Trong đời sống kinh tế – xã hội, việc thỏa thuận giữa các bên để thực hiện một công việc nhất định là điều không thể thiếu. Những cam kết này giúp các bên đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và tạo sự minh bạch trong quá trình hợp tác. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro và tranh chấp có thể phát sinh, các bên cần xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mình ngay từ đầu. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp các giao dịch diễn ra thuận lợi, đảm bảo lợi ích của các bên liên quan. Chính vì vậy, qua bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ làm rõ về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ.
Căn cứ pháp lý:
1. Hợp đồng dịch vụ là gì?
Dịch vụ trong kinh tế học, được hiểu là những thứ tương tự như hàng hóa nhưng là phi vật chất. Dịch vụ đóng vai trò cung cấp nguyên liệu vật tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho ngành kinh tế, tạo ra mối liên hệ giữa các ngành sản xuất trong và ngoài nước, đồng thời tạo ra nhiều việc làm, đem nguồn thu nhập cho người dân.
Theo đó, tại Điều 513, Bộ luật dân sự năm 2015 định nghĩa về hợp đồng dịch vụ như sau:
“Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”
Hợp đồng dịch vụ được giao kết dựa trên các nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng. Hợp đồng giao kết không được trái với quy định của pháp luật, đạo đức xã hội
2. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng dịch vụ
– Bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện các hành vi pháp lí nhất định và giao kết quả cho bên thuê dịch vụ
– Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng có đền bù
Bên thuê dịch vụ phải trả tiền công cho bên cung ứng dịch vụ, khi bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện công việc và mang lại kết quả như đã thỏa thuận.
– Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng song vụ.
Bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện các hành vi pháp lí theo yêu cầu của bên thuê dịch vụ, bên thuê dịch vụ có nghĩa vụ tiếp nhận kết quả công việc và trả tiền công cho bên cung ứng dịch vụ.
3. Đối tượng của Hợp đồng dịch vụ
Căn cứ theo quy định tại Điều 514, Bộ luật Lao động 2015 quy định về đối tượng của hợp đồng dịch vụ như sau:
“Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”
Đối tượng của hợp đồng dịch vụ rất đa dạng và ở nhiều ngành dịch vụ khác nhau. Các đối tượng của hợp đồng dịch vụ đáp ứng điều kiện không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
Ví dụ các đối tượng của hợp đồng:
- Đối với dịch vụ tiêu dùng: dịch vụ cầm đồ, cho vay, dịch vụ sửa chữa, dịch vụ nhà hàng – khách sạn, dịch vụ cá nhân và cộng đồng…
- Đối với dịch vụ sản xuất: dịch vụ vận chuyển, dịch vụ bưu chính viễn thông, dịch vụ tài chính, tín dụng, đầu tư, tư vấn…
- Đối với dịch vụ cộng đồng: dịch vụ cung cấp kỹ thuật, công nghệ; dịch vụ giáo dục;; dịch vụ chăm sóc y tế; dịch vụ văn hóa, thể thao; dịch vụ công, đoàn thể và bảo hiểm…
4. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ
Khi giao kết hợp đồng dịch vụ, các bên cần hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình để đảm bảo thực hiện đúng thỏa thuận, tránh những tranh chấp không đáng có. Do đó, việc đọc kỹ nội dung, thương lượng cũng như nắm vững các điều khoản trong hợp đồng giúp các bên chủ động trong quá trình thực hiện, tránh vi phạm dẫn đến bị phạt hoặc gặp phải những rủi ro tài chính không mong muốn, đồng thời hạn chế tối đa các tranh chấp phát sinh.
4.1. Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ
Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ:
- Thực hiện công việc đúng theo cam kết: Bên cung cấp dịch vụ phải hoàn thành công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các điều khoản đã được hai bên thỏa thuận. Công việc phải đáp ứng tiêu chuẩn đặt ra và được thực hiện theo đúng quy định.
- Đảm bảo an toàn cho người và tài sản của bên sử dụng dịch vụ: Trong quá trình thực hiện công việc, bên cung ứng dịch vụ cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người, tài sản của khách hàng, tránh gây thiệt hại hoặc rủi ro không đáng có.
- Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm hợp đồng: Nếu bên cung cấp dịch vụ không thực hiện đúng các cam kết và gây ra thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo mức độ thiệt hại thực tế phát sinh.
Quyền của bên cung ứng dịch vụ:
- Nhận thù lao dịch vụ theo thỏa thuận: Bên cung cấp dịch vụ có quyền nhận tiền công hoặc một khoản thù lao tương ứng với công việc đã hoàn thành theo đúng các điều khoản của hợp đồng.
- Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin và phương tiện cần thiết: Để đảm bảo công việc được thực hiện đúng tiến độ và chất lượng, bên cung ứng dịch vụ có quyền yêu cầu khách hàng cung cấp các tài liệu, thông tin, phương tiện hỗ trợ cần thiết.
- Chủ động lựa chọn phương pháp, kỹ thuật thực hiện công việc: Trừ khi có quy định cụ thể trong hợp đồng, bên cung cấp dịch vụ được quyền tự do áp dụng các phương pháp, kỹ thuật phù hợp để hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất.
4.2. Quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ
Nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ:
– Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, trong trường hợp có thỏa thuận hoặc khi việc thực hiện công việc đòi hỏi. Bên sử dụng dịch vụ phải đảm bảo rằng các thông tin và tài liệu cung cấp đầy đủ, chính xác và phù hợp để bên cung ứng dịch vụ có thể thực hiện công việc một cách hiệu quả.
– Trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận. Bên sử dụng dịch vụ phải thanh toán đúng và đầy đủ số tiền đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ, theo các điều khoản và thời gian quy định.
– Không can thiệp vào quá trình thực hiện công việc của bên cung ứng dịch vụ, trừ khi có thỏa thuận khác. Bên sử dụng dịch vụ không được can thiệp, gây trở ngại hoặc làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện công việc của bên cung ứng dịch vụ, trừ khi có thỏa thuận khác đã được đồng ý trước đó.
Quyền của bên sử dụng dịch vụ:
– Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các điều khoản khác đã thỏa thuận. Bên sử dụng dịch vụ có quyền yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc một cách đáp ứng yêu cầu và đúng theo các tiêu chuẩn đã thỏa thuận trong hợp đồng.
– Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện công việc của bên cung ứng dịch vụ. Bên sử dụng dịch vụ có quyền kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện công việc, đảm bảo rằng công việc được thực hiện đúng theo yêu cầu và tiêu chuẩn đã thỏa thuận.
– Chấp nhận hoặc từ chối kết quả thực hiện công việc của bên cung ứng dịch vụ. Bên sử dụng dịch vụ có quyền chấp nhận kết quả công việc nếu đáp ứng yêu cầu đã thỏa thuận hoặc từ chối nếu không đáp ứng yêu cầu đó. Việc chấp nhận kết quả công việc phải dựa trên sự đánh giá công bằng và khách quan.
Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ. Trong trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, bên sử dụng dịch vụ có quyền chấm dứt thực hiện Hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại từ phía bên cung ứng dịch vụ. Trong trường hợp này, bên sử dụng dịch vụ có quyền chấm dứt hợp đồng một cách đơn phương và yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh do việc vi phạm từ phía bên cung ứng dịch vụ.
5. Quy định về trả tiền dịch vụ
Điều 519 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
– Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thỏa thuận.
– Khi giao kết hợp đồng, nếu không có thỏa thuận về giá dịch vụ, phương pháp xác định giá dịch vụ và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định căn cứ vào giá thị trường của dịch vụ cùng loại tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng.
– Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên sử dụng dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tóm lại, khi tham gia giao kết hợp đồng dịch vụ, việc nắm rõ quyền và nghĩa vụ không chỉ giúp các bên thực hiện đúng cam kết mà còn hạn chế tối đa rủi ro pháp lý và tài chính. Sự minh bạch trong thỏa thuận, cùng với ý thức tuân thủ hợp đồng, là yếu tố quan trọng để đảm bảo lợi ích chung và duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài
Trường hợp bạn đang còn thắc mắc về nội dung này cũng như các vấn đề có liên quan hoặc sử dụng dịch vụ pháp lý, liên hệ ngay Hotline để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất!
CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0931548999; 02367300899