quan trên khu vực địa lý đó;
  • Chi phí vận chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
  • Thời gian vận chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
  • Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường;
  • Tập quán tiêu dùng;
  • Chi phí, thời gian để khách hàng mua hàqng hóa, dịch vụ;

Khu vực địa lý được coi là có điều kiện cạnh tranh tương tự và khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận nếu thỏa mãn một trong các tiêu chí sau đây:

  • Chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển làm giá của hàng hóa, dịch vụ tăng không quá 10%;
  • Có sự hiện diện của một trong các rào cản gia nhập, mở rộng thị trường.

Trong các lý thuyết về cạnh tranh trong kinh tế, rào cản gia nhập, hoặc rào cản kinh tế để gia nhập/mở rộng thị trường, là những chi phí cố định mà doanh nghiệp muốn tham gia hoặc mở rộng thị trường phải gánh chịu để được gia nhập hoặc mở rộng thị trường đó. Rào cản gia nhập/mở rộng thị trường thường gây ra hoặc hỗ trợ sự tồn tại của tình trạng độc quyền hoặc mang lại cho các doanh nghiệp quyền lực thị trường.

Các rào cản gia nhập, mở rộng thị trường được quy định tại Điều 8 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, bao gồm:

  • Rào cản pháp lý tạo ra bởi các quy định của pháp luật, chính sách của nhà nước bao gồm các quy định về thuế nhập khẩu và hạn ngạnh nhập khẩu; quy chuẩn kỹ thuật; các điều kiện, thủ tục để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; quy định về sử dụng hàng hóa, dịch vụ; tiêu chuẩn nghề nghiệp và các quyết định hành chính khác của các cơ quan quản lý nhà nước.
  • Rào cản tài chính bao gồm chi phí đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, khả năng tiếp cận nguồn vốn, tín dụng và các nguồn tài chính khác của doanh nghiệp.
  • Chi phí ban đầu khi gia nhập thị trường mà doanh nghiệp không thể thu hồi khi rút khỏi thị trường.
  • Rào cản đối với việc tiếp cận, nắm giữ nguồn cung, cơ sở hạ tầng thiết yếu để sản xuất, kinh doanh; mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
  • Tập quán tiêu dùng.
  • Thông lệ, tập quán kinh doanh.
  • Rào cản liên quan việc thực hiện quyền của tổ chức, cá nhân đối với trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng theo quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.
  • Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường khác.

2. Ý nghĩa của xác định thị trường liên quan đối với pháp luật cạnh tranh

2.1. Xác định giới hạn thị trường liên quan là tiền đề quan trọng đối với nhiệm vụ thực thi pháp luật về kiểm soát hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế

Trên thực tế, vai trò quan trọng của xác định thị trường liên quan trong việc kiểm soát hạn chế cạnh tranh và tập trung được được thể hiện rất rõ qua nhiều phương diện.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, tiêu chí hạt nhân cần xem xét và đánh giá khi giải quyết và xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh kế bị cấm chính là tác động của hành vi đó lên thị trường. Theo đó, các hành vi hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đều sẽ bị xử lý, dù hành vi đó đã được quy định chi tiết trong Luật Cạnh tranh 2018 hay chưa.

Việc áp dụng tiêu chí về “hậu quả” như là yếu tố kiểm soát này đòi hỏi phải đặt các doanh nghiệp bị điều tra trong một bối cảnh thị trường nhất định. Bối cảnh thị trường này chính là thị trường liên quan đang được xem xét trong vụ việc cạnh tranh. Hay nói cách khác, trước khi xác định liệu hành vi hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế liệu có gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh hay không thì phải trả lời chính xác câu hỏi rằng thị trường có khả năng hoặc đã chịu tác động hạn chế cạnh tranh là thị trường nào.

Mặt khác, xét đến tận cùng, mỗi một doanh nghiệp đều sẽ có những đối tượng khách hàng nhất định và do đó sẽ có sự chi phối tương đối. Thị trường liên quan bị xác định quá rộng hay quá hẹp đều sẽ dẫn đến sự sai lệch trong định vị vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền. Tóm lại, thị trường liên quan là nhân tố bắt buộc phải xác định chính xác.

2.2. Xác định giới hạn thị trường liên quan có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế

Vai trò này của việc xác định giới hạn thị trường liên quan được phát sinh như là hệ quả tất yếu của vai trò vừa được đề cập. Vì nắm giữ vai trò tiền đề nên nếu giới hạn thị trường liên quan bị không chính xác thì tất yếu khách quan sẽ dẫn đến những sai lầm tiếp diễn mà trước hết là định lượng sai về thị phần/thị phần kết hợp của doanh nghiệp bị điều tra trong vụ việc cạnh tranh trong khi đó thị phần là yếu tố rất quan trọng để đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc tập trung kinh tế và đo lường sức mạnh thị trường trong các vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền (sẽ được phân tích sau).

Một cách khái quát, thị phần của một doanh nghiệp là một tỉ lệ phần trăm cụ thể đại diện cho phần thị trường (biểu hiện dưới dạng doanh thu, doanh số, số đơn vị hàng hoá, dịch vụ bán ra hoặc số đơn vị hàng hoá, dịch vụ mua vào) mà doanh nghiệp chiếm lĩnh được so với tất cả các doanh nghiệp đối thủ khác có mặt trên thị trường. Thị phần là yếu tố dễ tiếp cận nhất khi so sánh tương quan cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đối thủ thông qua hình thái cấu trúc thị trường. Như vậy, xác định sai giới hạn thị trường liên quan sẽ dẫn đến kiểm đếm sai số lượng các doanh nghiệp có mặt trên thị trường và do đó sẽ khiến cho việc tính toán thị phần không còn chính xác.

Hy vọng bài viết này có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon