Quyền tài sản là một dạng tài sản đặc biệt, giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các quyền tài sản trong thực tiễn ngày càng đa dạng và trở thành đối tượng giao dịch của nhiều giao dịch dân sự. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành điều chỉnh về quyền tài sản còn sơ sài, thiếu vắng nhiều nội dung quan trọng đã gây ra không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật. Bài viết này sẽ đưa ra một số vấn đề vướng mắc về quyền tài sản, từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.
1. Nhận diện quyền tài sản
Quyền tài sản là một loại tài sản vô hình đặc biệt được quy định trong các BLDS của Việt Nam. Trải qua các giai đoạn phát triển dài của lịch sử, của kinh tế xã hội, góc độ tiếp cận về quyền tài sản cũng có sự khác biệt giữa các BLDS. Khi xây dựng khái niệm quyền tài sản, những nhà lập pháp BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 đều thừa nhận 02 (hai) đặc điểm của quyền tài sản gồm:
(1) Các quyền tài sản phải trị giá được thành tiền (góc độ kinh tế của tài sản).
(2) Các quyền tài sản phải là đối tượng của giao dịch dân sự – có thể chuyển giao quyền sở hữu từ chủ thể này sang chủ thể khác.
Các quy định này dẫn dến các cách hiểu không thống nhất về một số quyền của chủ thể như: quyền yêu cầu cấp dưỡng; quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín bị xâm phạm… có phải quyền tài sản hay không, bởi chúng có thể trị giá được bằng một số tiền cụ thể nhưng pháp luật không cho phép chuyển giao quyền sở hữu từ chủ thể này sang chủ thể khác.
Đến BLDS năm 2015, khái niệm quyền tài sản được quy định tại Điều 115, theo đó: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu tí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Theo quy định này, quyền tài sản được hiểu các quyền của chủ thể được pháp luật ghi nhận, có thể trị giá được bằng tiền.
Những nhà lập pháp BLDS năm 2015 cho rằng, bản chất của quyền tài sản chỉ cần nhìn nhận ở góc độ kinh tế của nó (tức là trị giá được bằng tiền). Việc một quyền tài sản được chyển giao hay không được chuyển giao thông qua các giao dịch dân sự chỉ nhằm mục đích xác định quyền tài sản sự chỉ nhằm mục đích xác định quyền tài sản nào là đối tượng của giao dịch dân sự mà không phải đặc điểm của tài sản.
Cùng với đó, Điều 115 BLDS năm 2015 còn liệt kê các loại quyền tài sản bao gồm: quyền đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng dất và quyền tài sản khác. Có thể thấy, bên cạnh việc đưa ra định nghĩa quyền tài sản, điều luật còn cố gắng liệt kê những loại quyền tài sản hiện có trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Cách quy định này dẫn đến hai hệ quả:
Một là, thiếu những đặc điểm pháp lý để nhận diện quyền tài sản;
Hai là, việc liệt kê các quyền tài sản trong một điều luật dẫn đến sự thiếu sót nhiều quyền tài sản đang được pháp luật ghi nhận trong các luật chuyên ngành.
Bên cạnh quyền tài sản, BLDS năm 2015 còn ghi nhận quyền khác đối với tài sản, theo đó” Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc sở hữu của các chủ thể khác. Các quyền khác đối với tài sản bao gồm: quyền đối với bất động sản liền kề; quyền hưởng dụng; quyền bề mặt.”.
Dấu hiệu để nhận biết quyền khác đối với tài sản là tư cách của người đang trực tiếp nắm giữ, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Nếu một nguời không phải là chủ sở hữu tài sản nhưng có quyền nắm giữ, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản của người khác thì được xác định là người có quyền khác đối với tài sản (loại trừ những người có quyền sử dụng tài sản của người khác thông qua hợp đồng thuê, hợp đồng mượn tài sản).
Quyền khác đối với tài sản là một khái niệm mới được sử dụng để phân biệt với khái niệm quyền sở hữu và khái niệm quyền tài sản có nội hàm bao gồm: quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt. Hiện nay, có quan điểm cho rằng, khái niệm quyền khác đối với tài sản không phải là một bộ phận cấu thành của khái niệm quyền tài sản.
Lý giải cho quan điểm này, các học giả cho rằng, cách tiếp cận khái niệm tài sản trong BLDS của Việt Nam xây dựng theo hướng “tài sản là đối tượng của quyền sở hữu”. Quyền sở hữu được BLDS định nghĩa bằng cách liệt kê các quyền năng cụ thể của chủ sở hữu được thực hiện trên tài sản của mình. Quyền khác đối với tài sản, ở góc độ nào đó được hiểu là “sự phân rã” của quyền sở hữu (chủ sở hữu đã chuyển giao một số quyền năng của mình cho chủ thể hưởng quyền khác đối với tài sản nhưng vẫn giữ lại quyền định đoạt tài sản của mình).
Vì vậy, quyền khác đối với tài sản có nội hàm hẹp hơn khái niệm quyền sở hữu và không thể đồng nhất với khái niệm quyền tài sản. Đối lập với quan điểm trên, một số học giả khác lại cho rằng, quyền khác đối với tài sản là một bộ phận trong nội hàm của khái niệm quyền tài sản bởi việc quyền khác đối với tài sản khi được xác lập đều mang lại những lợi ích kinh tế cụ thể cho chủ thể hưởng quyền, đồng thời quyền này cũng có thể chuyển giao cho chủ thể khác thông qua giao dịch dân sự hoặc theo quy định của luật, tức là chúng mang đầy đủ những đặc điểm của một quyền tài sản mà BLDS Việt Nam quy định.
Khác biệt với pháp luật của các quốc gia khác trên thế giới, pháp luật Việt Nam hiện hành không coi quyền và vật như là những cách tiếp cận khác nhau về tài sản, mà coi đây là các loại tài sản khác nhau. Trong BLDS của Việt Nam, khái niệm quyền tài sản được xây dựng như một khái niệm đối lập với khái niệm vật trong cách phân loại tài sản. Những nhà lập pháp cho rằng, vật với tư cách là một tài sản phải được biểu hiện dưới dạng hữu hình. Đối lập với các vật hữu hình, quyền tài sản là những “vật vô hình”.
Trên cơ sở nghiên cứu các cách tiếp cận về tài sản trong pháp luật của một số quốc gia, tác giả nhận thấy với tính chất là một loại tài sản, quyền tài sản phải mang 03 đặc tính cơ bản:
(1) Quyền tài sản luôn tồn tại dưới dạng vô hình;
(2) Con người phải có thể nhận biết và kiểm soát được quyền tài sản;
(3) Các quyền tài sản đểu có thể trị giá được thành tiền.
2. Những bất cập trong quy định của pháp luật Việt Nam về quyền tài sản
Hiện nay, quy định của pháp luật Việt Nam về quyền tài sản nằm giải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau gồm: BLDS năm 2015; Luật Nhà ở 2014; Luật Đất đai năm 2013; Luật Doanh nghiệp năm 2020; Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành BLDS về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ ngày 19/03/202… Dưới góc độ khoa học pháp lý có nhiều căn cứ để phân loại quyền tài sản:
(i) Dựa vào yêu cầu buộc phải đăng ký hay không phải đăng ký, các quyền tài sản có thể chia thành 02 (hai) nhóm:
- Nhóm quyền tài sản bắt buộc phải đăng ký, gồm: quyền sử dụng đất, quyền đối với đối tượng của sở hữu công nghiệp….
- Nhóm quyền tài sản không bắt buộc phải đăng ký, gồm: quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán trong hợp đồng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm…
(ii) Dựa vào tính chất có thể chuyển giao hoặc không thể chuyển giao quyền sở hữu, các quyền tài sản có thể chia làm 02 (hai) nhóm:
- Nhóm quyền tài sản có thể chuyển giao quyền sở hữu từ chủ thể này sang chủ thể khác, gồm: quyền sử dụng đất, quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán trong hợp đồng…
- Nhóm quyền tài sản không thể chuyển giao quyền sở hữu, gồm: quyền yêu cầu cấp dưỡng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm để tính mạng, sức khoẻ…
(iii) Dựa trên căn cứ xác lập quyền, các quyền tài sản có thể chia thành 02 nhóm:
- (1) Nhóm quyền tài sản phát sinh từ giao dịch dân sự, gồm: quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán trong hợp đồng, quyền đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp…
- (2) Nhóm quyền tài sản phát sinh trên cơ sở Luật định gồm: quyền sử dụng đất, quyền đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ…
Các quyền tài sản phát sinh từ giao dịch dân sự mang đặc điểm của quyền đối nhân, dưới góc độ lý luận, chúng có thể phát sinh trên cơ sở một hợp đồng hoặc một hành vi pháp lý đơn phương. Quyền tài sản phát sinh từ giao dịch dân sự có nhiều tên gọi cụ thể: quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng vay tài sản, quyền yêu cầu thanh toán phát sinh từ hợp đồng mua bán tài sản hoặc hợp đồng dịch vụ, quyền nhận số tiền bảo hiểm phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, quyền đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản hình phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai…
2.1. Quyền đòi nợ và quyền yêu cầu thanh toán
Là một quyền tài sản “hiếm hoi” được pháp luật hiện hành quy định dùng làm tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bởi tính phổ biến của nó trong đời sống xã hội hiện đại ngày nay. Cơ sở phát sinh của quyền đòi nợ là một hợp đồng vay tài sản (hợp đồng vay số 01), theo đó bên cho vay đã chuyển giao tài sản cho bên vay. Chủ sở hữu quyền đòi nợ có quyền định đoạt thông qua việc chuyển nhượng, tặng cho, lập di chúc để lại thừa kế…
Ngoài ra, chủ sở hữu quyền đòi nợ có thể sử dụng quyền đòi nợ làm tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Khi chưa đến thời hạn trả nợ trong hợp đồng vay, do có nhu cầu cấp thiết về vốn, bên cho vay (bên thế chấp) sử dụng quyền đòi nợ của mình làm tài sản thế chấp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong một hợp đồng vay khác (hợp đồng vay số 02) đối với bên nhận thế chấp. Bên nhận thế chấp sẽ có quyền xử lý tài sản thế chấp, cụ thể là yêu cầu bên vay trong hợp đồng vay số 01 trực tiếp thanh toán cho mình khi đáp ứng đủ hai điều kiện:
(i) Bên thế chấp quyền đòi nợ (bên cho vay trong hợp đồng vay số 1) vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng vay số 2 là điều kiện phát sinh quyền xử lý tài sản bảo đảm;
(ii) Nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng vay số 01 đã đến hạn . Thực tiễn áp dụng, nhiều trường hợp có sự nhầm lẫn giữa quyền đòi nợ với quyền yêu cầu thanh toán theo hợp đồng. Khác với quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng vay tài sản, quyền yêu cầu thanh toán theo hợp đồng được phát sinh từ một hợp đồng song vụ (hợp đồng gia công, hợp đồng dịch vụ xây dựng…).
Các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành chưa đề cập đầy đủ các khía cạnh pháp lý khi sử dụng quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán khác làm tài sản bảo đảm. Cụ thể, Điều 33 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định khá đơn giản về quyền của bên có quyền đòi nợ, bên có quyền yêu cầu thanh toán được thế chấp quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ mà không cần sự đồng ý của bên có nghĩa vụ trả nợ.
Tuy nhiên, lại không quy định rõ việc thông báo cho bên có nghĩa vụ trả nợ là nghĩa vụ của bên thế chấp hay bên nhận thế chấp, trường hợp không thông báo cho bên có nghĩa vụ trả nợ, bên có nghĩa vụ thanh toán thì bên có nghĩa vụ trả nợ có quyền từ chối thanh toán cho bên nhận thế chấp hay không?
2.2. Quyền đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp
Phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Khi cá nhân, pháp nhân góp vốn vào doanh nghiệp, tài sản đó sẽ thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Chủ thể góp vốn không còn quyền sở hữu đối với tài sản đã vốn góp. Đổi lại, họ được Luật Doanh nghiệp công nhận là chủ sở hữu phần vốn góp của doanh nghiệp, được ghi nhận trong điều lệ, trong sổ đăng ký thành viên của doanh nghiệp.
Với tư cách là chủ sở hữu phần vốn góp, người góp vốn có các quyền sau: được phân chia lợi nhuận của doanh nghiệp tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp; gánh chịu những nghĩa vụ tài sản tương ứng với tỷ lệ vốn góp; định đoạt phần vốn góp mình bằng cách chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp, được quyền tham gia hoạt động quản trị của doanh nghiệp (biểu quyết, kiểm tra, xem xét, tra cứu sổ ghi chép và theo dõi các giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính hàng năm, biên bản họp và nghị quyết của hội đồng thành viên…).
Bên cạnh quyền định đoạt với phần vốn góp, pháp luật Việt Nam hiện hành ghi nhận chủ sở hữu phần vốn góp trong doanh nghiệp được sử dụng phần vốn góp của mình làm tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, không quy định cụ thể về xử lý tài sản thế chấp là quyền đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, những thiếu sót này đã làm cho quyền đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp “kém hấp dẫn” hơn những loại tài sản bảo đảm khác, gián tiếp gây khó khăn cho quá trình huy động vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh của các chủ thể sở hữu.
Còn tiếp …
Trên đây là bài viế của Luậ Dương Gia về “Bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định về quyền tài sản pháp luật Việt Nam”. Trường hợp bạn đang còn thắc mắc hoặc sử dụng dịch vụ pháp lý, liên hệ ngay Hotline: 079.497.8999 hoặc 093.154.8999 để đươc tư vấn và hỗ trợ sớm nhất!