Chào bán cổ phần là gì? Chào bán cổ phần riêng lẻ

chao-ban-co-phan-la-gi-chao-ban-co-phan-rieng-le

Chào bán cổ phần và chào bán cổ phần riêng lẻ là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ có những quy định điều kiện chào bán cổ phần, cổ phiếu riêng lẻ một cách hợp pháp. Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ phân tích các điều kiện cũng như nêu rõ các quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 những vấn đề như: Thế nào là Chào bán cổ phần? Thế nào là chào bán cổ phần riêng lẻ? Về việc chào bán cổ phần và cổ phần riêng lẻ cần những điều kiện nào? Đồng thời cũng Luật Dương Gia cũng cung cấp một số các quy định về hồ sơ, thủ tục pháp lý đối với doanh nghiệp muốn chào bán cổ phần nhằm mục đích tăng vốn điều lệ.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp năm 2020;
  • Luật chứng khoán 2019;
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
  • Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán.

1. Chào bán cổ phần là gì?

Căn cứ Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định khái niêm chào bán cổ phần như sau:

Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ. Công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần.

Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo các hình thức sau đây:

– Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

– Chào bán cổ phần riêng lẻ.

– Chào bán cổ phần ra công chúng.

2. Chào bán cổ phần riêng lẻ

Chào bán cổ phần riêng lẻ là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ.

Căn cứ điều 125 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ như sau:

“Chỉ quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng”

Công ty đại chúng là gì: Theo khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán 2019, quy định về công ty đại chúng như sau:

– Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

+ Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;

+ Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này.

Như vậy, công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng là công ty không thuộc hai trường hợp trên.

3. Điều kiện để thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ

Căn cứ Khoản 1 điều 125 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định điều kiện để chào bán Cổ phần riêng lẻ như sau:

Thứ nhất, không chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng

Không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để chào bán

Thứ hai, chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp

Số lượng nhà đầu tư khi thực hiện chào bán bị giới hạn số lượng dưới 100 nhà đầu tư.

4. Thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng

Theo Khoản 2 Điều 125 Luật Doanh nghiệp 2020, việc chào bán cổ phần riêng lẻ trong công ty cổ phần không phải công ty đại chúng được quy định như sau:

Bước 1: Công ty quyết định phương án chào bán cổ phần riêng lẻ

Phương án chào bán gồm thông tin về loại, số lượng, mệnh giá cổ phần được chào bán, cách thức, điều kiện chuyển nhượng, cách thức, thời hạn thanh toán.

Bước 2: Thực hiện quyền ưu tiên mua cổ phần

Sau khi công ty quyết định phương án chào bán cổ phần riêng lẻ, thì cổ đông của công ty phải thực hiện quyền ưu tiên mua cổ phần.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 124 thì quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông hiện hữu quy định như sau:

– Công ty phải thông báo bằng văn bản đến cổ đông hiện tại của công ty theo phương thức để bảo đảm đến được địa chỉ liên lạc của họ trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần;

– Nội dung thông báo phải đầy đủ phải gồm họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của cổ đông tại công ty; tổng số cổ phần dự kiến chào bán và số cổ phần cổ đông được quyền mua; giá chào bán cổ phần; thời hạn đăng ký mua; họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty. Kèm theo thông báo phải có mẫu phiếu đăng ký mua cổ phần do công ty phát hành. Trường hợp phiếu đăng ký mua cổ phần không được gửi về công ty đúng hạn theo thông báo thì cổ đông đó coi như đã không nhận quyền ưu tiên mua;

–  Cổ đông có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác.

Bước 3: Đăng ký thay đổi đăng ký kinh doanh tăng vốn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Do việc chào bán cổ phần riêng lẻ làm tăng vốn điều lệ, nên trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần công ty phải thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Cụ thể tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định:

Hồ sơ tăng vốn do chào bán cổ phần riêng lẻ:

Trường hợp Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ, đồng thời giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần, kèm theo Thông báo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ phải có các giấy tờ sau đây:

+ Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký.

+ Nghị quyết và bản sao biên bản họp Đại hội đồng cổ đông về việc chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ, trong đó nêu rõ số lượng cổ phần chào bán và giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần;

+ Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng quản trị công ty cổ phần về việc đăng ký tăng vốn điều lệ công ty sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần.

Hình thức nộp hồ sơ:

Theo Khoản 1 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, người nộp hồ sơ có thể chọn một trong ba hình thức sau:

– Nộp hồ sơ bản giấy trực tiếp tại Bộ phận một cửa – Phòng ĐKKD thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi công ty đặt trụ sở chính;

– Nộp bản giấy qua dịch vụ bưu chính.

– Nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

5. Chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty đại chúng

5.1. Điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty đại chúng

Căn cứ vào Khoản 1 điều 31 Luật chứng khoán 2019 quy định về điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng bao gồm:

Một là, Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chàbán; xác định rõ tiêu chí, số lượng nhà đầu tư;

Hai là, Đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

Ba là, Việc chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu là 03 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu là 01 năm đi với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật;

Bốn là, Các đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất;

Năm là, Việc chào bán cổ phiếu, chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

5.2. Hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẽ đối với công ty đai chúng

Căn cứ tại Điều 43 Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng bao gồm những tài liệu sau:

Thứ nhất, Giấy đăng ký chào bán;

Thứ hai, Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán, trong đó phương án phát hành nêu rõ:

  • Mục đích chào bán;
  • Số lượng cổ phiếu chào bán;
  • Giá chào bán hoặc nguyên tắc xác định giá chào bán hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị xác định giá chào bán;
  • Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư;
  • Số lượng nhà đầu tư;
  • Nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và số lượng cổ phiếu chào bán cho từng nhà đầu tư hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

6. Lợi ích của doanh nghiệp khi thủ tục tục chào bán cổ phần riêng lẻ

Việc phát hành cổ phần riêng lẻ sẽ có hai lợi ích cơ bản:

– Giúp dòng tiền đầu tư của nhà đầu tư sẽ được chảy vào công ty mà không phải là các cổ đông của công ty như hình thức chuyển nhượng vốn.

– Nhà đầu tư/cổ đông cũng không phải chịu thuế khi thực hiện giao dịch thông qua thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ.

Trên đây là một số quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 về chào bán cổ phần và chào bán cổ phần riêng lẻ. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon