Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp?

quyen-va-nghia-vu-cua-ben-nhan-the-chap

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, giữa các chủ thể phát sinh ngày càng nhiều các giao dịch dân sự về số lượng, quy mô và đối tượng. Khi tham gia các giao dịch, để đảm bảo tuân thủ đúng, đủ những nội dung đã thỏa thuận và cam kết, các bên thường áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Trong đó, biện pháp thế chấp tài sản được một trong những biện pháp được ưa chuộng và được các bên lựa chọn để áp dụng cho các giao dịch dân sự nhiều nhất. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về biện pháp thế chấp tài sản, quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015.

1. Thế chấp tài sản là gì?

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thế chấp tài sản như sau:

Điều 317. Thế chấp tài sản

“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).”

Như vậy, thế chấp tài sản là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự do các bên thỏa thuận với nhau với mục đích phòng vệ nhằm giảm thiểu rủi ro khi có sự vi phạm nghĩa vụ dân sự bằng cách bên có nghĩa vụ cam kết dùng tài sản của mình thông qua việc chuyển giao hồ sơ pháp lý của tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự mà không phải chuyển giao tài sản đó. Biện pháp thế chấp tài sản có những đặc điểm sau:

– Thứ nhất, biện pháp thế chấp được phát sinh trên nhu cầu bảo đảm cho việc thực hiện một nghĩa vụ (đã có hoặc hình thành trong tương lai). Biện pháp thế chấp tài sản không tồn tại độc lập mà phụ thuộc và gắn liền với nghĩa vụ chính mà nó bảo đảm, thể hiện ở chỗ khi có quan hệ nghĩa vụ chính hoặc dự liệu cho một nghĩa vụ chính được hình thành thì các bên mới thỏa thuận thiết lập biện pháp thế chấp tài sản.

– Thứ hai, thế chấp là biện pháp bảo đảm mang tính bảo đảm đối vật. Điều này thể hiện ở việc bên nhận thế chấp có quyền chi phối tài sản thế chấp trong thời gian thực hiện nghĩa vụ và có quyền xử lý tài sản đó để khấu trừ nghĩa vụ khi có hành vi vi phạm xảy ra. Quyền lợi của bên nhận thế chấp không phụ thuộc vào hành vi thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp mà được bảo đảm bởi một tài sản cụ thể.

– Thứ ba, không có sự chuyển giao tài sản thể chấp. Trong quan hệ thế chấp, bên thế chấp không phải giao tài sản bảo đảm cho bên nhận thế chấp. Tính chất bảo đảm được xác định bằng việc bên thế chấp phải giao cho bên nhận thể chấp những giấy tờ chứng minh tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.

– Thứ tư, một tài sản thế chấp bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ (đối với chủ thể quyền khác nhau). Theo quy định tại khoản 1 điều 296 BLDS năm 2015: “Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.” Tuy nhiên, bên bảo đảm chỉ có thể lựa chọn thế chấp nếu muốn một tài sản bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền khác nhau. Vì bên nhận thế chấp không trực tiếp giữ tài sản bảo đảm, quyền lợi của tất cả các chủ nợ được bảo đảm bằng giá trị của tài sản đó.

– Thứ năm, nhiều loại giao dịch thể chấp là đối tượng bắt buộc của đăng ký giao dịch bảo đảm. Điều 4 nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm thì các loại giao dịch sau bắt buộc phải đăng ký: thế chấp quyền sử dụng đất; thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay và thế chấp tàu biển.

Như vậy, trong số năm loại giao dịch bảo đảm bắt buộc phải đăng ký thì có đến bốn loại là giao dịch thế chấp. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm tạo lợi thế ưu tiên thanh toán cho người đăng ký trước khi một tài sản dùng để đảm bảo cho nhiều giao dịch thường xảy ra phổ biến đối với tài sản thế chấp.

2. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp

2.1. Nghĩa vụ của bên nhận thế chấp

– Trả các giấy tờ cho bên thế chấp sau khi chấm dứt thế chấp đối với trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp.

Trường hợp bên thế chấp thực hiện xong nghĩa vụ hoặc các trường hợp khác do các bên thỏa thuận chấm dứt thế chấp, thì bên nhận thế chấp có nghĩa vụ hoàn trả giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nếu người nhận thế chấp giữ giấy tờ đó.

Nếu bên nhận thế chấp không trả giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp, bên thế chấp sẽ gặp khó khăn, thậm chí không thể đưa tài sản thế chấp vào lưu thông dân sự. Theo quy định của pháp luật, trong nhiều trường hợp, việc định đoạt tài sản hoặc đưa tài sản tham gia các giao dịch dân sự thì chủ sở hữu tài sản phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, ví dụ như tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở. Do vậy, để bảo đảm quyền của bên thế chấp, bên nhận thế chấp phải: “Trả các giấy tờ cho bên thế chấp sau khi chấm dứt thể chấp đối với trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thể chấp”.Trường hợp, cố tình không trả giấy tờ đó như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người thế chấp có quyền kiện đòi tài sản theo quy định Điều 168 BLDS năm 2015.

– Thực hiện thủ tục xử lý tài sản thế chấp theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Điều 299 Bộ luật dân sự 2015 quy định các trường hợp mà bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm. Các trường hợp này bao gồm: đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật; trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Theo đó, khi người thế chấp tài sản đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thoả thuận thì tài sản thế chấp được xử lý theo phương thức do các bên đã thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Căn cứ theo khoản 1 Điều 303 Bộ luật dân sự 2015 các bên có thể thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp bao gồm: bán đấu giá tài sản; bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; phương thức khác. Nếu các bên không thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo những phương thức trên thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2.2. Quyền của bên nhận thế chấp

– Quyền xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, yêu cầu bên thể chấp cung cấp thông tin về tình trạng tài sản, bảo toàn giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng.

Khi xác lập thế chấp, người nhận thế chấp có quyền kiểm tra, xem xét tài sản thế chấp, tham gia định giá tài sản thế chấp. Trong thời hạn thế chấp, người nhận thế chấp có quyền kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản của bên thế chấp, nếu bên thế chấp vi phạm nghĩa vụ sử dụng tài sản thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp khắc phục hậu quả do vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, khi kiểm tra giám sát việc sử dụng tài sản thế chấp không được gây khó khăn cho việc sử dụng, khai thác tài sản thế chấp.

Tài sản thế chấp phải bán được nếu bị xử lý thế chấp, cho nên trước và trong thời hạn thế chấp bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng của tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp biết. Trong thời hạn thế chấp, nếu tài sản có nguy cơ bị hư hỏng, giảm sút giá trị thì các bên thỏa thuận cùng tìm các biện pháp cần thiết cho phép để khắc phục hậu quả.

Trong thời hạn thế chấp, nếu tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị, giảm sút giá trị thì trước hết bên nhận thế chấp phải tự mình khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thiệt hại cho chính mình. Mặt khác, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn giá trị của tài sản thế chấp.

– Quyền đăng ký thế chấp, giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thể chấp.

Thế chấp tài sản là biện pháp bảo đảm quyền của bên nhận thế chấp, cho nên khi tham gia vào quan hệ dân sự, thương mại bên có quyền lựa chọn biện pháp bảo đảm phù hợp với tính chất của nghĩa vụ được bảo đảm. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình đối với tài sản thế chấp, đặc biệt là quyền truy đòi tài sản thế chấp và quyền ưu tiên thanh toán trước các chủ thể khác có liên quan, bên nhận thế chấp cần thực hiện việc đăng ký để xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba đối với biện pháp bảo đảm.

– Trong trường hợp luật định, việc đăng ký thế chấp còn là nghĩa vụ của các bên, đồng thời là điều kiện để hợp đồng thế chấp có hiệu lực pháp luật. Tài sản thế chấp là động sản, bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu, hoặc là hàng hóa khi thế chấp các bên có thể thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản nhằm kiểm soát việc định đoạt của bên thế chấp, ngăn ngừa bên thế chấp không thực hiện đúng thỏa thuận, cam kết khi xác lập thế chấp. Trường hợp pháp luật quy định thì không được giữ giấy tờ như xe máy, ô tô…

– Quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc bên thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý và quyền xử lý tài sản thế chấp.

Trường hợp bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp phải giao tài sản cho bên nhận thế chấp xử lý theo thỏa thuận hoặc theo pháp luật quy định. Bên nhận thế chấp không được phép tự cưỡng đoạt tài sản thế chấp nếu bên thế chấp hoặc người thứ ba không giao tài sản và phải yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Tài sản thế chấp bị xử lý trong các trường hợp quy định tại Điều 299 BLDS năm 2015. Người nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản thế chấp theo phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp. Nếu các bên không có thỏa thuận về xử lý tài sản thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bán đấu giá theo quy định của pháp luật…

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về biện pháp thế chấp tài sản, quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon