Quyền con người của đối tượng này là một giá trị xã hội nhất định cần được ưu tiên bảo vệ. Có thể nói, bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội là chỉ số phản ánh tính dân chủ, nhân đạo của luật tố tụng hình sự. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề lý luận về bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự như khái niệm, ý nghĩa, các yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội.
1. Khái niệm
Quyền con người là một giá trị thiêng liêng và vĩnh cửu của nhân loại. Nó hiện hữu trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực tố tụng hình sự.
Tố tụng hình sự là một lĩnh vực rất nhạy cảm với khả năng xâm phạm đến quyền con người trong quá trình tiến hành điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.
Trong tố tụng hình sự, người bị buộc tội là nhóm đối tượng luôn được quan tâm đặc biệt bởi lẽ trong tương quan với hệ thống tư pháp của nhà nước, đối tượng trên luôn được nhìn nhận là nhóm yếu thế.
2. Ý nghĩa của bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự
Bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự có ý nghĩa quan trọng về chính trị, xã hội và pháp lý.
Về chính trị, bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội trong TTHS là thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ phát triển và bảo vệ đất nước, yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN đòi hỏi phải tiến hành cải cách tư pháp và vấn đề bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong TTHS được Đảng ta đặc biệt quan tâm.
Về mặt xã hội, bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội là thực hiện sự công bằng, dân chủ trong TTHS. Việc bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội sẽ tạo ra sự công bằng, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa bên buộc tội và bên bị buộc tội trong TTHS, qua đó bảo đảm công bằng trong xã hội.
Về mặt pháp lý, bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội nói riêng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nói chung là nhiệm vụ, mục tiêu của TTHS. Bản chất hoạt động TTHS là hoạt động thực hiện quyền lực Nhà nước mà trong đó luôn có sự xung đột của hai nhóm lợi ích- lợi ích công và lợi ích cá nhân.
Đối với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự có ý nghĩa định hướng và chỉ đạo trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự. Vì vậy, việc nắm rõ bản chất, ý nghĩa của bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội sẽ giúp cho những người thực thi pháp luật tránh được những sai sót, vi phạm quyền con người.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội
3.1. Mô hình tố tụng
Trên thế giới có nhiều mô hình tố tụng, nhưng tiêu biểu và phổ biến là mô hình tố tụng tranh tụng và mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn (mô hình tố tụng hình sự xét hỏi). Mỗi mô hình tố tụng hình sự ưu thế và đặc điểm riêng. Hai mô hình tố tụng đều có mục đích tìm ra sự thật của vụ án nhưng khác nhau ở chỗ cách thức tìm ra sự thật của vụ án.
Tuy nhiên nếu xét theo yêu cầu hiệu quả đấu tranh với tội phạm thì mô hình TTHS kiểm soát và hình thức tố tụng hỗn hợp có nhiều ưu điểm hơn.”. Do vậy, mô hình tố tụng là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội trong TTHS.
3.2. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Có thể nói yếu tố con người có tính quyết định trong việc đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Con người- đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tư pháp- đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động nói chung, trong việc bảo vệ quyền con người nói riêng, vì suy cho đến cùng tất cả pháp luật, cơ chế, biện pháp đều là sản phẩm của con người.
Song song với việc bảo đảm trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm và lương tâm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng là yếu tố quyết định chất lượng công việc.
Giữ gìn được tư cách đạo đức trong sạch, lương tâm nghề nghiệp, vượt qua được những cám dỗ về vật chất các cán bộ tư pháp có thể hoàn thành tốt công việc của mình, một mặt xử lý nghiêm minh vụ án hình sự, mặt khác bảo đảm quyền con người.
3.3. Người tham gia tố tụng
Người tham gia tố tụng có vai trò nhất định việc bảo đảm quyền con người của bị buộc tội, đặc biệt là người bào chữa, người đại diện của người bị buộc tội chưa thành niên, người phiên dịch. Sự tham gia của người bào chữa trong tố tụng hình sự thúc đẩy công tác điều tra xét xử được đầy đủ và khách quan hơn.
Đi đôi với đảm bảo chất lượng, người bào chữa phải có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp. Hoạt động trên cơ sở tôn trọng pháp luật, đạo đức nghề nghiệp với tinh thần trách nhiệm cao, người bào chữa có thể hỗ trợ một cách đắc lực cho người bị buộc tội, góp phần bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội.
3.4. Cơ cấu tổ chức và hoạt động cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền tố tụng là hoạt động trực tiếp liên quan đến các quyền tự do dân chủ của cá nhân, đến việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân nên có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người. Hoạt động của cơ quan này chỉ phát huy được tính hiệu quả khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có cơ cấu tổ chức hợp lý khoa học.
Đối với Tòa án nhân dân: Tòa án có vị trí trung tâm trong hệ thống tư pháp, vị trí đó “bắt nguồn từ vai trò duy trì và bảo đảm công lý và những quyền hiến định và hợp pháp của con người, của công dân.
Đối với Viện kiểm sát: Viện kiểm sát là cơ quan nhà nước thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự và thực hiện quyền công tố. Vì thế hoạt động của Viện kiểm sát có một vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động TTHS, vì Tòa án chỉ xét xử các vụ án hình sự khi có sự truy tố một người phạm tội ra trước Tòa án của Viện kiểm sát. Hay nói cách khác là trong TTHS không có việc truy tố của VKS thì không có việc xét xử án hình sự.
Đối với cơ quan điều tra: Mô hình hoạt động của cơ quan điều tra là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động điều tra tội phạm. Mô hình tổ chức cơ quan điều tra phải hợp lý, bảo đảm không bị chồng chéo thẩm quyền điều tra đồng thời phải xuất phát từ cơ sở khoa học của hoạt động điều tra tội phạm.
3.5. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Đảm bảo quyền con người trong TTHS có mối quan hệ mật thiết với trình độ nhận thức và ý thức pháp luật của con người. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những vi phạm về quyền con người có thể xảy ra đó là trình độ nhận thức pháp luật của một bộ phận nhân dân chưa được đầy đủ, ý thức pháp luật chưa cao.
Do đó, người bị buộc tội và người đại diện hợp pháp, người bào chữa phải hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào tiến trình tố tụng hình sự
Vì vậy, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật để người tham gia tố tụng có khả năng tự bảo vệ mình và đánh giá tính hợp pháp trong hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền tố tụng là một việc quan trọng và cấp thiết.
3.6. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động tố tụng
Quyền con người của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự có được bảo đảm hay không còn phụ thuộc một phần không nhỏ vào cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động tố tụng.
Do đó, nâng cấp, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại sẽ giúp hoạt động điều tra diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn, đồng thời hạn chế được khả năng xâm hại đến các quyền con người của người bị buộc tội.
3.7. Cơ chế xử lý hành vi vi phạm quyền con người của người bị buộc tội
Cơ chế xử lý hành vi vi phạm quyền con người là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội trong TTHS. Về nguyên tắc, hành vi vi phạm quyền con người bị xử lý một cách thích đáng, kịp thời mới có tác dụng răn đe những người khác không thực hiện hành vi tương tự. Đồng thời, nó giúp người bị xâm phạm tin tưởng vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
Do vậy, việc hình thành và vận hành cơ chế xử lý hành vi vi phạm quyền con người có vai trò quyết định hiệu quả của bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội trong TTHS. Cơ chế xử lý hành vi vi phạm con người bao gồm các cơ chế quốc tế, cơ chế khu vực và cơ chế quốc gia. Cơ chế quốc tế xử lý hành vi vi phạm quyền con người được thực hiện thông qua tòa án và các thiết chế quốc tế khác như ủy ban, các cơ quan hành chính của Liên Hợp Quốc.
Trên đây là nội dung về Bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội trong Tố tụng hình sự. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về nội dung trên hoặc những vấn đề pháp luật khác, hãy liên hệ Luật Dương Gia qua Hotline 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ.