Giao dịch dân sự có điều kiện

Giao dịch dân sự là hình thức giao dịch phổ biến, diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, các giao dịch dân sự ngày càng đa dạng, phức tạp. Do đó, trong một vài trường hợp thỏa thuận điều khoản về điều kiện làm trong giao dịch dân sự cần được thiết lập giúp các bên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như đạt được mục đích nhất định. Để hiểu rõ hơn về Giao dịch dân sự có điều kiện cùng với những quy định của pháp luật có liên quan, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

1. Quy định pháp luật về giao dịch dân sự

Theo Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Hay nói cách khác, giao dịch dân sự chính là sự kiện pháp lý làm phát sinh hậu quả pháp lý. Mà hậu quả pháp lý này có thể là làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các chủ thể trong việc xác lập giao dịch dân sự.

2. Quy định pháp luật về giao dịch dân sự có điều kiện

Không phải mọi giao dịch dân sự luôn làm phát sinh hậu quả pháp lý. Ngoài quy định về “Giao dịch dân sự” thì trong Bộ luật Dân sự 2015 còn có quy định về “Giao dịch dân sự có điều kiện”. Điểm khác biệt của “Giao dịch dân sự có điều kiện” so với các giao dịch dân sự thông thường chính là có thêm thỏa thuận về sự kiện được coi là điều kiện được các bên trong giao dịch dân sự đó xác lập nên.

Căn cứ theo Điều 120 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 120. Giao dịch dân sự có điều kiện

“1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ.

2. Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.”

Theo khoản 1 Điều này, khi và chỉ khi sự kiện được coi là điều kiện trong giao dịch dân sự xảy ra thì giao dịch dân sự đó mới phát sinh hiệu lực. Trong trường hợp này, nếu các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh nghĩa vụ trong hợp đồng dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, thì phần nghĩa vụ theo thỏa thuận sẽ được phát sinh, bên có phần nghĩa vụ phát sinh phải thực hiện đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Nhằm đảm bảo tính khách quan của điều kiện được áp dụng trong giao dịch dân sự có điều kiện, tại khoản 2 Điều này, pháp luật có quy định trường hợp có “hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp” của một bên trong giao dịch dân sự. Theo đó, trường hợp điều kiện mà phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên hoặc bên thứ ba thì mặc nhiên được coi điều kiện đó đã xảy ra. Nếu trong trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên hoặc bên thứ ba cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra, thỏa thuận giao dịch dân sự không phát sinh hiệu lực.

3. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự có điều kiện

Tuy nhiên, không phải mọi giao dịch dân sự cũng như mọi giao dịch dân sự có điều kiện khi xác lập đều có hiệu lực pháp luật. Bên cạnh nguyên tắc tôn trọng sự tự do, tự nguyện trong thỏa thuận giữa các bên thì pháp luật cũng có những quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự buộc chủ thể khi tham gia phải tuân thủ. Căn cứ theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự hay giao dịch dân sự có điều kiện có hiệu lực khi đủ các điều kiện sau:

Về chủ thể, chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

– Người từ đủ mười tám tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.

– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

– Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

– Người chưa đủ sáu tuổi khi xác lập giao dịch dân sự cần có người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

– Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

– Giao dịch dân sự của người theo quyết định của Tòa án tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

– Ngoài ra, các chủ thể như pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác khi tham gia vào các giao dịch dân sự phải thông qua người đại diện. Người đại diện có thể là đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền. Nhân danh chủ thể uy quyền. Người đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự theo đúng quy định pháp luật, trong phạm vi, nhiệm vụ được ủy quyền.

Về ý chí, chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện. Nếu các bên tham gia giao dịch dân sự không thỏa thuận được với nhau thì không thể đi đến thỏa thuận tự nguyện. Giao dịch dân sự vi phạm nguyên tắc tự nguyện của chủ thể không làm phát sinh hậu quả pháp lý.

Về mục đích và nội dung, giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch. Nội dung của giao dịch dân sự bao gồm các điều khoản thỏa thuận mà các bên đã giao kết. Mục đích và nội dung của giao dịch có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự muốn đạt được mục đích nhất định thì phải tiến hành cam kết, thỏa thuận rõ ràng về từng điều khoản trong giao dịch.

Trong một số trường hợp pháp luật có quy định thì hình thức của giao dịch dân sự là có thể được coi là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

Ngoài ra, để một giao dịch dân sự có điều kiện được pháp luật công nhận hợp pháp thì cần xem xét ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, những điều kiện trong giao dịch dân sự có điều kiện là những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai hay điều kiện đó phải có thể thực hiện được. Hay nói cách khác, những sự kiện này phải mang tính thực tế, có thể xảy ra, có thể đạt được. Đối với một sự kiện trong giao dịch dân sự mang tính phi thực tế, là điều mà chủ thể không thể thực hiện được thì sẽ không được pháp luật công nhận tính hợp pháp của giao dịch này.

Thứ hai, giao dịch dân sự có điều kiện không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Trường hợp, hợp đồng dân sự được xác lập chỉ phát sinh hiệu lực khi một bên chủ thể phải thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật như vận chuyển chất cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam,… thì pháp luật không công nhận tính hợp pháp của hợp đồng.

Thứ ba, theo quy định tại khoản 2 Điều 120 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên thì điều kiện trong giao dịch dân sự phải là sự kiện mang yếu tố khách quan, nếu xuất hiện bất kỳ một sự cố ý tác động nào của các bên nhằm giúp cho điều kiện xảy ra hoặc không thể xảy ra để đạt được ý muốn chủ quan của chủ thể trong giao dịch dân sự thì đều không được công nhận.

4. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

Căn cứ theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

Thứ nhất, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

Thứ hai, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

Thứ ba, bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

Thứ tư, bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Thứ năm, việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

5. Ví dụ về giao dịch dân sự có điều kiện.

Nguyễn Văn A có thỏa thuận giao kết hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn B với điều kiện ông Trần Văn B phải nhận được bằng cử nhân chuyên ngành Luật Kinh tế sau khi hoàn thành xong chương trình đại học. Trong trường hợp này, khi và chỉ khi điều kiện hợp đồng là việc ông Trần Văn B nhận được bằng cử nhân chuyên ngành Luật Kinh tế thì hợp đồng tặng cho trên mới phát sinh hiệu lực. Hay nói cách khác, sau khi điều kiện hợp đồng xảy ra thì ông Nguyễn Văn A phải thực hiện nghĩa vụ tặng cho quyền sử dụng đất lại cho ông Trần Văn B. Nếu trong trường hợp, ông Trần Văn B không được nhận bằng cử nhân chuyên ngành Luật Kinh tế vì lí do nào đó thì hợp đồng tặng cho trên vô hiệu.

Trên đây là nội dung tư vấn về quy định của pháp luật đối với hình thức giao dịch dân sự có điều kiện. Trường hợp cần tư vấn vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline: 19006568 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon