Một số phương thức thương mại hoá tài sản trí tuệ khác

mot-so-phuong-thuc-thuong-mai-hoa-tai-san-tri-tue

Các phương thức thương mại hoá tài sản trí tuệ được quy định trong hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ cũng như các ngành luật khác có liên quan. Mỗi phương thức thương mại hoá có những ưu điểm, hạn chế mang tính đặc trưng và phù hợp với những chủ thể, mục đích khác nhau. Trong đó, có những phương thức đã có những quy định riêng điều chỉnh, phù hợp với thực tế, có những phương thức vẫn được áp dụng chung với các quy định điều chỉnh về tài sản nói chung, gây bất cập trong thực tiễn. Do đó, bài viết nêu khái quát một số phương thức thương mại hoá tài sản trí tuệ theo quy định của pháp luật Việt Nam, chỉ ra một số những bất cập và yêu cầu hoàn thiện pháp luật cũng như những giải pháp hiện thời đối với thực tế sử dụng và thương mại hoá tài sản trí tuệ hiện nay.

1. Góp vốn, hợp tác trong hoạt động đầu tư, kinh doanh

Theo quy định tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

“Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập”.

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020, tài sản góp vốn:

“1. Tài sản góp vốn là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam. 2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật”.

Theo khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

“1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:

a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;

b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản”.

Như vậy, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, việc góp vốn bằng tài sản trí tuệ để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập đều có cơ sở pháp lý và được phép thực hiện. Tuy nhiên, việc góp vốn bằng tài sản trí tuệ, tương ứng với những nội dung đã phân tích, có thể thấy vẫn tồn tại một số bất cập như: tài sản trí tuệ được xác định để có thể góp vốn chưa rõ ràng, người sử dụng tài sản trí tuệ được quyền góp vốn có thể tạo ra những xung đột về quyền với chủ sở hữu tài sản (đặc biệt khi yêu cầu của góp vốn là phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty)… Bên cạnh đó, tài sản trí tuệ với những đặc trưng riêng có, gắn với yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất hoặc lĩnh vực ngành nghề hoạt động, có thể gặp nhiều khó khăn khi góp vốn vào công ty nếu công ty không đáp ứng được điều kiện để nhận phần vốn góp này. Việc giao nhận tài sản góp vốn (với hình thức tồn tại là tài sản vô hình, là quyền tài sản), sẽ rất khó khăn để áp dụng quy định về việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản (thường được áp dụng đối với các loại tài sản truyền thống, tài sản hữu hình).

Việc sử dụng tài sản trí tuệ trong hoạt động kinh doanh, thương mại của các doanh nghiệp, không chỉ tập trung ở góp vốn mà có thể thực hiện thông qua hình thức hợp tác đầu tư. Trên thực tế, những giao dịch này đã bắt đầu xuất hiện trên thực tế, đặc biệt với những doanh nghiệp có uy tín, hình ảnh và được người tiêu dùng biết đến cũng như đặt tín nhiệm cao trên thị trường.

Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020:

“14. Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế”.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Luật Đầu tư năm 2020: “4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC ” là một trong các hình thức đầu tư tại Việt Nam.

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 27 Luật Đầu tư năm 2020:

“1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

2. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật này”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 504 BLDS:

“1. Hợp đồng hợp tác là sự thoả thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm ”.

Như vậy, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và BLDS, việc hợp tác, đóng góp tài sản nói chung và tài sản trí tuệ nói riêng là hoàn toàn có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, vấn đề xác định tài sản trí tuệ, giá trị tài sản trí tuệ, thủ tục cần thực hiện, hiện nay còn chưa rõ ràng trong các quy định của pháp luật. Điều này dẫn đến thực trạng những giao dịch sử dụng tài sản trí tuệ (ví dụ như sử dụng thương hiệu của pháp nhân) để tham gia hợp tác đầu tư hiện nay đang được thực hiện khá tự phát, chủ quan và phụ thuộc nhiều vào từng chủ thể khác nhau trên thị trường.

2. Nhượng quyền thương mại

Xét trên thực tế, nhượng quyền thương mại đã và đang là một phương thức kinh doanh ngày càng phổ biến hiện nay. Thuật ngữ nhượng quyền thương mại được cho là bắt nguồn từ tiếng Pháp “afranchir” (tiếng Anh là “franchise”), có nghĩa là “được tự do làm”.1 Hiện nay, thuật ngữ “nhượng quyền thương mại” thường được sử dụng để nói đến mối quan hệ thương mại trong phân phối hàng hoá, dịch vụ.[1] [2]

Với tính chất là phương thức kinh doanh, nhượng quyền thương mại, hiện nay, gồm hai thế hệ: Nhượng quyền phân phối sản phẩm và thương hiệu và Nhượng quyền mô hình kinh doanh.[3] Theo đó, nhượng quyền phân phối sản phẩm và thương hiệu là quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền, bên nhận quyền kinh doanh sản phẩm của bên nhượng quyền và đồng nhất việc kinh doanh của họ với bên nhượng quyền.[4] Nhượng quyền phân phối sản phẩm và thương hiệu có thể bao gồm: Nhượng quyền sản phẩm và Nhượng quyền sản xuất hoặc chế biến. Nhượng quyền mô hình kinh doanh là quan hệ thương mại phức tạp hơn. Ở đây, bên nhượng quyền cung cấp cho bên nhận quyền toàn bộ mô hình kinh doanh, bao gồm ý tưởng tổng thể, phương pháp kinh doanh, hệ thống kinh doanh, hệ thống quản lí vận hành, các chuẩn mực đào tạo, hoạt động trợ giúp.. ,[5] Từ hoạt động nhượng quyền mô hình kinh doanh, bên nhượng quyền có thể thu được các lợi ích như: mở rộng nhanh hệ thống kinh doanh của mình mà không mất các chi phí quản lí và đầu tư, tăng doanh thu từ các khoản tiền nhượng quyền và doanh thu bán sản phẩm, cung ứng dịch vụ. Về phía mình, bên nhận quyền cũng được hưởng các lợi ích bao gồm: uy tín và thương hiệu đã được xây dựng sẵn đối với hàng hoá, dịch vụ được cung ứng, hệ thống quảng cáo, tiếp thị có sẵn, hệ thống đào tạo, hướng dẫn, trợ giúp có kinh nghiệm, lượng khách hàng thân thiết có sẵn đối với các hàng hoá, dịch vụ.

Các hình thức nhượng quyền có thể bao gồm: Nhượng quyền một cơ sở và Nhượng quyền nhiều cơ sở. Theo đó, nhượng quyền một cơ sở là hình thức mà bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được mở một cơ sở nhượng quyền, nhượng quyền nhiều cơ sở là hình thức mà bên nhận quyền có thể mở nhiều cơ sở nhượng quyền, tại một khu vực địa lí (gọi là nhượng quyền phát triển khu vực) hoặc nhiều khu vực địa lý, thông qua việc cấp tiếp quyền cho các bên nhượng quyền thứ cấp khác (gọi là nhượng quyền thương mại tổng thể).

Theo quy định tại Điều 284 Luật Thương mại năm 2005:

“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó, bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

a) Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

b) Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh”.

Trong quy định của Luật SHTT hiện nay, chưa đề cập khái niệm về nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, khi xem xét độ tương đồng, ở một góc độ nhất định, nhượng quyền thương mại đối với tài sản trí tuệ có nhiều sự tương thích với hoạt động chuyển quyền sử dụng tài sản trí tuệ. Xuất phát từ các yếu tố: bên nhượng quyền hoặc bên chuyển giao quyền sử dụng không chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu đối với đối tượng chuyển giao, bên nhận quyền hoặc bên được chuyển giao quyền sử dụng chỉ được sử dụng đối tượng theo phạm vi và thoả thuận đối với bên có quyền. Do đó, sự gắn kết về quyền lợi cũng như các hoạt động kinh doanh thương mại của cả hai bên không thể đối lập nhau, mà luôn thể hiện tính chất tương hỗ, cùng nhau phát triển.

Tuy nhiên, nếu trong hoạt động chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, đối tượng của giao dịch chỉ bao gồm tài sản trí tuệ thì đối tượng này lại có thể chỉ là một phần (thậm chí là phần nhỏ) trong phạm vi nhượng quyền thương mại. Kết hợp với việc không có quy định trực tiếp trong Luật SHTT, các vấn đề chuyên biệt về nhượng quyền đối với tài sản trí tuệ hiện nay chưa được thể hiện sự điều chỉnh mạnh mẽ của luật chuyên ngành SHTT, dẫn tới, thường nhầm lẫn với chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ. Trong thời gian tới, với xu hướng ngày càng phát triển của hoạt động nhượng quyền thương mại, đặc biệt từ các tập đoàn, chủ thể kinh doanh nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, các vấn đề pháp lý chuyên biệt về sở hữu trí tuệ đối với hoạt động này nên có sự quan tâm thích đáng và phù hợp hơn.

3. Thế chấp

Theo quy định tại Điều 317 BLDS:

“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thoả thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp”.

Thế chấp là một trong chín biện pháp bảo đảm được quy định trong BLDS. Xét theo nghĩa đưa tài sản trí tuệ vào giao dịch, kinh doanh thương mại để tìm kiếm lợi nhuận, thế chấp có thể không được xếp vào phương thức thương mại hoá trực tiếp đối với tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, từ hoạt động này, các chủ thể vẫn có thể tạo ra lợi nhuận trong quá trình thương mại. Do đó, ở góc độ nhất định, có thể tiếp cận thế chấp theo hướng là phương thức gián tiếp thương mại hoá tài sản trí tuệ.

Trong các giao dịch, thế chấp thường được áp dụng phổ biến nhất theo các hợp đồng tín dụng với ngân hàng. Theo đó, bên thế chấp sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình để cam kết việc trả khoản nợ vay đối với ngân hàng. Tuy nhiên, với tính chất bảo đảm bằng tài sản đối với nghĩa vụ nói chung, thế chấp có thể được áp dụng trong nhiều các giao dịch khác.

Việc tiếp cận thế chấp tài sản trí tuệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trên thực tế, vẫn chưa thực sự quen thuộc và phổ biến trong đời sống. Điều này xuất phát từ sự chưa phổ biến của chính các giao dịch có đối tượng là tài sản trí tuệ. Ở góc độ nhất định, có thể so sánh sự tương đồng giữa tài sản trí tuệ và quyền sử dụng đất: đều là tài sản vô hình, có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu. Do đó, về lý thuyết, hoàn toàn có thể hình dung việc thực hiện thế chấp tài sản trí tuệ cũng tương tự như thế chấp quyền sử dụng đất để đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ có liên quan, đặc biệt về thủ tục cũng như việc xử lí tài sản thế chấp. Tuy nhiên, giao dịch này thực chất có thể gặp những khó khăn sau:

Thứ nhất, không phải tài sản trí tuệ nào cũng có giấy tờ chứng minh quyền của chủ thể. Đối với việc xác lập quyền đối với sản phẩm sáng tạo trí tuệ, chỉ có một số đối tượng, theo quy định của pháp luật SHTT bắt buộc phải đăng kí như: nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… Đối với một số đối tượng xác lập quyền theo cơ chế tự động như tác phẩm, bí mật kinh doanh., không cần thiết phải đăng kí, do đó, cũng không cần thiết phải có giấy tờ để chứng nhận quyền của chủ thể. Điều này tạo ra tâm lí, thậm chí là cả tình trạng không an toàn đối với các chủ thể mang quyền trong quan hệ nghĩa vụ. Do đó, mặc dù theo quy định của pháp luật, không bắt buộc phải có vấn đề giao giấy tờ nhưng với các tài sản không có giấy tờ, đặc biệt là tài sản vô hình, các chủ thể mang quyền hầu hết sẽ không chấp nhận áp dụng thế chấp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Chính vì vậy, việc thế chấp tài sản trí tuệ, có cơ sở pháp lý, nhưng không dễ dàng thực hiện trên thực tế.

Thứ hai, việc xử lí tài sản trí tuệ khi nghĩa vụ chính bị vi phạm gặp nhiều khó khăn. Hiện nay một số biện pháp xử lí tài sản bảo đảm phổ biến gồm: bán đấu giá, chuyển quyền sở hữu sang chủ thể nhận bảo đảm, tự bán tài sản. Đối với các loại tài sản thông thường, việc thu giữ, thực hiện các hoạt động bán tài sản đã được thực hiện trong thời gian dài và không quá khó khăn để thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên, với những đặc trưng của tài sản trí tuệ, việc xử lí tài sản sẽ có thể vướng mắc như: hạn chế chủ thể có thể nhận chuyển nhượng nếu đối tượng SHTT quá đặc thù và rất ít chủ thể đáp ứng điều kiện để nhận chuyển nhượng, việc thu giữ tài sản bảo đảm cần có hiểu biết tương ứng về trình độ khoa học kĩ thuật và có thể không áp dụng được với đối tượng SHTT đặc thù. Nói cách khác, việc xử lí tài sản trí tuệ, có thể thực hiện về lý thuyết nhưng tương đối khó khăn để thực hiện trên thực tế. Đây cũng là một trong những lí do dẫn tới hạn chế các chủ thể mang quyền muốn sử dụng tài sản trí tuệ là tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ đối với mình.

Thứ ba, việc đảm bảo giá trị của tài sản trí tuệ tại thời điểm xử lí tài sản bảo đảm trong một số trường hợp là không khả thi. Có thể kể đến như: (i) đối với bí mật kinh doanh, để còn được bảo vệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, đối tượng phải vẫn tồn tại trong sự bảo mật, không tiết lộ. Do đó, nếu chủ sở hữu có kí văn bản để đưa bí mật kinh doanh vào thế chấp nhưng việc bảo mật không còn hiệu quả, các yếu tố cấu thành nên bí mật kinh doanh đã bị tiết lộ, thậm chí đã bị sử dụng bởi chủ thể khác thì giá trị của tài sản trí tuệ này là không còn; (ii) đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. rất dễ bị các chủ thể không có quyền trên thực tế sử dụng và thu lợi trái phép. Dẫn tới, giá trị của những quyền tài sản hợp pháp đối với các đối tượng này sẽ không giữ nguyên giá trị sau khoảng thời gian, nếu không có đầy đủ các biện pháp phòng, chống các hành vi vi phạm trên thị trường.

Thứ tư, chưa có sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng quy định pháp luật đối với loại tài sản trí tuệ nào hoặc nói cho đúng, đối với đối tượng nào là sản phẩm của hoạt động tinh thần sáng tạo sẽ được sử dụng làm tài sản bảo đảm.

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Nghị định 21/2021/NĐ-CP):

“Chủ sở hữu quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ được dùng quyền tài sản đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ; quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ ”.

Có thể thấy, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định theo tinh thần tương ứng như Nghị định số 76/2018/NĐ-CP, mở rộng phạm vi các đối tượng, sản phẩm của kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm của hoạt động tinh thần sáng tạo khi quyền tài sản tương ứng có thể trị giá được bằng tiền, đều có thể trở thành tài sản bảo đảm nói chung, tài sản để thế chấp nói riêng. Tuy nhiên, khi áp dụng các quy định của Luật SHTT (với tư cách là văn bản pháp luật chuyên ngành), những vấn đề bất cập về xác định tài sản trí tuệ lại tiếp tục được lặp lại.

[1] Dov Izraeli, Franchising and The Total Distribution System (Longman, 1972), tr.3.

[2] Trade Practices Act Review Comitee, Australia, “The Report to The Minister for Business and Consumer Affairs” (1976), para 5.2.

[3] Nguyễn Bá Bình, “Tổng quan về nhượng quyền thương mại và pháp luật về nhượng quyền thương mại”, bài viết trong Kỷ yếu hội thảo “Pháp luật về nhượng quyền thương mại: kinh nghiệm của một số quốc gia và bài học cho Việt Nam”.

[4] Andrew Terry and Des Giugni, “Franchising”, Business and the Law (Cengage Learning, 5ed, 2009), tr.401.

[5]  Andrew Terry, “Business Format Franchising: The Cloining of Australian Business” (Robert Burton Printer Pty.Ltd.,1991), tr.3.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon