Miễn trừ một phần và toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại

mien-tru-mot-phan-va-toan-bo-trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong

Trách nhiệm dân sự phát sinh ngoài hợp đồng được hiểu là những vi phạm pháp luật nói chung giữa các chủ thể không có mỗi quan hệ hợp đồng hoặc có mối quan hệ hợp đồng nhưng những vi phạm này không dựa trên cơ sở thỏa thuận của các chủ thể.

Tuy nhiên, BLDS lại có những quy định mang tính phù hợp với thực tiễn ở chỗ tạo cho chủ thể gây thiệt hại cơ hội được miễn trừ một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm dân sự nếu tuân thủ đủ các điều kiện. Vì vậy hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về Các trường hợp miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Dân sự 2015.

1. Miễn trừ một phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1.1. Người gây thiệt hại không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế của mình

Yếu tố lỗi trong quy định của BLDS năm 2015 không còn là một trong các điều kiện cơ bản làm phát sinh TNBTTH ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, lỗi được hiểu là trạng thái tâm lý chủ quan của chủ thể đối với hành vi trái pháp luật và hậu quả của hành vi đó. Cho nên, việc xác định yếu tố lỗi tức suy ra trạng thái có hoặc không có lỗi, vô ý hoặc cố ý sẽ mang lại ý nghĩa về mặt thực tế đối với chủ thể thực hiện hành vi vi phạm.

Việc xét yếu tố lỗi cũng như khả năng kinh tế của người gây thiệt hại để miễn trừ trách nhiệm dân sự, BLDS năm 2015 xác định rõ và cơ bản như sau:

– Không có lỗi: Đây là trường hợp có thiệt hại xảy ra nhưng không liên quan hoặc khó xác định trạng thái tâm lý của người phải bồi thường thiệt hại. Ví dụ: Trường hợp tài sản gây thiệt hại. Chủ sở hữu vẫn phải BTTH nhưng có thể được giảm mức bồi thường nếu thiệt hại xảy ra vượt quá khả năng kinh tế của họ.

– Lỗi vô ý mà gây thiệt hại;

Khoản 2 Điều 364 BLDS 2015 quy định: “Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được”.

– Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế của mình;

Thực tế cho thấy không phải lúc nào người gây thiệt hại cũng có khả năng chịu trách nhiệm về tài sản trước hành vi của mình. Bên cạnh đó, điều kiện, hoàn cảnh của mỗi chủ thể vi phạm, ý thức pháp luật của mỗi vùng miền người lại khác nhau. Mặc dù, họ không muốn gây thiệt hại cho chủ thể khác nhưng do họ thiếu hiểu biết nên đã vô ý gây thiệt hại.

1.2. Có sự thỏa thuận giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại

Thứ nhất, khoản 2 Điều 3 BLDS năm 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.

Thứ hai, Khoản 1 Điều 585 BLDS năm 2015 quy định: “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường…”.

Từ những quy định này cho thấy, nếu có sự thỏa thuận giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại về việc miễn trừ một phần TNBTTH thì pháp luật cũng như các chủ thể khác phải tôn trọng thỏa thuận đó.

1.3. Người bị thiệt hại có một phần lỗi

Theo quy định tại Điều 363 BLDS 2015, trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.

Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi để cho thiệt hại xảy ra thì bên gây thiệt hại sẽ được miễn trừ một phần trách nhiệm dân sự. Nếu xác định thiệt hại xảy ra không phải do lỗi của một bên thì điều này thường dựa trên một số yếu tố sau:

+ Thứ nhất, cả bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại đều có lỗi vô ý hoặc rơi vào trường hợp có lỗi cố ý nhưng do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

+ Thứ hai, mức độ lỗi vô ý của mỗi người sẽ được xác định dựa theo nguyên tắc xác định lỗi mà pháp luật hình sự đã quy định hoặc theo quyết định của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác đối với những vụ việc cần có tín chất nghiệp vụ;

2. Miễn trừ toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại

2.1. Phòng vệ chính đáng

Thứ nhất, hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội; Thứ hai, hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ; Thứ ba, phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại; Thứ tư, hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá lớn giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.

Như vậy, phòng vệ chính đáng dù trong trách nhiệm hình sự hay dân sự đều được coi là căn cứ miễn trừ toàn bộ trách nhiệm.

2.2. Tính cấp thiết

Tương tự như trường hợp phòng vệ chính đáng, BLDS 2015 cũng ghi nhận chủ thể gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết sẽ được miễn trừ toàn bộ trách nhiệm dân sự 4. Khoản 1, Điều 171 BLDS 2015 quy định: “Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn”.

Như vậy, để được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết và không phải chịu TNBTTH về mặt dân sự phải tuân thủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, phải có sự đe dọa đối với lợi ích mà pháp luật đang bảo vệ;

Thứ hai, sự đe dọa cần tránh trong tình thế cấp thiết phải có thật, đang xảy ra và chưa kết thúc;

Thứ ba, việc gây thiệt hại là biện pháp duy nhất để khắc phục nguy hiểm;

Thứ tư, thiệt hại gây ra trong tình thế cấp thiết phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa;

2.3. Sự kiện bất khả kháng

Tại Khoản 1 Điều 156 BLDS năm 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Được coi là sự kiện bất khả kháng và được miễn trừ toàn bộ trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ phải tuân thủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, sự kiện xảy ra phải hoàn toàn khách quan;

Thứ hai, các chủ thể tham gia không thể lường trước được;

Thứ ba, các chủ thể tham gia đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép mà không thể khắc phục được;

Thứ tư, phải có mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện bất khả kháng và hành vi vi phạm nghĩa vụ;

2.4. Lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại

Khi thiệt hại xảy ra được xem xét lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại được miễn trừ toàn bộ trách nhiệm dân sự. Đối với trách nhiệm dân sự trong hợp đồng, để được miễn trừ toàn bộ trách nhiệm dân sự việc chứng minh yếu tố lỗi hoàn toàn thuộc về bên có quyền là nghĩa vụ của bên vi phạm. Còn trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng thì ghi nhận việc chứng minh yếu tố lỗi hay chứng minh để loại trừ trách nhiệm dân sự được quy định tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Theo các quy định của BLDS 2015, được xem xét là căn cứ miễn trừ TNBTTH cho người gây thiệt hại thì bản chất của quy định này lại phải hiểu theo nghĩa rộng hơn:

Thứ nhất, Điều 584 BLDS năm 2015 quy định: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại…”.

Thứ hai, điểm a, Khoản 3 Điều 601 khi quy định về trách nhiệm dân sự của chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải BTTH ngay cả khi không có lỗi trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.

Tương tự như vậy, khi Điều 603, Điều 604, Điều 605 cũng xác định nếu lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật, chủ sở hữu cây cối, chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác được miễn trừ toàn bộ trách nhiệm dân sự.

Các quy định trên đây đều thể hiện rõ việc chứng minh lỗi thuộc về người bị thiệt hại là nghĩa vụ của người gây thiệt hại. Quy định này phản ánh một thực tế là muốn được miễn trừ trách nhiệm dân sự phải chứng minh mình không có lỗi, điều này đồng nghĩa với việc chứng minh lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại.

2.5. Lỗi hoàn toàn thuộc về bên thứ ba

Khác với việc xác định lỗi hoàn toàn thuộc về bên bị thiệt hại như trên, BLDS 2015 còn dự liệu quy định một trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về bên thứ ba:

Một là, Khoản 2 Điều 596 BLDS 2015 quy định: “Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”. Theo quy định này, muốn áp dụng TNBTTH đối với một chủ thể thứ ba tức là người thứ ba hoàn toàn có lỗi để loại trừ TNBTTH của người đã trực tiếp gây ra thiệt hại phải thỏa mãn những điều kiện sau:

(i) Người thứ ba phải có lỗi cố ý ép, buộc người gây thiệt hại dùng rượu hoặc chất kích thích.

(ii) Người bị ép buộc dùng chất kích thích ngay lập tức bị lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi và gây thiệt hại.

Hai là, quy định tại Khoản 2 Điều 603: “Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải BTTH…”. Đối với thiệt hại do súc vật gây ra thường chủ sở hữu, người quản lý súc vật phải bồi thường. Tuy nhiên, nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ sở hữu và người quản lý tức là lỗi để cho chúng gây thiệt hại không thuộc về họ mà là người thứ ba thì họ phải chịu TNBTTH thay.

2.6. Có sự thỏa thuận giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại

Đối với việc miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng, hiếm khi thiệt hại xảy ra hay các thỏa thuận bị vi phạm dẫn đến có thiệt hại trong hợp đồng được bên có quyền miễn trừ toàn bộ trách nhiệm dân sự.

Thực tế, khi tham gia vào quan hệ hợp đồng thì các chủ thể trong quan hệ đó ít nhiều cũng hiểu được năng lực tham gia hợp đồng đó phía đối tác của mình, trách nhiệm dân sự được các chủ thể hướng tới để thỏa thuận thường mang tính chất ràng buộc trách nhiệm và hậu quả của sự vi phạm nghĩa vụ. Nên khi có sự vi phạm hoặc thiệt hại xảy ra việc miễn toàn bộ trách nhiệm dân sự là rất ít.

Nhưng đối với TNBTTH ngoài hợp đồng thì lại khác, mặc dù có thiệt hại xảy ra mới là tiền đề để áp dụng trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến khả năng các bên thỏa thuận và được miễn trừ toàn bộ trách nhiệm dân sự. Và về nguyên tắc, sự thỏa thuận đó phù hợp với quy định của pháp luật, đạo đức xã hội sẽ được pháp luật bảo đảm thực hiện.

Trên đây là nội dung về Các trường hợp miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về nội dung trên hoặc những vấn đề pháp luật khác, hãy liên hệ Luật Dương Gia qua Hotline 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon