Các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện. Khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện không đúng quy định

cac-truong-hop-toa-an-tra-lai-don-khoi-kien

Hiện nay, bất cứ cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức, cơ quan nào nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng do pháp luật quy định. Đơn khởi kiện là cách thức để đương sự yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình. Tuy nhiên, không phải đơn khởi kiện nào cũng sẽ thụ lý giải quyết. Tùy từng trường hợp, Tòa án sẽ xem xét rồi mới quyết định thụ lý hay yêu cầu bổ sung hoặc trả lại đơn khởi kiện.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
  • Luật khiếu nại số 02/2011/QH13 năm 2011;
  • Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14;

1. Các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện

Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Chánh án tòa án nhân dân sẽ ra Quyết định phân công Thẩm phán để xem xét, giải quyết vụ việc. Trường hợp nếu có đủ căn cứ, đúng thẩm quyền giải quyết, đầy đủ hồ sơ, tài liệu kèm theo… Thẩm phán sẽ ra thông báo về việc nộp tiền tạm ứng án phí. Sau đó, ra Thông báo thụ lý vụ án sau khi người nộp đơn nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án dân sự.

Trong một số trường hợp nhất định, Thẩm phán được phân công sẽ trả lại đơn khởi kiện căn cứ tại theo khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Theo đó, một số trường hợp trả lại đơn khởi kiện cụ thể như sau:

– Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật này hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

Đây là một trong những trường hợp khá phổ biến, có thể người nộp đơn là người chưa thành niên, chủ đủ độ tuổi theo quy định hoặc người bị mất năng lực hành vi dân sự… Lúc này, tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có thể thông qua người giám hộ, người đại diện… để tiến hành nộp lại đơn.

– Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.

– Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;

Một số vụ việc sau khi được tòa án thụ lý, giải quyết, xét xử theo quy định, một trong các bên không đồng ý với Quyết định, Bản án nhưng vì nhiều lý do khác nhau không làm thủ tục kháng cáo phúc phẩm hoặc đã quá thời hạn kháng cáo lại tiếp tục nộp lại đơn khởi kiện để đề nghị giải quyết lại. Đối với trường hợp này đương nhiên Tòa án sẽ trả lại đơn. Trường hợp có căn cứ, nguyên đơn có thể đề nghị giải quyết theo thủ tục tái thẩm hoặc giám đốc thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

– Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 195 của Bộ luật này mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng;

Đối với trường hợp hết thời hạn, người nộp đơn khởi kiện phải chứng minh được việc mình nộp tiền tạm ứng án phí chậm là do vấn đề trở ngại khách quan hoặc do các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, bãi lụt, dịch bệnh, theo quyết định, văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc hạn chế hoặc không ra khỏi nhà. Ví dụ như việc giãn cách theo hướng dẫn của Chính phủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong đợt dịch bệnh Covid 19 vừa qua có thể được xem là trường hợp bất khả kháng dẫn đến việc nộp muộn mà không bị trả lại đơn khởi kiện.

– Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;

Trường hợp này người nộp đơn có thể nộp lại tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định, cụ thể là theo cấp xét xử (cấp tỉnh hoặc cấp huyện), theo lãnh thổ, nơi ký kết hợp đồng, nơi thực hiện hợp đồng…

– Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 193 của Bộ luật này.

Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện.

– Người khởi kiện rút đơn khởi kiện.

Trường hợp này chỉ áp dụng đối với vụ việc người nộp đơn rút đơn tự nguyện, theo đúng ý chí, nguyện vọng của mình, không áp dụng đối với việc bị lừa dối, ép buộc phải rút đơn.

Như vậy, khi thuộc một trong các trường hợp quy định trên đây thì thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn.

2. Khiếu nại việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện là không có căn cứ theo luật định

Nếu xét thấy việc Tòa án đưa ra quyết định trả lại đơn khởi kiện khi không vi phạm vào các điều quy định tại khoản 1 Điều 192 BLTTDS và các điều luật khác có liên quan theo luật định. Việc bác đơn, trả lại đơn khởi kiện ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của mình thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều 499 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

Trong thời hạn là 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại. Đối với khiếu nại lần đầu, người khởi kiện khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện lên Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp.

3. Vụ việc Tòa án nhân dân trả lại đơn khởi kiện không có căn cứ

3.1. Tóm tắt nội dung vụ việc

Nguyên đơn là ông N. V. T khởi kiện vợ chồng ông N.T tại TAND huyện X. Nguyên đơn là chủ đất, người có quyền sử dụng đối với thửa đất số 148, tờ bản đồ số 01, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số DDxxxx do ủy ban huyện X cấp ngày 16/11/2004 với diện tích 432 m2.

Hàng xóm là vợ chồng ông N.T trong quá trình xây dựng công trình trái phép là trụ bê tông lợp mái tôn, lấn chiếm qua đất của ông N.V.T . Diện tích mà phần công trình lấn sang đất ông N.V.T khoảng 2,5m2 trong đó chiều dài là 5m và rộng là 0,5m.

Tháng 03/2022, ông N.V.T xây tường rào trên phần đất của mình thì vợ chồng ông N.T có hành vi gây cản trở không cho thực hiện xây dựng. Nhiều lần ông N.V.T yêu cầu vợ chồng ông N.T tháo dỡ công trình lấn chiếm nhưng không đồng ý. Vụ việc đã hòa giải tại ủy ban nhân dân xã. Đại diện UBND có yêu cầu vợ chồng ông N.T tháo dỡ nhưng ông không chấp nhận. Vì vậy, ông N.V.T nộp đơn khởi kiện lên TAND huyện X vào ngày 06/06/2022 yêu cầu tòa xem xét giải quyết các vấn đề sau:

Buộc vợ chồng ông N.T phải tháo dỡ 2,5m2 (0,5m x 5m) công trình trụ bê tông, mái lợp tôn đã xây dựng, lấn chiếm qua đất của ông N.V.T

Buộc vợ chồng N.T phải chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất, hành vi không cho ông N.V.T xây dựng trên đất của chính ông đã được cấp giấy chứng nhận.

3.2. Quá trình tố tụng

Sau khi nộp đơn khởi kiện và các hồ sơ liên quan đến vụ việc thì nguyên đơn có nhận được Thông báo số 19/TB-TA đề ngày 20/06/2022 của TAND huyện X về việc yêu cầu đề nghị phải “Xác định giá trị tạm tính của phần đất ông N.V.T bị vợ chồng ông N.T lấn chiếm là bao nhiêu tiền”. Nhận được thông báo này, ông N.V.T đã gửi văn bản phản hồi về Tòa án về việc yêu cầu bổ sung giá trị đất bị lấn chiếm là không đúng quy định.

Tiếp đó bên nguyên đơn tiếp tục nhận được Văn bản số 144/CV-TA đề ngày 07/06/2022 yêu cầu xác định giá trị tạm tính của phần đất của nguyên đơn là bao nhiêu tiền căn cứ vào quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

Ngày 06/08/2022, Tòa án nhân dân ra Thông báo số 34 /TB-TA đề ngày 01/08/2022 về việc trả lại đơn khởi kiện của ông N.V.T.

3.3. Nhận định vụ việc và kết quả giải quyết

Căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS thì việc thẩm phán trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn khi không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo thông báo đã gửi là đúng với luật định. Tuy nhiên, căn cứ khoản 1 Điều 5 BLTTDS thì nguyên đơn có quyền quyết định và tự định đoạt đương sự và TA có thẩm quyền chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện đó. Cho nên việc ra thông báo yêu cầu bổ sung của thẩm phán là không đúng với quan hệ tranh chấp, vượt quá phạm vi giải quyết đối với phạm vi khởi kiện của nguyên đơn nên trường hợp này Thẩm phán không có quyền bác đơn, trả lại đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Trong đơn khởi kiện nguyên đơn đã nêu rõ ra 2 yêu cầu muốn Tòa án giải quyết, không bao gồm việc phải xác định giá trị số tiền phần đất của ông N.V.T do vợ chồng ông N.T lấn chiếm. Vậy việc yêu cầu bổ sung của Tòa án là vượt quá phạm vi trong đơn khởi kiện và nguyên đơn có quyền không bổ sung.

Ngoài ra, việc xác định và nộp tạm ứng án phí khởi kiện sẽ được áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án chứ không phải cơ sở pháp lý như thông báo số 144 tại điểm b, khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

Việc Tòa án không tiếp tục thụ lý, căn cứ vào khoản 1 Điều 499 Bộ luật tố tụng dân sự thì cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân đó. Vì vậy, trường hợp này ông N.V.T có quyền khiếu nại thẩm phán, người ra quyết định trả lại đơn khởi kiện của mình.

Khi khiếu nại thì người khiếu nại sẽ có quyền được quy định tại khoản 1 Điều 500 BLTTDS và có các nghĩa vụ như phải khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết, trình bày sự việc một cách trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó…

Sau khi mở phiên họp xét việc khiếu nại của Tòa án nhân dân cấp huyện, nếu không đồng ý với kết quả giải quyết, người nộp đơn có quyền tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên Tòa án nhân dân cấp tỉnh để đề nghị xem xét, giải quyết.

Trong trường hợp này, Chánh án TAND thành phố Y sau khi xem xét đã chấp nhận đơn khiếu nại của nguyên đơn và ra Văn bản, yêu cầu TAND huyện X nhận lại đơn kiện và tiến hành thụ lý vụ án theo đúng quy định.

Trên đây là vụ việc dân sự mà nguyên đơn bị trả đơn khởi kiện không có căn cứ. Trường hợp cần tư vấn, hỗ trợ các thủ tục tố tụng dân sự, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty luật TNHH Dương Gia theo hotline 19006586 để được giải đáp.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon