Thực tiễn đời sống về HN&GĐ cho thấy, từ nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau đã dẫn đến khá nhiều trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Thông thường, nếu không có tranh chấp liên quan đến xác định quan hệ nhân thân, giải quyết việc chia tài sản, xác định quyền thừa kế hoặc liên quan đến quyền lợi của các con thì các đương sự cũng không yêu cầu Tòa án xác định xem giữa họ “có hay không có” quan hệ vợ chồng. Khi đương sự có yêu cầu Tòa án xác định “có hay không có” quan hệ vợ chồng thông qua đơn yêu cầu của đương sự gửi đến Tòa án, họ phải cung cấp những tài liệu, chứng cứ liên quan đến quá trình chung sống với nhau như vợ chồng; những lý do mà họ không đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân (UBND) nơi cư trú của đương sự). Bởi nghĩa vụ chứng minh thuộc về các bên đương sự, theo quy định của pháp luật TTDS.
1. Giải quyết việc công nhận quan hệ vợ chồng tại Tòa án
Khi giải quyết, Tòa án dựa trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ mà đương sự cung cấp; cũng có thể cần xác minh cho cụ thể thông qua việc tìm hiểu, lấy lời khai. Thông tư số 60 – DS ngày 22/02/1978 của TANDTC hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về HN&GĐ của cán bộ, bộ đội ở miền Nam, đã có vợ, có chồng, sau năm 1954 tập kết ra miền Bắc mà lại lấy vợ lấy chồng khác. Từ các đương sự, những người có quyền và lợi ích liên quan hoặc xác minh vụ việc thông qua xác nhận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác như UBND, công an xã, phường nơi đương sự cư trú, sinh sống… để xác định.
Việc xác định “có hay không có” quan hệ vợ chồng của các cặp đôi nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có ý nghĩa rất quan trọng trong giải quyết các hệ quả pháp lý từ việc chung sống như vợ chồng đó. Bởi lẽ, trong lĩnh vực HN&GĐ, các quan hệ nhân thân chi phối, quyết định các quan hệ tài sản.
Trường hợp Tòa án công nhận là “có quan hệ vợ chồng” thì các quyền, nghĩa vụ của “cặp đôi” này được áp dụng, giải quyết như trường hợp có đăng ký kết hôn (quan hệ vợ chồng hợp pháp). Nghĩa là, giữa hai bên được công nhận là vợ chồng của nhau trước pháp luật.
Từ đó, giải quyết các vấn đề về bảo đảm quyền yêu cầu ly hôn; quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật đối với người “đang có vợ, có chồng” mà lại kết hôn với người khác; về tài sản chung (xác định tài sản, nguyên tắc chia tài sản chung); về thừa kế tài sản; xác định về nghĩa vụ của vợ, chồng đối với người thứ ba…như các trường hợp kết hôn khác.
2. Tình huống thực tiễn
Ví dụ: Anh T và chị X chung sống với nhau như vợ chồng; được hai bên gia đình tổ chức lễ cưới theo phong tục, tập quán từ ngày 22/12/1984. Sau ngày cưới, anh chị cùng sống chung với gia đình cha mẹ chồng. Cuộc sống chung của anh chị thuận hòa, hạnh phúc; giữa hai anh chị đã có hai con chung. Chị X sinh cháu M (1986), cháu N (1988). Đến năm 2018 thì phát sinh các tranh chấp giữa hai bên.
Đối với trường hợp này, Tòa án căn cứ vào các văn bản trên đây như Nghị quyết số 35/2000/QH10; Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT; Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT để công nhận là “có quan hệ vợ chồng” giữa hai anh chị và bảo hộ các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ vợ chồng. Có thể bao gồm các vụ việc liên quan đến yêu cầu của anh, chị:
a/ Trường hợp có mâu thuẫn sâu sắc, anh, chị có yêu cầu thuận tình ly hôn hoặc một bên yêu cầu ly hôn: Quyền yêu cầu ly hôn này sẽ được Tòa án chấp nhận và thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung cùng các vấn đề liên quan khác như xác định và chia tài sản chung giữa vợ chồng…
b/ Trường hợp anh T hoặc Chị X lại kết hôn với người khác với lý do là “hai người chưa đăng ký kết hôn, không phải là vợ chồng của nhau”, thì chị X, anh T và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 10 Luật HN&GĐ năm 2014 có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luât của anh T, chị X với người khác (trường hợp này TAND xác định anh T và chị X là vợ chồng của nhau; việc kết hôn sau của anh T, chị X với người khác dù có đăng ký kết hôn theo thủ tục pháp luật quy định vẫn bị coi là trái pháp luật);
c/ Trường hợp anh T, chị X chết trước. Ví dụ, anh T chết năm 2019 do bị tai nạn, thì Chị X có quyền thừa kế tài sản của anh T để lại, cùng với cha, mẹ và các con của anh T theo quy định của pháp luật về thừa kế…
3. Tòa tuyên không phát sinh quan hệ vợ chồng
Trường hợp không đủ điều kiện, căn cứ để Tòa án xác định là có quan hệ vợ chồng, tức là việc chung sống như vợ chồng của cặp đôi nam, nữ này không được công nhận là vợ chồng, sẽ dẫn theo hệ quả là không làm phát sinh “quan hệ vợ chồng” giữa họ. Tòa án áp dụng các cơ sở pháp lý khác để giải quyết các tranh chấp giữa các đương sự như không chấp nhận quyền yêu cầu ly hôn, yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật; xác định tài sản chung và chia tài sản chung (nếu có) giữa hai bên theo các quy định của pháp luật dân sự thuần túy (chia theo công sức đóng góp của mỗi bên); không chấp nhận quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế khi một bên chết.
Ví dụ: Anh K và chị H yêu nhau, thỏa thuận với nhau về chung sống như vợ chồng từ ngày 10/10/2014. (không đăng ký kết hôn). Cuộc sống chung của anh chị thời gian đầu rất hòa thuận, êm ấm. Anh chị đã có 01 con chung, chị H sinh cháu B năm 2008. Đến năm 2020, giữa anh chị phát sinh mâu thuẫn, các tranh chấp liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của anh chị sẽ được Tòa án giải quyết khi anh chị có yêu cầu.
Tuy nhiên, ở trường hợp này, Tòa án sẽ không công nhận anh chị “là vợ chồng của nhau” trước pháp luật. Vì vậy, nếu anh, chị có yêu cầu ly hôn, Tòa án sẽ không chấp nhận, không thụ lý giải quyết; Nếu một bên chết trước, bên còn sống không có quyền hưởng thừa kế tài sản do người chết để lại…
Tóm lại, các quy định hiện hành của pháp luật về HN&GĐ đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn đã tương đối cụ thể, là cơ sở pháp lý để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, TAND giải quyết có tính thống nhất, “đạt ,lý, thấu tình”; bảo đảm nguyên tắc pháp chế và quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Tài liệu tham khảo
- Hiến pháp năm 2013
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
- Luật hôn nhân và gia đình các năm 1959, 1986, 2000 và 2014
- Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về thi hành Luật HN&GĐ năm 2000
- Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của Chính phủ “Quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật HN&GĐ năm 2000
- Thông tư số 112-NCPL ngày 19/8/1972 của TANDTC hướng dẫn xử lý về mặt dân sự trường hợp vi phạm điều kiện kết hôn (theo Luật HN&GĐ năm 1959)
- Thông tư số 60 – DS ngày 22/02/1978 của TANDTC hướng dẫn giải quyết tranh chấp về HN&GĐ của đối tượng cán bộ, bộ đội ở miền Nam, có vợ, có chồng, sau năm 1954 tập kết ra miền Bắc mà lại lấy vợ, lấy chồng khác
- Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT – TANDTC – VKSNDTC – BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn áp dụng Nghị quyết số 35/2000/QH10
- Nghị quyết số 02/2000/HĐTP ngày 23/12/2000 của HĐTP TANDTC hướng dẫn TAND các cấp áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ năm 2000
- Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT – TANDTC – VKSNDTC – BTP ngày 06/01/2016 hướng dẫn áp dun gj một số Điều của Luật HN&GĐ năm 2014
- Giải quyết hậu quả pháp lý của trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn theo Luật HN&GĐ năm 2000, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường Đại học Luật Hà Nội,