Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự

can-cu-mien-trach-nhiem-hinh-su

Miễn trách nhiệm hình sự là một trong những chế định quan trọng của pháp luật hình sự Việt Nam, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với người phạm tội và hành vi do họ thực hiện, đồng thời nhằm động viên, khuyến khích người phạm tội lập công chuộc tội, chứng tỏ khả năng giáo dục, cải tạo tốt, hòa nhập với cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội. Việc giải quyết tốt vấn đề trách nhiệm hình sự và áp dụng đúng đắn chế định miễn trách nhiệm hình sự trong thực tiễn sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan áp dụng pháp luật đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ có hiệu quả các lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

1. Các trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự

Khoản 1 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về căn cứ đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự, cụ thể:

– Khi tiến hành điều tra truy tố hoặc xét xử do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Tội phạm là một hiện tượng xã hội nên nó cũng có tính lịch sử, vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, do yêu cầu của xã hội và các quy định của pháp luật thi hành vi đó cần phải xử lý bằng biện pháp hình sự, nhưng sau đó, khi các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện chức năng của mình để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội thì tình hình xã hội đã thay đổi, Nhà nước thấy không cần phải xử lý người có hành vi phạm tội trước đó bằng biện pháp hình sự nữa. Sự chuyển biến của tình hình là sự chuyển biển về tất cả các mặt của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật,…

Căn cứ để xác định do chuyển biến tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là những quy định của Nhà nước có liên quan đến hành vi phạm tội, các quy định này nhất thiết phải bằng văn bản có tính pháp quy, bao gồm Hiến pháp, luật, pháp lệnh, quyết định, nghị quyết của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của các bộ hoặc cơ quan ngang bộ và trong một số trường hợp có thể là nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh hoặc quyết định của chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, nếu các quyết định này không trái với Hiến pháp và pháp luật. Nếu sự chuyển biến của tình hình và tình hình đó tuy có liên quan đến tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội đã xảy ra nhưng chưa được Nhà nước quy định thì người có hành vi phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự như các trưởng hợp phạm tội khác.

– Khi có quyết định đại xá:

Đại xá là việc miễn trách nhiệm hình sự đối với một loại tội phạm nhất định. Văn bản đại xá có hiệu lực đối với những hành vi phạm tội được nêu trong văn bản đó xảy ra trước khi ban hành văn bản đại xá thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu đã khởi tố, truy tố hoặc xét xử thì phải đình chỉ, nếu đã chấp hành xong hình phạt thì được coi là không có án tích

Theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền quyết định đại xá. Thông thường quyết định đại xá được ban hành nhân dịp những sự kiện trọng đại nhất của đất nước, biểu hiện sự nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội.

2. Các trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự

Các trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể:

– Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa phải được hiểu là do tình hình đời sống, chính trị, xã hội thay đổi nên người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa chứ không phải do nỗ lực của bản thân họ, khi phạm tội họ là người như thế nào thì vẫn như vậy. Hoặc khi xảy ra một sự việc quan trọng cần sự đóng góp của họ để hoàn thành công việc. Tuy nhiên để xác định chính xác trường hợp này trên thực tế rất phức tạp, có nhiều người lầm tưởng sự nỗ lực của bản thân người phạm tội nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và đã miễn trách nhiệm hình sự cho họ.

– Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.

Người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa là người mắc một trong các bệnh mà y học coi đó là bệnh hiểm nghèo như bị ung thư, teo não, HIV ở giai đoạn AIDS, nhiễm vi rút kháng thuốc như NDM-1, lao phổi ở giai đoạn cuối, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…

Tuy nhiên, không phải trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo nào cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự, mà phải có thêm điều kiện là không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa như phải nằm liệt giường có người chăm sóc, tức là họ không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa thì mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Còn đối với người tuy mắc bệnh hiểm nghèo nhưng họ vẫn còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội thì không được miễn trách nhiệm hình sự.

– Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Tự thú là tự khai ra hành vi phạm tội của mình với cơ quan có thẩm quyền. Việc người phạm tội tự khai ra hành vi phạm tội của mình với cơ quan có thẩm quyền là biểu hiện của sự ăn năn hối cải về việc làm sai trái của mình nên đáng được khoan hồng, nhưng mức độ khoan hồng tới đâu thì lại phải căn cứ vào chính sách hình sự của Nhà nước; căn cứ vào tính chất, mức độ hiểm nguy của hành vi phạm tội, hậu quả đã xảy ra, thái độ khai báo; sự góp phần vào việc phát hiện và điều tra tội phạm của người tự thú.

Như vậy, người tự thú có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có đủ những điều kiện sau:

+ Tội phạm mà người tự thú đã thực hiện chưa bị phát hiện, tức là chưa ai biết có tội phạm xảy ra hoặc có biết nhưng chưa biết ai là thủ phạm;

+ Người tự thú phải khai chính xác, đầy đủ sự việc, hành vi phạm tội của mình cũng như của những người đồng phạm, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, như chỉ nơi giấu chứng cứ, quá trình thực hiện hành vi phạm tội, những người liên quan và nơi trốn của người đồng phạm khác,… Nếu khai không rõ ràng hoặc khai báo không đầy đủ thì không được coi là tự thú để làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự.

+ Cùng với việc tự thú, người tự thú phải cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm như trả lại tài sản đã chiếm đoạt, thông báo kịp thời cho người bị hại biết những gì đang đe dọa tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc tài sản để họ đề phòng, đòi lại hoặc thu lại những nguồn nguy hiểm mà họ đã tạo ra cho người khác hoặc những lợi ích khác…

+ Ngoài việc tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm thì họ còn phải lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận thì mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Các điều kiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự là những điều kiện cần và đủ để các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét có miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội hay không, nếu thiếu một trong những điều kiện trên thị không được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

– Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

Điều kiện để người phạm tội có thể được miễn TNHS trong trường hợp này là khi hành vi họ gây ra cấu thành tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng (không phân biệt tội phạm do cố ý hay vô ý) gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, họ đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và được phía bị hại đề nghị hòa giải. Tuy nhiên, nếu người bị hại đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội mà cơ quan tiến hành tố tụng xét thấy không thể miễn được thì cũng nên coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, đồng thời giải thích cho người bị hại biết vì sao không miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội được.

Như vậy, trong các trường hợp quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng có miễn trách nhiệm hình sự hay không thì phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, chứ những trường hợp này, người phạm tội không đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon