Từ khi Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực, công tác thi hành án hình sự của các cơ quan có liên quan đã có nhiều chuyển biến tích cực, dần đi vào nề nếp, công tác kiểm sát thi hành án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân quận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu nghiệp vụ đã đề ra. Qua công tác kiểm sát thường xuyên và kiểm sát trực tiếp đã phát hiện các vi phạm, ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục sửa chữa góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự trên địa bàn quận.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành án hình sự vẫn để xảy ra thiếu sót, vi phạm, một số vi phạm lặp đi lặp lại nhiều lần, mặc dù đã được Viện kiểm sát kiến nghị yêu cầu khắc phục. Cụ thể, Cơ quan THAHS Công an quận chưa hướng dẫn nghiệp vụ sâu sát, hồ sơ án treo thiếu bản nhận xét của người được phân công giám sát giáo dục, bản án, quyết định không đóng dấu công văn đến; UBND phường chuyển giao hồ sơ chấp hành xong án treo không đúng quy định, nhận xét trong bản nhận xét của người được phân công giám sát, giáo dục không đúng, thiếu bản nhận xét, không yêu cầu bị án thực hiện đầy đủ nghĩa vụ dân sự, yêu cầu bị án viết bản cam kết không đúng quy định.
Vì vậy, cần nâng cao chất lượng kiểm sát thi hành án hình sự, nhất là chất lượng kiểm sát trực tiếp tại UBND các phường thuộc địa bàn quận.
1. Một số hạn chế, tồn tại
* Việc chấp hành pháp luật của UBND các phường trong công tác giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ.
– Việc bàn giao hồ sơ giữa Cơ quan Thi hành án hình sự cấp quận với UBND các phường chưa đúng do một số hồ sơ thể hiện bên nhận là Công an phường hoặc hồ sơ thi hành án xong do Công an phường chuyển giao cho Cơ quan thi hành án Công an quận để cấp giấy chứng nhận xong thời gian thử thách không đúng với quy định tại Điều 62 Luật thi hành án hình sự năm 2010
– Việc lập sổ, vào sổ được thực hiện tương đối đầy đủ, các hồ sơ đều có quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ nhưng cá biệt có một số quyết định không ghi số, không có thời gian ban hành quyết định (vi phạm Điều 74 Luật thi hành án hình sự năm 2010).
– Hồ sơ của các bị án đang chấp hành án phạt tù nhưng cho hưởng án treo tại địa phương đều không có Bản nhận xét về người chấp hành án của người được phân công giám sát, giáo dục theo mẫu PK18 ban hành kèm theo Thông tư số 63/2011/TT-BCA ngày 07/09/2011 của Bộ Công an. Người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục chưa chặt chẽ, dẫn đến một số trường hợp vi phạm pháp luật, phạm tội mới nhưng ghi nhận trong bản nhận xét.
– Người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án có nhiều tiến bộ, có đủ điều kiện để rút ngắn thời gian thử thách theo quy định nhưng UBND cấp phường không lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét rút ngắn thời gian thử thách, miễn, giảm thời hạn chấp hành án, ảnh hưởng tới quyền lợi của người chấp hành án, vi phạm quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 63 Luật thi hành án hình sự năm 2010.
– UBND cấp phường chưa thực hiện đúng trách nhiệm trong việc bổ sung hồ sơ thi hành án treo, án phạt cải tạo không igam giữ theo quy định tại Điều 68 và Điều 80 Luật thi hành án hình sự, hồ sơ thiếu biên lai nộp án phí dân sự, hình sự cho Chi cục THADS, biên bản bồi thường nghĩa vụ dân sự theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án… mặc dù trên thực tế, bị án đã nộp các án phí và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự này. Ngược lại, có trường hợp UBND phường lại không yêu cầu bị án thực hiện đầy đủ nghĩa vụ dân sự, yêu cầu bị án viết bản cam kết không đúng quy định.
* Việc chấp hành pháp luật của Cơ quan THAHS Công an quận trong công tác giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ.
Sau khi tiếp nhận các Bản án, Quyết định thi hành án Cơ quan thi hành án hình sự Công an quận hầu hết không đóng dấu công văn đến nên không có cơ sở xác định mốc thời điểm để ban hành các thông báo, lập hồ sơ đối với hồ sơ án treo, cải tạo không giam giữ theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
Mặc dù Cơ quan Thi hành án hình sự Công an quận đã có sự hướng dẫn nghiệp vụ cho Công an phường về công tác thi hành án hình sự cũng như ban hành một số văn bản triển khai, chấn chỉnh công tác này. Tuy nhiên, công tác hướng dẫn nghiệp vụ về công tác THAHS còn chưa sâu sát, chưa tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác này. Qua làm việc trực tiếp với UBND các phường, các cán bộ làm công tác này đều phải kiêm nhiệm nhiều công tác khác, thường xuyên thay đổi, luân chuyển nên khi không được hướng dẫn chi tiết, cụ thể, không tham gia các buổi tập huấn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
* Đối với người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ.
Trên thực tế, người được hưởng án treo thường có tâm lý là không phải đi chấp hành hình phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, được làm việc, lao động sản xuất tự do ở nhà nên không ít người coi án treo không phải là bị kết án hoặc biết bản thân đang phải chấp hành án nhưng lại có thái độ không hợp tác, bất cần, cố tình trốn tránh, không thực hiện các nghĩa vụ theo quy định, dẫn đến thực trạng án treo chỉ tồn tại trên hồ sơ, giấy tờ mà không có giá trị, hiệu quả giáo dục, cải tạo người phạm tội.
Một số trường hợp Cơ quan thi hành án hình sự Công an quận triệu tập đến trụ sở cơ quan để làm việc, ấn định thời gian có mặt tại UBND cấp phường, viết bản tự nhận xét… nhưng không đến theo giấy triệu tập mà không có lý do.
Trong thời gian chấp hành án, nhiều trường hợp tự ý bỏ đi khỏi địa phương, không thực hiện báo cáo theo quy định, không thực hiện nghĩa vụ định kỳ 03 tháng một lần nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật cho người trực tiếp giám sát, giáo dục, đặc biệt có trường hợp phạm tội mới trong thời gian thử thách.
2. Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát thi hành án hình sự
2.1. Các văn bản hướng dẫn thi hành
Ngày 01/7/2011, Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực, công tác thi hành án hình sự nói chung và công tác thi hành án hình sự tại UBND các phường đã thuận lợi, có hiệu quả cao. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành vẫn xảy ra những bất cập, vướng mắc như đã nêu trên. Có những vấn đề Luật chưa quy định chi tiết cụ thể nên việc áp dụng không thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp bị án bỏ đi khỏi địa phương không khai báo, không thực hiện việc viết và nộp bản tự nhận xét, không chấp hành nghĩa vụ dân sự theo bản án của tòa án thì Cơ quan Thi hành án hình sự cho rằng bị án đã không chấp hành nghĩa vụ theo quy định nên đến khi hết thời gian thử thách không cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách. Mặc dù Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có công văn hướng dẫn đối với các trường hợp nêu trên nếu qua xác minh không thể hiện bị án vi phạm pháp luật, phạm tội mới… ở nơi cư trú mới thì vẫn phải cấp giấy chứng chấp hành xong khi hết thời gian thử thách. Khi có kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát, Cơ quan THAHS chấp nhận và khắc phục nhưng chưa thuyết phục. Vì vậy, liên ngành cần có có văn bản hướng dẫn cụ thể đối việc cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp bỏ đi khỏi địa phương.
Trước khi Luật thi hành án hình sự được ban hành có hai quan điểm về cách tính thời gian thử thách của án treo. Thứ nhất là bắt đầu từ ngày tuyên án, thứ hai là từ khi có quyết định phân công người giám sát giáo dục. Luật thi hành án hình sự ra đời đã quy định thời gian thử thách của án treo được tính từ ngày tuyên án. Cách tính này là có lợi cho người chấp hành án tuy nhiên lại có những bất cập nhất định, do thời gian từ khi tuyên án đến khi bản án có hiệu lực pháp luật, ra quyết định thi hành án, lập hồ sơ… không có ai quản lý, giáo dục đồng thời cũng khó phát hiện bị án có vi phạm hay không. Để khắc phục vấn đề này, cần quy định việc viết bản tự nhận xét từ thời điểm tuyên án và người được phân công giám sát, giáo dục phải thực hiện việc xác minh lại, đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
2.2. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án hình sự
Kiểm sát viên làm công tác này có thể phối hợp với bộ phận thống kê của đơn vị để có thể nắm được có bao nhiêu bị cáo đã được xét xử (án đã có hiệu lực pháp luật) để đối chiếu với việc ra quyết định của Tòa án; trường hợp Tòa án chậm ra quyết định thi hành án hoặc chậm ủy thác thi hành án, ra các quyết định thi hành án không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung bản án đã tuyên… thì cần tập hợp vào sổ vi phạm để ban hành văn bản yêu cầu, kháng nghị hoặc kiến nghị đối với Tòa án theo đúng quy định của Luật thi hành án, khắc phục các vi phạm pháp luật. Qua đó, ta có thể kiểm sát được việc Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án theo đúng thẩm quyền, đảm bảo đúng nội dung quyết định của bản án trong thời hạn luật định. Kiểm sát chặt chẽ 100% các quyết định thi hành án.
– Lập hồ sơ kiểm sát thi hành án.
– Lập danh sách bị án và quản lý theo từng phường trên máy tính.
– Rà soát, lập danh sách lập danh sách các trường hợp đủ điều kiện xét giảm thời gian thử thách án treo, cải tạo không giam giữ.
– Chủ động xác minh các trường hợp hoãn thi hành án phạt tù.
– Phối hợp với Tòa án nhân dân để nắm rõ điều kiện hoãn thi hành án phạt tù của các bị án thông qua báo cáo của Cơ quan THAHS Công an quận gửi TAND quận (03 tháng một lần).
– Đề nghị và phối hợp với Cơ quan thi hành án hình sự tổ chức lớp tập huấn về công tác thi hành án hình sự.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân với Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án hình sự Công an quận và Ủy ban nhân dân các phường trên địa bàn nhằm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về công tác kiểm sát thi hành án hình sự.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát trực tiếp tại UBND các phường
3.1. Xây dựng kế hoạch kiểm sát trực tiếp
– Công tác chuẩn bị.
– Họp đoàn, phân công nhiệm vụ đối với từng thành viên trong đoàn kiểm sát.
3.2. Tiến hành kiểm sát trực tiếp
– Yêu cầu báo cáo theo các nội dung đã được nêu trong kế hoạch kiểm sát trực tiếp.
– Kiểm tra, hồ sơ, sổ sách; các thành viên trong đoàn thực hiện nhiệm vụ theo các nội dung đã được phân công.
– Lập biên bản trực tiếp kiểm sát.
3.3. Kết thúc cuộc kiểm sát trực tiếp, kết luận bằng văn bản
Kết luận trực tiếp kiểm sát nêu bao nhiêu vi phạm, thiếu sót thì trong phần kết luận phải kiến nghị, yêu cầu khắc phục tất cả các vi phạm đảm bảo công tác thi hành án hình sự được thực hiện nghiêm chỉnh, đúng quy định pháp luật.
Có quan điểm cho rằng, khi kiểm sát trực tiếp đoàn kiểm sát phát hiện vi phạm, cần kiến nghị yêu cầu khắc phục mới ban hành kết luận, ngược lại chỉ cần ký biên bản làm việc mà không ban hành kết luận. Tuy nhiên, quan điểm này là không đúng, trong mọi trường hợp khi tiến hành kiểm sát trực tiếp đều phải ban hành kết luận bên cạnh việc yêu cầu khắc phục, kiến nghị, kháng nghị nếu đơn vị được kiểm sát thực hiện tốt cần thể hiện rõ trong bản kết luận trực tiếp kiểm sát để UBND các phường tiếp tục phát huy, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.