Nguyên đơn là gì? Nguyên đơn có những quyền và nghĩa vụ gì?

Nguyen-don-la-gi-Nguyen-don-co-quyen-va-nghia-vu-gi

Trong cuộc sống thường ngày, các hoạt động và giao dịch dân sự giữa các cá nhân, cơ quan, tổ chức gọi chung là các chủ thể trong xã hội diễn ra rất thường xuyên. Bên cạnh những giao dịch diễn ra suôn sẻ, mang lại lợi ích cho các bên thì vẫn tồn tại những trường hợp các phát sinh, mâu thuẫn diễn ra. Và một khi xảy ra tranh chấp, các bên không thể hòa giải được các bên trong hợp đồng dân sự có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Nguyên đơn là một trong các chủ thể khi tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp dân sự. Vậy nguyên đơn là gì? Nguyên đơn có những quyền và nghĩa vụ gì? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.

Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

1. Khái niệm nguyên đơn

Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.

Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn. (theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015)

Ngoài ra, trong các vụ án hình sự có giải quyết vấn đề dân sự thì căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 63. Nguyên đơn dân sự

1. Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Nguyên đơn trong vụ án hình sự khác với nguyên đơn trong vụ án dân sự. Trong vụ án dân sự người khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là nguyên đơn dân sự nhưng không phải người nào cũng bị thiệt hại; thiệt hại không chỉ là thiệt hại về vật chất mà còn có những thiệt hại khác và thiệt hại đó không nhất thiết phải do tội phạm gây ra. Còn nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự thường chỉ có một loại thiệt hại đó là thiệt hại về vật chất và thiệt hại chỉ do tội phạm gây ra.

Bên cạnh đó, mỗi vụ án dân sự không chỉ có duy nhất một nguyên đơn mà còn có thể có đồng nguyên đơn và nhiều nguyên đơn. Hai khái niệm này có thể bị nhầm lẫn về mặt ngữ nghĩa, tuy nhiên đây là hai khái niệm được định nghĩa khác nhau. Cụ thể như sau:

Đồng nguyên đơn được hiểu là trong vụ án dân sự có nhiều người cùng khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức. Ví dụ, khi tranh chấp về chia di sản thừa kế nhiều người trong hàng thừa kế có cùng yêu cầu chia di sản thừa kế.

Nhiều nguyên đơn có thể được định nghĩa là nhiều người có cùng một yêu cầu khởi kiện đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức. Trong trường hợp này, Tòa án có thể xem xét gộp những yêu cầu khởi kiện của những nguyên đơn này này để giải quyết cùng một vụ án nhưng vẫn đảm bảo bảo vệ đầy đủ quyền và lợi ích bị xâm phạm của các bên.

Như vậy, nguyên đơn trong vụ án dân sự được định nghĩa theo quy định của pháp luật nêu trên.

2. Những thuật ngữ pháp lý liên quan dịch sang tiếng Anh

Nguyên đơn dân sự được dịch sang tiếng Anh như sau: Civil plaintiff

Khái niệm về nguyên đơn dân sự được dịch sang tiếng Anh như sau: Civil plaintiff is an individual, agency or organization that suffers damage caused by a crime and has a written request for compensation.

3. Quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn dân sự

3.1. Quyền của nguyên đơn trong vụ án dân sự

Căn cứ theo theo Điều 70 và Điều 71 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền của nguyên đơn dân sự và người đại diện, cụ thể như sau:

– Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này.

– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình.

– Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản.

– Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.

– Đề nghị Tòa án quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

– Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành.

– Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

– Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

– Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này.

– Tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định của Bộ luật này.

– Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.

– Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật này.

– Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng.

– Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng.

– Được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Tòa án.

– Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật này.

– Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, nguyên đơn có các quyền được quy định như nêu ở trên. Ngoài những quyền, nguyên đơn dân sự cũng phải đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

3.2. Nghĩa vụ của nguyên đơn

Căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của nguyên đơn như sau:

– Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa.

– Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

– Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình; trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc nếu có thay đổi địa chỉ nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và Tòa án.

– Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

– Có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.

– Trường hợp vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ.

– Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành.

– Tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định của Bộ luật này.

– Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc.

– Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

– Sử dụng quyền của đương sự một cách thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, đương sự khác; trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thì phải chịu hậu quả do Bộ luật này quy định.

Như vậy, khi tham gia giải quyết tranh chấp dân sự, nguyên đơn phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ nêu trên để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, đồng thời của các bên tham gia.

4. Năng lực pháp luật và năng lực hành vi tố tụng dân sự của nguyên đơn

4.1. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự

Căn cứ theo Điều 69 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định cụ thể:

Năng lực pháp luật tố tụng dân sự là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng dân sự do pháp luật quy định. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực pháp luật tố tụng dân sự như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đương sự là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của họ, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ được xác định theo quyết định của Tòa án.

Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Trong trường hợp này, Tòa án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng. Đối với những việc khác, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

4.2. Năng lực hành vi tố tụng dân sự

Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.

Đương sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.

Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì năng lực hành vi tố tụng dân sự của họ được xác định theo quyết định của Tòa án.

Vậy căn cứ theo năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự mà nguyên đơn sẽ là người khởi kiện hay được người khác khởi kiện thay.

Như vậy trên đây là tất cả nội dung mà Luật Dương Gia gửi đến bạn liên quan đến nguyên đơn trong vụ án dân sự. Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon