Trong bối cảnh xã hội hiện đại, quan hệ hôn nhân đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình và cộng đồng. Mối quan hệ này được thiết lập dựa trên sự gắn kết về mặt tình cảm của đôi bên, tuy nhiên, khi một trong hai vợ hoặc chồng bị tuyên bố mất tích thì không chỉ gây ảnh hưởng đến cảm xúc và tâm lý của người còn lại mà còn đặt ra nhiều vấn đề pháp lý phát sinh.
Hơn thế, khi người bị tuyên bố mất tích quay trở về thì các vấn đề liên quan như nhân thân, tài sản sẽ được giải quyết như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia nghiên cứu và tìm hiểu rõ những khía cạnh xoay quanh vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Hôn nhân & Gia đình 2014;
1. Mất tích là gì? Điều kiện tuyên bố người mất tích
1.1. Khái niệm
Mặc dù các quy định pháp luật không định nghĩa cụ thể về khái niệm mất tích nhưng dựa trên những căn cứ liên quan đến vấn đề này có thể hiểu: “Mất tích” là tình trạng khi một cá nhân không có mặt tại nơi cư trú hoặc không thể liên lạc trong một khoảng thời gian dài mà không có lý do rõ ràng. Điều này được xác định chắc chắn khi đã áp dụng các biện pháp tìm kiếm và điều tra bởi cơ quan chức năng nhưng không tìm thấy và sau đó một thời gian cụ thể, họ có thể được tuyên bố là mất tích theo quy định pháp luật.
1.2. Điều kiện tuyên bố người mất tích
Tuyên bố mất tích là một quy trình pháp lý được cơ quan có thẩm quyền thực hiện khi một cá nhân không có mặt hoặc không thể liên lạc trong một khoảng thời gian nhất định
Cụ thể, căn cứ quy định tại Điều 68 Bộ luật dân sự 2015 thì:
“ Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.”
Như vậy, điều kiện tiên quyết của việc một người được xem là mất tích là một người phải biệt tích từ 2 năm liền trở lên và đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết.
Nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng
2. Những hệ quả pháp lý của việc tuyên bố một người mất tích theo quy định của pháp luật
2.1. Về tư cách thủ thể và quan hệ nhân thân
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 68. Tuyên bố mất tích
…2. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.”
– Về tư cách chủ thể: Với đối tượng đã biệt tích 2 năm liền trở lên, không có một tin tức nào về người đó còn sống hay đã chết. Khi tòa án ra quyết định tuyên bố mất tích, tạm thời tư cách chủ thể của người bị tuyên bố mất tích bị dừng lại và khi người đó trở về thì tư cách chủ thể của người đó tại có hiệu lực pháp lý.
– Về quan hệ nhân thân: Các quan hệ nhan thân của người bị tuyên bố mất tích cũng tạm dừng. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì tòa án giải quyết cho ly hôn
2.2. Về quan hệ tài sản
Căn cứ quy định tại Điều 69 Bộ luật Dân sự 2015 về việc quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích như sau:
“Điều 69. Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích
Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này.
Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.”
Theo đó, Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú thì tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi tòa án tuyên bố mất tích và thực hiện các quyền, nghĩa vụ. Trong trường hợp tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người bị mất tích giao cho con đã thành niên hoặc cha mẹ quản lý, nếu không có những ngươi này thì giao cho người thân thích của người bị mất tích quản lý, nếu không có ngươi thân thích thì tòa sẽ chỉ định người khác quản lý tài sản.
3. Quan hệ hôn nhân khi tuyên bố một người mất tích và khi người đó trở về
3.1 Quan hệ hôn nhân khi tuyên bố một người mất tích
Căn cứ quy định tại khoản 2 điều 68 BLDS 2015 thì:
“Điều 68. Tuyên bố mất tích
- Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.”
Theo đó, khi một người bị Tòa án tuyên bố mất tích thì quan hệ nhân thân của người đó cũng tạm dừng. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích yêu cầu xin ly hôn thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, và quan hệ hôn nhân khi đó sẽ chấm dứt, sau khi hoàn tất thủ tục thì vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích có thể kết hôn với người khác. Và việc đăng ký kết hôn lần hai, quy định về thủ tục cũng như thẩm quyền đăng ký kết hôn cũng tương tự với lần đầu.
3.2. Quan hệ hôn nhân khi người bị Tòa án tuyên bố mất tích trở về
Căn cứ quy định tại Điều 70 Bộ luật Dân sự 2015 về hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích:
“Điều 70. Hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích
- Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó.
- Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn thì dù người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật.”
Theo đó, người bị Tòa án tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực rằng người đó vẫn còn sống thì theo yêu cầu của người của người bị tuyên bố mất tích hoặc yêu cầu của người thân thích, người có quyền, lợi ích liên quan Tòa án sẽ ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích. Sau khi hủy bỏ quyết định nói trên thì tư cách chủ thể của người đó được khôi phục như ban đầu.
Đồng thời, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“ Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn”
Như vậy, khi trở về thì quan hệ nhân thân của người đó cũng được khôi phục. Tuy nhiên, trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn và đã được Tòa án giải quyết thì dù người đó có trở về hoặc có tin tức xác thực là còn sống thì quyết định cho ly hôn đó vẫn có hiệu lực. Nếu sau khi Tòa án giải quyết ly hôn mà vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân sau sẽ được công nhân. Ngược lại, nếu vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích không yêu cầu ly hôn thì khi người đó quay trở về, quan hệ hôn nhân cũng được khôi phục theo quan hệ nhân thân nêu trên.
Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến quan hệ hôn nhân sau khi người bị tuyên bố mất tích quay trở về. Luật Dương Gia hi vọng bài viết này sẽ giúp giải đáp những thắc mắc mà bạn đang gặp phải. Trong trường hợp bạn cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.