Tội đầu cơ theo quy định của Bộ luật Hình sự

toi-dau-co

Đầu cơ là một hành vi trái pháp luật và được quy định trong bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Tội đầu cơ là tội phạm vật chất nghĩa là khi người phạm tội thực hiện hành vi và đã thu lợi bất chính với 1 số tiền nào đó. Hành vi thu lợi bất chính thể hiện rõ sự thiệt hại của những người bị thu lợi có thiệt hại về tài sản. Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu cụ thể hơn về tội đầu cơ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Căn cứ pháp lý

1. Khái niệm

Đầu cơ là sự thao túng để dành một món lợi nào đó được dự tính trong tương lai. Nói cách khác là việc mua, tích lũy quá mức một tài sản hoặc hàng hóa nào đó với hy vọng nó sẽ trở nên có giá trị ở tương lai gần. Trong thực tế lịch sử đã từng xảy ra nhiều vụ đầu cơ nhắm đến những cơ hội có lợi trên thị trường như chứng khoán, bất động sản, tiền tệ…

Đầu cơ hay hoạt động đầu tư sẽ hoàn toàn chính đáng và không có gì để nói nếu được diễn ra trong bối cảnh bình thường. Tuy nhiên việc đầu cơ quá mức những mặt hàng thiết yếu tại thời điểm khủng hoảng khan hiếm hoặc dịch bệnh có thể coi là một tội và người đầu cơ sẽ bị coi là tội phạm.

2. Dấu hiệu pháp lý

– Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội hoặc người có thẩm quyền thực hiện hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân thương mại nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.

– Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS và pháp nhân thương mại thoả mãn điều kiện được quy định tại Điều 75 Bộ luật này.

– Khách thể của tội phạm

Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại; cụ thể là trật tự quản lý việc lưu thông hàng hóa, chống đầu cơ trục lợi; đồng thời xâm hại đến lợi ích người tiêu dùng.

– Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hoá thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hoá được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính.

Về hoàn cảnh phạm tội, tội phạm đầu cơ chỉ có thể được thực hiện trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế và có sự khan hiếm (hoặc người phạm tội tạo ra sự khan hiếm giả tạo) về hàng hoá nào đó.

Tình hình thiên tai là tình hình xảy ra hiệu ứng của một tai biến tự nhiên như ngập lụt, lở đất do bão lũ, mưa lớn dẫn tới những thiệt hại, khó khăn đặc biệt đến sinh hoạt, đời sống của cộng đồng dân cư trong một khoảng thời gian và ở một khu vực nhất định.

Tình hình dịch bệnh là tình hình xảy ra bệnh truyền nhiễm (bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm) với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh bình thường trong một khoảng thời gian và ở một khu vực nhất định.

Tình hình chiến tranh là tình hình xảy ra chiến sự, xung đột vũ trang trong phạm vi khu vực, cả nước hoặc ngoài nước.

Tình hình khan hiếm hàng hoá là tình hình hàng hoá nào đó trên thị trường ở một khu vực nhất định còn rất ít so với nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Ví dụ: Do thiên tai nên xảy ra tình trạng khan hiếm các hàng hoá là nhu yếu phẩm thiết yêu cho cuộc sống của con người, như lương thực, thực phẩm,… ở một khu vực nhất định trong khoảng thời gian nhất định.

Lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hoá thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hoá được Nhà nước định giá mua vét hàng hoá được hiểu là người phạm tội đã dựa vào tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế và tình hình khan hiếm thật hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo về hàng hoá, như tung tin thất thiệt (sử dụng các trang mạng xã hội) để nhiều người tin là có sự khan hiếm hàng hoá nào đó; đồng thời dùng tiền mua với số lượng lớn, có thể mua một lần hoặc nhiều lần ở một hoặc nhiều địa phương, hàng hoá thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hoá được Nhà nước định giá khiến hàng hoá đó cạn kiệt trên thị trường, sau đó nâng giá hàng hoá đó quá cao để bán lại thu lợi bất chính.

Hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hoá thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hoá được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính cấu thành tội đầu cơ nếu hàng hoá mua vét trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc chưa đến 500.000.000 đồng nhưng thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên.

3. Hình phạt của tội đầu cơ

Căn cứ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về hình phạt đối với “Tội đầu cơ” như sau:

a) Hình phạt đối với người phạm tội

– Khung hình phạt tại khoản 1 Điều này

Người phạm tội bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;

– Khung hình phạt tại khoản 2 Điều này

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

+ Có tổ chức;

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi phạm tội.

+ Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức

Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để phạm tội là trường hợp người làm việc trong cơ quan, tổ chức hoặc được cơ quan, tổ chức giao làm việc gì đó đã sử dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi phạm tội.

+ Hàng hoá trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

+ Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

Đây là trường hợp thu được lợi ích vật chất không chính đáng từ việc phạm tội trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

– Khung hình phạt tăng nặng tại khoản 3 Điều này:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Hàng hoá trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;

+ Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

Đây là trường hợp thu được lợi ích vật chất không chính đáng từ việc phạm tội trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên.

+ Tái phạm nguy hiểm

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp phạm tội thoả mãn dấu hiệu được quy định tại khoản 2 Điều này.

Trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội đầu cơ được quy định tại một trong các điểm a, b khoản 3 Điều 196 Bộ luật này thì cùng với việc bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt “tái phạm nguy hiểm” theo điểm c khoản 3 Điều 196 Bộ luật này, người phạm tội còn phải bị áp dụng điểm tương ứng tại khoản 3 Điều này.

– Hình phạt bổ sung tại khoản 4

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

b) Hình phạt đối với pháp nhân thương mại tại khoản 5 Điều này.

– Hình phạt chính:
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 196 Bộ luật này thì bị xử phạt như sau:

+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 196 Bộ luật này thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng.

– Hình phạt bổ sung:

Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Trên đây là nội dung phân tích các quy định của pháp luật về “Tội đầu cơ”. Hy vọng bài viết này có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon