Thời hiệu khởi kiện hợp đồng

thoi-hieu-khoi-kien-hop-dong

Những vụ tranh chấp hợp đồng ngày càng có xu hướng gia tăng về số lượng cũng như độ phức tạp của vụ án. Đương sự muốn đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của mình thì sẽ khởi kiện. Hiện nay pháp luật hiện hành có quy định về thời hiệu khởi kiện hợp đồng. Quy định này như thế nào thì không phải ai cũng nắm rõ về vấn đề này. Bài viết của Luật Dương Gia dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về thời hiệu khởi kiện hợp đồng.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật dân sự 2015;
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

1. Khái niệm thời hiệu khởi kiện hợp đồng

Căn cứ theo khoản 1 Điều 149 Bộ luật dân sự 2015 thì:

“Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.
Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.”

Thời hiệu khởi kiện dân sự được tính như sau:

– Đối với các vụ án dân sự, thời hiệu bắt đầu tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

– Đối với các yêu cầu giải quyết việc dân sự thời hiệu được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.

Thời hiệu được chia làm 4 loại:

– Thời hiệu hưởng quyền dân sự  là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.

– Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.

– Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

– Thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.

  • Thời hiệu khởi kiện là gì?

Về khái niệm thời hiệu khởi kiện căn cứ tại khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự 2015

“Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.”

Bên cạnh đó tại Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định rõ về các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với việc các bên trong hợp đồng  khi yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản hay những yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

  • Thời hiệu khởi kiện hợp đồng là gì

Căn cứ theo Điều 429 Bộ luật dân sự 2015:

“Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”

Theo quy định của pháp luật như trên thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Nếu thuộc trong các trường hợp sau đây thì thời hiệu khởi kiện vụ án bắt đầu lại khi:

– Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

– Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

– Các bên đã tự hòa giải với nhau.

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định như trên.

Dưới góc độ pháp lý thì khởi kiện hợp đồng, tranh chấp hợp đồng là những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng giữa các bên về việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng. Từ đó, có thể đưa ra các đặc điểm của tranh chấp hợp đồng trong dân sự như sau:

Một là, có hợp đồng giữa các bên. Hợp đồng được giao kết theo 03 hình thức: lời nói, hành vi hoặc văn bản.

Hai là, khi tranh chấp phát sinh, sự thỏa thuận giữa các bên không còn tồn tại và thống nhất;

Ba là, chủ thể tranh chấp là chủ thể của hợp đồng được giao kết;

Bốn là, tranh chấp hợp đồng luôn gắn với lợi ích giữa các bên tranh chấp;

Năm là, có sự vi phạm nghĩa vụ hoặc một trong các bên cho rằng bên kia vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Quy định về thời hiệu khởi kiện hợp đồng

Hiện nay, các bên trong quan hệ hợp đồng thường tranh chấp những nội dung như thời điểm có hiệu lực của hợp đồng; thời điểm chuyển giao rủi ro; Thời điểm giao hàng, thời điểm thanh toán; quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng; giá cả, phương thức thanh toán; đối tượng của hợp đồng; số lượng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa hay là trách nhiệm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm,…

Theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết “tranh chấp hợp đồng” là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Căn cứ theo Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Chính vì vậy, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

Thứ nhất, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Thứ hai, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Thứ ba, trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

Thứ tư, chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Thứ sáu, người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:

Thứ bảy, người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;

Thứ tám, người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

3. Tòa án sẽ xử lý như thế nào khi hết thời hiệu khởi kiện

Căn cứ theo khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về việc trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện.

“1. Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:

a) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật này hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

b) Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;

c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;

d) Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 195 của Bộ luật này mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng;

đ) Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;

e) Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 193 của Bộ luật này.
Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.
Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện;

g) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện”

Theo quy định trên, khi chưa đủ điều kiện khởi kiện thì Tòa án sẽ không thụ lý vụ án mà sẽ trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp hết thời hiệu khởi kiện cũng là một trong những trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện theo quy định.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về thời hiệu khởi kiện hợp đồng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon