Kết hôn là việc thiết lập mối quan hệ hôn nhân một vợ một chồng khi đã thỏa mãn các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật. Quy định về điều kiện kết hôn là một trong những nội dung quan trọng của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, là chuẩn mực pháp lý để xác lập quan hệ hôn nhân và xây dựng gia đình theo khuôn mẫu nhất định, phù hợp với lợi ích chung của Nhà nước và xã hội. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về điều kiện kết hôn tại Việt Nam.
Căn cứ pháp lý:
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
1. Kết hôn là gì?
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng khi thỏa mãn các điều kiện kết hôn và thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Ở mỗi quốc gia, tùy theo điều kiện kinh tế – xã hội sẽ có quy định khác nhau về điều kiện kết hôn. Ở nước ta, khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.”
Theo đó, nam nữ khi kết hôn phải tuân thủ quy định về điều kiện kết hôn và đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì quan hệ hôn nhân đó mới được pháp luật công nhận.
2. Phân tích điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
2.1 Điều kiện về độ tuổi kết hôn
Độ tuổi là thước đo cho sự phát triển của con người, đảm bảo khả năng họ có thể thực hiện sứ mạng của mình là xây dựng gia đình và phát triển xã hội. Tuổi kết hôn được hiểu là tuổi mà một người được phép lấy chồng/vợ cũng như quyền làm hoặc buộc phải làm cha mẹ hoặc các hình thức khác đồng thuận khác. Độ tuổi kết hôn không chỉ căn cứ vào khả năng sinh sản của nam, nữ mà còn đảm bảo cho việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Đồng thời đảm bảo cho con cái sinh ra được khỏe mạnh cả về thể lực lẫn trí tuệ, có thể phát triển tốt để trở thành công dân có ích cho xã hội.
Độ tuổi kết hôn ở các quốc gia được quy định khác nhau. Tại Việt Nam, độ tuổi kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình mới nhất là từ đủ 20 tuổi đối với nam và từ đủ 18 tuổi đối với nữ. Quy định này được hiểu là nam, nữ đủ điều kiện kết hôn từ sau sinh nhật lần thứ 20 với nam và lần thứ 18 với nữ. Đây là một quy định có sự tiến bộ so với Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 khi quy định độ tuổi kết hôn là nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên.
– Trên thực tế, vẫn có những trường họp nam nữ lấy vợ lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Hiện tượng này được gọi là tảo hôn. Như vậy càn phải hiểu rằng tảo hôn không chỉ là việc nam nữ kết hôn trước tuổi luật định mà còn bao gồm cả trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng trước tuổi luật định. Theo điểm b khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 số 52/2014/QH13, “tảo hôn” được xác định là một trong các hành vi bị cấm. Vì vậy, kết hôn trước tuổi luật định sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2.2 Điều kiện về sự tự nguyện của nam, nữ trong kết hôn
Luật hôn nhân gia đình năm 2014 số 52/2014/QH13 quy định: “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định” (Điểm b khoản 1 Điều 8).
– Tự nguyện trong kết hôn trước hết phải thể hiện bằng ý chí chủ quan của người kết hôn. Hai bên nam, nữ yêu thương nhau và tự mình quyết định xác lập quan hệ hôn nhân nhằm mục đích xây dựng gia đình. Ý chí này của mỗi bên nam, nữ không bị tác động bởi một bên hoặc của người thứ ba.
– Tự nguyện kết hôn còn thể hiện bằng dấu hiệu khách quan. Người kết hôn phải bày tỏ mong muốn được kết hôn với nhau trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hành vi đăng ký kết hôn. Vì thế, khi đăng ký kết hôn yêu cầu phải cố mặt của hai bên nam, nữ.
Quyền kết hôn là quyền gắn liền với nhân thân của mỗi cá nhân. Do vậy việc kết hôn phải do người kết hôn tự nguyện quyết định. Tự nguyện kết hôn là đảm bảo để quan hệ hôn nhân được xác lập phù hợp với lợi ích của người kết hôn, là cơ sở để xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc và bền vững. Vì thế, Luật Hôn nhân và gia đình không quy định việc đại diện trong kết hôn đồng thời cấm hành vi cưỡng ép, lừa dối, cản trở việc kết hôn làm cho việc kết hôn không đảm bảo sự tự nguyện.
2.3 Người kết hôn không phải là người mất năng lực hành vi dân sự
Điểm c khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 số 52/2014/QH13 quy định nam, nữ khi kết hôn phải là người không bị mất năng lực hành vi dân sự.
Theo quy định theo khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó mất năng lực hành vi trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định. Như vậy, tại thời điểm kết hôn mà một người có quyết định của Tòa án tuyên bố người đó là người mất năng lực hành vi dân sự thì không đủ điều kiện kết hôn.
Quy định này đảm bảo tính logic với quy định về sự tự nguyện kết hôn. Bởi vì, người mất năng lực hành vi dân sự thì không thể tự nguyện bày tỏ ý chí trong việc kết hôn. Do vậy, việc chuyển hóa từ một điều cấm thành một yêu cầu đối với người kết hôn là thể hiện rõ tính nhân văn của điều kiện kết hôn này.
Thực tiễn đời sống hôn nhân và gia đình cho thấy, nhiều trường họp người mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, tuy nhiên không có yêu cầu Tòa án tuyên người đó là người mất năng lực hành vi dân sự. Vì thế, họ vẫn đủ điều kiện kết hôn, trong khi đó việc kết hôn này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của người kết hôn cũng như gia đình và xã hội. Vì vậy, cần phải có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cũng như ý thức tôn trọng quyền tự do kết hôn của cá nhân để mọi người tự giác thực hiện, tránh tình trạng quy định điều kiện chỉ mang tính chất hình thức.
2.4 Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn
Pháp luật quy định các trường hợp cấm kết hôn là nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng; giữ gìn thuần phong mỹ tục của người Việt Nam đối với đời sống hôn nhân và gia đình, góp phần duy trì và bảo tồn nòi giống, thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 số 52/2014/QH13, việc kết hôn bị cấm trong các trường hợp sau:
– Cấm kết hôn giả tạo: Quy định điều cấm thể hiện rõ thái độ của Nhà nước ta trong việc bảo vệ quyền tự do kết hôn của cá nhân, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc.
– Cấm kết hôn đối với người đang có vợ, có chồng hoặc cấm người chưa có vợ, có chồng kết hôn với người đang có vợ, có chồng.
Người đang có vợ, có chồng là người đang tồn tại một quan hệ hôn nhân được Nhà nước thừa nhận. Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP xác định người đang có vợ hoặc có chồng là:
+ Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa ly hôn;
+ Người sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 và đang chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn;
+ Người sống chung với người khác như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001 và đang chung sống với nhau như vợ chồng mà có đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn (trường hợp này chỉ áp dụng từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực cho đến trước ngày 01/01/2003).
– Cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời:
+ Những người có cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau (Xem khoản 17 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014). Ví dụ như cha mẹ với con, ông bà với các cháu.
+ Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba. Vì vậy, cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời được xác định cụ thể như sau: cấm kết hôn giữa anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; cấm kết hôn giữa bác ruột, chú ruột, cậu ruột với các cháu gái, bác ruột, cô ruột, dì ruột với các cháu trai và cấm kết hôn giữa anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì với nhau.
Việc cấm kết hôn giữa những người có mối liên hệ huyết thống trong phạm vi trên là hoàn toàn phù hợp. Quy định này góp phần duy trì và bảo tồn nòi giống, giúp gia đình thực hiện tốt chức năng sinh đẻ, nhằm thúc đậy sự phát triển của xã hội. Bởi vì, dựa trên kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực y học, các nhà khoa học đã chỉ rõ, việc kết hôn gần gũi về huyết thống trong phạm vi trực hệ hoặc ba đời sẽ để lại nhiều di chứng cho thế hệ đời sau. Thế hệ con cái của những cuộc hôn nhân này thường hay mắc các bệnh về nhiễm sắc thể, tỷ lệ tử vong sau sinh cao. Điều này là nguyên nhân làm suy giảm giống nòi, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.
+ Cấm kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Đặc biệt, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về điều kiện kết hôn tại Việt Nam. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.